Apple và Google từng xóa TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng khác ở các quốc gia
Trước lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Google và Apple, các công ty sở hữu 2 hệ điều hành Android và iOS, đã xóa TikTok, WeChat cùng hàng loạt các ứng dụng ở nhiều quốc gia khác theo yêu cầu của chính quyền sở tại.
Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các công ty Mỹ ngừng kinh doanh với các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như TikTok hay WeChat. Quyết định của ông Trump xảy ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các cửa hàng ứng dụng, vốn bị thống trị bởi Apple và Google, xóa những ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc.
Hiện tại, cả Apple và Google đều chưa lên tiếng bình luận về việc họ có thực hiện yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump hay không. Trước Tổng thống Trump, Mỹ chưa từng cấm các ứng dụng của nước ngoài nhưng không đồng nghĩa các doanh nghiệp Mỹ chưa từng làm điều đó. Cả 2 công ty này đều đã gỡ bỏ nhiều ứng dụng theo yêu cầu của các chính phủ nước ngoài.
Từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019, Apple đã xóa 851 ứng dụng khỏi nền tảng của mình ở một số khu vực nhất định sau yêu cầu pháp lý từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga, Na Uy hay Ả rập Xê út. Khi Ấn Độ cấm TikTok và WeChat cùng hàng loạt các ứng dụng khác của Trung Quốc, chúng đồng loạt bị xóa khỏi App Store và Play Store ở quốc gia này chỉ trong vòng vài giờ.
Video đang HOT
Năm 2017, CEO Tim Cook đã xóa nhiều ứng dụng theo yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc và nói rằng: “Chúng tôi không muốn xóa các ứng dụng nhưng như chúng tôi đã làm ở các quốc gia khác, chúng tôi tuân thủ luật pháp ở bất cứ nơi đâu chúng tôi kinh doanh”.
Nếu các ứng dụng bị xóa, đại đa số người Mỹ sẽ không thể tải TikTok – ứng dụng phổ biến thứ 2 trên kho ứng dụng của Apple, hay WeChat, ứng dụng vốn được người Mỹ gốc Hoa sử dụng để liên lạc với gia đình hoặc bạn bè.
Trên thực tế, Trung Quốc mới là quốc gia yêu cầu Apple gỡ bỏ nhiều ứng dụng nhất. Theo Táo khuyết, Trung Quốc chiếm tổng số yêu cầu gỡ trên App Store kể từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019 và chiếm tới 85% số ứng dụng bị Apple gỡ bỏ. Theo Apple, phần lớn các yêu cầu liên quan đến nội dung nhạy cảm, cờ bạc và các hoạt động bất hợp pháp. Trong khi đó, Play Store không khả dụng ở Trung Quốc.
Trong khoảng thời gian trên, 15 quốc gia đã yêu cầu Apple xóa 1.311 ứng dụng. Cuối cùng, Apple xóa 851 ứng dụng ở nhiều quốc gia khác nhau. 97 ứng dụng khác bị xóa trong nửa đầu năm 2019 khi các chính phủ thông báo với Apple rằng chúng vi phạm nguyên tác của chính Táo khuyết.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Apple cũng gỡ bỏ các ứng dụng theo yêu cầu của nhà chức trách. Năm 2019, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã yêu cầu Táo khuyết gỡ bỏ 275 ứng dụng vì “hoạt động bên ngoài các chính sách của chính phủ”. Tuy nhiên, Apple đã chống lại các yêu cầu và không gỡ bỏ bất cứ ứng dụng nào.
Số liệu thống kê này của Apple được lấy từ tháng 7/2018-6/2019. Nó chưa bao gồm số ứng dụng bị gỡ khỏi Ấn Độ trong thời gian vừa qua.
Lệnh cấm WeChat có thể giảm doanh số iPhone
Doanh số iPhone tại Trung Quốc có thể giảm mạnh thời gian tới nếu người dùng không thể tải WeChat từ kho ứng dụng của Apple.
Lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump không cho phép các công ty Mỹ được làm ăn với Tencent, chủ sở hữu WeChat. Điều này có thể dẫn đến việc Apple không được đưa ứng dụng WeChat lên App Store.
Ở Trung Quốc, "siêu ứng dụng" WeChat có mặt trong hầu hết ngóc ngách của đời sống, từ nhắn tin, gọi điện, thanh toán, tìm kiếm, trao đổi thông tin cho đến hẹn hò. Có hơn một tỷ người dùng Trung Quốc đang sử dụng WeChat thường xuyên. Du khách đến đây thường phải cài ứng dụng nếu muốn thanh toán cho các giao dịch từ lớn đến nhỏ.
Ứng dụng WeChat có thể bị gỡ trên kho ứng dụng của Apple nếu lệnh cấm của Trump được thực thi.
Nếu không thể truy cập vào WeChat, người dùng khó có thể mua iPhone ở Trung Quốc. Nếu mua iPhone mà không có WeChat, thì sẽ không ai dùng iPhone. Một cuộc thảo luận diễn ra trên diễn đàn trực tuyến của các nhà đầu tư chứng khoán về việc "Bạn sẽ bỏ iPhone hay WeChat nếu Apple xoá ứng dụng này khỏi App Store?". Kết quả phần lớn người dùng đều chọn ứng dụng thay vì điện thoại.
Anand Srinivasan, nhà phân tích của Bloomberg, cho biết thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 20% doanh số bán iPhone của Apple, vì vậy việc xoá WeChat trên App Store "sẽ là một trở ngại nghiêm trọng". Thông tin này đã khiến cổ phiếu của Apple giảm 2,5% vào ngày 7/8.
Mặc dù cửa hàng ứng dụng của Google bị cấm ở Trung Quốc, có nhiều cách để cài ứng dụng này lên điện thoại Android. Tuy nhiên, việc cài một phần mềm ngoài App Store lên iPhone lại không phải là điều đơn giản. Apple không bình luận gì về điều này.
Lệnh cấm của Trump cũng có thể khiến Trung Quốc trả đũa, làm Apple bị tổn hại. Srinivasan cho biết, phần lớn hoạt động sản xuất của Apple diễn ra tại Trung Quốc. Nếu chính quyền Bắc Kinh "phản đòn", hoạt động kinh doanh của Apple sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trung Quốc cũng có thể hạn chế nguồn cung cấp vật liệu, chẳng hạn những thành phần kim loại hiếm trong cấu tạo của iPhone. "Đây là cuộc chiến trên nhiều mặt trận và nó đã leo thang lên cả lĩnh vực phần mềm", nhà phân tích của Bloomberg đánh giá.
Sắc lệnh của Trump sẽ có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày 6/8. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn chưa được làm rõ và vẫn còn nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra. Một vài nguồn tin cho biết ông Trump sẽ tiếp tục thảo luận về lệnh cấm này và có thể đưa ra một số điều kiện ngoại lệ. Apple cũng có thể mở hệ điều hành của mình, cho phép người dùng tải ứng dụng mà không cần qua App Store. Tuy nhiên, đây sẽ là bước ngoặt lớn vì hãng vẫn cố gắng bảo vệ quyền truy cập vào hệ sinh thái và thu phí 30% từ nhiều ứng dụng.
Nếu lệnh cấm được tiến hành và Apple không có cách giải quyết, người dùng Trung Quốc có thể sẽ chuyển sang các thương hiệu nội địa như Huawei. Điều này lại vô tình có ích cho công ty mà Trump đang cố gắng làm suy giảm sức mạnh trong nhiều năm qua.
Mỹ mở rộng ứng dụng truy vết Covid-19 Đã có 20 bang chiếm khoảng 45% dân số của Mỹ tiếp cận các ứng dụng truy vết Covid-19 dựa trên công nghệ của Google và Apple. Công bố của Google cuối tháng 7 cho thấy ngày càng có nhiều nơi sử dụng công cụ theo dõi tiếp xúc của người dùng nhằm cảnh báo, hạn chế sự lây lan virus corona. 20...