Anh vs Đan Mạch: Không đẹp trai, không WAGs, nhưng biết chiến thắng
Nhiều người hâm mộ bóng đá thường bĩu môi khi nhắc đến Anh, và rồi nói rằng.
Đội Anh chỉ là một tập hợp của những ngôi sao được truyền thông đánh bóng một cách lung linh nhất, tung hô lên tận mây xanh và những khán đài các trận của họ đều tràn ngập bóng dáng các WAGs (vợ và người tình cầu thủ).
Tôi tin là khi nói thế, họ đang đề cập đến những đội hình đầy rẫy các ngôi sao trước kia, trong những năm đầu 2000 cho đến tận những năm đầu tiên của thập niên thứ 2 thế kỉ 21, từ David Beckham cho đến Wayne Rooney, những cái tên không cần phải bàn cãi về tài năng và đẳng cấp, nhưng chưa từng đưa được đội tuyển của họ đến các danh hiệu.
Điều gì đã xảy ra với những đội bóng ấy, vốn luôn được dẫn dắt bởi những tên tuổi lớn trong làng HLV, từ Sven Goran Eriksson cho tới Fabio Capello? Vì sự yếu kém bản lĩnh trong những cuộc đối đầu mang tính quyết định, vì những rắc rối khi phải bố trí các ngôi sao như Gerrard hay Lampard cùng nhau, vì những áp lực mà dư luận và nhất là những dòng tít, những câu viết xoáy sâu chỉ trích của báo lá cải? Có lẽ họ thua vì tất cả những điều trên.
Khi Anh bị Iceland loại từ vòng 1/8 EURO 2016 và Roy Hodgson phải rời ghế HLV đội tuyển, một quan chức của LĐBĐ Anh (FA) đã phải thốt lên: “Nếu một HLV nổi tiếng như Fabio Capello không biến Anh thành một đội có thể giành danh hiệu, thì ai trên Trái đất này có thể làm được điều ấy?”. Câu trả lời nằm ở Gareth Southgate, một hậu vệ không quá xuất sắc của đội tuyển Anh, người đã khiến Anh thất bại vì đá hỏng quả luân lưu quyết định trong trận bán kết EURO 1996 và khi được đưa lên thay Hodgson sau thảm họa EURO 2016, đã bị dư luận nhìn bằng một con mắt hoài nghi. Một canh bạc thực sự của FA, khi “đầu tư” vào một con đường hoàn toàn mới: Không nhắm vào các HLV nổi tiếng và xây dựng đội hình trên những ngôi sao, mà hướng đến các cầu thủ trẻ, khi chính vị HLV này đã dẫn dắt đội U21 Anh. Chức vô địch giải U20 thế giới mà Anh đoạt được năm 2017 và sự thành công về đào tạo trẻ của nhiều CLB Anh trở thành một cú hích lớn cho định hướng ấy.
Gareth Southgate, nhân vật quan trọng trong hành trình lên đỉnh cao của đội tuyển Anh
Nhưng câu chuyện về việc đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ, những người có tên như Jude Bellingham, Jadon Sancho, Mason Mount hay Phil Foden thực ra chỉ là một khía cạnh nhỏ trong bức tranh lớn về cái cách anh đã làm với đội tuyển Anh. Khi một HLV không tự xác định mình là một ngôi sao, một cái Tôi lớn từng thành công lẫy lừng khắp nơi như Eriksson hay Capello và do đó luôn bị báo chí săn lùng về đời tư, và cư xử một cách tin tưởng với các cầu thủ như những người bạn, người đồng chí, không chỉ trích và hằn học với họ kiểu Jose Mourinho đã làm, các cầu thủ sẽ làm tất cả những gì có thể để đền đáp. Đấy là cách Harry Kane đã làm sau khi được Southgate bảo vệ; là cách Jordan Henderson chứng tỏ khi được ra sân thi đấu với Ukraine, và ghi bàn là cách anh xóa đi ấn tượng quá xấu sau khi được Southgate bảo vệ dù đá hỏng quả penalty trong trận giao hữu trước giải với Romania; là cách Southgate tin tưởng những người như Sterling hay Jadon Sancho. Trong một bài viết cho tờ The Times, cựu tiền vệ Liverpool và đội tuyển Anh Adam Lallana viết rằng, cái giỏi của Southgate là “làm cho các cầu thủ hiểu rằng ai cũng có một vai trò nào đó”.
