Áp lực dành cho nhà giáo ngày càng nặng nề, tăng tuổi hưu lại càng áp lực hơn
Trong thâm tâm của các nhà giáo, ai cũng mong muốn mình có sức khỏe tốt, được cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục nước nhà.
Thông tin tăng tuổi nghỉ hưu khiến cho nhiều người lao động không khỏi lo lắng, nhất là với đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đều mường tượng ra cảnh khi mình về già liệu có còn đáp ứng được yêu cầu công việc nữa hay không?
Áp lực đối với nhà giáo ngày càng nhiều khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang trên đường ray băng băng chạy về phía trước. Rồi trình độ, văn bằng, chứng chỉ, chuẩn nghề nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn từng ngày.
Khi tuổi đã ở ngưỡng 60 thì thầy cô có thể chinh phục được những con đường như thế này hay không? – (Ảnh: Lang Văn Long)
Trong tác phẩm Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” nhưng có lẽ nhiều nhà giáo không khỏi chạnh buồn, lo lắng cho tương lai của mình.
Trong thâm tâm của các nhà giáo, ai cũng mong muốn mình có sức khỏe tốt, được cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục nước nhà. Ai cũng muốn đến cái ngưỡng tuổi 60 vẫn còn sức khỏe, còn được đứng trên bục giảng và “cháy hết mình” cùng học trò.
Thế nhưng, khi đã ở cái tuổi “lục thập nhĩ thuận” này thì nhà giáo có còn sức khỏe để cống hiến được hay không mới là điều quan trọng. Tất nhiên, tuổi 60-62 vẫn còn những thầy cô khỏe mạnh nhưng có lẽ số đó không nhiều, thậm chí là rất hiếm đối với nữ giới.
Trong khi đó, số tiết dạy theo quy định cũng đều như nhau, hồ sơ sổ sách, công việc nhà trường vẫn phải đáp ứng theo quy định của ngành. Hàng ngày, dù già hay trẻ thì vẫn dạy, vẫn chấm bài, vẫn soạn giáo án, vẫn phải trực tiếp giảng dạy cho học trò…
Chúng ta cứ thử mường tượng một cô giáo 60 tuổi mà dạy đến tiết thứ 4 trong một buổi thì có còn đủ sức khỏe để đứng mà dạy cho học trò nữa hay không?
Nghề giáo chưa bao giờ được xem là một nghề nhàn hạ và dù cho xã hội có thay đổi, khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì thầy cô vẫn phải nói, phải giảng trước học trò. Mấy tiếng đồng hồ vận dụng hết công suất với mấy chục học trò chắc chắn là không dễ dàng chút nào.
Video đang HOT
Hơn nữa, các em học sinh khi học với những thầy cô giáo ở ngưỡng 60 -62 tuổi thì liệu các em có còn thích thú không? Một khi các em không thích thú đương nhiên là sẽ không chú tâm học tập. Khi đã không tập trung học bài thì đương nhiên sẽ có nhiều em nói chuyện, nghịch ngợm trong lớp…
Nếu ở tuổi trên dưới 60 mà là giảng viên đại học thì cũng rất bình thường bởi người học phần lớn đã là người trưởng thành, lứa tuổi chênh lệch cũng không phải quá lớn, giảng viên họ có số tiết dạy ít hơn, nhiều thời gian dành cho nghiên cứu.
Nhưng những học trò 3-15 tuổi mà học với những thầy cô lớn tuổi chắc chắn các em không hạnh phúc chút nào. Phương pháp giảng dạy có lẽ thầy cô giáo lớn tuổi có thừa, lòng nhiệt huyết vẫn không bao giờ tắt đối với nghề, đối với học trò. Nhưng, sức khỏe, sự hấp dẫn có lẽ đều cạn rồi…
Có người nói Luật mới cho phép thầy cô khi đã có 20 năm đóng bảo hiểm thì nghỉ hưu lúc nào là do thầy cô tự quyết. Nói như vậy thì thật dễ dàng và ai cũng muốn được nghỉ như thế.
