APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ( APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao APEC ở Lima, Peru, ngày 16/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Tuyên bố Machu Picchu được đưa ra sau Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 tại Lima (Peru), những thay đổi chưa từng có và nhanh chóng vẫn đang định hình thế giới ngày nay. Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo APEC đã ghi nhận những thay đổi lớn ảnh hưởng đến các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Tuyên bố cho rằng “hợp tác đa phương hiệu quả thậm chí còn quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay”. Các nhà lãnh đạo APEC cũng nhắc lại cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như tiếp tục củng cố môi trường thương mại và đầu tư khu vực để ứng phó với các thách thức toàn cầu mới nổi. Để xúc tiến kế hoạch này, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua “Tuyên bố Ichma về Diện mạo mới của Khu vực thương mại tự do” trong chương trình nghị sự châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết tăng cường kết nối chuỗi cung ứng để thiết lập các chuỗi cung ứng an toàn, có khả năng phục hồi cao, bền vững và toàn diện.
Tuyên bố Machu Picchu còn nhắc lại cam kết đẩy nhanh tiến trình thực thi đầy đủ Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nền kinh tế thành viên APEC đặt mục tiêu nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và mức độ tin cậy của thương mại thông qua biện pháp cải thiện các hệ thống một cửa, số hóa các quy trình chính và thúc đẩy thương mại không giấy tờ xuyên biên giới.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cho biết sẽ đẩy nhanh tiến trình thảo luận với các thành viên khác của WTO với mục tiêu xây dựng thành công hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ và hiệu quả mà mọi thành viên đều có thể tiếp cận vào năm 2024.
Trong tuyên bố Machu Picchu, các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh lập trường ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp với WTO nằm ở vị trí cốt lõi, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu cải cách WTO để nâng cấp toàn bộ chức năng của tổ chức này.
APEC 2024: Tổng thống Peru ưu tiên tăng trưởng bền vững trong chương trình nghị sự
Ngày 13/11, Tổng thống Peru, Dina Boluarte khẳng định một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là tăng trưởng bền vững.
Tổng thống Peru Dina Boluarte. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn lần thứ hai về Tương lai bền vững trong APEC 2024, Tổng thống Boluarte nhấn mạnh đã có những bước tiến quan trọng để "tích hợp tính bền vững vào chiến lược tăng trưởng" của APEC và "điều này bao gồm việc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và cải thiện an ninh lương thực".
Tổng thống Boluarte cho biết Peru, nước chủ nhà APEC 2024, đã thúc đẩy việc thiết lập các chỉ dẫn để phát triển và thực hiện lộ trình hydro sạch và ít carbon, vốn được các nền kinh tế APEC phê duyệt vào tháng 8 vừa qua. Bà Boluarte nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận Trujillo của APEC nhằm ngăn ngừa và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thể hiện "cam kết kiên định" của các nền kinh tế APEC nhằm hướng tới các hệ thống nông nghiệp-thực phẩm bền vững hơn.
Tổng thống Boluarte cũng nhấn mạnh cần đảm bảo "mọi người đều được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng, đào tạo về kỹ năng kỹ thuật và nguồn tài chính cho phép họ phát triển các dự án và tiềm năng cá nhân". Theo bà Boluarte, trên tinh thần làm việc hợp tác, Peru không chỉ đóng góp cho sự phát triển của nước này mà còn củng cố tầm nhìn chung về một châu Á - Thái Bình Dương kiên cường hơn, toàn diện hơn và cam kết phát triển bền vững.
Diễn đàn lần thứ hai về Tương lai bền vững là một trong những hoạt động quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tại Lima với chủ đề "Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng". Tuần lễ Cấp cao dự kiến kết thúc vào ngày 16/11 tới với Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Hội nghị năm nay có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc kỷ niệm 35 năm thành lập APEC, là dịp để các thành viên rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới.
APEC 2024: Chủ tịch Trung Quốc nêu loạt đề xuất nhằm thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương phát triển Ngày 16/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã kêu gọi các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cùng chia sẻ trách nhiệm và phối hợp thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp...