Áp lực tăng giá điện từ sau tháng 6 là có?
Sức ép của việc tăng giá điện nằm ở chỗ EVN phải chạy điện dầu nhiều, nếu lỗ quá thì vẫn phải tăng giá. Giá điện bán buôn của EVN cho 5 Tổng công ty điện lực đã được điều chỉnh tăng. Dù đây là “giá nội bộ của EVN”, nhưng cũng ít nhiều cho thấy, áp lực tăng giá điện…
Việc điều chỉnh giá điện bán buôn của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) bán cho các Tổng công ty Điện lực sẽ không ảnh hưởng và làm tăng giá bán lẻ điện trong năm nay?
Có “dự phòng” tăng giá
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, giá điện bán buôn do Bộ Công thương công bố chỉ là giá nội bộ trong EVN, không ảnh hưởng đến giá điện bán lẻ bình quân cho người tiêu dùng, cũng không có nghĩa tăng giá điện bán buôn là sẽ phải tăng giá điện bán lẻ.
“Hiện EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016″-ông Tri nói.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, “áp lực tăng giá điện từ sau tháng 6 trở đi là có!”.
Ông Ngãi nói: “Thị trường điện năm nay vẫn có “dự phòng” tăng giá vì diễn biến thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn (đặc biệt là Nam bộ và ĐBSCL) diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng tới nguồn điện giá rẻ là thủy điện. Đến thời điểm này, miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa, có nước cho thủy điện phát. Tương tự, các nhà máy thủy điện ở miền Bắc cũng đã “đỡ hơn” nên lượng thủy điện thiếu hụt đến thời điểm này không quá lớn, chưa tạo ra áp lực phải tăng giá điện, ít nhất là đến hết tháng 6, 7.2016″.
Ông Ngãi cho biết, EVN đã phải xây dựng thêm một số nhà máy điện than để đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam, trong bối cảnh nguồn điện khí không tăng lên. “Sức ép của việc tăng giá nằm ở chỗ EVN phải chạy điện dầu nhiều, nếu lỗ quá thì vẫn phải tăng giá. Giá điện bán buôn của EVN cho 5 Tổng công ty điện lực đã được điều chỉnh tăng. Dù đây là “giá nội bộ của EVN”, nhưng cũng ít nhiều cho thấy, áp lực tăng giá điện và EVN đang phải cố gắng tiết giảm mọi chi phí hoạt động kinh doanh của mình để không phải kiến nghị Chính phủ tăng giá, trước mắt là đến hết tháng 6, 7.2016″, ông Ngãi nói.
Video đang HOT
GS.Viện sĩ Trần Đình Long-Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cũng phân tích: “Việc tăng giá điện bán buôn của EVN chắc chắn ảnh hưởng tới giá đầu vào của các công ty bán lẻ điện. Các doanh nghiệp bán lẻ này sẽ phải chịu chi phí giá điện tăng lên, tùy anh bán lẻ ở cấp điện áp nào với tỷ lệ tăng giá bao nhiêu. Tuy nhiên, giá điện bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quyết định nên chắc chắn các công ty điện lực không có quyền tăng giá bán lẻ lên theo”.
Không kiến nghị, nhưng…
EVN không kiến nghị tăng giá điện nhưng chính tập đoàn này không ít lần lưu ý, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 – 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và tạo sức ép tăng giá điện cũng rất lớn.
Thực tế, tính toán của EVN cho biết, năm nay nguồn thủy điện có giá rẻ nhất thiếu hụt ước khoảng 2,5 tỉ kWh. EVN đã phải liên tục điều chỉnh cơ cấu sản lượng các loại nguồn điện, trong đó điện giá rẻ chiếm tỷ lệ ít dần đi. Cụ thể nhất, mùa khô năm 2016, thủy điện được EVN dự kiến chỉ còn chiếm tỷ lệ 29,14% cơ cấu nguồn toàn hệ thống (trước khoảng trên dưới 40%). Nhiệt điện than chiếm 40,84% cơ cấu nguồn toàn hệ thống. Nhiệt điện khí chiếm 27,71% cơ cấu nguồn toàn hệ thống; còn lại là mua điện từ Trung Quốc và từ các nguồn khác.