Nhưng chúng tôi cho rằng thầy cô đóng bảo hiểm đến năm 55 tuổi mà nghỉ chờ hưu thêm 5-7 năm nữa thì đó cũng là một cực hình. Đồng lương giáo viên thì ai cũng biết rồi, có mấy người tích lũy được, mà có tích lũy thì cũng đáng là bao với khoảng thời gian nghỉ chờ lương hưu?
Lúc ấy nghỉ lấy gì mà sống? Nghỉ vì bất khả kháng như bệnh tật thì lại càng khổ cực hơn bởi khi nghỉ việc cũng là…nghỉ nhận lương. Ốm đau, bệnh tật mà không có lương, không có bảo hiểm y tế thử hỏi quyền tự quyết ấy phỏng có ích lợi gì?
Giáo dục đã thực sự là quốc sách?
Ngày 20/11 vừa đi qua, chúng ta thấy có rất nhiều mỹ từ mà xã hội dành cho đội ngũ thầy cô giáo. Nhiều năm nay cũng có rất nhiều dự định về chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo nước nhà. Nhưng, thực tế thì giữa ngôn từ, những dự định về chính sách đều rất xa với thực tế của người thầy.
Khi mà “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” còn mãi long đong tìm việc, cơm áo gạo tiền vẫn là nỗi lo canh cánh hàng ngày với một bộ phận lớn thầy cô giáo thì liệu nghề đó có được xem cao quý nhất hay không?
Kế hoạch có bảng lương riêng cho đội ngũ nhà giáo đã không thể thực hiện được, phụ cấp thâm niên nhà giáo cũng chuẩn bị cắt bỏ. Biên chế suốt đời cũng chuẩn bị không còn nữa đối với những viên chức ngành giáo dục tuyển dụng sau ngày 1/7/2020…
Những áp lực về công việc, áp lực về những hồ sơ số sách, áp lực về thành tích vẫn bủa vây người thầy từng ngày…
Khi con người về già thường hay lẩm cẩm và khó tính, nhất là với nhà giáo khi thấy học trò mình có những hành vi, cử chỉ không phù hợp thì thường hay nhắc nhở. Nhắc nhở nhiều thì liệu học trò có còn thích thú học với thầy cô lớn tuổi nữa không?
Xã hội kỳ vọng nhiều vào đội ngũ nhà giáo, đội ngũ nhà giáo đào tạo ra nguồn nhân lực cho nước nhà nhưng một khi đã bước sáng tuổi 60- 62 thì còn đâu tính sáng tạo mà tạo nên sự đột phá cho ngành, cho đất nước?
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Tránh "lợi ích nhóm" trong việc lựa chọn sách giáo khoa
Theo Luật Giáo dục 2019 thì việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các cơ sở giáo dục phổ thông như quy định trước đó.
Vậy làm thế nào để việc lựa chọn SGK đảm bảo khách quan, công bằng, hạn chế được thấp nhất tình trạng tiêu cực, "lợi ích nhóm" đã và đang tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra.
Khác với một chương trình, một bộ sách như hiện nay, việc thực hiện một chương trình nhiều SGK được đánh giá là sẽ phát huy được sức mạnh trí tuệ của xã hội, của các nhà khoa học, các nhà giáo tâm huyết đầu tư cho SGK. Tuy nhiên, xung quanh việc chọn bộ SGK nào để dạy trong nhà trường, hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều.
UBND các tỉnh sẽ được giao chủ trì lựa chọn SGK cho chương trình mới.
Có ý kiến lo ngại tiêu cực, "lợi ích nhóm" có thể xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp Sở xuống trường sẽ làm mất quyền của giáo viên bởi chỉ giáo viên mới biết loại SGK nào là phù hợp nhất. Nguyên lãnh đạo một trường Đại học Sư phạm bày tỏ lo ngại rằng, nếu thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND lựa chọn cho toàn tỉnh rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.
"Về nguyên tắc, những cuốn sách đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều đạt yêu cầu và đều có thể sử dụng trong nhà trường phố thông. Khi thực hiện một chương trình, một bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều SGK thì sẽ có cạnh tranh mà đã cạnh tranh thì cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Chẳng hạn, các NXB có tiềm lực về tài chính, quan hệ sẽ thuận lợi, chiếm ưu thế hơn trong chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Thậm chí, cũng có thể chiết khấu mạnh tay hơn để thu hút các đối tác...
