Anh nông dân vùng cao sáng chế 1 loạt máy nông nghiệp
Không được học hành bài bản về cơ khí, nhưng những khó khăn trong lao động sản xuất và lòng đam mê đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Ngọc – 29 tuổi, hội viên nông dân xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) sáng chế ra 1 loạt máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng, hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi học nghề điện tử ra trường, anh được gia đình thế chấp vay vốn ngân hàng hơn 30 triệu đồng mở cửa hàng sửa chữa điện tử và thiết bị gia dụng. Trong quá trình làm nghề, anh Ngọc luôn ấp ủ việc chế tạo máy nghiền thức ăn đa năng để giảm bớt công sức lao động, phù hợp với điều kiện, khả năng của người nông dân miền núi.
Anh Nguyễn Văn Ngọc kiểm tra các loại máy trước khi xuất xưởng. Ảnh: D.C
Từ những suy nghĩ đó, anh Ngọc tạm gác lại nghề sửa chữa điện tử và kinh doanh điện thoại. Đến năm 2015, ngoài số vốn tích lũy được, anh mạnh dạn vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư xây dựng nhà xưởng cơ khí.
Sản phẩm đầu tay của anh Ngọc là máy băm sắn khúc chạy bằng động cơ xăng; tiếp theo là máy mài kép cải tiến chuyên mài các dụng cụ phục vụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng, búa; máy thái cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi; máy thái thuốc nam; máy thái quả chuối rừng; máy thái hành tỏi và nghiền thô gừng, nghệ. Cuối cùng anh nghiên cứu, cải tiến cho ra loại máy với 7 chức năng: bóc lạc, tuốt ngô, nạo sắn, nghiền ngô, thái chuối, thái cỏ voi, trộn hỗn hợp. Hiện anh đã bán được 4 máy với giá 4 triệu đồng/máy.
Anh Nguyễn Văn Ngọc bên chiếc máy thái mịn thức ăn cho gia súc.
Năm 2017, anh tiếp tục nghiên cứu, cải tiến 2 sản phẩm mới là máy thái thức ăn dạng thô và máy thái thức ăn dạng mịn, sau đó sản xuất đại trà. Đến tháng 10.2017 anh đã bán được 2.082 sản phẩm, trong đó máy thái thức ăn thô bán 2,5 triệu đồng, máy thái thức ăn dạng mịn giá 1,5 triệu đồng, thu lãi về trên 550 triệu đồng.
Những máy thái được anh nghiên cứu, sáng chế năm 2017 năng suất thái gấp 9 lần so với máy bán ở ngoài thị trường, kỹ thuật sử dụng đơn giản, người già, phụ nữ đều vận hành được, phù hợp cả với chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn nuôi quy mô lớn.
Video đang HOT
Hiện xưởng của anh có 3 lao động làm việc với mức lương từ 7-9 triệu đồng/người; đào tạo 1 người khuyết tật địa phương làm việc tại xưởng với tiền công 4 triệu đồng/tháng…
Theo Danviet
Tôi là Nông dân 4.0: Nhà sáng chế chân đất được Mỹ, Israel săn đón
Sinh ra trong gia đình thuần nông và học vấn chỉ hết lớp 7, song ông Phạm Văn Hát ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã say mê tìm tòi và sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp hiện đại. Sản phẩm của ông không chỉ khiến giới khoa học và bà con nông dân trong nước thán phục, mà còn được các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp của Mỹ, Isreal biết đến và mời sang làm việc.
"Vua sáng chế máy nông nghiệp"
Ý tưởng ra đời robot gieo hạt xuất hiện khi ông Hát đến vùng trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Khi đó, nông dân dùng máy gieo hạt kéo tay nhưng gieo vẫn không đều và mất nhiều công tỉa bớt.
Ông Phạm Văn Hát bên chiếc "robot gieo hạt tự động" tại xưởng cơ khí của gia đình ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: Đăng Quang
Robot gieo hạt mang lại cho ông Phạm Văn Hát giải Nhất hội thi "Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8" năm 2012 - 2013, giải Khuyến khích cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5" năm 2013 và giải Nhất cuộc thi "Nhà sáng chế" năm 2014. Ông Hát được trao Huân chương Lao động hạng Ba tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV - giai đoạn 2010 - 2015.
Bằng những kiến thức đã học được trong quá trình đi lao động ở Israel, ông ngày đêm nghiên cứu, mày mò tìm cách sáng chế ra robot gieo hạt tự động. Mất hơn một năm nghiên cứu, thử đi, thử lại nhiều lần, cuối cùng đến cuối năm 2012 máy gieo hạt "Made in Hát" cũng được hoàn thiện. Năng suất của robot gieo hạt có thể tương đương 30 - 40 lao động và tiết kiệm đến 30% hạt giống.
"Gọi là robot vì máy có khả năng tự động gieo các loại hạt theo thiết kế. Hiện nay, chiếc máy của tôi đang tự động gieo hạt rau củ quả trên luống thẳng rộng 1m, số lượng 40 hạt trên một hàng và khoảng cách giữa các hạt được thu hẹp và ổn định chỉ còn 3cm" - ông Hát cho hay.
Theo tính toán của ông Hát, máy gieo một lạng hạt giống như su hào, súp lơ, bắp cải (tương đương khoảng 10.000 hạt) chỉ trong 25 phút. So với việc gieo hạt bằng tay, năng suất cao hơn đến 80 lần, khoảng cách hạt đồng đều, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật gieo trồng, do đó nhà nông không mất công nhổ tỉa cây thừa, dễ chăm sóc và thu hoạch hơn.
