Áp dụng kỹ thuật cao cứu chữa kịp thời bé trai mắc bệnh nguy hiểm
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh vừa cứu sống một bé trai 15 tuổi bị viêm cơ tim cấp, nhiễm trùng máu nghiêm trọng nhờ ứng dụng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể).
Bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)
Ngày 6/3, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một bệnh nhi 15 tuổi bị viêm cơ tim cấp, nhiễm trùng máu nghiêm trọng vừa được cứu sống nhờ ứng dụng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể).
Đây là lần đầu tiên, bệnh viện nhi tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng kỹ thuật cao để cứu chữa cho bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm.
Phó giáo sư-tiến sỹ, bác sỹ Phan Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 22/2, một bé trai 15 tuổi ngụ quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 từ Bệnh viện Quận Thủ Đức trong tình trạng sốt cao, khó thở, tay chân lạnh, rối loạn tri giác, suy tim nặng.
Sau khi thăm khám, các bác sỹ nhận thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng dẫn đến viêm cơ tim cấp, tổn thương đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao, không thể chữa trị bằng can thiệp thông thường.
Lúc này, tình trạng bệnh nhân đang như “ngàn cân treo sợi tóc,” các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy và quyết định dùng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc sau đó trả về cho người bệnh) để cứu bệnh nhân.
Ngay lập tức, một êkíp các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đã trực tiếp đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để hỗ trợ tiến hành kỹ thuật này.
Sau 30 phút chạy máy, tình trạng huyết động học của bệnh nhân bắt đầu cải thiện. Song song với chạy ECMO, các bác sỹ đã cho sử dụng kháng sinh liều cao nên sau 4 ngày, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân hồi phục dần, đã cai máy thở và ăn uống được, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Video đang HOT
Bác sỹ Phan Thị Xuân, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy – người trực tiếp đến hỗ trợ thực hiện kỹ thuật ECMO cho biết, kỹ thuật ECMO là kỹ thuật mới, rất hiệu quả đối với những ca bệnh suy hô hấp cấp, suy tim cấp… Hệ thống máy sẽ thay thế chức năng của tim, phổi.
Toàn bộ máu được đưa ra khỏi cơ thể từ tĩnh mạch qua màng lọc có chức năng như tim, phổi của con người, màng lọc sẽ gắn kết máu với ôxy trước khi trả lại về tĩnh mạch và động mạch để đi vào cơ thể.
Phương pháp này giúp cho các bác sỹ có thời gian điều trị các tổn thương của tim, phổi nhưng vẫn đảm bảo hệ tuần hoàn cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao, xâm lấn nhiều, nguy cơ biến chứng cao nên không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện được.
Ngoài ra, thực hiện kỹ thuật ECMO trên trẻ em khó hơn rất nhiều so với người lớn do mạch máu của trẻ em nhỏ.
Phó giáo sư-tiến sỹ, bác sỹ Phan Văn Quang chia sẻ, trong vòng 10 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 150 trường hợp trẻ em viêm cơ tim cấp và tử vong khoảng 20-30%.
Với việc ứng dụng kỹ thuật ECMO, bác sỹ Quang kỳ vọng Bệnh viện sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhi mắc các bệnh lý như viêm cơ tim, tay chân miệng, sốc phản vệ mức độ nặng…/.
Theo vietnamplus
Câu chuyện mất con chỉ sau 5 ngày nhập viện - lời cảnh tỉnh cha mẹ không được lơ là bất cứ dấu hiệu bệnh nào ở trẻ
Chỉ khởi phát từ một đợt sốt, nhưng bé Vinh đã phải chống chọi với rất nhiều đau đớn của các căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ khác và cuối cùng là không thể qua khỏi.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù con trai đã qua đời được gần 49 ngày mà chị Trần Yến (26 tuổi, hiện đang sống ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) vẫn chưa thể tin được vào sự thật mình đã mất con. Bởi con trai Đào Phước Vinh (sinh ngày 10/1/2018) của chị khi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, kết quả xét nghiệm máu gót chân không có bệnh bẩm sinh gì, thế nhưng chỉ qua một đợt sốt, 5 ngày nhập viện, bé đã không còn tỉnh lại được nữa. Từ chẩn đoán ban đầu bị viêm loét cổ họng, bé được nhập viện rồi bị loạt bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu, viêm cơ tim tối cấp, hy vọng cứu sống bằng biện pháp tối tân nhất là kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng cũng không thực hiện được.
Bé Vinh khi còn khỏe mạnh.
