AquaOne của Shark Liên đem gần hết cổ phần thế chấp huy động vốn
CTCP Nước AquaOne những năm gần đây liên tiếp được giao đầu tư các dự án nước sạch lớn, trong đó có dự án Nước mặt Sông Đuống gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư của đơn vị này khiến các chuyên gia lo ngại hình thành những “BOT nước” mới.
Xung quanh câu chuyện giá nước thu mua từ Công ty CP Nước mặt Sông Đuống được tạm tính 10.246 đồng/m3, cao hơn giá nước bán lẻ gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội giải thích do nhà máy nước có mức đầu tư lớn cùng với đó là chi phí tài chính đội do sử dụng đòn bẩy nợ vay cao trong quá trình xây dựng.
Theo ông Hà, chủ đầu tư dự án nước Sông Đuống – CTCP Nước AquaOne vay tới gần 4.000 tỷ đồng để đầu tư nhà máy, con số này tương đương 80% tổng mức đầu tư. Vốn vay cao khiến cho chi phí lãi vay chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tức khoảng 2.100 đồng/m3.
Khởi công từ tháng 3/2017, đầu tháng 9 vừa qua Nhà máy nước mặt Sông Đuống chính thức được khánh thành giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Đây là một trong hai nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc, đủ khả năng cung cấp nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội.
Chủ đầu tư dự án nước Sông Đuống – CTCP Nước AquaOne vay gần 4.000 tỷ đồng để đầu tư nhà máy.
Ngay sau khi khánh thành, Wha-up (một công ty Thái Lan) công bố thương vụ mua lại 34% nhà máy nước Sông Đuống với giá 2.073 tỉ đồng. Con số này đưa định giá nhà máy lên mức 6.097 tỉ đồng, gấp 6 lần số vốn góp ban đầu. Theo quan sát, Wha-up đã mua cổ phần từ quĩ đầu tư VIAC (No.1) Limited Partnership thuộc Vietnam Oman Investment 27% vốn điều lệ giá trị 1.646 tỉ đồng và từ CTCP Nước AquaOne, 7% vốn điều lệ giá trị 427 tỉ đồng.
Sau khi thoái bớt vốn, AquaOne vẫn là cổ đông lớn nhất tại Nước mặt Sông Đuống và nắm quyền chi phối 51%, tiếp theo là cổ đông Thái Lan Wha-up nắm 34%. Hai cổ đông Nhà nước là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom) và Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) lần lượt nắm 10% và 5%.
Năm 2014, bà Đỗ Thị Kim Liên ( Shark Liên) cùng các cộng sự sáng lập nên CTCP Nước AquaOne; công ty khi đó có vốn 100 tỉ đồng do Shark Liên góp vốn 50%, bà Nguyễn Thu Hương góp vốn 40%, hai cổ đông khác là bà Đinh Thị Linh Chi và ông Võ Song Bình mỗi người 5%.
Đến thời điểm hiện tại, AquaOne đã tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng với cơ cấu cổ đông hoàn toàn thay đổi. Trong đó nắm giữ nhiều nhất là CTCP Đầu tư Một Trăm 50%, Công ty TNHH MTV One Invest 40% và ba cổ đông cá nhân gồm bà Đỗ Thị Minh Đức (em gái Shark Liên) 6%, bà Đinh Thị Linh Chi 3% và ông Nguyễn Văn Mỹ 1%.
Nhưng thực tế, CTCP Đầu tư Một Trăm lại là doanh nghiệp do bà Đỗ Thị Minh Đức là người đại diện pháp luật. Thành phần sáng lập của công ty này cũng bao gồm bà Đỗ Thị Kim Liên góp 50% và bà Đức góp tới 45%. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV OneInvest hiện cũng do một nhân vật đã nhắc đến ở trên – bà Đinh Thị Linh Chi làm đại diện pháp luật.
