Anne Frank – cô bé do thái nổi tiếng nhất thế giới và quyển nhật ký lay động triệu con tim
Được tổ chức UNESCO đưa vào danh lục Ký ức thế giới, ‘Nhật ký Anne Frank ‘ là một trong ‘10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trong lịch sử’.
Trong những tháng ngày tăm tối nhất của cộng đồng người Do Thái ở châu Âu thời Thế chiến 2, trong một căn gác nhỏ u tối ở Amsterdam, với ngòi bút ngây thơ của tuổi mới lớn, cô bé Anne Frank đã để lại những dòng ký ức mà sau này đã trở thành tác phẩm nhật ký kinh điển của nhân loại.
Cô bé Do Thái ấy đã không may bỏ mạng trong trại tập trung nhưng có lẻ linh hồn cô sẽ mãi được sống ở cái tuổi 15 hồn nhiên và đầy hy vọng.
Anne Frank kết thúc sự giày vò của quân phát xít Đức trong ‘trại tử thần’ khi còn quá nhỏ, nhưng cuốn nhật ký của cô bé lại ’sống’ bền bỉ hơn bao giờ hết.
“Đây rõ ràng chỉ là cuốn nhật ký bình thường của một đứa trẻ nhưng nó đã tái hiện chân thực nhất sự ghê rợn và độc ác của chủ nghĩa phát xít.” – Tiến sĩ, nhà sử học Hà Lan Jan Romein (1893-1962) thuộc Trường Đại học Amsterdam bày tỏ cảm xúc sau khi đọc cuốn ‘ Nhật ký Anne Frank ‘ một ngày mùa Xuân năm 1947.
Được tổ chức UNESCO đưa vào danh lục Ký ức thế giới, ‘Nhật ký Anne Frank ‘ là một trong ‘10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trong lịch sử’.
Điều gì khiến một cuốn sách dày hơn 350 trang, dệt nên từ những trang nhật ký bình dị của một bé gái lại có sức lay động sâu sắc đến tâm trí và trái tim người đọc như thế sau lần xuất bản đầu tiên cách đây 7 thập kỷ có lẻ?
History Channel (Mỹ)sẽ đưa độc giả bước vào thế giới quan của một cô bé 13 tuổi để hiểu cuộc đời và những thăng trầm mà cô cùng gia đình phải trải qua trong những năm tháng lẩn trốn cùng cực trước sự săn lùng ráo riết của Đức Quốc xã thời Thế chiến II (1939-1945).
Bình thường, tầng trên của tòa nhà ở 263 Prinsengracht (trung tâm thủ đô Amsterdam) luôn tĩnh lặng, nhưng vào ngày 4/8/1944, bọn chúng ập đến mang theo sự kinh hãi tột độ. Miep Gies không bao giờ có thể quên những gì đã thấy, đã nghe vào buổi sáng ngày hôm đó.
“Tôi nghe thấy tiếng lê bước chân tuyệt vọng của những người bạn của mình trước sự lùng sục hung hãn của bọn phát xít Đức .
Hai năm bao bọc họ trong căn nhà ngụy trang giữa Amsterdam, cố gắng chu cấp cho họ cuộc sống tiện lợi nhất để thoát khỏi sự truy quét của Đức Quốc xã đối người gốc Do Thái, cuối cùng thì, cả gia đình nhà Frank cũng bị bọn chúng bắt nhốt hết vào trại tử thần.” – Người phụ nữ tên Miep Gies tốt bụng kể lại.
Chính bà và chồng mình cùng 4 nhân viên khác – làm việc trong văn phòng kinh doanh đặt trụ sở tại Hà Lan của ông Otto Frank (cha của Anne Frank) – đã cung cấp nhu yếu phẩm và sách vở cho gia đình người Đức gốc Do Thái Anne Frank trong suốt 25 tháng trời (từ 12/6/1942 đến 1/8/1944) trốn tránh sự săn lùng của Đức Quốc xã.
Nhưng vì những đồng tiền ít ỏi, có kẻ đã chỉ điểm gia đình Frank cho lính Đức. Từ đây, họ phải chịu đựng cái chết, sự chia cắt và nỗi chua xót mà chiến tranh và sự tàn bạo của trùm phát xít Hitler gây nên…
Mất vài giờ sau khi bọn lính Đức rời đi, bà Miep Gies mới đủ can đảm lên lại căn gác nhỏ nơi gia đình Frank sống trầm lặng trong nhiều tháng qua.
Ở nơi sàn nhà vương vãi các vật dụng bị lính Đức lục soát và tàn phá, Miep Gies thấy một cuốn nhật ký bìa ca-rô màu đỏ, bà quỳ gối thu thập những trang nhật ký vương nốt trên sàn, cất vào ngăn kéo, khóa trái để chờ chủ nhân của nó trở về và trao tận tay.
