Áp lực lên tỷ giá của Việt Nam năm 2019 sẽ giảm?
Áp lực lên tỷ giá của Việt Nam năm 2019 được dự báo giảm do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.
Cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa qua đã quyết định điều chỉnh lãi suất sẽ được tăng thêm 0,25%, lên mức 2,25-2,5%. Vấn đề đặt ra là, việc tăng lãi suất đồng USD tại Mỹ sẽ có tác động thế nào đến tỷ giá của Việt Nam, đặc biệt là năm 2019 tỷ giá USD/VND sẽ có chiều hướng thế nào? Theo các phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.
Tỷ giá của Việt Nam sẽ ra sao?
BVSC đánh giá, năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018.
Dự báo áp lực lên tỷ giá của Việt Nam năm 2019 sẽ giảm
BVSC phân tích rằng, việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Về triển vọng năm 2019, BVSC dự báo: mặc dù FED sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng áp lực đối với VND trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018.
Tuy vậy, BVSC nhận định sự thận trọng là cần thiết nên NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng tiền Đồng được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
Video đang HOT
Số liệu do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, tỷ giá trung tâm VND/USD cuối năm 2018 đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng, theo Ủy ban này, là do tác động từ yếu tố quốc tế, vì chỉ số USD index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018. Đồng thời, đối với nguyên nhân trong nước thì yếu tố cơ bản là tỷ giá vẫn chịu áp lực từ phía lạm phát song lại được hỗ trợ tích cực từ phía cân đối cung cầu ngoại tệ.
Sang năm 2019, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Đó là, khả năng USD sẽ không tăng nhiều thậm chí có thể suy yếu hơn; Lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2019 và 2020
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tăng lãi suất lần cuối tháng 12 này của Fed trên thực tế đã được dự báo từ trước. Điều nhà đầu tư chờ đợi là những thông điệp FED đưa ra sau cuộc họp lần này. Cụ thể, mức dự báo trung vị về lãi suất của FED vào cuối năm 2019 và 2020 lần lượt là 2,9% và 3,1% – thấp hơn so với mức 3,1% và 3,4% trong dự báo của FED hồi tháng 9/2018. Đồng thời, mức lãi suất “trung tính” (neutral rate) cũng được FED dự kiến ở mức 2,8% thay cho mức 3% trước đây. Điều này hàm ý mức lãi suất vào cuối chu kỳ tăng của FED có thể còn vượt mức lãi suất trung tính.
BVSC cho rằng những ước tính của FED về các mức lãi suất mới trong thời gian tới có phần kém “nới lỏng” hơn so với bài phát biểu của chủ tịch FED hồi cuối tháng 11/2018.
Lý do FED vẫn quyết định tăng lãi suất trong tháng 12 và dự kiến sẽ còn tăng khoảng 2 lần nữa trong năm 2019 và 1 lần nữa trong năm 2020 chủ yếu xuất phát từ thực trạng của kinh tế Mỹ hiện nay (FED đánh giá tăng trưởng của Mỹ hiện là mạnh mẽ.
Các chuyên gia của BVSC cho rằng, bằng quyết định tăng lãi suất đêm qua, FED cho thấy cơ quan này hiện vẫn chú trọng mục tiêu hạ nhiệt dần nền kinh tế, đưa tăng trưởng của Mỹ về mức tiềm năng, tránh một cú “hạ cánh cứng”.
Mặc dù FED đã đưa ra lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới, nhưng BVSC cho rằng, các bước đi tiếp theo của FED sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế hàng tháng, hàng quý của Mỹ chứ không nhất thiết phải “cứng nhắc” đi theo lộ trình đã vạch sẵn. Nếu kinh tế Mỹ sẽ bước vào pha suy giảm chậm nhất trong nửa đầu năm 2020, thì đỉnh lãi suất của FED có thể sẽ rơi vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Sau đó, FED có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất trở lại trong nửa cuối năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế. Thực chất, việc FED liên tiếp tăng lãi suất cũng chính là tạo không gian chính sách (policy space) khi kinh tế Mỹ rơi vào pha suy giảm./.
Theo vov.vn
Nguy cơ VND "rơi bẫy" tác động kép tỷ giá
Giá USD tại hệ thống ngân hàng ngày 26/9 bất ngờ tăng vọt trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố...
Giá USD tuần này đã tăng khá mạnh từ 160-168 đồng/USD - Ảnh: K.Linh
Giá USD tại hệ thống ngân hàng ngày 26/9 bất ngờ tăng vọt trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 đẩy Việt Nam đồng (VND) trước nguy cơ phải chịu tác động kép nếu đồng nhân dân tệ được Trung Quốc phá giá do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Giá USD tăng mạnh
Chiều 26/9, giá USD trên hệ thống Vietcombank và BIDV cùng là 23.310-23.390 đồng/USD, tăng 10 đồng so với sáng nay và tăng 15 đồng so với ngày hôm trước. Tại Techcombank, giá USD cũng được đẩy lên mức cao 23.280-23.390 đồng/USD. Tại Dong A Bank, giá USD kể từ ngày 25/9 là 23.310-23.390 đồng/USD; Tại Sacombank là 23.307-23.398 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm trước và chạm trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước... So với tuần trước ở quanh mức 23.234 đồng/USD, giá USD tuần này đã tăng khá mạnh 160-168 đồng/USD.
