Áp thấp nhiệt đới có thể không mạnh thành bão
Có thể không mạnh thãnh bão 13 như dự báo, tuy nhiên áp thấp nhiệt đới vẫn gây mưa to, gió lớn diện rộng khắp Nam Bộ và Tây Nguyên.
ảnh minh họa
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định khi đổ bộ, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão hoặc vẫn giữ nguyên cấp. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới vẫn gây mưa to diện rộng khắp Nam Bộ và Tây Nguyên
Theo thông báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ , từ trưa nay (6/11), do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến khoảng 40-100mm, một số nơi có lượng lớn hơn 150mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158mm, A Lưới (Huế) 152mm, Nam Đông (Huế) 205mm. Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 7, ở Cam Ranh (Khánh Hòa) có gió giật mạnh cấp 6.
Đến 16h chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Đến 4h ngày mai (7/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền miền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận có gió giật mạnh cấp 7-8. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6 – 7.
Từ gần sáng mai, vùng biển Cà Mau – Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió giật mạnh cấp 6-7. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m. Ngoài ra, khoảng đêm 8/11, bão Haiyan có khả năng đi vào Biển Đông và còn diễn biến phức tạp
Theo Dantri
Sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 13
Không khí chống bão đã phủ kín tất cả các tỉnh thành phía Nam. Cơn bão cuối mùa đột ngột quặt hướng đổ vào Nam Bộ cùng lúc với triều cường, được dự báo sẽ có diễn biến rất phức tạp.
Người dân huyện Cần Giờ ứng phó với bão
TPHCM: Khẩn trương triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và triều cường
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, lãnh đạo 24 quận, huyện nhằm triển khai ngay các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và triều cường ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM. Đồng thời đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kêu gọi tàu thuyền, đặc biệt là huyện Cần Giờ chủ động cấm biển, sơ tán dân xã đảo Thạnh An và vùng xung yếu vào nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, tùy theo tình hình của bão, huyện Cần Giờ thực hiện phương án di chuyển khoảng 2.000 dân trên xã đảo Thạnh An và gần 1.000 dân ở các cửa sông, vùng xung yếu vào đất liền để đảm bảo an toàn trong ngày hôm nay. Khẩn trương bố trí lực lượng túc trực để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông... hoàn thành trước khi bão đổ bộ.
Người dân được di dời đến nơi an toàn
Tính đến 9h30 sáng 6/11, hơn 1.600 dân tại huyện Cần Giờ đã được di dời về thị trấn Cần Thạnh. Những người di dời được tập kết về ba điểm là Nhà thiếu nhi huyện, Trung tâm Văn hóa huyện và Liên đoàn lao động huyện.
Video đang HOT
Liên quan đến việc ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 13, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM UBND TP. đã có công văn khẩn gửi Trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện; Hiệu trưởng các trường THPT, Cao đẳng...khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với cơn bão số 13, cụ thể:
Các đơn vị nâng cao ý thức cảnh giới, theo dõi và xử lý các tình huống trước, trong và sau khi cơn bão đi qua trên nguyên tắc an toàn về người, thiết bị, cơ sở vật chất, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và " ba sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lực lượng, phân công kiểm tra, bảo vệ hệ thống, thiết bị, cơ sở vật chất, trường học và xử lý mọi tình huống khi cơn bão đi qua. Hiệu trưởng các trường phối hợp với phụ huynh học sinh lưu ý không cho học sinh ra đường trong tình huống bão xảy ra và nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông từ nay cho đến khi bão đi qua. Nghiêm cấm việc tổ chức tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại Cần Giờ trong thời gian cơn bão số 13 đang hoạt động...
Ghi nhận đến 13h chiều 6/9, nhiều trường mầm non, tiểu học trên đị bàn các quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 và một số quận huyện vùng ven đã dán thông báo mời phụ huynh đón con về nhà trước lúc 15h chiều 6/11.
Tàu đánh cá neo đậu tại bờ biển Cần Giờ tránh bão
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương , đến 19h chiều 6/11, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Trường học đóng cửa, tàu cánh ngầm ngừng hoạt động
Là thành phố biển, có lượng lớn tàu cá hoạt động đánh bắt ngoài khơi nên trước diễn biến khó lường của cơn bão số 13 đang chuẩn bị ập đến, người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khẩn trương chuẩn bị các phương án đối phó với bão.
Bài học nhãn tiền mà người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đến bây giờ vẫn không thể quên được là những tổn thất khủng khiếp từ cơn bão số 9 năm 2006.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh BR-VT, để đối phó với cơn bão số 13, UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các phường xã trên địa bàn cần triển khai ngay các phương án nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
Ông Nguyễn Ngọc Lộc, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống Lụt bão tỉnh BR-VT cho biết: hiện nay tỉnh tổ chức trực ban 24/24 để theo dõi, nắm bắt tình hình cơn bão số 13, thông báo và liên hệ với gia đình có phương tiện đánh bắt xa bờ đang hoạt động trên biển chủ động tìm nơi ẩn nấp an toàn, các phương tiện vào bờ phải neo đậu có tổ chức tránh tình trạng va đập khi có sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, vận động người dân các vùng ven biển chằng chống nhà cửa, kiểm tra củng cố lại các công trình phòng chống bão tại chỗ như hầm trú bão, ống cống có sẵn tại địa phương... đề phòng khả năng bão sẽ ảnh hưởng đến địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh BR-VT cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã có công văn khẩn cấp số 1489/SGDĐT-VP thông báo và cho học sinh tất cả các cấp học từ mẫu giáo đến đại học phải nghỉ học vào chiều 6/11. "Tôi cũng đã yêu cầu các trường bố trí lượng lượng để bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất cho nhà trường và nhanh chóng khắc phục hậu quả khi cơn bão đi qua", ông Giang nói.
Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh BR-VT cũng yêu cầu phải tạm ngưng tất cả các chuyến tàu cao tốc tuyến Vũng Tàu - TPHCM trong chiều 6/11. Hiện toàn bộ tàu cánh ngầm đã di chuyển về TPHCM để tránh trú bão.
Các tàu cá đã về trú ẩn an toàn (Ảnh: Báo BR-VT)
BR-VT nổi bật với các hoạt động du lịch biển. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho du khách và hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, chiều 6/11, toàn bộ hoạt động kinh doanh du lịch tạm gác lại, tập trung bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người. Đến 14 giờ, tác cả các khu du lịch, resort, bãi tắm dọc chiều dài 100km đường bờ biển trên toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác dọn dẹp, chằng chống cơ sở vật chất, phân công lực lượng túc trực 24 giờ sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 13. Một số đơn vị không nhận khách trong hai ngày 6 và 7/11. Đối với những đơn vị có khách lưu trú, đại diện đơn vị gửi thông báo đến từng phòng đề nghị khách không tắm biển, không di chuyển khi bão đến.
Sáng sớm 6/11 tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh như: cảng cá Bến Lội - Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Bến Đá, Sao Mai, Cát Lỡ (Thành phố Vũng Tàu), lượng tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão đã bắt đầu tăng dần. Ban quản lý các cảng và ngư dân đang chằng chống, kết nối các tàu lại với nhau thành từng nhóm nhỏ để tránh va đập và đứt dây neo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh BR-VT cũng cho biết, ngoài công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, Sở còn chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tiến hành đến các hộ nuôi cá lồng bè khu vực sông Chà Và để hỗ trợ người dân chằng chống, bố trí thêm các neo để bảo vệ các lồng nuôi. Đối với người nuôi, khi có lệnh phải tiến hành di dời lên bờ khẩn cấp, không để người trú lại trong khu vực nuôi để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
ĐBSCL: Vẫn còn nhiều tàu thuyền hoạt động trên biển
Ngày 6/11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) các tỉnh ĐBSCL cho biết, hiện vẫn còn hàng trăm tàu thuyền hoạt động trên biển với hàng ngàn thuyền viên. Ngành chức năng đã kêu gọi tất cả trở vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 6/11, lãnh đạo BCH PCLB tỉnh Kiên Giangcho biết, UBND tỉnh có công văn khẩn yêu cầu các ngành chức năng triển khai các biển pháp để ứng phó với bão số 13 dự kiến sẽ đổ bộ vào Nam Bộ chiều nay.