Nhưng… Anne Frank không bao giờ còn quay lại đây nữa…
Vài tháng sau khi bị nhốt vào trại tập trung Bergen-Belsen (miền Bắc nước Đức), cô bé Anne Frank vĩnh viễn từ giã cõi đời ở độ tuổi 15 sau những đau đớn phải trải qua vì bệnh tật nơi ‘địa ngục trần gian’ của Đức Quốc xã (năm 1945). Cô gái nhỏ kết thúc sự giày vò của quân phát xít khi còn quá nhỏ, nhưng cuốn nhật ký của cô lại ’sống’ bền bỉ hơn bao giờ hết.
Là người duy nhất sống sót sau chiến tranh, ông Otto Frank (cha của Anne Frank) đã quay lại Amsterdam và nhận lại cuốn nhật ký của cô con gái. Cách đó vài năm, ông đã tặng nó cho con gái út nhân dịp sinh nhật lần thứ 13 của cô bé.
Cầm trên tay di vật cuối cùng của con, đọc những dòng tâm sự thường nhật của cô con gái nhỏ, người đàn ông kiên cường từng trụ vững trong máu lửa chiến tranh bỗng ngã quỵ trong cô độc. Hòa bình nhanh chóng đến nhưng vợ và hai cô con gái bé bỏng của ông đã vĩnh viễn bỏ lại ông một mình…
Nỗi thống khổ cực cùng này, ai có hay?
Phải cùng gia đình sống lưu vong ở nơi xứ lạ, phải uống trọn từng giây từng phút trong sợ hãi trước sự săn lùng bạo tàn của quân phát xít Đức, phải trải qua những đêm ngủ không yên – miếng ăn và tiếng cười không bao giờ được trọn vẹn ở độ tuổi trong trẻo nhất của đời người, vậy mà cô gái nhỏ ấy, trong những dòng cuối của cuộc đời, vẫn một mực tin vào những điều tốt đẹp đầy nhân văn của con người…
“Vượt lên tất thảy, mình vẫn tin rằng, bản chất con người thực sự rất tốt. Mình đơn giản chỉ là không thể xây hy vọng từ hố sâu của đau khổ và chết chóc.” – trích những dòng cuối của Anne Frank.
Hai năm sau ngày Anne Frank mất, ‘Nhật ký Anne Frank’ ra đời với tựa đề tiếng Hà Lan “Căn nhà phía sau: Những trang nhật ký từ 12/6/1942 – 1/8/1944″.
Từ đó, cuốn sách trở thành tài liệu nổi tiếng nhất và được đọc rộng rãi nhất liên quan đến cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã dẫn tới cái chết của hàng triệu người Do Thái. Tác giả của cuốn sách trở thành biểu tượng của một triệu trẻ em Do Thái bị sát hại trong Holocaust.
Cho đến nay, ‘Nhật ký Anne Frank’ được dịch ra hơn 70 thứ tiếng, bán được 35 triệu bản trên toàn thế giới. Ấn bản đầu tiên tại Mỹ được xuất bản năm 1952 với lời tựa của cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.
Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhắc đến Anne Frank trong một bài diễn văn, ông nói, “Xuyên suốt dòng lịch sử đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh chịu nhiều nỗi thống khổ và mất mát, nhưng không tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng tiếng nói của Anne Frank. Trái tim nhân văn, ngập tràn niềm hy vọng của cô gái nhỏ tựa như ’sự thanh tẩy’ đến những kẻ đang bị bị đám mây của quyền lực và độc ác che mờ…”
Ai đó đã nói rằng, hãy nhìn vào đôi mắt và nụ cười biết nói của cô gái nhỏ Anne Frank để thấu cảm ’sự thanh tẩy’ đầy trong trẻo của một đứa trẻ từng sống trong tận cùng nỗi sợ hãi và tàn độc của Đức Quốc xã thời Thế chiến II.
Trong trẻo đấy nhưng đầy can trường, hy vọng và nhân văn. Sống giữa những tháng ngày khi ranh giới giữa sự sống-cái chết, giữa sợ hãi-ước mơ liên tục giày vò, Anne Frank vẫn khiến chúng ta cảm phục về niềm tin không đổi của cô bé “Mình vẫn tin rằng, bản chất con người thực sự rất tốt…”
Nhân Ngày tưởng niệm nạn nhân Holocaust năm 2015, tờ The Guardian (Anh) đã trích dẫn những câu nói truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất, lay động con tim lớn nhất từ cuốn ‘Nhật ký Anne Frank’ huyền thoại của cô gái nhỏ.
Ảnh: Internet
01. “Con người ai cũng có những mặt tốt đẹp đáng trân trọng. Hãy tin tưởng bản thân để thấy mình đủ tài năng hiện thực hóa mọi ước muốn trong đời toàn vẹn, để thấy rõ rằng mình tuyệt vời thế nào, và có thể trao yêu thương đủ đầy ra sao.”
02. “Chỉ khi hạnh phúc, người ta mới khiến người khác cảm thấy hạnh phúc theo.”
03. “Người ta có thể bắt bạn im lặng nhưng điều đó không ngăn cản được việc bạn có quan điểm của riêng mình. Ngay cả với trẻ con, các bạn ấy cũng có quyền được lên tiếng.”