Ngày 26/9 , giá USD trên thị trường tự do ngược chiều giảm từ 23.500 đồng/USD về 23.400 đồng/USD. Đây cũng là mức giá duy trì trong cả tuần trước.
Diễn biến đồng USD tại thị trường Việt Nam được liên hệ với thị trường thế giới ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kết thúc tối 26/9 theo giờ Mỹ. Bởi đến 15h ngày 26/9 giờ Việt Nam, chỉ số USD trên thị trường thế giới giảm nhẹ 0,02 điểm còn 94,14 điểm.
Sự sụt giảm của đồng USD ngay khi đang diễn ra cuộc họp của FED được giới phân tích lý giải là do khả năng cơ quan này sẽ lùi lại lộ trình tăng lãi suất bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Còn trong khả năng FED vẫn tăng lãi suất cơ bản theo đúng lộ trình, có thể thêm 0,25 điểm phần trăm, giá USD cũng khó tăng mạnh trên thị trường thế giới bởi những quan ngại về điều này đã được phản ánh vào giá trong suốt 1 tháng trước khi cuộc họp này diễn ra.
Về mặt lý thuyết, nếu USD tăng giá cũng đồng nghĩa với các tài sản được định giá bằng USD được định giá lại theo hướng rẻ đi, ví dụ như vàng. Điều này cũng có nghĩa là VND sẽ tăng giá và rơi vào tình trạng tăng kép nếu nhân dân tệ (CNY) cũng được Trung Quốc hạ giá để đối phó với Mỹ. Còn nếu USD giảm giá, CNY tăng giá, lúc đó nhà điều hành sẽ phải tính toán để giá VND biến động ở mức hợp lý nhất trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay. Trên thực tế, giá đồng CNY ngày 26/9 trên thị trường ngân hàng Việt Nam đã đồng loạt giảm: Tại BIDV giá CNY giảm 3 đơn vị còn 3.360 - 3.442 đồng/CNY, Techcombank giảm giá CNY tới 8 đồng, còn 3.342 - 3.455 đồng/CNY...
Rủi ro nền kinh tế gia tăng vì biến động tỷ giá
Trong buổi cập nhật tình hình kinh tế châu Á và Việt Nam ngày 26/9, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng châu Á (ADB) cho biết: Một trong các thách thức từ nay tới cuối năm của Việt Nam là vấn đề tỷ giá. Cụ thể, trước diễn biến thương mại toàn cầu, kể từ tháng 7 đồng Việt Nam đã được điều chỉnh yếu đi khoảng 1% (tỷ giá VND/USD tăng lên - PV).
Từ nay tới cuối năm, ông Cường cho rằng, lãi suất USD sẽ tiếp tục được FED điều chỉnh theo hướng tăng lên và nếu CNY tiếp tục mất giá như thời gian qua thì đồng Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động kép từ hai phía. "Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần thận trọng hơn với các chính sách của mình, do rủi ro với triển vọng kinh tế có xu hướng gia tăng", chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cảnh báo.
Còn theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, từ nay đến cuối năm, tỷ giá VND/USD dự kiến không có biến động mạnh. Tuy nhiên, nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì đồng Việt Nam tất nhiên sẽ chịu tác động. Và khi đó, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam cần phải có những biện pháp ngay từ bây giờ như giảm bớt thâm hụt thương mại phi chính thức với Trung Quốc, ổn định tỷ giá để duy trì đầu tư nước ngoài cũng như tránh tình trạng rút vốn như đang diễn ra với Trung Quốc.
Những lo lắng của TS. Lê Xuân Nghĩa được giải toả như ghi nhận của ADB do VN tăng mạnh xuất khẩu nên cán cân thanh toán của Việt Nam đã thặng dư ước tính bằng 8,4% GDP trong 6 tháng đầu năm nay. Chính nhờ thặng dư thương mại hàng hóa trong nửa đầu năm nên tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư ước tính bằng 5,0% GDP (trong khi cùng kỳ năm trước thâm hụt 1,1%). Nhờ đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo tính toán của ADB đã chính thức tăng từ mức tương đương 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2017 lên mức tương đương 3 tháng nhập khẩu vào tháng 6 năm nay, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm "thực lực" khi điều hành tỷ giá.
Cao Sơn
Theo baogiaothong.vn
USD có thể bật tăng lên 23.500 VNĐ/USD Trước tình hình giá USD tăng mạnh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, nhận định từ nay đến cuối năm nhiều khả năng đồng USD sẽ tăng thêm 1-3%, tương đương tỉ giá sẽ bật tăng lên mức 23.500 VNĐ/USD. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, việc tiền đồng giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm...