ARM thiết kế chip dùng transistor 3D như Intel
Chip ARM vốn có ưu điểm về hiệu quả điện năng, nay sử dụng công nghệ transistor 3D để tiếp tục tăng hiệu suất và kéo dài hơn nữa thời gian dùng pin của máy tính bảng và điện thoại thông minh.
ARM mới thiết lập mối quan hệ đối tác với nhà sản xuất TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.) của Đài Loan để sản xuất chip 64-bit nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn nhờ vào việc sử dụng các transistor 3D như cách Intel áp dụng với chip thế hệ mới.
Theo thỏa thuận, TSMC sẽ tạo ra transistor 3D cho chip dựa trên kiến trúc 64-bit ARMv8 của ARM bằng quy trình sản xuất 20nm và nhỏ hơn. ARM cấp bản quyền các thiết kế bộ xử lý cho những công ty khác như Qualcomm, NVIDIA. Sau khi điều chỉnh lại thiết kế, những công ty này sẽ thuê các nhà sản xuất hợp đồng như TSMC chế tạo rồi nhận lại chip thành phẩm.
Hiện nay, các transistor thường được xếp ngang, nhưng một công nghệ sản xuất mới cho phép chúng được xếp chồng lên nhau theo chiều dọc. Công nghệ này được gọi là FinFET, đã được nghiên cứu trong hơn một thập kỷ qua, giúp tăng lên nhiều lần mật độ transistor trong các bóng bán dẫn.
Video đang HOT
Cuối năm ngoái, Intel đã bắt đầu sản xuất chip với các transistor 3D và khẳng định đã đạt được hiệu suất lớn, hiệu quả năng lượng tăng. ARM đang hy vọng cũng đạt được những điều tương tự. Trong một tuyên bố, ARM cho biết, quy trình transistor 3D của TSMC hứa hẹn “tốc độ ấn tượng, nhiều cải tiến về sức mạnh cũng như làm giảm rò rỉ năng lượng”.
ARM đang thống trị thị trường bộ xử lý điện thoại thông minh và máy tính bảng, và thiết kế bộ xử lý Cortex-A9 mới nhất của họ được sử dụng trong nhiều máy tính bảng như Google Nexus 7, Samsung Galaxy Tab 2. Chip với thiết kế bộ xử lý ARM vốn được coi là có hiệu quả sử dụng điện tốt, nay bổ sung transistor 3D nên có thể cải thiện thêm thời gian dùng pin của máy tính bảng và điện thoại thông minh.
ARMv8 có thêm cơ chế quản lý địa chỉ 64-bit, cải tiến so với kiến trúc ARMv7-A hiện tại chỉ hỗ trợ 32-bit. Với ARMv, ARM sẽ cạnh tranh trực tiếp với Intel và bộ xử lý Xeon 64-bit của hãng này.
Theo vietbao
Dân dùng bộ kích sóng gây nhiễu mạng di động
Tại Hà Nội, do một số điểm sóng di động phủ yếu nên nhiều người dân đã tự ý mua và cài đặt các thiết bị kích sóng để sử dụng dịch vụ nên đã làm can nhiễu tần số của các mạng di động.
Các bộ thiết bị kích sóng điện thoại di động hiện được nhiều đơn vị giới thiệu, bán tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình một trang web bán thiết bị kích sóng.
Thông tin nêu trên vừa được ông Đoàn Bình Giám đốc Trung tâm tần số vô tuyến điện (VTĐ) khu vực 1 thuộc Cục Tần số VTĐ, Bộ TT&TT cho biết tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BCVT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 của Sở TT&TT Hà Nội tổ chức ngày 24/7/2012.
Theo ông Đoàn Bình, qua kiểm tra, ở những khu vực, địa bàn dân cư mà vùng phủ sóng điện thoại yếu, để củng cố nâng cao chất lượng cuộc gọi, đã có một số cá nhân, đơn vị tự trang bị các bộ thiết bị kích sóng điện thoại (còn gọi là thiết bị khuyếch đại sóng điện thoại). Tình trạng này khá phổ biến ở một số nơi, ví dụ như kiểm tra ở 1 phố cổ, hay 1 ngách nhỏ ở Thái Thịnh, các cán bộ Trung tâm Tần số VTĐ khu vực 1 đã phát hiện tới 3 - 4 bộ thiết bị được người dân sử dụng.
"Việc người dân tự ý lắp, sử dụng bộ thiết bị kích sóng điện thoại đã khiến cho các mạng di động như MobiFone, VinaPhone và Viettel thời gian qua đều đã bị can nhiễu tương đối nhiều. Ở góc độ quản lý nhà nước, đây là hành vi vi phạm bởi lẽ băng tần thông tin di động được Nhà nước cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động và chỉ các nhà mạng được quyền sử dụng, khai thác", ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Tần số VTĐ khu vực 1, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng người dân phải mua, dùng thêm thiết bị kích sóng là do chất lượng dịch vụ thông tin di động-quyền lợi chính đáng của các thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động, chưa được các nhà mạng đảm bảo tốt. Vùng phủ sóng của các mạng di động tại một số địa bàn còn hạn chế.
Vì thế, ông Bình đề xuất, để giải quyết tình trạng người dân tự ý lắp thiết bị kích sóng gây can nhiễu tần số như hiện nay, các nhà mạng phải thường xuyên kiểm tra chất lượng, vùng phủ sóng của mình trên cơ sở đó có biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. "Còn về phía người dân, người sử dụng dịch vụ, khi gặp trường hợp vùng phủ sóng kém, cần liên lạc với nhà mạng để yêu cầu nhà mạng khắc phục, giải quyết", ông Bình khuyến nghị.
Trong thời gian tới, Trung tâm Tần số VTĐ khu vực 1 cũng dự kiến sẽ phối hợp với Sở TT&TT tiến hành kiểm tra chất lượng vùng phủ sóng di động. Với những khu vực sóng kém, yếu, không đảm bảo tiêu chuẩn, sẽ yêu cầu nhà mạng có giải pháp nhằm cao chất lượng vùng phủ sóng. Theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có trên 5.000 trạm BTS của các mạng thông tin di động.
Tuy nhiên, các mạng di động lại cho rằng nguyên nhân sóng yếu không phải do nhà mạng, mà nhiều điểm tại Hà Nội không thể lắp đặt trạm thu phát sóng BTS do người dân phản đối. Vì vậy, nhiều điểm trở thành "vùng lõm" bất đắc dĩ. Các nhà mạng cũng đã sử dụng nhiều giải pháp như dùng trạm lặp để chuyển tiếp sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhưng chỉ cung cấp được trong vùng nhỏ hẹp. Như vậy, bài toán phủ sóng tại Hà Nội đang gặp bất cập vì nhiều người dân không có sóng để sử dụng dịch vụ, trong khi nhà mạng triển khai lắp trạm phủ sóng thì dân lại cản trở không cho lắp.
Theo vietbao
Stalkbook - tên "gián điệp" đằng sau trang Facebook của bạn Stalkbook cho phép bạn có thể lén theo dõi hoạt động của những thành viên sinh hoạt trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook ngay cả khi giữa bạn và người bị theo dõi không có mối quan hệ bạn bè. -Stalkbook sẽ dò quét thông tin của người dùng cũng như bạn bè của họ, và lưu một bản copy...