Và chỉ cần nhìn thêm về hàng thủ của Anh mới hiểu tại sao đến giờ họ chưa lọt lưới bàn nào. Vấn đề không chỉ là chiến thuật, mà là cách dùng người. Harry Maguire có vấn đề về kỉ luật sau sự cố đánh nhau ở Mykonos, Kyle Walker vắng mặt 6 trận từ 6/2019 đến 9/2020, John Stones vắng mặt 4 tháng ở đội tuyển sau khi sa sút ở Man City, Luke Shaw chỉ có 14 lần ra sân cùng đội tuyển trong 7 năm, trong khi Jordan Pickford vật lộn với phong độ thất thường ở Everton. Dần dần từng bước, Southgate giúp họ lấy lại sự tự tin và từng bước trở lại đội tuyển, trở thành những nhân tố cực kỳ quan trọng trong hành trình EURO 2020. Họ đã cùng nhau sát cánh bảo vệ khung thành của đội tuyển, và chỉ để cho đối phương dứt điểm 42 lần, trong đó có 10 lần sút trúng khung thành và đều bị Pickford vô hiệu hóa.
Đó là Anh của EURO 2020, từng nhạt nhòa và bị chính khán giả huýt sáo ở Wembley mấy trận đầu, bỗng lột xác mạnh mẽ đầy thăng hoa và có vẻ như vẫn chưa thể hiện hết tinh hoa của mình. Không có ngôi sao lớn nào ở đó cả, không có WAGs trên khán đài, chỉ có một tập thể đoàn kết và một HLV đầy thực dụng. Nhưng đó chính là công thức để giành được một danh hiệu, sau 55 năm trắng tay và đầy thất bại đớn đau…
Tuyển Anh dính 'lời nguyền 50 năm của quỷ dữ' ở bán kết
Đội tuyển Anh phải vượt qua áp lực trước Đan Mạch từ lời nguyền không thắng ở các trận bán kết hai giải đấu lớn World Cup và Euro.
Vào lúc 2h sáng ngày 8-7, tuyển Anh sẽ bước vào trận bán kết 2 Euro 2020 trên sân nhà Wembley gặp Đan Mạch. Trước trận đấu này, tuyển Anh đối mặt với áp lực phá giải lời nguyền tồn tại hơn 50 năm tại các trận bán kết hai giải đấu lớn World Cup và Euro. Tờ The Sun (Anh) bình luận, "Tuyển Anh tiến vào trận bán kết Euro 2020 khi biết rằng họ không chỉ đối mặt với Đan Mạch mà còn đối mặt với con quỷ dữ trong quá khứ".
Tuyển Anh dính lời nguyền nửa thế kỷ ở các trận bán kết. ẢNH: THE SUN
Thầy trò HLV Gareth Southgate trở lại Wembley tiếp tục hành trình Euro 2020 gặp một Đan Mạch đang hồi sinh trong nhóm 4 đội cuối cùng. Southgate hiểu rõ hơn ai hết thử thách đến với tuyển Anh là khó khăn như thế nào.
Theo con số thống kê... khủng khiếp, tuyển Anh chỉ giành duy nhất 1 trận thắng trong 5 trận bán kết ở hai giải đấu lớn World Cup và Euro.
