Anh thợ điện đổi đời nhờ nuôi lợn bằng thảo dược
Sử dụng thức ăn thảo dược vào mô hình nuôi lợn hương của mình, chàng thợ điện Phùng Ngọc Vĩnh đã nhanh chóng thành công và cung cấp cho thị trường một nguồn thịt lợn sạch và chất lượng.
Nuôi lợn bằng thảo dược
Khăn gói ra Bắc sau một khoảng thời gian bôn ba làm thợ điện tại thành phố Hồ Chí Minh, chàng thanh niên Phục Ngọc Vĩnh nung nấu trong mình ý định lập nghiệp.
Về miền quê Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội), hỏi người dân, hầu như ai ai cũng biết đến trang trại lợn hương Sen Trì, hỏi về ông chủ trang trại Phùng Ngọc Vĩnh lại càng biết. Mấy năm gần đây, trang trại lợn hương Sen Trì nổi tiếng khắp vùng nhờ công thức nuôi lợn lạ.
Rót nước mời chúng tôi, anh Vĩnh kể lại mối lương duyên tình cờ với nghề nuôi lợn hương. Trước năm 2012, anh bôn ba trong thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân sửa chữa điện cho Công ty Masan food. Đầu năm 2012, anh chuyển ra Bắc lập nghiệp và nhen nhóm ý định đầu tư cải tạo trang trại Sen Trì.
Được Trung tâm khuyến nông Hà Nội tư vấn và giới thiệu quy trình chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi lợn hương, 6/2012, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại trên thửa đất 5,3 ha; song song việc trồng cây ăn trái và chăn nuôi lợn hương.
Cây chè đại là một trong những thảo dược không thể thiếu trong thức ăn nuôi lợn..
Được biết, lợn hương có nguồn gốc từ vùng Bát Xát (Lào Cai), thân ngắn, chân thon và bụng to. Ngoài ra, lợn có đốm đầu và đốm đuôi, ở giữa là khoang trắng, giữa trán có đốm lửa, da dày, lông dài và rậm hơn lợn Móng Cái. Với sức đề kháng cao và thích nghi với môi trường tốt nên quy trình chăm sóc lợn cũng dễ dàng. Vì vậy, mô hình ban đầu, anh Vĩnh mua 12 con giống Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Cao Bằng rồi nhân rộng đàn lợn cho ra số lượng lớn.
Điểm độc đáo trong mô hình nuôi lợn hương của trang trại Sen Trì là sử dụng thức ăn bằng thảo dược. Anh Vĩnh cho biết: Tận dụng phế phẩm của nông nghiệp như cám mì, cám gạo, ngô trộn thảo dược như bồ công anh, thổ phục linh, kim ngân và một số loại thảo dược khác làm thức ăn nuôi lợn để đem lại chất lượng thịt thơm ngon và an toàn. Cũng chính bởi nguồn thức ăn đảm bảo, không sử dụng cám tăng trọng nên thời gian chăn nuôi tính từ lúc đẻ ra tới lúc đạt trọng lượng xuất bán 35 – 40 kg phải mất từ 7 – 8 tháng, giá bán thịt lợn hương cũng đắt hơn thịt lợn thông thường, lên tới 130.000 đồng/kg lợn hơi.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tùy vào thời gian sinh trưởng và trọng lượng của lợn mà anh Vĩnh lại có những quy trình chăm sóc riêng. Theo anh, lợn con nuôi theo mẹ khoảng 25 ngày thì tách đàn, tập ăn bằng hỗn hợp gồm tấm gạo ninh nhừ, trộn bột ngô, bột đỗ tương rang với lá cây chè đại để tạo nguồn dinh dưỡng cho lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Khi lợn đạt trọng lượng khoảng 20 kg đến khi xuất chuồng, anh cho lợn ăn hỗn hợp cám gạo, cám ngô, cám mì, ủ men vi sinh, rồi trộn với thảo dược, rau, chuối, bèo tây.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe tốt cho vật nuôi, anh bổ sung phòng bệnh bằng tỏi, nghệ, gừng; tiêm vacxin phòng tránh và khử trùng chuồng trại hàng tuần, kết hợp cả hai quy trình chăn – thả. Anh Vĩnh cho hay, anh vừa đổ bê tông 600 m2 đất để thả lợn từ 15 – 20 kg, tạo không gian cho lợn vận động, tiêu hao mỡ và năng lượng, giúp vật nuôi phát triển nhanh hơn. “Lát bê tông để lợn tránh ủi đất, ngăn ngừa nguy cơ lợn nhiễm ký sinh trùng. Đồng thời, hệ thống chuồng thả được vệ sinh sạch sẽ, phân thải tận dụng làm biogas”, anh Vĩnh cho biết thêm.
