“Áo trắng” sa chân vướng vòng tội lỗi
Những gương mặt non nớt, trắng trẻo, xinh xắn của những nữ sinh đang tuổi đến trường đang phải đối mặt với tội danh đặc biệt nghiêm trọng: “Giết người” khiến ai tham dự phiên tòa cũng phải lắc đầu ngao ngán.
Tại sao các em lại manh động như thế, đặc biệt là các em nữ? Câu hỏi “vì đâu nên nỗi” vẫn là tiếng thở dài ngao ngán, bỏ rơi cào không gian im lặng trong hội trường phiên tòa xét xử.
“Áo trắng” gây trấn động làng quê
Ngày 26/6, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giết người mà bị cáo và bị hại đều là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Bị cáo Trần Thu Trang (sinh năm 1996, trú tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) mặc áo thun đen bó sát, làm nổi bật làn da trắng hồng đầy sức sống của tuổi mới lớn. Lúc gây án, Trang vừa kết thúc kỳ thi chuyển cấp, chờ đợi kết quả để lên lớp 10. Thế nhưng, chưa kịp viết tiếp ước mơ của mình, Trang đã vướng vào vòng lao lý. Đứng cạnh Trang là cô bé Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1995, cùng xã), hiện đang theo học lớp 10 của một trường THPT ở huyện Phúc Thọ. Ngọc Anh trong bộ đồng phục học sinh, cúi mặt hối lỗi.
Cả Trang và Ngọc Anh đều là tác nhân gây ra vụ trọng án, nhưng hai người lại đứng ở hai vị trí khác nhau. Trang bị truy tố về tội “Giết người” theo điểm C (giết trẻ em), khoản 1, Điều 93 -BLHS, còn Ngọc Anh thì bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Vụ án mạng đau lòng xảy ra vào ngày 25/6/2011. Trước đó, vào năm 2010, Ngọc Anh và Trang đã mâu thuẫn với nhau. Cho rằng mình bị nói xấu, hai bên đã xích mích, đánh nhau. Dù hơn tuổi nhưng Ngọc Anh vẫn bị Trang đánh và bắt quỳ xuống xin lỗi. Tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, sáng ngày 25/6/2011, hai người chị họ của Ngọc Anh là Hoàng Thị Thu Phương (sinh năm 1994, Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1995, ở Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) đến nhà Ngọc Anh chơi. Cả ba cùng ra chợ Me (xã Tích Giang), Ngọc Anh gặp Trang, cả hai hậm hực nhìn nhau mà không chào hỏi. Thấy thế, Ngân hỏi Ngọc Anh: “Con này là con nào”. Ngọc Anh kể cho chị nghe về việc xô xát với Trang trước đây. Nghe thế, Ngân “hạ” quyết tâm phải “phục thù” cho em gái, tìm Trang để “dằn mặt”.
Khoảng 19h cùng ngày, Ngọc Anh điều khiển xe máy chở Ngân, Phương và hai người bạn cùng thôn đến trước cổng nhà Trang, quyết “rửa hận” bằng được. Trang đang ngồi xem phim với anh trai tên Quân (sinh năm 1993) và em trai tên Sang (sinh năm 1999) trong nhà, bất ngờ nghe tiếng ai đó gọi mình ngoài ngõ. Vừa thấy Trang, Ngân đã lớn tiếng hỏi: “Em có phải là Trang không?”. Trang hất hàm: “Các chị là ai?”. Ngân đáp: “Các chị là các chị” rồi bảo Trang: “Em lên xe máy chị chở ra đây có chị Linh gặp”. Nghe tên Linh quá xa lạ, Trang ngần ngại không đồng ý rồi bỏ vào nhà. Nhưng Ngân vẫn liên tục gọi Trang ra. Thấy thế, Trang vào nhà bếp lấy con dao gọt hoa quả giấu vào sau lưng quần, điềm tĩnh bước ra ngõ để gặp mấy người bạn.