Ngay từ cuối năm 2015, EVN đã phải chạy điện dầu với giá thành cao. EVN dự tính sản lượng điện thương phẩm năm 2016 sẽ tăng trưởng ít nhất tới 11- 12% so với năm 2015 thì không thể có giá thành điện cung ứng rẻ. Giá thành của điện chạy dầu, theo ông Ngãi lên tới khoảng 3.000-4.000 đồng/kWh, gấp cả gần chục lần so với nguồn điện giá rẻ như thủy điện. “Điện chạy dầu nhiều và lỗ chắc chắn EVN sẽ phải kiến nghị tăng giá”-ông Ngãi cho biết.
Chưa kể, các tác động do điều chỉnh tỷ giá cũng tác động tới giá thành sản xuất điện, giá bán than cho sản xuất điện tăng từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng… Riêng biến động tỷ giá năm 2015 đã làm tăng chi phí của ngành thêm 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 2.000 tỷ đồng là khoản phải thanh toán ngay trong năm 2015; 10.000 tỷ đồng còn lại là số tiền đội lên từ các khoản vay ngoại tệ dài hạn. Đây là những yếu tố chưa được đưa vào cân đối trong giá bán điện hiện hành. Các yếu tố này sẽ tạo áp lực lớn lên tình hình tài chính của EVN trong năm nay.
Ông Trần Viết Ngãi cho biết, thực chất ngành điện chỉ đang lãi khá ở thủy điện còn điện than và khí lãi rất ít (lượng khí cung cấp cho phát điện cũng chỉ đạt 60%); điện dầu đang lỗ nặng hoàn toàn.
Năm 2015, giá điện đã tăng lên 1 lần, mức 7,5% (tương ứng với gái 1.622,05 đồng/kWh). Tuy nhiên, “mức giá điện của năm 2015 vẫn chưa phải giá thị trường”. Đây là trả lời của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội hồi tháng 6.2015 khi giá điện vừa tăng.
Giá bán điện bình quân năm 2015 được chính EVN công bố là 1.629,8 đồng/kWh (giá chưa kiểm toán). EVN tính toán rằng giá bán điện bình quân cho năm 2016 dự kiến cao hơn 21 đồng so với giá bình quân thực tế năm 2015. EVN nêu giá điện bình quân dự kiến năm 2016 là 1.651,2 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn giá điện bình quân thực tế năm 2015 mà EVN thu được từ 21,2-21,4 đồng/kWh; còn so với giá bình quân được Chính phủ điều chỉnh hồi tháng 3.2015 (là 1.622 đồng/kWh) thì mức giá chỉ tiêu năm 2016 cao hơn gần 30 đồng/kWh.
Như vậy, người dân sẽ phải hiểu thế nào về thông tin không tăng giá điện trong năm nay của EVN, nhất là khi giá điện bán buôn đã tăng?
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định mới về khung giá bán buôn điện năm 2016, quy định mức giá bán buôn điện mà EVN được bán cho các tổng công ty điện lực năm 2016. Theo đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ chịu mức tăng 5%, mức tăng cao nhất so với mức tăng 2-4% được áp cho các tổng công ty điện lực khác. EVN sẽ ban hành giá bán cụ thể cho các tổng công ty điện lực trong giới hạn đã được Bộ Công thương cho phép (giá trần EVN được bán tăng từ 1.135 đồng/kWh lên 1.200 đồng/kWh, giá tối thiểu tăng từ 1.066 đồng/kWh lên 1.119 đồng/kWh).
Hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, tăng-giảm theo biến động khách quan của thông số đầu vào của tất cả khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Từ năm 2009 đến nay giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Riêng ngày 1.3.2011 tăng 15,28% so với năm 2010. Và theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (ngày 16.3.2015) giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Theo Danviet
Bộ Tài chính: Tiền hiếu hỷ không làm tăng giá bán lẻ điện của EVN
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tiền hiếu hỷ, đi nghỉ mát... cho bản thân và gia đình người lao động tại EVN nếu được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty này sẽ không làm tăng giá bán lẻ điện.
Khẳng định này được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra ngày 18.5 liên quan tới những quy định mới được nêu trong dự thảo Nghị định Quy chế quản lý tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được cơ quan này đưa ra lấy ý kiến.
Theo bản dự thảo Nghị định, EVN có thể được phép đưa các khoản chi như chi hiếu, hỷ, nghỉ mát, hỗ trợ đi lại ngày lễ, Tết cho người lao động... tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.
Giá bán lẻ điện sẽ không tăng vì tiền hiếu, hỷ, nghỉ mát trong ngành này.
Trên thực tế, đây là những khoản chi mới, chưa được quy định trong quy chế hiện hành của EVN. Trước đó từ tháng 3, Bộ Tài chính cũng công bố dự thảo tương tự về quy chế tài chính với một doanh nghiệp Nhà nước khác là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), song các khoản chi nói trên cũng không được đưa vào khung quy định về chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị này.
Ngay khi vừa được đưa ra lấy ý kiến, dự thảo Nghị định này đã ngay lập tức gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, việc đưa các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ khiến giá thành và giá bán lẻ điện tăng lên và người chịu tác động cuối cùng là người tiêu dùng. Cũng có quan điểm bày tỏ, việc đưa các khoản chi phúc lợi này vào hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh là bình thường.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, về mặt khoa học tài chính thì phúc lợi cho công nhân là một khoản chi phí để sản xuất. Luật đã quy định các doanh nghiệp tư nhân được hạch toán vào chi phí để trừ khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thì nay các doanh nghiệp Nhà nước cũng được hạch toán các chi phí này để tạo sự bình đẳng.
"Doanh nghiệp Nhà nước cũng là doanh nghiệp nên phải thực hiện bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Các loại hình doanh nghiệp khác được thực hiện quy định này thì tại sao ngành điện lại không?", ôngTuấn nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính cũng cho rằng, khi các khoản chi này đã được đưa vào chi phí sản xuất thì sẽ không được hạch toán thêm vào quỹ phúc lợi của doanh nghiệp để không trùng lặp và bình đẳng. Bên cạnh đó, việc đưa các chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát... vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN cũng không làm tăng giá bán lẻ điện tới tay người tiêu dùng, do đây là những chi phí trước thuế
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Thuế cho hay, nếu có đầy đủ chứng từ thì doanh nghiệp được chi cho người lao động các khoản như hiếu, hỷ, nghỉ mát của bản thân và người lao động... vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định này đã được nêu rõ trong Thông tư 96 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ năm 2015.
"Các khoản chi phúc lợi này được đưa vào chi phí tính thuế, thì doanh nghiệp được phép đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh, được hạch toán vào chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp", bà Cúc bày tỏ, đồng thời khẳng định, giá bán lẻ điện sẽ không tăng nếu chi phí sản xuất của EVN được "cộng" thêm các khoản tiền hiếu, hỷ, nghỉ mát...
"Doanh nghiệp phải tính toán chi phí bởi về nguyên tắc các khoản chi phí phải thực chi. Còn nếu doanh nghiệp không chi thì sẽ không ảnh hưởng gì tới đầu ra của giá thành sản xuất sản phẩm, tuỳ thuộc vào điều kiện của từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã dùng quỹ phúc lợi và không muốn tính vào chi phí thì không có vấn đề gì", Chủ tịch Hiệp hội Thuế chia sẻ.
Theo Anh Minh (vnexpress)
Giá điện tăng, dân không hài lòng là lỗi của ngành điện Trong năm 2015, giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so với kế hoạch), doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỉ đồng. Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của EVN, diễn ra ngày 6-1. Ông...