Ảnh Trung Quốc san nền đường băng ở đá Subi
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi Subi ở Biển Đông đầu tháng này cho thấy Trung Quốc đang san nền trái phép một khu vực dài khoảng 2.200 m có thể làm đường băng.
Hình ảnh đường băng được san nền trái phép trên đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe
“Trong bức ảnh chụp ngày 3/9, phạm vi san nền trên bãi Subi là 2.200 m, và rõ ràng công tác chuẩn bị cho việc kéo dài nó đang diễn ra”, Diplomathôm qua đưa tin. Theo tạp chí này, quy mô hoạt động đào đắp đất ở Subi cuối cùng có thể tạo thành đường băng dài 3.300 m. Với chiều rộng khoảng 60 m, bãi đất được san bằng có thể dành cho đường băng cùng chiều rộng với đường Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập.
Hiện chưa thấy mặt lát đường trong bức ảnh mới. Một phần hình răng cưa ở rìa phía bắc của bãi đá cũng đang được mở rộng ra, bằng cách nối dài một bức tường lớn ra biển và bồi đắp cát lên vùng biển xung quanh.
Từ ba đến bốn máy nạo vét với những ống cát dường như đang hoạt động, bơm cát vào các khu vực đã được đê biển vây quanh. Con kênh cho phép tàu đi vào vùng nước bao bọc bởi bãi đá hôm 13/7 mới chỉ rộng 215 m, thì nay được mở rộng lên 290 m. Trong khi đó, hàng chục cần cẩu, xe tải, máy ủi và máy xúc đang bồi đắp hàng trăm hecta cát.
Đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo, có khả năng cao là dùng cho mục đích quân sự trong tương lai.
Video đang HOT
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký năm 2002.
Ảnh vệ tinh chụp toàn cảnh Đá Subi ngày 3/9. Ảnh: DigitalGlobe
Khu vực bồi đắp mới, trong tương quan với bức ảnh chụp ngày 18/7. Ảnh:DigitalGlobe
Trọng Giáp
Theo VNE
Indonesia tăng cường phòng vệ ở Biển Đông
Indonesia sẽ xây cảng, mở rộng đường băng cho chiến đấu cơ và triển khai thêm vũ khí để ứng phó nguy cơ an ninh từ tranh chấp Biển Đông.
Tàu hộ vệ Indonesia (gần) tập trận với tàu tuần duyên Mỹ (phía xa, tay phải) - Ảnh: Hải quân Mỹ
Lược đồ vị trí quần đảo Natuna - Nguồn: Latinpost.com
Theo tờ The Jakarta Post, Indonesia đang lên kế hoạch tăng cường hệ thống vũ khí trên quần đảo Natuna, nơi có vị trí chiến lược và trữ lượng dầu khí cao, để ứng phó mối đe dọa tiềm ẩn từ Biển Đông.
Natuna nằm ở cực nam Biển Đông, ngay cửa ngõ ra vào eo biển Malacca và hồi năm 2014, thiếu tướng không quân Indonesia Fahru Zaini khẳng định Trung Quốc gom luôn một phần vùng biển xung quanh Natuna vào trong bản đồ phi pháp "đường lưỡi bò". Đây được xem là lần đầu tiên Indonesia, vốn luôn tuyên bố không phải là một bên tham gia tranh chấp ở Biển Đông, công khai loan báo một vùng biển của mình bị "liếm" trúng.
Giới quan sát nhận định Indonesia ngày càng quan ngại về tình hình an ninh ở Biển Đông với các biến động gần đây, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa với ý đồ quân sự hóa. Tuần trước, The Jakarta Postdẫn lời Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Ade Supandi khẳng định lập trường của nước này là "cần duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đông, đặc biệt với các mối đe dọa gia tăng trong thời gian gần đây".
Ngay từ tháng 9.2014, Trưởng cơ quan điều phối an ninh biển Indonesia Desi Albert Mamahit đã cảnh báo tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là "mối đe dọa thật sự" mà sớm hay muộn gì cũng sẽ ảnh hưởng tới nước này, còn một sĩ quan hải quân cấp cao cho biết các cuộc tập trận thời gian qua trong khu vực Natuna là nhằm "ứng phó những lập trường hung hăng".
Lập căn cứ, tăng cường khí tài
Trước tình hình trên, The Jakarta Post ngày 6.9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu nói: "Chúng tôi sẽ trang bị cho Natuna một cảng biển và mở rộng đường băng trên đảo chính", đồng thời cho biết sẽ triển khai thêm chiến đấu cơ đến khu vực. "Chúng ta hiện không ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng Biển Đông quá gần với chúng ta nên cần phải chuẩn bị. Hệ thống vũ khí của chúng ta tốt nhưng phải có thêm để không phải lúc nào cũng lo lắng", ông Ryamizard tuyên bố với các phóng viên.
Cũng nhằm ứng phó nguy cơ tiềm ẩn ở Biển Đông, Indonesia đã nâng cấp một căn cứ hải quân ở tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo, cách không xa Natuna, thành căn cứ hải quân chính của nước này. Bên cạnh đó, cách đây khoảng 2 tháng, Trưởng ban Quy hoạch phát triển quốc gia Andrinof Chaniago công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới để bảo vệ các khu vực biên giới gần Biển Đông. Theo ông, trong những địa điểm được đề xuất có Tây Kalimantan và Natuna.
Ngoài ra, Indonesia cũng đang mua 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc và 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, cùng 8 trực thăng AH-64E Apache của Mỹ. Jakarta cho biết sẽ điều 4 trong số 8 chiếc Apache ra căn cứ Natuna. Nước này cũng vừa hoàn thành nâng cấp đáng kể căn cứ không quân Ranai trên đảo Riau với hệ thống radar phức hợp, đường băng và đèn chiếu. Từ Ranai, chiến đấu cơ có thể nhanh chóng gia nhập phi đội Apache ở Natuna khi cần thiết. Những bước đi nằm trong nỗ lực xây dựng hoàn chỉnh Lực lượng cơ yếu tối thiểu (MEF) trước năm 2019 nhằm đối phó những nguy cơ chiến lược.
Cũng để phục vụ mục tiêu trên, Bộ Quốc phòng Indonesia quyết định mua chiến đấu cơ Su-35 do Nga sản xuất để thay thế phi đội F-5 đang lão hóa. "Chúng tôi muốn mua một phi đội (thường gồm 12 - 24 chiếc - NV), nhưng với tình hình tài chính hiện nay thì có thể mua khoảng 8 chiếc. Tất cả đều hoàn toàn mới và được trang bị vũ khí đầy đủ", Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard cho hay. Một chiếc Su-35 hiện có giá ước tính tới 65 triệu USD.
Bên cạnh đó, hải quân Indonesia sẽ tái lập phi đội chuyên tác chiến chống tàu ngầm (ASW), vốn đã ngừng hoạt động từ thập niên 1970. Theo chuyên trang IHS Jane's Defense Weekly, phi đội mới mang tên Skuadron Udara 100 và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2016.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Năm 2017, Trung Quốc hoàn tất quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông Đến năm 2017, Trung Quốc sẽ xây xong các cảng, doanh trại, tường thành, đường băng, hệ thống radar tầm xa... trên các đảo nhân tạo để triển khai các hoạt động quân sự và có thể ngăn cản tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn tất giai đoạn bồi dắp, xây dựng xong các đảo nhân tạo ở...