Video đang HOT
Lời qua tiếng lại, Ngân quay sang Ngọc Anh nói: “Bây giờ xử lý con này như thế nào, thích nhẹ nhàng hay mạnh mẽ?”. Trang đứng im lặng một lúc rồi bỏ vào nhà thì Ngân và Ngọc Anh chạy đến túm lấy tóc, đấm đá, dồn Trang vào bờ tường. Bị tấn công, Trang rút con dao đâm Ngân và Ngọc Anh. Nghe tiếng xô xát, Quân và Sang từ trong nhà chạy ra thì thấy Ngân ngã vật ra đường. Ngân bị mất máu cấp, suy hô hấp cấp nên tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngay sau đó, Trang gọi bố mẹ về đưa đến công an đầu thú.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ án mạng mà đối tượng gây án là những nữ học sinh khoác trên mình chiếc áo trắng tinh khôi. Cách đây 1 tháng, một vụ án mạng thương tâm xảy ra ngay tại trường THPT Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) khiến một nữ sinh tử vong, một người khác bị thương nặng. Hung thủ là một nữ sinh cùng lớp với bị hại, tên là Lê Thị Hà Trang (sinh năm 1997, học sinh lớp 9B). Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, dồn nén lâu dài mà Trang đã gọi Phạm Thị Ngọc Ánh (SN 1997) và Trần Thị Hoài (SN 1997), cùng là học sinh lớp 9B ra ngoài lớp để “nói chuyện”. Trong lúc không kiềm chế được bản thân, Trang mở cặp lấy 1 dao nhọn đâm 1 nhát vào ngực Hoài, 1 nhát vào bụng Ánh. Ánh bị chết trên đường đi cấp cứu. Hoài bị thương nặng. Sau khi gây án, Trang đã bỏ trốn.
Gióng hồi chuông cảnh báo
Những vụ án mạng do những đối tượng là nữ thanh thiếu niên gây ra đang trở thành một vấn nạn báo động trên toàn xã hội. Trước đó, tình trạng bạo lực học đường cũng diễn ra một cách dồn dập, tăng lên đột biến khiến nhiều người lo sợ. Đặc biệt, đối tượng là những nữ học sinh – vốn được nhắc đến với sự nữ tính, mềm mại.
Trong phiên tòa xét xử Trần Thu Trang, những người tham dự phiên tòa không khỏi bàng hoàng với từng lời khai của các nạn nhân. Cô giáo Hiệu trưởng trường THCS nơi hai bị cáo học đắng lòng khi phải chứng kiến cảnh hai học sinh ngoan của mình phải đứng trước vành móng ngựa để đối mặt với tội lỗi của mình, chỉ vì những xích mích nhỏ không thể hòa giải hằng ngày. Cô cho biết, Trang và Ngọc Anh đều là học sinh chăm ngoan, học lực khá giỏi. Trong suốt những năm theo học ở trường, cả hai em học sinh đều không có những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức. Riêng Trang còn là một trong những học sinh tích cực tham gia phong trào đoàn, đội…
“Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến thầy trò trường chúng tôi hết sức bàng hoàng, đau xót”- nữ Hiệu trưởng Trường THCS Tích Giang ngậm ngùi, nức nở. Điều mà nhiều người cũng có thể nhận thấy là tội ác mà Trang gây nên có một phần trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Việc Trang và Ngọc Anh va chạm với nhau họ không mảy may hay biết. Mâu thuẫn cứ thế âm ỉ, lớn dần và các nữ sinh đã tìm cách hóa giải xích mích bằng bạo lực. Với những gì diễn ra ở phiên tòa này chắc hẳn những người lớn trong cuộc và cả những người không liên quan sẽ phải tự rút ra cho mình một bài học sâu sắc trong việc nuôi dạy, giáo dục con, để những đứa trẻ phải chịu mức án 6 năm tù giam về tội “Giết người” (Trần Thu Trang) và 9 tháng tù (hưởng án treo) là cái giá mà Nguyễn Ngọc Anh phải gánh chịu theo tội danh bị truy tố.
Tại cuộc hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ông Trần Thế Hồng, đại diện Văn phòng thường trực, PCTP và MT, Tổng cục CSPCTP – Bộ CA chia sẻ, những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống dẫn đến một bộ phận học sinh trung học phổ thông phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội. Đa phần các em bị kỷ luật vì đánh nhau, khi lớn lên dễ đi vào con đường phạm tội.
Theo thống kê của Ban chủ nhiệm Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ, trong 10 năm (2000 – 2010), hằng năm, lực lượng công an toàn quốc phát hiện trung bình khoảng 9 nghìn vụ phạm tội do trên 12 nghìn em ở tuổi vị thành niên gây ra. “Thực tế hiện nay, các em tuổi vị thành niên gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong mối quan hệ xã hội đang ngày càng tăng, trong khi ngay từ bé, các em không được dạy dỗ cụ thể về kỹ năng đương đầu với thử thách, giải quyết xung đột, kỹ năng ra quyết định, vượt qua thử thách… nên khi gặp những bước ngoặt thường không biết xử lý dẫn đến hành động tiêu cực…”.
