Anh nông dân “hai giỏi”
Anh Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử (Khoái Châu) được nhiều người trìu mến gọi là anh nông dân “hai giỏi”. Bởi anh Thế không chỉ năng động, nhiệt tình trong công tác hội mà còn cần cù, chịu khó phát triển sản xuất của gia đình.
Hơn 5 năm là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, điều khiến anh Thế quan tâm nhất là tìm giải pháp để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Đến nay, 100% hội viên nông dân với 100% diện tích đất nông nghiệp của xã đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả (trong đó 90% diện tích trồng nhãn với trên 500ha). Tháng 3.2014, Hội Nông dân xã thành lập tổ hợp tác sản xuất và nâng cao chất lượng nhãn chín muộn Hàm Tử. Đến nay, tổ hợp tác đã có gần 200 hội viên tham gia với diện tích nhãn trên 100ha, trong đó có 10,8ha nhãn được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, hướng đến sản xuất chuyên canh, chất lượng cao, anh Thế chỉ đạo Hội Nông dân xã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể khác tập trung tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn cho nông dân, từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân để chủ động mùa vụ, nâng cao năng suất, chất lượng nhãn.
Nhờ vậy, năm nay, toàn xã thu được khoảng 1.600 tấn nhãn quả, mang lại doanh thu trên 32 tỷ đồng, trở thành cây trồng chủ lực của nông dân trong xã.
Anh Nguyễn Văn Thế (người thứ 2 từ phải sang) đang giới thiệu về nhãn chín muộn Hàm Tử
Không chỉ tích cực trong công tác hội, anh Thế còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Từ 2 cây nhãn Miền Thiết và Thế Thương của gia đình được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận là cây nhãn đầu dòng, năm 2000, anh bắt đầu nhân rộng diện tích trồng nhãn lên 1 mẫu. Đến nay anh có trên 10 mẫu ruộng trồng nhãn, trong đó giống nhãn Miền Thiết chiếm 80% diện tích, giống nhãn Thế Thương chiếm 5% diện tích, còn lại là các giống nhãn khác. Vụ nhãn năm nay anh thu được trên 50 tấn quả, mang lại thu nhập khoảng 1,1 tỷ đồng.
Video đang HOT
Là người có kinh nghiệm trồng nhãn lâu năm lại là Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Thế luôn đi đầu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhãn tại vườn của gia đình, thấy hiệu quả thì tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên khác. Hiện nay, gia đình anh có 6 mẫu nhãn được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Anh Thế cho biết: “để sản xuất thực phẩm an toàn, nông dân phải chú ý trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây nhãn, thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đùng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm). Về phân bón thì ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ như tro bếp, phân chuồng ủ hoai mục, ngô, đỗ ngâm… từng bước thay thế phân bón hóa học để cải tạo đất, bền cây…”.
Ngoài diện tích nhãn thương phẩm, anh còn trồng 700 – 800 cây bưởi Diễn và 5 – 7 sào chuyên trồng cây nhãn, bưởi giống. Mỗi năm anh xuất bán được 6.000 – 7.000 cây giống với giá từ 30.000 đồng trở lên. Từ trang trại cây ăn quả, cây giống của mình, mỗi năm anh thu về khoảng 2,5 tỷ đồng, trừ mọi chi phí cho lãi trên 1 tỷ đồng. Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 7 lao động với mức lương từ 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đúc kết kinh nghiệm trồng nhãn trong nhiều năm, sáng kiến “Sản xuất và nâng cao chất lượng nhãn chín muộn Hàm Tử” của anh giành Giải Nhì toàn quốc cuộc thi Sáng kiến nhà nông do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Với những nỗ lực của mình trong công tác Hội Nông dân và phát triển kinh tế gia đình, ngày 14.10 vừa qua, anh Thế vinh dự trở thành nông dân duy nhất của tỉnh Hưng Yên được trao danh hiệu “Nông dân xuất sắc năm 2015″ do Trung ương Hội Nông dân tổ chức.
Theo Hương Giang (Báo Hưng Yên)
Chuyện về chủ tịch hội phụ nữ xã
Nhanh nhẹn, năng động, dám nghĩ, dám làm là nhận xét của chính quyền và hội viên dành cho chị Vũ Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tứ Quận (Yên Sơn). 3 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Toan đã có nhiều hoạt động thiết thực, động viên, giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo; xây dựng Hội trở thành ngôi nhà chung của chị em phụ nữ xã.
