Anh phụ hồ quyết không để con bỏ học giữa chừng
“Dù có vay tiền cho con đi học tôi cũng quyết không để đứa nào phải bỏ học giữa chừng” – anh Nguyễn Xinh (35 tuổi), tổ 1, thôn 4, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bộc bạch.
Vợ chồng chị Xuân bên những tấm giấy khen của các con
Anh Xinh là một trong những hộ nông dân nghèo tiêu biểu của huyện Tiên Phước được trao vốn trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” ở Quảng Nam.
Phụ hồ nuôi con ăn học
Anh Xinh có bốn đứa con đang tuổi ăn học. Hằng ngày anh phụ hồ, kiếm tiền lo cho gia đình và nuôi con ăn học. Tuy nhiên đồng lương phụ hồ khoảng 80.000-100.000 đồng/ngày chỉ giúp anh trang trải cuộc sống gia đình chứ không đủ lo tiền học cho con. Để nộp học phí anh Xinh phải vay 15 triệu đồng tiền chính sách diện hộ nghèo trong xã.
Video đang HOT
Không đầu hàng cái nghèo, những lúc không phụ hồ anh Xinh lên rừng phát rẫy, trồng keo, hồ tiêu, quế để cải thiện cuộc sống. Hiện giờ anh đang trồng khoảng 5 sào keo với hi vọng vài năm nữa bán kiếm tiền lo cho con.
Biết ba cực khổ, các con của anh luôn ngoan ngoãn, nỗ lực học tập. Các bé Vy, Trinh, Quỳnh liên tục mấy năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nguyện vọng lớn nhất của anh Xinh là có một số vốn cho vợ mua thêm heo, bò phát triển chăn nuôi, lấy tiền nuôi con ăn học đến cùng.
“Căn nhà của tôi đã cũ kỹ không có tiền sửa, mái ngói bị dột khi trời mưa… Nhưng mặc kệ, miễn có tiền lo cho mấy đứa con học hành đàng hoàng, nên người, cực khổ mấy tôi cũng vui” – anh Xinh nói.
Gia tài cho con chỉ có đàn gà
Đã nhiều năm qua chị Ngô Thị Xuân, thôn 5, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, là lao động chính trong nhà. Chồng mắc bệnh hiểm nghèo không làm ăn được, mình chị lo cho bảy đứa con ăn học nên người. Hằng ngày, sau khi làm xong việc nhà, chị Xuân lại phải làm thuê, làm mướn để kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn khi phải gánh số nợ hàng trăm triệu đồng tiền chữa bệnh cho anh Liêm – chồng chị Xuân.
Thời gian trước chị Xuân đã vay mượn tiền để làm chuồng gà, mua mấy chục con gà giống với hi vọng đàn gà sẽ giúp chị có tiền nuôi con ăn học. Một tay chị mua tre về sửa sang chuồng, chăm sóc chu đáo cho đàn gà. Bởi chị biết đó là tất cả gia tài mà chị dành cho con. Chị Xuân còn sửa sang lại vườn nhà, trồng thêm cây ăn quả như cam, bưởi, có thêm đồng ra đồng vô… Ngoài ra chị Xuân còn học cách chăm sóc keo, trồng hơn 1.000 cây keo gần một năm tuổi trên 2 sào đất.
Hết chăm keo chị Xuân lại xoay qua làm 4 sào lúa, rồi phụ hồ, phát keo thuê cho hàng xóm… Cực khổ là vậy nhưng chị Xuân rất hạnh phúc vì con cái học hành chăm chỉ, gặt hái nhiều kết quả tốt. Ngoài hai đứa con lớn đã ra trường, làm việc ở TP.HCM, chị còn năm đứa con đang theo học các trường đại học, trung học phổ thông. Cả Khả, Luyến, Khởi, Khẩn, Khôi đều học khá, giỏi.
Mỗi tháng chị Xuân lại chắt mót gửi gần 8 triệu đồng sinh hoạt phí cho năm đứa con. Chị mong có một số vốn để mở rộng chuồng gà, mua thêm gà giống để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Dù làm việc quần quật, chị quyết không để con mình phải bỏ học giữa chừng. Ước mơ lớn nhất của đời chị là nhìn thấy con cái ăn học thành tài. Với ước mơ ấy chị càng vững tin làm lụng, tất cả vì tương lai của đàn con.