Những đối tượng gây án, vi phạm pháp luật đều phải nghiêm trị. Nhưng đằng sau một phiên tòa xét xử là nỗi ân hận muộn màng của người lớn, và hồi chuông cảnh báo cho các ban ngành liên quan trước một thực trạng bạo lực đang diễn ra trong thế giới “nhất quỷ nhì ma” này.
Theo tiến sỹ Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội), có 96,7% học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn đã khẳng định có tình trạng nữ sinh đánh nhau. Trong các em nữ từng đánh nhau thì số nữ một lần đánh nhau là 12,7%, 2 – 3 lần đánh nhau là 20,7%; 4 – 5 lần là 10,7%; và 19,3% đánh nhau từ 5 lần trở lên. Không có sự phân biệt giữa các lớp học về tỷ lệ nữ sinh có hành vi đánh nhau. Các em học sinh lớp 10 cũng sánh ngang với các chị lớp l1, 12 về “thành tích” nói chuyện với bạn bè bằng vũ lực. Điều đáng nói là các em không nhận thức được hành vi của mình là sai: có tới 39,6% số nữ sinh từng đánh nhau coi đó là việc “bình thường” và 39,6% số nữ sinh “chấp nhận được” hành động này.
Theo ANTD
Thảm án của Luyện vẫn còn những điểm "mờ" gây xôn xao
Nhiều người vẫn đoán non đoán già về các tình tiết trong vụ án còn đang bị coi là điểm "mờ".
Vụ cướp tiệm vàng mà Luyện là thủ phạm dù đã trôi qua hơn 2 tuần nhưng vẫn giữ vị trí "nóng" trong các vụ án hình sự được dư luận quan tâm. Lý do khiến "nhiệt độ bàn tán" về vụ án này chưa hạ xuống một phần vì thủ đoạn tàn độc, man rợ của hung thủ, phần khác vì các tình tiết trong vụ án còn nhiều điểm "mờ" khiến người ta phải đoán non đoán già xem sự thể thực chất ra sao.
Điểm "mờ" thứ nhất: Có mấy kẻ giết người?
Tính đến thời điểm này, đã có 5 người thân của Lê Văn Luyện bị tên này kéo vào vòng lao lý vì các hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Ngoài ra, còn một vài người thân khác của Luyện vẫn đang trọng diện bị công an theo dõi để điều tra thêm về vai trò trợ giúp cho Luyện sau khi "sát thủ" này gây án tại tiệm vàng Ngọc Bích. Tuy vậy, chừng đó "tội phạm" vẫn là chưa đủ để thuyết phục dư luận tin vào lời khai của Luyện rằng đối với hành vi giết người - cướp của, hắn là thủ phạm duy nhất.
Cơ quan công an nhận định tên Luyện một mình gây án nhưng không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Về việc Luyện ra tay một mình hay có đồng phạm trợ giúp, cơ quan công an đã trả lời nhiều phương tiện truyền thông.
Chiều 5/9, Thượng tá Lê Văn Dũng - Phó phòng Công tác chính trị và Quan hệ quần chúng (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết: Kết quả giám định mới nhất của Cơ quan Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an đã xác định ngoài mẫu máu của các nạn nhân tại hiện trường, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện mẫu máu "lạ" duy nhất - được xác định là mẫu máu của Lê Văn Luyện.
Ngoài mẫu máu này, Thượng tá Dũng khẳng định dấu chân "lạ" tại hiện trường cũng là của Luyện (trước đó, Luyện khai đi dép khi đột nhập tiệm vàng nhưng sau đó bỏ dép đi chân đất lúc gây án). Tuy nhận định Luyện một mình gây án nhưng cũng theo Thượng tá Dũng, Ban chuyên án không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Như vậy, có thể thấy rằng những thông tin mà ngành công an cung cấp cho báo chí đều chỉ dừng ở mức "nhận định" (chứ chưa kết luận) rằng Luyện gây án một mình. Cùng với đó, cơ quan công an cho biết "công tác xác định có nghi phạm khác hay không vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ".