Trong cuộc cạnh tranh này, nếu bộ SGK nào ít được sử dụng hơn thì nhóm tác giả, NXB đó cũng sẽ dễ thua lỗ và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Câu chuyện độc quyền SGK lại tiếp tục tái diễn trong một hình thức mới" - vị này nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận định, lựa chọn bộ SGK nào là việc rất quan trọng, không phải nhà trường nào cũng đủ khả năng thẩm định. Vì thế, giao UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn là phương án phù hợp, đảm bảo an toàn trong bối cảnh hiện nay.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nêu quan điểm: "Nếu để mỗi trường tự lựa chọn bộ SGK cho mình dựa trên ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh, thoạt nhìn thì có vẻ sẽ rất dân chủ nhưng đặt tình huống SGK được chọn học một thời gian, phụ huynh học sinh kêu không phù hợp, yêu cầu nhà trường chọn lại sẽ thế nào? Đó là chưa kể, mỗi giáo viên sẽ có một ý kiến khác nhau, rất khó để thống nhất. Điều này sẽ rất dễ xảy ra tình trạng loạn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Vì thế, chủ trương để mỗi địa phương chọn sách phù hợp với mình sẽ hợp lý và an toàn hơn trong dạy học, chỉ đạo cũng như kiểm tra, đánh giá". Tuy vậy, GS Phạm Tất Dong cho rằng, để hạn chế tiêu cực và khả năng cạnh tranh không lành mạnh giữa các NXB, Bộ GD&ĐT phải đưa ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng quy định việc chọn SGK.
Đặc biệt, trước khi đưa về tỉnh và các địa phương, các nhóm tác giả, NXB phải công khai toàn bộ sách để các Hội đồng chuyên môn do các địa phương thành lập và đông đảo giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kỹ. Việc công khai các SGK đã được phê duyệt cũng là một cách để thể hiện sự minh bạch, tạo sự yên tâm hơn cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trong Hội đồng chuyên môn do UBND các tỉnh thành lập để chọn sách phải quy đủ thành phần là các chuyên gia đầu ngành, các nhà sư phạm và thầy cô giáo có kinh nghiệm. Đơn cử như đối với SGK môn Toán hoặc Tiếng Việt, phải có ít nhất 2 người là các chuyên gia, GS đầu ngành trong lĩnh vực này; có các nhà sư phạm và các thầy cô giáo giỏi có kinh nghiệm... để việc lựa chọn đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng và kín kẽ.
"Dù tất cả SGK đã được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và bám sát vào khung chương trình. Song trên thực tế, chất lượng giữa các cuốn SGK này chắc chắn sẽ không đồng đều, mỗi bộ sách sẽ có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Do đó, mỗi địa phương lựa chọn bộ SGK nào cũng phải có sự cân nhắc các yếu tố phù hợp văn hóa, địa lý, lịch sử vùng miền" - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc giao UBND các tỉnh lựa chọn SGK trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, ông Khuyến cũng cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu để tiến tới có thể giao việc lựa chọn SGK cho Hội đồng chuyên môn của các nhà trường thực hiện khi thấy đủ điều kiện.
Dưới góc độ khác, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện đúng Thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách. Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
"Khi suy nghĩ SGK được xem như "pháp lệnh" chưa thay đổi thì việc chọn SGK trong bối cảnh "nhiều SGK" sẽ vẫn chịu những áp lực. Do đó, việc cần quan tâm làm trong lúc này là tuyên truyền về việc thay đổi bản chất trong sử dụng SGK. Khi việc này được hiểu đúng thì việc chọn SGK sẽ giảm bớt căng thẳng" - TS Phạm Tất Thắng nêu ý kiến.
Huyền Thanh
Theo cand
Mai Thu Huyền: 'Duyên Kiều dành cho ai còn phải đợi' Mai Thu Huyền có những chia sẻ với VietNamNet về dự án phim điện ảnh Kiều. Đây là dự án phim được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, dự kiến quay ở Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Cao Bằng. Mai Thu Huyền chia sẻ về dự án phim Kiều Kinh phí gấp hai, ba lần các phim...