04. “Mình không nghĩ nhiều đến những nỗi đau khổ trong đời, điều mình hướng đến là những điều tốt đẹp sẽ hiện hữu mãi mãi dù chuyện gì có xảy ra.”
05. “Người ta khó có thể rút lại điều đã nói, việc đã làm, nhưng lại có ‘quyền năng’ ngăn chúng tiếp diễn lần nữa về sau.”
06. “Khoảnh khắc khó khăn ở đời xảy đến khi mọi ý tưởng, ước mơ và niềm hy vọng được hạnh phúc trỗi dậy trong ta đúng lúc tất cả chúng nhanh chóng bị nghiền nát bởi hiện thực nghiệt ngã. Thật tuyệt khi mình không ném tất cả những hoài bão của mình vào một chốn hoang tàn của thực tại.
Vượt lên tất thảy, mình vẫn tin rằng, bản chất con người thực sự rất tốt. Mình đơn giản chỉ là không thể xây hy vọng từ hố sâu của đau khổ và chết chóc.”
- Trích ‘Nhật ký Anne Frank’-
Theo người nổi tiếng, helino
Tìm thấy xác tàu ngầm Mỹ sau 75 năm mất tích cùng 80 thủy thủ
Đã 75 năm kể từ ngày tàu ngầm USS Grayback của hải quân Mỹ biến mất với 80 thủy thủ và mới đây bí ẩn đã được giải đáp.
Xác tàu ngầm Grayback cuối cùng cũng được tìm thấy sau 75 năm.
Theo CNN, hôm 10.11, nhà thám hiểm biển sâu Tim Taylor và các cộng sự của dự án Lost 52, thông báo xác định được vị trí của một tàu ngầm bị lãng quên. Con tàu nằm ở độ sâu 430 mét ở ngoài khơi Okinawa, Nhật Bản.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã mắc sai lầm khi xác định vị trí tàu ngầm từ các tài liệu chiến tranh của Nhật. Lần này, nhóm nghiên cứu đã xác định lại các manh mối, dùng tàu ngầm không người lái để tìm ra tàu ngầm USS Grayback, ở địa điểm cách 160km so với vị trí ban đầu. Hải quân Mỹ và các nhà sử học đã xác nhận thông tin trên.
Ngày 28.1.1944, con tàu ra khơi từ Trân Châu Cảng, hướng đến Biển Hoa Đông trong nhiệm vụ tuần tra lần thứ 10. Một tháng sau, tàu đánh chìm hai tàu hàng Nhật. Grayback khi đó chỉ còn hai ngư lôi nên được lệnh trở về căn cứ.
Con nằm vĩnh viễn nằm ở lại ngoài khơi đảo Okinawa, Nhật Bản.
Con tàu lẽ ra đã về đến Midway vào ngày 7.3.1944, nhưng suốt 3 tuần sau đó, hải quân Mỹ không nhận được bất cứ thông tin gì về tàu ngầm. Đến ngày 30.3, hải quân Mỹ chính thức thông báo con tàu mất tích.
Gloria Hurney, người có bác thiệt mạng trên tàu ngầm, nói gia đình không hi vọng vào điều thần kỳ. Nhưng khi nhận được thông tin về tàu ngầm, Hurney vừa cảm thấy sốc, vừa thấy buồn và kinh ngạc. Cuối cùng, những cảm giác đó trở thành sự yên bình, nhẹ nhõm.
"Tôi tin rằng điều này giúp người thân của các thủy thủ cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào", Hurney nói trên CNN.
USS Grayback là một trong 20 tàu ngầm lập nhiều chiến công nhất của hải quân Mỹ.
USS Grayback được đánh giá là một trong 20 tàu ngầm lập nhiều chiến công nhất của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Tài liệu của Nhật có ghi chép rằng, máy bay ném bom Nakajima B5N, cất cánh từ tàu sân bay, đã thả quả bom nặng 225kg nhằm vào một tàu ngầm đang nổi trên mặt nước. Con tàu phát nổ và chìm xuống biển với toàn bộ thủy thủ đoàn. Nhưng không rõ đó có phải tàu USS Grayback hay không, dù vị trí cũng ở ngoài khơi Okinawa.
Hải quân Mỹ cho biết: "Mỗi lần có xác tàu đắm được tìm thấy là cơ hội để nhớ lại và tri ân các thủy thủ. Biết nơi họ an nghỉ giúp người thân của các thủy thủ cảm thấy nhẹ nhõm hơn cũng như chúng tôi biết thêm về tình cảnh khi con tàu đắm".
Theo danviet.vn
Ẩn số trong cuộc tàn sát người Do Thái của Hitler: Cựu điệp viên FBI khét tiếng vào cuộc Sau khi bị bắt vào trại tập trung, cô bé Anne Frank trải qua những năm tháng cuối đời trong bệnh tật, đói khổ... Cô bé Anne Frank (12/6/1929 - 1945), tác giả 'Nhật ký Anne Frank'. Ở kỳ trước, kênh lịch sử History Channel của Mỹ đã cung cấp bài viết nói về cuốn 'Nhật ký Anne Frank' lay động lòng người,...