Thời điểm này, khi cơ quan công an đang củng cố chứng cứ để có thể đưa ra kết luận chính thức về nghi vấn "Luyện có đồng phạm giết người", dư luận và cả công luận ngày càng có nhiều ý kiến nhận định, thậm chí khẳng định rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất cướp tiệm vàng".
Người ta hướng tới giả thuyết nêu trên, trước hết vì nhân chứng duy nhất và cũng là nạn nhân duy nhất còn sống trong vụ án này - cháu Trịnh Ngọc Bích từng khẳng định với người thân rằng: Lúc gặp nạn, cháu nhìn thấy có 2-3 người.
Ngoài căn cứ trên, trong dư luận, không ít người còn băn khoăn về hai tình tiết đối lập của vụ án này. Chi tiết thứ nhất là việc Luyện khai sau khi cướp vàng, hắn dùng điện thoại gọi cho anh họ đến đón mình. Chi tiết này cho thấy dấu hiệu của việc Luyện không có đồng phạm, vì nếu có thì Luyện đã trốn theo đồng bọn hoặc được đồng bọn đưa đi chứ việc gì phải gọi người đến đón? Chi tiết thứ hai là một chi tiết chưa sáng tỏ, nhưng chính sự mập mờ ấy đã khiến dư luận hồ nghi về việc Luyện được kẻ khác giúp sức trong hành trình cướp tiệm vàng. Đó là việc Luyện đã đến tiệm vàng theo cách thức nào (Đi một mình hay đi với ai? Đi bằng phương tiện nào? Đi từ lúc mấy giờ? Đi từ nhà, từ quán game hay đi từ đâu?).
Còn trong công luận, một số chuyên gia pháp lý đã đăng đàn báo chí để phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của Lê Văn Luyện rằng hắn gây án một mình. Thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại tòa hình sự TAND Tối cao phân tích: Vào mùa hè, lúc 5h30 (thời điểm Luyện bắt đầu ra tay thảm sát - PV) trời đã sáng nên nhiều gia đình hàng xóm có thể đã thức dậy, một mình Luyện giết hại dã man 3 thành viên của gia đình anh Ngọc; chặt đứt bàn tay bé Bích (con gái lớn nạn nhân) mà hàng xóm không "phát hiện hoặc nghe thấy tiếng động gì từ ngôi nhà này là điều vô lý".
Ông Bình cho rằng phải có thêm người tham gia gây án cùng Luyện thì mới có thể sát hại tới 4 người, ung dung cậy mặt kính tủ trưng bày trang sức, cướp hết vàng ta rồi tẩu thoát. Ngoài ra, ông gọi việc một thanh niên nông thôn mới học hết cấp 2, đi làm thợ hồ như Luyện mà có thể đột nhập vào nhà bằng cạy cửa ở lan can tầng 3, thông thạo vị trí bên trong, lại biết các chỗ để ngắt điện camera cùng hệ thống báo động "là điều rất phi lý" (về nhận định này, có người phản bác: Luyện hay đi làm công trình xây dựng nên không loại trừ khả năng hắn có kiến thức thực tế về sơ đồ điện, hệ thống báo động)...
Điểm "mờ" thứ hai: Chiếc két sắt bí hiểm
Từ khi vụ án xảy ra đến nay, chỉ có hai luồng tin về chiếc két sắt trong tiệm vàng Ngọc Bích được đưa ra trên một vài tờ báo. Đáng tiếc rằng, đó đều là những thông tin rất sơ sài và có phần mâu thuẫn với nhau. Luồng tin thứ nhất khẳng định "két sắt bị khoắng sạch" (tin do "một điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường" cung cấp), hoặc "két sắt bị lục lọi". Luồng tin thứ hai lại khẳng định: "Tủ vàng tây và két bạc vẫn còn nguyên vẹn".
Chiếc két sắt bí hiểm trong tiệm vàng Ngọc Bích.
Bởi vậy, sự thật về chiếc két sắt nêu trên vẫn là một điều bí hiểm. Két nguyên xi hay đã bị lục lọi? Két được mở hay bị phá? Trong két có những tài sản gì? Số tiền mặt trị giá bao nhiêu? Có giấy tờ, sổ sách ghi nợ hay không? Những vật chứng quan trọng này (nếu có) thì có bị kẻ gian "khoắng" hay không? Nếu Luyện đã "khoắng" tiền trong két thì Luyện đã cất giấu hay đã đưa cho ai để đến nỗi trên đường trốn chạy, hắn phải bán cả chiếc điện thoại lấy 400.000 đồng?. Cơ quan điều tra đã thu hồi được những vật có trong két sắt (nếu đã bị lấy trộm) cùng chiếc điện thoại đó chưa?... Đó đều là những câu hỏi mà dư luận đang mong ngóng cơ quan công an đưa ra câu trả lời.