Để theo dõi quá trình chăm sóc lợn, anh Vĩnh có quyển nhật ký ghi chi tiết lợn từ lúc phối giống, dưỡng nái, sang chuồng chờ đẻ đến lúc tách đàn, nuôi lợn thịt hay gây tiếp giống… để từ đó anh biết được lý lịch của con giống, có biện pháp khắc phục cũng như tránh phối giống cận huyết để đảm bảo giống tốt.
Với quy trình chăm sóc lơn nghiêm ngặt như vậy, thịt lợn hương của anh Vĩnh luôn thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn.
Gian nan tìm đầu ra cho thịt lợn “sạch”
Khi việc sử dụng thức ăn thảo dược để chăn nuôi lợn bắt đầu có hiệu quả, ông chủ trang trại tay ngang lại phải đối mặt với bài toán khó khăn hơn: đi tìm đầu ra cho sản phẩm
“Mình mới chân ướt chân ráo, chưa có tên tuổi gì, giá cả lại cao nên gặp không khó khăn mới là lạ”- Anh Vĩnh chia sẻ
Khắc phục khó khăn đó, năm 2013, anh Vĩnh tham gia Hội chợ chăn nuôi thú y – thủy sản thành phố Hà Nội nhằm giới thiệu giống lợn hương đến người tiêu dùng. Hai năm 2014, 2015, anh liên tiếp tham gia Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội, đem sản phẩm bày bán. Anh bảo: “Tuy thịt ngon, an toàn nhưng lượng thịt mỡ nhiều nên người dân còn e ngại. Chỉ đến cuối năm 2015, nhờ có sự kết nối hỗ trợ của Trung Tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, sản phẩm mới thực sự được tiêu thụ rộng rãi”.
Anh Vĩnh (trước) đang tư vấn cách nuôi lợn hương.
Nhấp một ngụm nước, anh Vĩnh tiếp lời: “Thịt mỡ của lợn hương ăn giòn và mát, khác hẳn với thịt lợn Móng Cái”. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường về thịt siêu nạc, năm 2015 vừa qua, anh Vĩnh đã thí nghiệm thành công khi lai lợn hương nái với lợn rừng đực, nhằm cân bằng tỉ lệ thịt nạc. Để đảm bảo con giống tốt, anh mua giống lợn rừng tại Trại giống Hoa Viên Yên Bình Thạch Thất.
Thí nghiệm đầu tiên với 20 lợn hương nái và 3 lợn rừng đực thành công, trung bình 10 con/lứa, lợn con sinh ra đốm khoang vẫn không thay đổi nhưng bụng thon hơn. Tuy độ giòn của thịt mỡ không bằng lợn hương nhưng tỷ lệ nạc cao hơn đáng kể, màu thịt nạc đỏ như thịt bò.
Bước đầu thành công, tới đây, anh Vĩnh cũng có ý định mở rộng quy mô trang trại, song song nuôi lợn hương và lai tạo lợn hương với lợn rừng. Ngoài ra, anh cũng đầu tư trồng cây dược thảo làm nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Đến nay, tuy đã mở rộng quy mô trang trại, tăng cường lên tới 68 lợn bố mẹ nhưng nguồn cung cấp lợn giống và thịt lợn của anh Vĩnh cũng không đủ cung ứng ra thị trường, sản phẩm đầu ra, anh xuất giống đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang…., đồng thời cung cấp thịt lợn sạch cho cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội như cửa hàng số 47 Nguyên Hồng (Đống Đa), 85 Lê Hồng Phong (Hà Đông),… Ước tính mỗi năm, anh xuất bán 200 con, tương đương với 6 – 7 tấn thịt.
Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, trang trại Sen Trì được cấp giấy chứng nhân VietGAP chăn nuôi kèm theo Quyết định công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật Cục trưởng Cục Thú (2015), Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y của Chi cục Thú y thành phố Hà Nội (2015).
Giữa thời buổi cả xã hội đang chung tay chống thực phẩm bẩn, những chứng nhận trên vừa giúp anh Vĩnh cùng trại lợn hương của mình có thêm uy tín, chỗ đứng trên thị trường, vừa là động lực để ông chủ trang trại này tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp này, góp thêm một nguồn thực phẩm sạch cho xã hội.
Đỗ Thùy Mỵ
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Nuôi lợn bằng... thảo dược
Thay vì dùng cám tăng trọng, một nông dân ở H.Yên Mỹ, Hưng Yên trộn cám gạo, cám ngô với các loại thảo dược như thổ phục linh, lá kim ngân, bồ công anh... làm thức ăn cho lợn, giúp hạn chế dịch bệnh, thịt lợn ngon hơn.