Bệnh khởi phát từ triệu chứng sốt tái đi tái lại
"Lúc đầu con mình chỉ sốt nhẹ 38 độ, bà nội vặt lá khế giã nát, bọc vào khăn xô, dấp nước nóng đắp cho con thì con hạ sốt nên mình không cho con đi khám nữa. Khoảng 3-4 ngày sau đó, con đang chơi bỗng dưng khóc rất to, rất lâu không thể nào dỗ được. Mình nghĩ có thể do mấy ngày con không ị được nên con bị chướng bụng, liền chạy đi mua thuốc về thụt hậu môn cho con. 5 phút sau khi thụt, con ị được rất nhiều. Sau đó con nín khóc luôn và ngủ rất ngoan", chị Tuyết kể lại những ngày đầu khởi phát bệnh của con.
Sau hôm đó, giọng bé Vinh bắt đầu khản đặc, nghe giọng con ê a không thành tiếng, mẹ xót xa lắm nhưng cũng không biết làm thế nào. 2 ngày sau, bé lại tiếp tục sốt 39 độ, chị Tuyết pha thuốc hạ sốt cho con thì chỉ 1 lúc sau, thuốc có tác dụng, bé hết sốt và chơi bình thường.
Đến khoảng 10 ngày sau lần bị sốt này, bé Vinh lại bị sốt và sốt liên tục, triền miên, uống thuốc hạ sốt chỉ hạ được vài tiếng rồi sốt lại. Sau 1 ngày bé bị sốt liên tục như vậy, chị Tuyết cho bé đi khám tại một phòng khám Nhi gần nhà. Trong khi được thăm khám, tình trạng của bé Vinh đã hạ sốt. Bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm loét cổ họng, kê đơn và dặn mẹ bé 2 ngày sau tái khám nếu không đỡ.
"Mình cứ nghĩ chắc do mấy hôm trước con khóc to quá, khản cả tiếng nên mới bị viêm loét cổ họng. Thế nhưng về nhà, cho con uống thuốc buổi chiều, đến tối hôm đó và sáng hôm sau cũng vẫn không thấy con đỡ, chỉ thấy con li bì hơn. Vợ chồng mình quyết định thuê xe đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 ở Sài Gòn. Sau khi khám, làm xét nghiệm máu, bác sỹ cho con nhập viện ngay vì có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Bác sỹ chỉ nói vậy chứ không nói rõ là bị nhiễm trùng gì", chị Tuyết đau đớn hồi tưởng lại.
Hai mẹ con ngày đầu tiên nhập viện.
Rơi vào tình trạng li bì, mất ý thức, trải qua cơn nguy kịch
Sau khi nhập viện, bé Vinh được cho uống thuốc theo đơn kê của bác sỹ, hạ sốt và tươi tỉnh hơn. Cả gia đình đã có chút hy vọng. Thế nhưng đêm đó, bé lại quấy khóc cả đêm và không chịu bú (trước đó khi ở nhà, bé vẫn bú rất tốt). Chị Tuyết phải vắt sữa ra cốc rồi đút từng thìa cho con. Đến gần sáng, bé ngủ được một lúc, khi tỉnh dậy lại tươi tỉnh và không sốt. Buổi chiều hôm đó, sau các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, bác sỹ kết luận bé Vinh bị viêm phổi nặng, cần được tiêm thuốc kháng sinh nặng, mỗi ngày 2 lần. Sau khi chích mũi đầu tiên, đến khoảng 4h chiều, bé Vinh đi ị được, nhưng lại ị liên tục khiến chị Tuyết rất lo sợ.
Không lâu sau, bé Vinh bắt đầu rơi vào tình trạng li bì, mất dần ý thức: " Khi mình đút sữa cho con, con không ý thức được là phải há miệng ra và nuốt nữa. Mình cứ đút thìa nào, con lại phun hết ra. Rồi khi mình sờ vào ngực con thì thấy tim con đập rất lạ, lúc thì nhanh và mạnh như muốn vỡ lồng ngực, lúc lại chậm và nhẹ như không đập. Bác sỹ kiểm tra, chẩn đoán con bị rối loạn tiêu hóa, cần cho vào phòng cấp cứu ngay để bác sỹ theo dõi", chị Tuyết run rẩy kể lại chuyển biến xấu của con.
Sau khi vào phòng cấp cứu, bé Vinh được truyền nước, kháng sinh và thuốc hạ sốt ngay lập tức. Đến khoảng 11h đêm, bé Vinh có tình trạng rất lạ khi mắt cứ mở mà miệng ngáp liên tục nên được bác sỹ chuyển sang giường khác, có máy móc hỗ trợ và gần chỗ bác sỹ trực hơn để tiện theo dõi.