Điểm "mờ" thứ ba: Động cơ phạm tội của Lê Văn Luyện
Cứ cho là Lê Văn Luyện một mình đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích thì dư luận cũng có nhiều người hồ nghi về động cơ gây án của hắn ta: Ban đầu, Luyện đột nhập tiệm vàng với mưu đồ chính là trộm cắp tài sản hay nhằm mưu sát gia đình chủ tiệm vàng?
Các thành viên của thế giới ảo đang tranh luận gay gắt về hai giả thuyết: 1. Luyện sát hại gia đình nạn nhân nhằm rảnh tay cướp vàng (như lời khai ban đầu của hắn); 2. Luyện chủ tâm giết người, sau đó mới nảy sinh ý đồ cướp tài sản.
Trên một diễn đàn, chủ nick "maumathat..." phản bác giả thuyết thứ nhất: "Nếu Luyện chỉ nhằm mục đích trộm, cướp thì không thể phục đến 3 tiếng đồng hồ trong tiệm vàng. Tại sao không xuống tầng 1 lấy vàng và tiền và trốn đi? Trời mưa lớn vào lúc nào? Tại sao đợi đến 5h sáng mới hành động? Lúc đó trời sáng và mọi nguời xung quanh đã bắt đầu cho ngày mới, lúc này rất dễ bị lộ...".
"Nếu chỉ có ý định ăn trộm, cướp thì sau khi đột nhập nhân lúc vợ chồng gia chủ đang ngủ, hắn (tức Lê Văn Luyện - PV) phải nhanh tay cuỗm vàng rồi tẩu thoát nhanh chóng. Nhưng ở đây, Luyện khai hắn nấp ở trong nhà hẳn 3 tiếng chờ vợ chồng chủ tiệm thức giấc để sát hại họ rồi mới cuỗm vàng?" - Thạc sĩ Phạm Thanh Bình nói trên VnExpress.
Theo ông Bình, tâm lý thông thường của kẻ trộm là ít khi dùng vũ lực với chủ nhà mà chỉ ra tay khi hành tung bị phát hiện, ngăn chặn. "Đằng này anh ta chờ giết người, sau đó mới thực hiện việc cướp của. Nếu như diễn biến sự việc theo đúng lời khai thì không phù hợp với diễn biến tâm lý của kẻ ăn trộm cướp" - ông nhìn nhận.
Lời giải về các điểm "mờ" nêu trên sẽ được chuyển tới bạn đọc khi cơ quan công an có kết luận điều tra.
Công tác điều tra sẽ sớm kết thúc
Liên quan đến vụ án này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, trong đó phóng viên có nêu câu hỏi: "Sau khi đối tượng Lê Văn Luyện bị bắt, dư luận hồ nghi về lời khai một mình giết 3 mạng người của hung thủ, Trung tướng có thể cho biết nhận định của Cơ quan điều tra về số lượng hung thủ gây ra vụ án này?". Đáp lại, Trung tướng Ngọ cho biết: "Chúng tôi nhận định Lê Văn Luyện là chủ mưu gây ra vụ án, còn những thông tin khác chúng tôi sẽ cung cấp khi có đủ chứng cứ". Cũng theo Trung tướng, hiện cơ quan công an vẫn đang tập trung điều tra khai thác, củng cố chứng cứ căn cứ vào hiện trường để lại, đấu tranh làm rõ và điều tra mở rộng vụ án để sớm kết thúc và đưa ra xử lý trước pháp luật.
Theo ANTD
'Không có ai giật dây, tham gia cướp tiệm vàng với Luyện' Chiều 8/9, Công an tỉnh Bắc Giang tái khẳng định, đủ chứng cứ xác định duy nhất Lê Văn Luyện gây án tại tiệm vàng Bắc Giang. Nạn nhân Bích có thể do hoang mang nên nhận diện nhầm "có hai người đầu xanh, đầu đỏ". Trước phân tích của một số luật sư rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất",...