Anh thông báo gia nhập CPTPP
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 31/3 thông báo nước này sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Anh tham gia sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: AFP/TTXVN
Anh sẽ trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi hiệp định được ký kết năm 2018 và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối này. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, CPTPP sẽ là khối thương mại gồm trên 500 triệu người và chiếm 15% GDP toàn cầu khi Anh trở thành thành viên thứ 12.
Thông báo của văn phòng trên nêu rõ sau 21 tháng “đàm phán căng thẳng”, Anh sẽ là “trung tâm của một nhóm gồm các nền kinh tế năng động” và là bằng chứng của việc “nắm bắt cơ hội của tự do thương mại mới hậu Brexit”.
Động thái trên giúp Anh thực hiện một cam kết quan trọng với những người đã ủng hộ Brexit, rằng sau khi rời EU, Anh có thể tham gia các khối thương mại khác với các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn những nền kinh tế gần về địa lý.
Video đang HOT
Thông báo về thỏa thuận trên, Thủ tướng Sunak khẳng định: “Anh là một quốc gia tự do thương mại và mở cửa, và thỏa thuận này cho thấy các lợi ích kinh tế thực sự của sự tự do hậu Brexit”. Ông nhấn mạnh: “Là một phần của CPTPP, Anh giờ đây ở một vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng, đổi mới và tạo việc làm”.
CPTPP là hiệp định thay thế cho Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút năm 2017. Trong số thành viên CPTPP có 2 nước cũng thuộc Nhóm Các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) là Canada và Nhật Bản, và các đồng minh lịch sử của Anh là Australia và New Zealand. Các nước còn lại là Mexico, Chile, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei.
Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập khối vào năm 2021. Một nước mới muốn gia nhập cần được tất cả các thành viên đồng thuận.
Từ khi rời thị trường chung châu Âu năm 2021, Anh đã nỗ lực đạt thỏa thuận song phương nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế của mình. Đến nay, London đã ký nhiều thỏa thuận với các đồng minh như Australia, New Zealand hay Singapore, và đang đàm phán với Ấn Độ và Canada. Tuy nhiên, một thỏa thuận đáng giá với Mỹ vẫn đang bị đình trệ.
Văn phòng Thủ tướng Sunak cho biết Anh đã đệ đơn gia nhập CPTPP từ tháng 2/2021, bắt đầu đàm phán vào tháng 6 cùng năm. London cùng các thành viên CPTPP đang nỗ lực thực hiện “các bước pháp lý và hành chính cuối cùng” trước khi Anh chính thức ký kết hiệp định trong năm nay. Theo các số liệu của Anh, thỏa thuận thương mại này về dài hạn sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Anh thêm 1,8 tỷ bảng (2,2 tỷ USD).
Khi gia nhập CPTPP, hơn 99% hàng hóa của Anh xuất sang các nước thành viên CPTPP sẽ được áp dụng các mức thuế bằng 0, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như ô tô, chocolate, máy móc và rượu whisky.
Kim ngạch xuất khẩu của Anh sang các nước này là 60,5 tỷ bảng trong tài khóa kết thúc vào tháng 9/2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh sau khi gia nhập CPTPP. Ngành dịch vụ chủ đạo của Anh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc được tiếp cận rộng hơn với các thị trường Thái Bình Dương đang tăng trưởng và rất ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Anh.
Lãnh đạo Anh và Mỹ công bố kế hoạch thăm lẫn nhau
Ngày 13/3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ tới thăm Mỹ vào tháng 6 tới theo lời mời của Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện ý định tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh vào tháng 4 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại cuộc họp báo ở San Diego (Mỹ) ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với các phóng viên tại San Diego (Mỹ), Thủ tướng Sunak cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc trong vài tháng tới. Ông Sunak đã tới San Diego cùng với Tổng thống Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese để công bố chi tiết của kế hoạch cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Canberra trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường 3 bên (AUKUS).
Trong khi đó, Nhà Trắng cũng đưa ra thông báo nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và bền vững giữa Anh và Mỹ. Đây sẽ tiếp tục là chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm Mỹ tháng 6 tới của Thủ tướng Sunak.
Tổng thống Joe Biden cũng cho biết đã nhận lời mời của Thủ tướng Sunak đến thăm vùng lãnh thổ Bắc Ireland trong tháng 4 nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành giúp khôi phục ổn định tại vùng này. Trước đó, nhà lãnh đạo Anh đã đưa ra lời mời nêu trên khi phát biểu mở đầu hội nghị thượng đỉnh 3 nước đối tác AUKUS tại San Diego. Đáp lại, Tổng thống Biden cho biết có ý định tới Bắc Ireland và CH Ireland.
Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành đã giúp chấm dứt thời kỳ xung đột kéo dài 3 thập kỷ tại Bắc Ireland từ những năm 1960 giữa phe ủng hộ vùng này là một phần của Vương quốc Anh và phe ủng hộ sáp nhập vào CH Ireland. Hiệp ước được ký kết ngày 10/4/1998, trong đó chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đóng vai trò trung gian.
Làm mới mối quan hệ đồng minh "Một khởi đầu mới" giúp làm mới hiệp ước đồng minh giữa Anh và Pháp là nhận định của Thủ tướng Anh Rishi Sunak sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa diễn ra ở Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ở Paris...