Ông Nguyễn Tấn Phương- Phó phòng Tổ chức hành chính (BCH PCLB tỉnh Kiên Giang) cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị, TP túc trực sẵn sàng 24/24 để cập nhật, theo dõi diễn biến của bão, chủ động trong công tác phòng, chống.
Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang đánh bắt ngoài biển trở vào hoặc trốn tránh những nơi an toàn.
Theo ông Phương, qua thống kê hiện có hơn 4.130 tàu đã vô bờ, hiện còn hơn 260 tàu đang trên đường trở vào.
Nhiều tàu thuyền đã neo đậu vào bờ
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn- Chánh Văn phòng BCH PCLB tỉnh cho biết, tỉnh cũng có thông báo số 1 về việc triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 13.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bạc Liêu đã cấm các tàu thuyền ra khơi hoạt động từ 18h ngày 5/11 cho đến khi có bản tin cuối cùng về cơn bão số 13 mới cho tàu thuyền hoạt động trở lại bình thường.
Tỉnh cũng yêu cầu kiểm điểm chính xác số tàu thuyền và thuyền viên còn trên biển, hướng dẫn các tàu thuyền chủ động tìm nơi trú tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được xác định là vùng biển vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15.
Các đồn biên phòng mở các cột đèn tín hiệu báo bão và bố trí người trực 24/24 để phục vụ tàu thuyền. Kiên quyết không để người ở trên tàu cũng như tổ chức, bố trí phương tiện sẵn sàng phục cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống triều cường kết hợp mưa tập trung để đề phòng ngập úng.
Lãnh đạo BCH PCLB tỉnh Bạc Liêu theo dõi tình hình diễn biến của bão qua bản đồ.
Ông Lai Thanh Ẩn cho biết, tính đến 7h sáng ngày 6/11, số tàu thuyền còn hoạt động trên biển là 384 chiếc với hơn 2.700 thuyền viên. Trong đó tàu xa bờ là 335 chiếc với khoảng 2.500 thuyền viên. Khu vực hoạt động tại tọa độ 7,5 độ đến 9 độ vĩ bắc; 103,5 độ đến 105,5 kinh độ đông. Hiện cũng đã liên lạc được 100% số phương tiện hoạt động trên biển.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ẩn cho biết, địa bàn Bạc Liêu lo ngại ngất là tình trạng hoàn lưu bão kết hợp với triều cường và lốc xoáy. Do đó, ngành chức năng có thông báo liên tục cho người dân chủ động ứng phó.
Cũng theo ông Ẩn, tính đến 3h30 sáng nay 6/11, triều cường đo được ở đỉnh trạm Gành Hào là 2,14m; tình trạng này cũng đã gây ngập úng cục bộ một số điểm ở huyện Đông Hải, Hòa Bình và Giá Rai.
Nhà dân ở ven biển xây dựng không được chắc chắn nên đang là lo ngại cho nhiều tỉnh, thành ĐBSCL khi có bão. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, Văn phòng BCH PCLB tỉnh cũng cho biết, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố túc trực ứng phó cơn bão số 13.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhà cửa của người dân sống ven biển ở khu vực ĐBSCL chủ yếu là những căn nhà cấp 4 được xây dựng không chắc chắn nên đây là một trong những lo ngại lớn của chính quyền địa phương các tỉnh khi có bão đổ vào. Theo ghi nhận của PV Dân trí dọc bờ biển Bạc Liêu trong sáng 6/11, dù cơn bão số 13 đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin nhưng rất nhiều hộ dân sống ở ven biển vẫn chưa có động thái gì để ứng phó với bão. Cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường. Có thể nói do bão ít xảy ra ở khu vực ĐBSCL nên người dân có phần chủ quan.