"Chuyển được khoảng 15 phút thôi, khi mình và bác sỹ vẫn đang đứng cạnh con để nói chuyện về bệnh của con, thì đột nhiên mặt con trắng bệch, môi con cũng trắng theo. Rồi tất cả bác sỹ tập trung cấp cứu cho con mình. Mình như chết ngất đi, nhưng chỉ biết khóc. Sau khi cấp cứu xong, bác sỹ thông báo rằng hiện tại con đã qua cơn nguy kịch, nhưng gia đình hãy chuẩn bị tinh thần cháu có thể không qua khỏi đêm nay. Giây phút ấy, mình như người điên", chị Tuyết vẫn chưa quên thời khắc như có nhát dao cứa vào ngực mình.
Bức ảnh chị Tuyết chụp con từ xa, khi trên người con là đống máy móc đè nặng.
Nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim tối cấp, chuyển viện để chạy Ecmo
"Buổi trưa hôm sau, bác sĩ gọi vợ chồng mình lên và giải thích rằng: "Cháu bị nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn, đã được các bác sỹ cho lọc máu cả đêm nhưng cơ thể cháu không tiếp nhận. Tình hình cháu không có tiến triển gì, chúng tôi nghi ngờ cháu bị viêm cơ tim tối cấp nên tim cháu không thể tự co bóp được nữa. Giờ chỉ có 1 hy vọng cuối cùng là chuyển cháu sang Bệnh viện Chợ Rẫy để chạy Ecmo cho cháu". Vợ chồng mình lại như chết điếng người", chị Tuyết kể lại.
Đó là khi chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng để cứu lấy con, nhưng vợ chồng chị Tuyết vẫn cố bám vào, dù xác suất rất thấp và chi phí vô cùng đắt đỏ.
Sau khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bé Vinh được chuyển ngay vào phòng hồi sức cấp cứu, người nhà không được vào trong. Hai vợ chồng chị Tuyết phải ký vào bản cam kết, rằng trong quá trình điều trị có thể máu không nuôi đủ các chi, nên sẽ phải cắt bỏ tay, chân của con, rồi nhiều biến cố có thể xảy ra. "Bác sỹ có nói rằng nếu con mình có chữa khỏi được thì cũng 80% không trở về là con người bình thường được nữa. Nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau rằng không sao đâu, chỉ cần con khỏi bệnh thì dù con có ra sao hay như thế nào, bố mẹ vẫn yêu thương và chăm sóc con".
"Sau ca phẫu thuật đặt hệ thống máy Ecmo xong, vợ chồng mình được vào thăm con. Giây phút nhìn thấy con, mình như người điên, cảm giác bị bóp nghẹt lồng ngực. Mới 5 tháng tuổi và hơn 7kg nhưng gắn trên người con là 1 đống máy móc nặng mấy trăm ký và một đống dây rợ chằng chịt. Sau đó, gia đình xuống khu vực dành cho thân nhân chờ, 1 ngày chỉ được vào thăm con 1 lần 30 phút nhưng riêng trường hợp nhà mình được ưu tiên cho thăm 2 lần 1 ngày. Mỗi lần vào thăm con lại là một lần mình quặn đau, muốn chết đi cho xong..."
Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày chạy Ecmo, bé Vinh đã không thể chống cự thêm được nữa và trút hơi thở cuối cùng. Dù cho tất cả các bác sỹ và y tá đã nỗ lực hết sức, cùng với kỹ thuật Ecmo tối tân nhất trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay. Chị Tuyết và gia đình, dù trăm ngàn lần không muốn, vẫn phải đón nhận sự thật là mình đã mất con.
Kể lại bi kịch đau đớn của mình, chị Tuyết chỉ muốn góp thêm một tiếng nói cảnh tỉnh đến các gia đình khác: "Mình không muốn có thêm những trường hợp thương tâm như con mình nữa, nên muốn nhắn gửi đến các mẹ khác, đừng lơ là chút nào với dấu hiệu bệnh của con. Hãy đưa con đi khám ở các bệnh viện lớn sớm nhất khi có thể, bởi ở giai đoạn bệnh khởi phát, nếu kịp thời, mình vẫn có thể sẽ cứu được con".
Theo Helino
Những bước tiến đáng tự hào của ngành y VN: Đã ngang tầm quốc tế Bên cạnh nỗ lực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh thì những sáng tạo, sáng kiến từ các y-bác sĩ, những nỗ lực không ngừng đưa kỹ thuật cao về Việt Nam đã góp phần làm rạng rỡ nền y học Việt...