Áp lực tứ bề của nữ thành viên hoàng gia Nhật
Những phụ nữ trong hoàng gia Nhật Bản luôn bị ràng buộc bởi những chuẩn mực xưa cũ và thường bị công chúng soi xét khắt khe.
Gần ba thập kỷ trước, Thượng hoàng hậu Michiko từng bị mất giọng sau khi công chúng bàn tán về những khuyết điểm của bà. 10 năm sau, con dâu bà, Hoàng hậu Masako, phải ngừng đảm nhận các công việc hoàng gia một khoảng thời gian để điều trị căn bệnh trầm cảm trước áp lực từ truyền thông vì không thể sinh con trai.
Hồi đầu tháng, hoàng gia thông báo cháu gái của Thượng hoàng hậu Michiko, Công chúa Mako, 30 tuổi, bị chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn vì công chúng không ngừng phản đối chuyện tình cảm của cô với hôn phu Kei Komuro.
“Cô ấy cảm thấy như phẩm giá bị chà đạp”, bác sĩ tâm lý của Công chúa Mako cho biết trong một buổi họp báo, thêm rằng Công chúa “nghĩ mình là người không có giá trị gì”.
Công chúa Mako hôm 19/10 trên đường tới Tam cung Thánh địa tại Hoàng cung ở Tokyo để cầu nguyện trước hôn lễ. Ảnh: Reuters.
Dù kết hôn với thành viên hoàng gia hay sinh ra trong hoàng tộc, những người phụ nữ trong hoàng gia Nhật Bản luôn là tâm điểm chú ý của báo giới và công chúng. Họ phải sống và làm theo những chuẩn mực đôi khi bị đánh giá là quá khắt khe và các thành viên hoàng gia luôn được coi là biểu tượng của truyền thống Nhật Bản.
Phụ nữ hoàng gia không đủ điều kiện kế vị ngai vàng nhưng những chỉ trích mà họ phải hứng chịu có thể còn khắc nghiệt hơn so với nam giới.
“Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia, bạn còn cần phải có một phong cách thời trang đẹp. Và sau khi kết hôn, mục tiêu của bạn là sinh con”, Rika Kayama, giáo sư kiêm bác sĩ tâm lý tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, cho hay. “Liệu bạn có phải một người mẹ tốt không? Công chúng sẽ đặt câu hỏi như vậy. Bạn có mối quan hệ tốt với mẹ chồng không? Bạn hỗ trợ những người đàn ông trong nhà như thế nào? Có rất nhiều công việc họ phải thực hiện một cách hoàn hảo, không tì vết. Tôi không nghĩ các nam thành viên trong hoàng gia bị đánh giá, soi xét khắt khe như vậy”.
Nhật Bản đang dần thay đổi với việc hai phụ nữ đã tham gia cuộc đua cho ghế thủ tướng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền gần đây. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn cũng đang cố gắng đưa nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí lãnh đạo.
Nhưng trên nhiều phương diện, xã hội Nhật Bản vẫn đối xử với phụ nữ như những “công dân hạng hai”, bài viết của hai ký giả Motoko Rich và Hikari Hida trên NY Times có đoạn. Các cặp vợ chồng đã kết hôn không được phép có họ riêng, quy định khiến hầu hết phụ nữ phải theo họ của chồng. Phụ nữ vẫn còn ít đại diện trong các vị trí quản lý, quốc hội hay tại những trường đại học danh tiếng. Những phụ nữ phản đối tình trạng phân biệt đối xử hay ủng hộ bình đẳng giới thường bị công kích.
Video đang HOT
Trong hoàng gia, phụ nữ thường được kỳ vọng sẽ tuân thủ những giá trị của thời đại trước. “Có ý kiến cho rằng hoàng gia là một thể chế vượt thời gian và không phải một phần của xã hội hiện đại”, Mihoko Suzuki, giám đốc sáng lập Trung tâm Nhân văn tại Đại học Miami, cho hay. Theo bà, những người theo chủ nghĩa truyền thống luôn muốn đưa những ý niệm xưa cũ về vai trò giới vào hoàng gia.
Sau Thế chiến II, việc thần thánh hóa Nhật hoàng bị xóa bỏ và hiến pháp mới được áp dụng, quy định Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia, sự hoà hợp của dân tộc” chứ không có quyền lực chính trị. Và theo nhiều cách, ba thế hệ phụ nữ hoàng gia đã phản ánh sự phát triển của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ kể từ đó đến nay.