Còn nhớ cách đây ít năm, một cơn bão đã đổ vào tỉnh Cà Mau và đã gây thiệt hại khá nặng về người và tài sản. Trước tình hình cơn bão số 13 đang diễn ra phức tạp, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho biết cũng đã lên phương án ứng phó để tránh những thiệt hại quá lớn như cơn bão cách đây vài năm.
Phú Yên: Không lơ là trước diễn biến của bão số 13
Ngày 6/11, ông Trần Quang Nhất - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các ngành và địa phương tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển, đồng thời kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn.
Ông Nhất cũng yêu cầu các ngành liên quan tăng cường kiểm tra các hồ vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế; chủ động lên phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Mọi công tác chuẩn bị ứng phó phòng chống bão phải hoàn tất trước 15 giờ cùng ngày.
Tàu cá ngư dân tỉnh Phú Yên đang vào nơi neo đầu an toàn (ảnh Nhạn Sơn)
Do ảnh hưởng của bão từ chiều qua (5/11) đến sáng nay tại TP Tuy Hòa và nhiều vùng ở Phú Yên có vừa có nơi mưa to. Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, hiện mực nước các sông trên địa bàn đang ở mức dưới báo động 1 từ 0,1 đến 3,57m; mực nước các hồ thủy điện còn rất thấp, không xả lũ nhưng đang có mưa nên nhiều khả năng sẽ lên nhanh. Các đơn vị và người dân không được lơ là chủ quan vì đây là cơn bão cuối mùa mạnh và thường diễn biến phức tạp.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trung đoàn Không Quân 910 bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cùng các địa phương cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các Sở NN-PTNT, Công Thương chỉ đạo các Nhà máy Thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H'Năng, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam bố trí người bảo vệ công trình, sẵn sàng ứng cứu khi có mưa lớn, lũ xảy ra; kiểm tra vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và thông tin cảnh báo phương án sơ tán dân cho vùng hạ du...
Hiện có 59 tàu cá ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, trong đó 41 tàu đang tìm nơi tránh trú và 18 tàu đang trên đường chạy vào bờ; 131 tàu hoạt động ven bờ đánh bắt giã cào đi và về trong ngày. Tất cả các phương tiện đều nhận được thông tin về ATNĐ và thường xuyên giữ liên lạc với đất liền.
Tại Bình Định, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (bão số 13) nên đêm qua (5/11) và sáng nay tại TP Quy Nhơn và các huyện trên địa bàn tỉnh có mưa to.
Ngư dân Bình Định chủ động ứng phó với bão số 13 (ảnh D.Công)
Để chủ động ứng phó với bão, các đã phương đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các ngành liên quan thông báo khẩn cấp cho chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển và thông báo cho gia đình các chủ phương tiện tại các địa phương ven biển biết để chủ động thông báo kịp thời cho tàu thuyền, người thân nhanh chóng chóng tìm nơi tránh trú.
Trong đất liền, các địa phương cũng đã chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng di dời người dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; tăng cường công tác kiểm tra các hồ chưa để có giải pháp xử lý kịp thời tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo Dantri
Lo vỡ hồ Dầu Tiếng vì bão Phương án xấu nhất là bão vào, triều cường dâng cao, mưa cực lớn kéo dài dẫn đến thảm họa vỡ hồ Dầu Tiếng cũng đã được UBND tỉnh Bình Dương tính tới và có sẵn kịch bản ứng phó. Bình Dương: Lo vỡ hồ Dầu Tiếng Sáng 6/11, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ trực tiếp thị sát, kiểm...