Video đang HOT
Đầu tháng 10 vừa qua, Shark Liên chính thức trở thành Tổng giám đốc tại AquaOne, hoán đổi vị trí với ông Tạ Đức Hoàng tại CTCP Nước mặt Sông Đuống.
AquaOne cầm cố cổ phiếu Công ty CP Nước mặt Sông Đuống huy động vốn
Như đã đề cập, AquaOne – cổ đông lớn nhất Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đã tăng cường vay nợ cùng thời điểm góp vốn vào nhà máy Sông Đuống. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2017, khi nhà máy Sông Đuống khởi công được 9 tháng, nợ vay ngắn hạn của AquaOne ở mức 268 tỉ đồng, trong khi nợ vay dài hạn 587 tỉ đồng, tăng 65% so với năm trước đó.
Điều này có thể được hình dung rằng, việc đầu tư góp vốn vào dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống của Shark Liên rất có thể đã được tài trợ bằng vốn vay ngay từ đầu.
Và để có được các khoản vay, AquaOne của Shark Liên đem cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái làm tài sản đảm bảo.
AquaOne của Shark Liên đem cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái làm tài sản đảm bảo.
Dữ liệu từ Bộ Tư pháp cho thấy, để có được khoản vay 590 tỉ đồng đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina – chi nhánh Thiên Long, công ty AquaOne đã dùng 20,9 triệu cổ phiếu CTCP Nước mặt Sông Đuống làm tài sản đảm bảo (tương ứng 20,9% vốn điều lệ).
Đồng thời, công ty của Shark Liên cũng đã đem 20 triệu cổ phiếu Nước mặt Sông Đuống làm tài sản đảm bảo tại CTCP Quản lý Quĩ Sài Gòn (Sài Gòn Capital – nay đổi tên thành CTCP Quản lý quĩ VPS).
Như vậy 40,9 triệu cổ phiếu trên 51 triệu cổ phiếu Nước mặt Sông Đuống do AquaOne sở hữu đã được đem làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Chưa dừng lại ở đó, AquaOne cũng đem 16,64 triệu cổ phiếu CTCP Nước AquaOne Hậu Giang, tương đương 32% vốn cổ phần làm tài sản đảm bảo tại VIAC (No.1) Limited Partnership. Đem 14,7 triệu cổ phần và 8,26 triệu cổ phần CTCP Cấp thoát nước Phú Yên (Mã: PWS) làm tài sản đảm bảo tại CTCP Chứng khoán VPS và Ngân hàng TMCP Indovina – chi nhánh Thiên Long…
Indovina Bank (IVB) là ngân hàng liên doanh đầu tiên tại Việt Nam thành lập năm 1990. Đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của IVB là 193 triệu USD do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Cathay United (Cathay United Bank – CUB) của Đài Loan mỗi bên góp 50%.
Theo giới thiệu trên website AquaOne, công ty của Shark Liên hiện đang là chủ đầu tư ba dự án nước sạch qui mô lớn. Ngoài nước mặt Sông Đuống, AquaOne đang sở hữu 66% cổ phần tại CTCP Nước AquaOne Hậu Giang, vận hành nhà máy nước công suất 100.000 m3/ngày đêm, định hướng mở rộng đến 600.000 m3/ngày đêm trong tương lai.
AquaOne cũng được TP Hà Nội giao dự án nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đáp ứng nhu cầu của người dân phía Tây Nam Thủ đô. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành năm 2021 đạt công suất 150.000 m3/ngày đêm, dự kiến đến năm 2030 tăng công suất lên 900.000 m3/ngày đêm.
Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai được thành lập từ tháng 3/2018 với mức vốn điều lệ 530 tỉ đồng, 100% thuộc sở hữu của Nước AquaOne. Tại thời điểm thành lập, bà Đỗ Thị Kim Liên là Tổng giám đốc công ty này, tuy nhiên trung tuần tháng 10 vừa qua, Shark Liên chuyển giao lại cho ông Nguyễn Văn Lâm.
Tìm hiểu của người viết cho thấy, AquaOne hiện cũng đang sở hữu cổ phần tại một số doanh nghiệp nước địa phương, như tại CTCP Cấp thoát nước Phú Yên (Mã: PWS) nắm gần 60% vốn điều lệ; hay tại CTCP Nước sạch Hòa Bình (Mã: HBW) nắm 11%…
Theo Vietnambiz
Shark Liên rút khỏi vị trí CEO Công ty nước mặt Sông Đuống, người thay là doanh nhân 8x
Ngoài Tổng Giám đốc Tạ Đức Hoàng và Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên, danh sách người quản lý khác của công ty cho thấy người Thái đã chiếm đa số tại Công ty Nước mặt Sông Đuống.
Theo thông tin từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thời điểm ngày 18/11/2019, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã chính thức thay đổi vị trí Tổng giám đốc. Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã không còn ngồi ở vị trí này, người thay bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980.
Ông Tạ Đức Hoàng cũng là thành viên HĐQT của CTCP Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).
Trong khi đó, mặc dù rời vị trí CEO, Shark Liên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của công ty Nước mặt Sông Đuống.
Ngoài Tổng Giám đốc Tạ Đức Hoàng và Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên, danh sách người quản lý khác của công ty cho thấy người Thái đã chiếm đa số, gồm: Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.
Hai người còn lại trong BLĐ công ty là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.
CTCP Nước mặt Sông Đuống cũng chính thức trở thành công ty có vốn nước ngoài với vốn điều lệ 999,611 tỷ đồng, bao gồm 04 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) là cổ đông lớn nhất sở hữu 58% vốn điều lệ, tương đương 57.977.438 cổ phần
Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội (Hawaco) nắm giữ 10%, tương đương 9.996.110 cổ phần; Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) sở hữu 5%, tương đương 4.998.055 cổ phần. Đây là 2 cổ đông tổ chức với 100% vốn nhà nước.
Cổ đông thứ tư là VIAC (N0.1) Limited Parnership (có trụ sở tại Singapore) do ông Nguyễn Hồng Sơn làm đại diện. VIAC hiện sở hữu 27% cổ phần tại Nước mặt Sông Đuống, tương đương 26.989.497 cổ phần.
Hiện, vấn đề giá bán nước sạch của Công ty nước sạch Sông Đuống đang được dư luận đặc biệt quan tâm khi giá nước tạm tính của doanh nghiệp này gấp 2 lần giá bán buôn và cao hơn giá bán lẻ đến tay người dùng. Lý giải về con số 10.246 đồng/m3 nước sạch Sông Đuống, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết xác định giá trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ".
Với mức giá tạm tính này, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội cho biết họ không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội họ có thể thua lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm trong khi CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội cũng ước tính số lỗ lên đến 58 tỷ đồng.
Trước thực tế này, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần thanh tra, kiểm toán rõ giá dịch vụ công như nước sạch để tăng tính minh bạch và tạo được sự đồng thuận. Ông Hồ Đức Phớc cho biết, dự án xã hội hoá dịch vụ công như Nhà máy nước sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán Nhà nước. Bởi đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân.
Tuy nhiên, dự án tồn tại bất cập trong quản lý Nhà nước với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá là khi giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung nên cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính - Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ.
BẢO VY
Theo Bizlive.vn
Novaland tiếp tục 'bơm' hơn 2.000 tỷ đồng vào Nova Hospitality Ngày 11/11, Hội đồng Quản trị của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland, HoSE: NVL) công bố thông tin về Nghị quyết liên quan đến việc đầu tư thêm 2.319 tỷ đồng vào CTCP Nova Hospitality. Số tiền đầu tư thêm được Công ty dự kiến chia làm nhiều đợt góp vốn trong quý 4/2019. Từ đầu năm đến...