Thời hậu chiến, bà Michiko trở thành thường dân đầu tiên trong nhiều thế kỷ kết hôn với hoàng gia. Thay vì giao các con cho các thị thần nuôi dưỡng, bà Michiko đã tự mình chăm sóc. Xuất hiện cùng ông Akihito trong các chuyến công du, bà mang lại cảm giác gần gũi, thân thiện hơn cho hoàng gia khi sẵn sàng ngồi quỳ gối trò chuyện với các nạn nhân thảm họa hay người khuyết tật.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (bên phải) quỳ gối nói chuyện với người dân tại một trung tâm trú ẩn ở Shimabara, tỉnh Nagasaki, vào tháng 7/1991 sau vụ phun trào núi lửa Unzen. Ảnh: Kyodo.
Nhưng khi bà tiến hành cải tạo lại dinh thự hoàng gia hay mặc quá nhiều bộ trang phục khác nhau vào thời điểm bà là thái tử phi, báo chí đã bức xúc. Có tin đồn lan truyền rằng các quan chức hoàng gia và mẹ chồng đánh giá bà Michiko không thể hiện đủ tôn trọng với hoàng gia.
Năm 1963, sau 4 năm kết hôn, bà Michiko mang bầu nhưng bị thai trứng và phải phá thai. Bà tĩnh dưỡng hai tháng trong một biệt thự khi xuất hiện tin đồn rằng bà bị suy nhược thần kinh. 30 năm sau, khi đã lên ngôi hoàng hậu, bà lại trải qua một lần bị stress nặng và mất giọng. Vài tháng sau, bà mới lấy lại được giọng nói. Bà Michiko hiện là Thượng hoàng hậu sau khi Thượng hoàng Akihito thoái vị năm 2019.
Con dâu của bà, Masako , tốt nghiệp Đại học Harvard, đang có một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong ngành ngoại giao vào năm 1993 khi kết hôn với ông Naruhito, khi đó còn là thái tử. Nhiều nhà bình luận hy vọng bà có thể giúp hiện đại hóa hoàng gia và trở thành hình mẫu cho những phụ nữ trẻ của Nhật Bản.
Nhưng thay vào đó, mọi hành động của Thái tử phi đều bị phân tích, đánh giá về ảnh hưởng tiềm tàng đối với khả năng sinh con. Có thai lại sau một lần sẩy, bà sinh Công chúa Aiko, điều làm thất vọng những người muốn bà sinh hoàng tử để nối ngôi.
Vì muốn bảo vệ khả năng sinh sản của Thái tử phi Masako, các quan chức hoàng gia từng ngăn bà di chuyển quá nhiều, khiến bà phải rút khỏi các nghĩa vụ trước công chúng. Bà Masako năm 2004 đưa ra một tuyên bố nói rằng bà “kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất”. Bà Masako trở thành Hoàng hậu vào tháng 10/2019, khi ông Naruhito đăng cơ.
Trường hợp gần đây nhất của Công chúa Mako cho thấy một bộ phận công chúng vẫn muốn cô đạt được những kỳ vọng của hoàng gia, dù cô buộc phải từ bỏ tước vị sau khi kết hôn.
Công chúng đã có cái nhìn đầy tiêu cực và có phần khắc nghiệt trước lựa chọn của Công chúa Mako khi kết hôn với bạn trai Komuro, một thường dân có gia đình dính vào bê bối về tài chính, cho rằng anh không xứng đáng làm chồng Công chúa.
Mẹ Komuro và hôn phu cũ của bà được cho là có tranh chấp tiền bạc, liên quan đến cả chi phí học hành của Komuro.
Theo luật pháp Nhật Bản, Công chúa Mako sẽ mất vị thế hoàng gia sau khi nộp xong giấy tờ đăng ký kết hôn. 8 công chúa Nhật Bản khác đã kết hôn với thường dân và bị mất tước vị, song không ai bị công kích nặng nề như Công chúa Mako.
“Tôi thấy rất kỳ lạ khi người Nhật tin rằng họ nên có tiếng nói về việc cô ấy kết hôn”, Kenneth J. Ruoff, nhà sử học, chuyên gia nghiên cứu về hoàng gia Nhật Bản tại Đại học Bang Portland, Mỹ, bình luận.
Thái tử Naruhito và hôn thê Masako Owada vào năm 1993. Ảnh: AFP.
Cha của Công chúa Mako, Thái tử Akishino, ban đầu từ chối chấp thuận cuộc hôn nhân sau khi cặp đôi tuyên bố đính hôn vào năm 2017, nói rằng ông muốn công chúng chấp nhận họ trước khi ông chúc phúc cho hai người. Một số người dường như đã ghi nhớ lời nói của Thái tử.
Thái tử nói rằng “họ nên kết hôn với chúc phúc từ người dân, vì vậy chúng tôi có quyền đưa ra ý kiến”, Yoko Nishimura, 55 tuổi, nói. “Tôi nghĩ rằng người Nhật cảm thấy vì hoàng gia đại diện cho họ theo một cách nào đó, nên họ có quyền nêu ý kiến của mình”.