Trận thắng duy nhất của Anh ở bán kết là tại World Cup 1966, Tam sư đánh bại Bồ Đào Nha 2-1 nhờ hai bàn thắng của Bobby Charlton để rồi tiến thắng đến chức vô địch World Cup sau khi đánh bại Tây Đức 4-2 trong trận chung kết.
Anh thua Đức ở bán kết World Cup 1990. ẢNH: PA
Đáng buồn thay, trận thắng lịch sử đó lại mở ra một lời nguyền đen tối cho bóng đá Anh. Kể từ đó đến nay đã 55 năm trôi qua, tuyển Anh vẫn chưa có dịp trở lại với bất kỳ trận chung kết nào ở World Cup và Euro. Tam sư có thêm 4 trận bán kết nữa, trong đó có 2 World Cup và 2 Euro nhưng đều nhận thất bại.
Chỉ 2 năm sau chức vô địch World Cup 1966, Anh chịu thua Nam Tư ở bán kết Euro 1968. Điều đó buộc người Anh phải chờ đợi 22 năm mới chứng kiến đội nhà vào bán kết một lần nữa.
Bán kết World Cup 1990 trên đất Ý, Anh thua cay đắng Đức 4-3 sau loạt sút luân lưu 11m khi Stuart Pearce và Chris Waddle là người đá hỏng phạt đền.
Southgate thất vọng khi đá hỏng penalty ở bán kết Euro 1996. ẢNH: PA
6 năm sau trên sân nhà Wembley, Anh một lần nữa ngậm ngùi nhìn Đức vào chung kết sau khi lại thất bại 6-5 ở loạt sút luân lưu tại bán kết Euro 1996.
Đây là trận đấu mà chính HLV trưởng tuyển Anh bây giờ, Gareth Southgate là cầu thủ duy nhất của hai đội sút hỏng phạt đền sau khi hai đội hòa nhau 1-1 sau 120 phút thi đấu.
Tuyển Anh lại mất thêm 22 năm nữa mới lọt vào trận bán kết thứ 5, lần này là tại World Cup 2018 trên đất Nga. Anh có cơ hội lớn vào chung kết khi chỉ gặp "chú ngựa ô" của giải năm đó là Croatia. Mọi thứ diễn ra thuận lợi với người Anh khi Kieran Trippier ghi bàn tuyệt đẹp đưa Anh vượt lên dẫn 1-0.
Lời nguyền không thắng ở bán kết Euro và World Cup của bóng đá Anh đã kéo dài 53 năm. ẢNH: THE SUN
Nhưng rồi sau đó Croatia có bàn gỡ hòa rồi thắng ngược Anh 2-1 trong hiệp phụ buộc người Anh tiếp tục chờ đợi cơ hội được tham dự một trận chung kết vào lúc khác.
Tình thế bây giờ của Anh cũng giống như cách đây 3 năm. Họ được đánh giá mạnh hơn Đan Mạch lại có thêm thuận lợi được đá trên sân nhà Wembley. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để tuyển Anh phá vỡ "lời nguyền của quỷ dữ" kéo dài suốt 53 năm qua, kể từ sau trận bán kết Euro 1968.
Anh, Ý, Tây Ban Nha hay Đan Mạch sẽ lên đỉnh vinh quang tại Euro 2020. ẢNH: THE SUN
Mới đây, siêu máy tính của Stats Perform đưa ra dự đoán tuyển Anh sẽ đánh bại Đan Mạch ở bán kết Euro 2020 nhưng thua Ý trong trận chung kết ngay trên sân nhà Wembley.
Đội tuyển Anh bây giờ không vô địch thì còn đợi đến bao giờ? Sau khi đánh bại Đức, Gareth Southgate và các học trò đang có cơ hội chấm dứt quãng thời gian 55 năm không giành chức vô địch ở các giải đấu lớn. Có lẽ với các CĐV xứ sở xương mù, họ đã phải chờ đợi quá lâu để được ăn mừng một chức vô địch ở các giải đấu lớn. Dù trước...