Theo Tuổi Trẻ
"Rủ nhau" trúng số độc đắc, hơn chục dân nghèo cùng làm từ thiện
Suốt ba ngày nay, hơn chục hộ dân thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên) vui sướng tột cùng vì cùng trúng vé số độc đắc.
Điều ý nghĩa hơn cả là hầu hết những người trúng số lần này đều là dân lao động chân chất, chạy ăn từng bữa. Một số người nhanh tay làm việc thiện dù chưa hề nhận được tiền trúng số.
Một trong số hơn chục người dân vừa trúng số độc đắc ở Đông Phước
Từ ngày 7/10 đến nay, hơn chục hộ dân Đông Phước, xã Hòa An đã kéo đến Văn phòng Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa tại Phú Yên để nhận thưởng. Người nhiều nhất được gần 1 tỷ đồng, người thấp nhất được hơn 200 triệu đồng. Đây là đợt vé số độc đắc 06868 do Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa phát hành, mở ngày 7/10/2012 mệnh giá 5.000 đồng/vé giải đặc biệt 125 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị N. (35 tuổi), kể lại: "Lâu nay tôi đâu có mua vé số, hôm đó may mà có người bà con đến chơi, thấy người bán vé số đi ngang qua nên gọi vào dò số. Sẵn có 10.000 đồng đang cầm trên tay, tôi mua luôn. Ai ngờ đều trúng độc đắc được hơn 200 triệu đồng". Bà N làm nghề bán bún, chồng bà làm phụ hồ, con cái đang tuổi ăn học nên số tiền này là cả một giấc mơ.
"Khi có tiền, tôi sẽ đãi bà con họ hàng, trích một tiền để giúp đỡ người nghèo, hộ khó khăn trong xã. Mình may mắn trúng, cũng phải chia lộc cho thơm thảo...", bà N. chia sẻ.
Trong khi đó, vợ chồng anh Phan K. và Đỗ Thị D. (46 tuổi) trúng 8 tờ độc đắc, được gần 1 tỉ đồng. vợ chồng anh K thuộc hộ nghèo, thường ngày anh K. làm thợ hồ, chị D. buôn bán tạp hóa ở chợ xã, hai vợ chồng phải nuôi 4 con nhỏ và mẹ già bị bệnh. Anh K. tâm sự "Là dân nghèo nên tôi rất đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Với số tiền trúng số lần này, ngoài phần chuộc lại ngôi nhà, cúng dường, giúp bà con trong tộc, tôi sẽ trích một phần để giúp đỡ những người nghèo, hộ neo đơn...".
Trong khi đó vào sáng ngày 10/10, mặc dù chưa đi nhận thưởng về nhưng người nhà ông Nguyễn T. (70 tuổi) đã tổ chức biếu gạo cho hơn 100 hộ nghèo, người già neo đơn. Bà Trần Thị Mãi (72 tuổi), một người dân Đông Phước xúc động "Ông T. chỉ trúng được 2 tờ độc đắc nhưng đã nghĩ làm việc thiện, giúp đỡ những người cơ cực như chúng tôi. Điều này làm tôi và mọi người rất cảm phục".
Theo ông Phùng Chí Thắng, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa tại Phú Yên, công ty đã thanh toán tiền trúng số độc đắc 06868 với số lượng khoảng 30 tờ cho khách hàng ở Phú Yên.
Ông Đặng Văn Sia, Chủ tịch UBND xã Hòa An, xác nhận: thôn Đông Phước có rất người trúng độc đắc, mỗi người từ 1-2 vé, xóm dưới làng trên ai nấy cũng đều vui mừng. Mong là bà con sử dụng lộc trời đúng mục đích, làm nhiều việc thiện và không để lại những hệ lụy khi bỗng chốc đổi đời.
Theo Dantri
"Cơm ăn có thể thiếu chứ không thể bỏ học" "Dù thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng chưa một lần em nghĩ đến chuyện bỏ học. Bữa cơm hàng ngày có thể thiếu chứ không thể thiếu cái chữ, không thể bỏ ước mơ đi học". Đó là lời chia sẻ của em Hoàng Thị Thương, Trường THPT Quảng Xương I, Thanh Hóa. Em Hoàng Thị Thương là một...