Thái tử Akishino cuối cùng cũng chấp nhận nhưng các bài bình luận không ngừng trên báo chí chính thống hay trên mạng xã hội đã gây ra hậu quả.
Ngay cả khi cặp đôi âm thầm chuẩn bị cho việc kết hôn và sẽ không cử hành hôn lễ theo nghi thức truyền thống, những lời lẽ công kích vẫn không dừng lại. Những tuần gần đây, đám đông biểu tình đã tuần hành ở Ginza, khu mua sắm nổi tiếng của Tokyo, mang theo những biểu ngữ có nội dung như “Đừng làm ô uế hoàng gia với cuộc hôn nhân bị nguyền rủa này” hay “Hãy hoàn thành trách nhiệm trước khi kết hôn”.
Một bình luận viên từ tạp chí Gendai Business đã phản đối gay gắt lựa chọn của Công chúa Mako, nói rằng cô sẽ “khiến Nhật Bản phải xấu hổ trên trường quốc tế”.
Trên Twitter, một số người gọi Công chúa Mako là “kẻ trộm thuế”, mặc dù cô đã quyết định từ bỏ hồi môn hoàng gia trị giá khoảng 1,4 triệu USD. Những người khác thậm chí cáo buộc Công chúa đã giả vờ bị căng thẳng.
Những nếu so sánh với hoàng gia Anh, có lẽ đây là điều không thể tránh khỏi. Trước khi kết hôn với Hoàng tử Harry, Meghan Markle đã phải chịu đựng nhiều tháng bị công kích vì hoàn cảnh gia đình cô. Giống như Meghan và Harry, Công chúa Mako và hôn phu Komuro dự kiến đến New York sống, nơi Komuro làm việc cho một văn phòng luật.
Cả Harry và Meghan đều đã trao đổi cởi mở về vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Những câu chuyện Hoàng tử Harry chia sẻ về chứng trầm cảm trước cái chết của mẹ anh, Công nương Diana, người cũng bị trầm cảm và rối loạn ăn uống, đã giúp mở ra các cuộc thảo luận nghiêm túc hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần tại Anh.
Những phụ nữ hoàng gia Nhật Bản cũng có thể là nguồn cảm hứng như vậy ở một quốc gia mà vấn đề này vẫn còn là chủ đề tế nhị.
“Tôi không nghĩ phụ nữ trong hoàng gia công khai về các vấn đề sức khỏe tâm thần để mở ra các cuộc thảo luận trong xã hội. Nhưng tôi nghĩ họ thật dũng cảm khi dám thừa nhận”, Kathryn Tanaka, phó giáo sư văn học và văn hóa Nhật Bản tại Đại học Hyogo, nhận xét.
Công chúa Nhật đón sinh nhật hoàng gia cuối cùng
Công chúa Mako mừng sinh nhật 30 tuổi, vài ngày trước khi làm đám cưới với hôn phu Komuro và rời khỏi hoàng gia.
Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản hôm nay công bố hình ảnh Công chúa Mako đi dạo trong dinh thự cùng em gái Kako, nhân dịp cô bước sang tuổi 30 và cũng là sinh nhật cuối cùng của Công chúa Mako trong tư cách thành viên hoàng gia Nhật Bản.
Công chúa Mako không đưa ra phát biểu nào trong ngày sinh nhật.
Công chúa Mako cùng em gái Kako tại dinh thự hoàng gia trong ảnh công bố hôm 23/10. Ảnh: Reuters.
Đám cưới của Công chúa Mako và hôn phu Kei Komuro được cho là sẽ diễn ra vào ngày 26/10. Tuy nhiên, do sự phản đối của công chúng liên quan đến bê bối tài chính của mẹ Komuro, hôn lễ sẽ không được tiến hành theo các nghi lễ hoàng gia truyền thống.
Công chúa Mako và Komuro đính hôn từ tháng 9/2017 và dự định tổ chức đám cưới vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, mẹ của Komuro sau đó vướng vào tranh chấp tiền bạc với hôn phu cũ của bà. Lùm xùm tiền nong khiến hai người bị truyền thông chú ý và phải hoãn cưới nhiều lần trước áp lực dư luận.
Sau khi kết hôn, Công chúa Mako sẽ cùng chồng chuyển tới Mỹ sinh sống. Ngoài mất tước vị hoàng gia Nhật Bản, Công chúa Mako còn từ chối 1,35 triệu USD hồi môn hoàng gia.
Công chúa Mako yết kiến Nhật hoàng trước lễ cưới Công chúa Mako yết kiến vợ chồng bác là Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako trước khi làm đám cưới với hôn phu Komuro vào tuần tới. Cuộc yết kiến hôm 22/10 diễn ra trong khoảng một giờ với sự tham dự của cả Công chúa Aiko, con gái Nhật hoàng. Công chúa Mako cũng sẽ yết kiến ông bà nội là...