Argentina nhận khoản vay kỷ lục 57 tỷ USD từ IMF
Quốc gia Nam Mỹ nhận được khoản vay lớn nhất lịch sử IMF với các điều khoản nghiêm ngặt, từ cam kết không thâm hụt ngân sách đến giới hạn quyền can thiệp của ngân hàng trung ương.
Theo Guardian, khoản vay kỷ lục từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ được giải ngân theo nhiều đợt trong vòng 3 năm tới, đạt tổng giá trị lên đến 57,1 tỷ USD. Gói hỗ trợ nhằm vực dậy hệ thống tài chính nước này đang chìm trong khủng hoảng.
“Đây là khoản vay lớn nhất trong lịch sử IMF”, Giám đốc Christine Lagarde ngày 26/9 cho biết. Thỏa thuận cuối cùng giữa các bên được công bố cùng ngày tại New York và Argentina đã nhận trước 15 tỷ USD.
Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne họp báo tại New York. Ảnh: AP.
Chính phủ của Tổng thống Mauricio Marci từ tháng 6 đã đạt được thỏa thuận vay 50 tỷ USD sau khi đất nước lâm vào khủng hoảng tiền tệ, đồng peso rớt giá và lạm phát lên đến 2 con số.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Nicolas Dujovne, IMF đồng ý tăng thêm 7,1 tỷ USDcho gói hỗ trợ tài chính dành cho quốc gia Nam Mỹ vào phút chót.
Video đang HOT
“Thỏa thuận này sẽ cho phép đất nước chấm dứt tình trạng biến động những tháng qua”, ông Dujovne trả lời họp báo tại New York ngày 26/9, bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Gói hỗ trợ tài chính kỷ lục cũng đi kèm nhiều điều kiện vô cùng nghiêm ngặt. Chính phủ Argentina phải cam kết không để xảy ra thâm hụt ngân sách vào năm 2019. Ngân hàng trung ương chỉ được phép can thiệp vào thị trường tiền tệ trong những trường hợp bất khả kháng.
Cột mốc cho phép Ngân hàng trung ương Argentina can thiệp ổn định tiền tệ là khi tỷ giá hối đoái chạm ngưỡng 44 peso đổi được 1 USD. Hiện đồng tiền của Argentina đang ở mức 39 peso đổi được 1 USD, giảm 50% giá trị kể từ đầu năm 2018.
Thỏa thuận được công bố chỉ 1 ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Argentina, ông Nicolas Caputo, bất ngờ từ chức. Truyền thông nước này cho biết có ông Caputo có mâu thuẫn với IMF về các điều kiện can thiệp giải cứu đồng peso trong tương lai.
Tổng thống Argentina Mauricio Marci (giữa) thảo luận cùng Giám đốc IMF Christine Lagarde và Bộ trưởng Kinh tế Nicolas Dujovne tại New York. Ảnh: AFP.
Hôm 25/9, hàng nghìn người Argentina đã tham gia cuộc đình công toàn quốc, phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Tổng thống Marci và bày tỏ sự phẫn nộ trước tình hình kinh tế nước nhà.
Phần lớn dư luận cho rằng chính các tổ chức cho vay quốc tế đã khuyến khích những chính sách kinh tế sai lầm ở Argentina, dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử vào năm 2001 và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. IMF cũng thừa nhận từng phạm phải một chuỗi sai lầm gây nên hệ quả kinh tế nghiêm trọng ở Argentina.
Trong một báo cáo năm 2004, cơ quan kiểm toán nội bộ của IMF kết luận rằng tổ chức tài chính quốc tế đã không đưa ra đủ các biện pháp giám sát cần thiết.
IMF khi đó đánh giá quá cao tiềm năng tăng trưởng và khả năng thành công của nền kinh tế Argentina. IMF vẫn tiếp tục cho Argentina vay tiền dù cấu trúc nợ của nước này không bền vững.
Thanh Danh
Theo news.zing.vn
Các cuộc chiến thương mại khiến kinh tế toàn cầu lâm vào tình cảnh 'lung lay'
Theo báo cáo công bố ngày 26/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn.
Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi. Ảnh: theabujatimes.com
Báo cáo năm 2018 về "Thương mại và phát triển: Quyền lực, nền tảng và ảo tưởng thương mại tự do" đã cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức tiềm năng. Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước đã thất bại trong việc thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế chính khổng lồ phát triển một cách thiếu kiểm soát.
Báo cáo nêu rõ, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang là dấu hiệu xuống cấp của hệ thống kinh tế và cơ chế đa phương. Đây được xem là vòng luẩn quẩn về bất bình đẳng và sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi chính trị và tiền bạc của các tập đoàn.
Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận định, kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều áp lực, bao gồm việc tăng thuế quan, các dòng tài chính bất ổn. Tuy nhiên, đằng sau các mối đe dọa sự ổn định toàn cầu này là thất bại lớn hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng và mất cân bằng trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, thay vì giải quyết gốc rễ nguyên nhân, thế giới đã cho phép các thể chế tài chính lớn mạnh hơn, trong khi các ngân hàng "ngầm" tăng trưởng lên tới 160.000 tỷ USD, gấp đôi quy mô kinh tế toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng cổ phiếu nợ đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, gấp 3 lần tổng thu nhập của thế giới và cao hơn 50% so với giai đoạn xảy ra khủng hoảng.
Người đứng đầu mảng chiến lược phát triển và toàn cầu hóa UNCTAD Richard Kozul-Wright cảnh báo lịch sử đã chứng minh các bong bóng do nợ gây nên đều luôn dẫn tới những hậu quả rất tồi tệ. Nợ cao gắn liền với sự gia tăng bất bình đẳng khi mà ảnh hưởng của các thể chế tài chính cũng tăng lên và số lượng doanh nghiệp lớn giảm đi. Ông Kozul-Wright đánh giá 1% số các tập đoàn lớn kiểm soát hơn 50% giao dịch thương mại thế giới. Điều này là rất đáng quan ngại vì các "đại gia" chính là nguồn cơn gây ra sự bất bình đẳng trong thế giới tài chính hóa ngày nay.
Trong khi đó, lòng tin vào hệ thống lại suy giảm nghiêm trọng khi các thể chế tài chính gây ra khủng hoảng lại không phải chịu trách nhiệm và thậm chí kiếm thêm lợi nhuận từ việc này. Ông Kozul-Wright tin rằng chiến tranh thương mại đã phản ánh sự thiếu lòng tin trên khắp hệ thống chính trị. Trong khi đó, UNCTAD cảnh báo rằng các đòn đáp trả thương mại gần đây sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ với thương mại.
Đặng Ánh (TTXVN)
Trước giờ giao dịch 27/9: Theo dõi phản ứng thị trường trước các thông tin quan trọng Không nằm ngoài dự báo của các CTCK trong nước, Việt Nam đã được lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Trong khi đó, đêm qua FED đã công bố tăng lãi suất lên 2,25%. Đây là những thông tin quan trọng sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư các thị trường chứng...