Cám và các loại thảo dược được trộn cho lợn ăn - Ảnh: T.T
Năm 2008, gần nửa số lợn trong trại nuôi công nghiệp bị chết bởi dịch tai xanh, thiệt hại hơn hơn 300 triệu đồng khiến gia đình ông Đỗ Văn Chuyên (43 tuổi, ở thôn Trai Trang, TT.Yên Mỹ, H.Yên Mỹ) lao đao.
Một lần đọc báo về một số loại cây cỏ trong vườn nhà thực ra là các vị thuốc nam, có thể chữa bệnh, ông nảy ra ý tưởng dùng thảo dược làm thức ăn cho lợn. "Tôi hái lá bồ công anh, kim ngân, thài lài trong vườn nhà rồi nghiên cứu công dụng, liều lượng của từng loại lá trước khi trộn với cám ngô, cám gạo, nghiền thành viên cho lợn ăn. Theo dõi hàng thấy lợn ăn khỏe, da hồng hào hơn và không bị ốm, chết dù đang có dịch tai xanh", ông Chuyên nói và cho biết đã triển khai đại trà cách cách làm này trong trang trại của mình từ năm 2012.
Theo ông Chuyên, khẩu phần ăn của lợn trong trai trại có khoảng 20 loại thảo dược dễ tìm, có tác dụng giải độc, tẩy giun sán, kích thích tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, ông chỉ tiết lộ một số vị như thổ phục linh, nghệ vàng, tỏi ta vì "sợ mất bí quyết". Cám thảo dược được dùng cho lợn từ 50kg trở lên, lợn nuôi từ nhỏ đến khoảng 50kg thì ông Chuyên cho ăn loại cám viên được nghiền từ bột ngô, đậu tương và cá vụn luộc như bình thường. Đáng chú ý là nuôi lợn bằng cám công nghiệp chỉ mất 6 tháng nhưng ông Chuyên vẫn nuôi bằng thảo dược trong 8 tháng vì "muốn làm ăn bền vững, sản xuất thực phẩm sạch".
Trang trại của ông Chuyên có 20 lợn nái và hơn 200 lợn thương phẩm. Dẫn chúng tôi vào thăm khu chuồng nuôi được cách ly cẩn thận, ông Chuyên cho biết những con lợn da hồng tía trong chuồng chưa bao giờ ốm phải uống thuốc kể từ lần tiêm phòng khi còn bé, đặc biệt không có lợn chết. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân địa phương tìm mua thịt lợn của ông dù giá cao hơn lợn nuôi thường 15.000 - 20.000 đồng/kg. Theo ông Chuyên, nhiều thương lái cũng đến đặt mua với số lượng lớn nhưng gia đình ông không bán mà thực hiện một dây chuyền khép kín từ chăn nuôi cho tới giết mổ để bán thành phẩm bán ra thị trường.
Đến tận nhà ông Chuyên mua thịt và 2 cây giò về ăn dần, ông Nguyễn Hữu Phong (38 tuổi, ở thôn Trung Đạo, xã Trung Hưng, H.Yên Mỹ) cho biết: "Tôi rất sợ ăn thịt lợn nuôi cám tăng trọng, thậm chí là lợn chết, tẩm ướp hóa chất nên đã mua thịt lợn ở đây hơn một năm rồi. Ăn thịt lợn sạch ở đây quen rồi nên sợ thịt bán ngoài chợ lắm".
"Lợn nuôi bằng thảo dược săn chắc, ngọt thịt hơn, khi luộc thịt không có váng bọt như thịt lợn nuôi bằng cám tăng trọng. Mỗi ngày nhà tôi thịt 1 con, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của bà con", ông Chuyên nói và cho biết không tính được chi tiết số tiền lợi nhuận vì thu được bao nhiêu lại đầu tư trở lại bấy nhiêu.
Ông Chuyên cũng đóng thịt lợn trong bao bì hút chân rồi đem tới tận những nhà có đơn đặt hàng. Người nông dân này cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, xây dựng một khu giết mổ, đóng túi khép kín theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trăn trở lớn nhất của ông là tiết kiệm chi phí để có thể cạnh tranh với thịt lợn thông thường, giúp mọi người sử dụng loại thịt sạch này phổ biến hơn.
Thành Trí
Theo Thanhnien
Vì sao chất cấm có trong chăn nuôi lợn vẫn không giảm? Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tích cực vào cuộc nhưng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn vẫn gia tăng. Tỉnh Đồng Nai có đàn lợn lớn nhất cả nước với 1,7 triệu con. Gần đây, Chi cục Thú y TP HCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ phát hiện nhiều trường hợp sử...