Ông Hát cho biết thêm, máy gieo hạt tự động chạy bằng động cơ điện một chiều 12V với tổng công suất là 130W, được chỉnh lưu từ dòng điện xoay chiều 220V. Trong trường hợp không có điện lưới cung cấp, máy vẫn có thể hoạt động trơn tru nhờ nguồn điện từ ắc quy.
Từng được cấp bằng sáng chế ở Israel và được ông chủ trang trại tại đó mời ở lại làm việc, song ông Hát nghĩ làm thuê không có cơ hội làm giàu. "Nếu trả lương 50 triệu đồng/tháng, cả năm cũng chỉ được 500 triệu đồng, không thể trả nợ, nên tôi về nước. Vừa rồi có tập đoàn máy nông nghiệp bên Mỹ cho người sang mời và muốn trả lương 140 triệu đồng/tháng để tôi về đó làm việc, nhưng tôi cũng từ chối vì muốn ở lại góp sức giúp cho bà con ở đất nước mình đỡ khổ và có điều kiện làm giàu" - ông Hát kể.
Đến nay, máy gieo hạt mà ông Hát sáng chế đã bán trên toàn quốc và 14 nước như Đức, Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc, các nước khu vực ASEAN... Toàn chủ trang trại đến tận nơi xem và đặt mua máy. "Người nước ngoài đều khen, họ nói không nghĩ cái máy đơn giản mà lại hiệu quả như vậy, so với năng suất nó đem lại thì giá thành quá rẻ. Giá bán hiện nay khoảng 35-40 triệu đồng/máy" - ông Hát khoe.
Trong thời gian vừa qua, ông Hát mới chế tạo xong chiếc máy phun thuốc sâu đặc biệt, thay thế cho vài chục người, giá thành nếu như của nước ngoài tầm 400 triệu đồng, thì giá máy của ông chỉ có 65 triệu đồng.
"Cứ ai đặt gì tôi cũng làm, tôi đang sáng chế cho tỉnh Lâm Đồng máy trồng khoai lang, trồng bằng cây, trên thế giới chưa có. Tính đến thời điểm này, tôi đã sáng chế và cải tiến được trên 15 loại máy móc như: Máy cày hai lưỡi, bốn lưỡi, máy bỏ phân... Tính trung bình, 1 năm tôi hoàn thiện 3-5 đề tài sáng chế, có một số đơn vị đến muốn kết hợp nhưng tôi chưa có sự tin tưởng, bị mất lòng tin nhiều, nên tôi rất e dè" - anh Hát cho hay.
Mong sớm cải cách thủ tục hành chính
Ông Phạm Văn Hát giới thiệu về máy cày 3 lưỡi do ông sáng chế. Ảnh: Nguyễn Ánh
Đề cử nông dân tham gia
Cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0"Nhằm kịp thời tôn vinh những người nông dân, hội viên nông dân đã có những tìm tòi, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị mỗi Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức giới thiệu/đề cử 2 nông dân tiêu biểu để tham gia Cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0" (mỗi tỉnh, thành đề cử không dưới 2 người).
Hồ sơ dự thi của nông dân, hội viên nông dân gửi về Ban tổ chức trước ngày 30.3.2018 theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay - Tầng 9, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0243.8472263; email: toilanongdan40@gmail.com.
Nói thêm về công việc của mình, ông Hát cho hay: Dù sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp và đặc biệt là có nhiều nước đã sử dụng, đăng ký bản quyền sáng chế song việc đăng ký bản quyền tác chế của ông ở Việt Nam vẫn rất khó khăn.
"Các cơ quan hữu quan ở Việt Nam còn yêu cầu mô hình, bản kê khai, mà nhà sáng chế chân đất như tôi không được học hành bài bản thì biết vẽ gì, viết gì? Còn bên nước ngoài chỉ cần mang máy ra chứng minh thay thế bằng bao nhiêu người, hiệu quả thì sẽ được công nhận sáng chế đó là của mình"- ông Hát nói.
Thêm điều nữa khiến ông Hát buồn và băn khoăn nhất là hiện các loại máy do ông sáng chế đã bị làm nhái. Thậm chí có đại lý đề nghị ông làm rồi bán cho họ. Sau đó, họ mang máy của ông đi đặt nơi khác làm theo nhưng lại bán dưới tên máy của ông Hát. Chính vì thế, ông phải liên tục cải tiến và có "bí quyết" khiến người khác khó có thể copy được.
Từng là người có cơ hội tiếp cận sớm với khoa học công nghệ tại các nước phát triển, ông Hát thấy rằng, để ứng phó cũng như tận dụng được cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang đến thì chúng ta cần phải có một tầm nhìn tốt, một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
"Muốn phát triển được công nghệ cao thì trước nhất chúng ta phải cải cách triệt để các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục không cần thiết để gỡ khó cho các nhà sáng chế, các doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời cho các người sáng chế và các doanh nghiệp thì họ mới yên tâm sản xuất, sáng tạo được" - ông Hát chia sẻ.
Cũng theo ông Hát, để tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển.
"Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ. Từ một nguồn nhân lực có chất lượng, Việt Nam có thể tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ của thế giới" - ông Hát cho hay.
Theo Danviet
Đề nghị đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương vào diện bảo vệ của công an Ban Tiếp công dân Trung ương đã làm hồ sơ gửi Bộ Công an để đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM vào diện mục tiêu bảo vệ của lực lượng cảnh sát nhân dân. Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Tình hình khiếu nại,...