Nỗ lực phấn đấu vì chị em phụ nữ
Đến với công tác Hội phụ nữ ở tuổi ngoài bốn mươi, chị Toan đã đủ độ "chín" về mọi mặt. Vốn là người miệng nói, tay làm, nên khi làm cán bộ phụ nữ chị đã phát huy được khả năng trong công việc. Năm 2013, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. "Mình nghĩ đã không nhận làm thì thôi, chứ đã nhận làm là phải làm hết sức" - với tâm niệm đó, chị Toan đã không ngại khó, ngại khổ, dày công nghiên cứu cách làm, phương pháp xây dựng các mô hình kinh tế thiết thực, cụ thể, sát với đời sống của hội viên.
Chị Vũ Thị Toan (bên trái) thăm vườn trồng cây ăn quả của hội viên trong xã.
Với 45% chị em trong tổ chức Hội là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn, trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế nên việc đầu tiên chị nghĩ đến là tìm hướng thoát nghèo cho chị em. Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc", "Nuôi lợn tiết kiệm", "Mái ấm tình thương", "tặng lợn giống cho hội viên nghèo"... Bằng các hình thức giúp đỡ như vận động hỗ trợ ngày công, tập huấn khoa học kỹ thuật, vốn vay, Hội đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả kinh tế như: Trồng cam Vinh ở xóm Đồng Cầu, Cây Nhãn; nuôi cá giống, cá thịt tại xóm Nhùng, xóm Bình Ca 1; trồng thanh long ở xóm Lảm, xóm Bình Ca 2; nuôi gà ta tại xóm Cầu Trôi, Hồng Quân; trồng hoa và rau sạch tại xóm Đồng Cầu, xóm Dàm...
Nhiều gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 33,3% (năm 2011) xuống còn 2,3% (năm 2015) theo tiêu chí cũ. Trong đó, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ phát triển kinh tế điển hình như các chị Đinh Tuyết Thanh, Ma Thị Tuyết, Vũ Thị Hải ở Chi hội 11, hằng năm có thu nhập trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó có 30% là lao động nữ.
Nhiều hội viên thoát nghèo từ mô hình "Tặng lợn giống cho hội viên nghèo" như chị Nguyễn Thị Thông chi hội Cây Nhãn, chị Đặng Thị Ngoan chi hội Đồng Bài, Chị Lê Thị Thu chi hội Khe Đảng... Chị Đặng Thị Ngoan chi hội Đồng Bài nói: "Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nhờ có con lợn gây giống đầu tiên của Hội Phụ nữ xã, đặc biệt là chị Toan đã tư vấn cho gia đình phát triển chăn nuôi, nên gia đình tôi đã có thu nhập, thoát nghèo".
Khi chia sẻ việc quyết định tặng lợn giống cho hội viên nghèo, chị Toan bảo, để có tiền mua lợn giống chị phải huy động sức mạnh từ cộng đồng và hội viên có thu nhập khá. Từ 2013 - 2015, Hội đã huy động được 36 triệu đồng, hỗ trợ 36 con lợn nái giống cho 50 hội viên tạo dựng chăn nuôi.
Không chỉ trong phát triển kinh tế mà trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa, văn nghệ, thể thao, Hội LHPN xã Tứ Quận cũng luôn đứng đầu Hội phụ nữ huyện.
Chăm lo mái ấm cho hội viên
Trên đường dẫn tôi đến ngôi nhà của mẹ con chị Lý Thị Nính, thôn Đồng Trò, chị Toan bảo: "Có 7 cây số vào đến nhà thôi nhưng trời vừa mưa xong thế này thì khó đi đấy!". Quả thật hết đoạn đường bê tông là đoạn đường đất trơn trượt. Chị Toan phải xuống đi bộ, còn tôi phải dắt xe đi từng bước chệch choạc. Vừa đi, chị Toan vừa kể cho tôi nghe chuyện làm nhà mới cho chị Nính. Để có số tiền 50 triệu đồng giúp hội viên nghèo làm nhà, chị đã tổ chức cuộc thi "Phụ nữ Tứ Quận tài năng, duyên dáng" kêu gọi lòng hảo tâm của những mạnh thường quân và bà con trong xã ủng hộ được trên 26 triệu đồng. Số tiền đó chỉ đủ mua những thứ cần thiết nhất như xi măng, tấm lợp, tiền công xây; còn cát, mặt bằng... thì chưa có. Chị Toan lại đi xin những doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã. Chị bảo xin cát rồi lại xin cả xe chở cát, vào đến đoạn đường này lái xe bảo chị là sao không chọn điểm dễ mà làm, đường này sợ quá. Chị lại phải động viên cánh lái xe, có khó thế mới cần giúp đỡ. Nhưng vật liệu chỉ tập kết đến ngõ chứ không đưa được đến chân công trình. Chị lại phải chở bằng xe công nông". Chỉ tay vào con đường và khoảng sân, chị Toan nói: "Làm con đường lên nhà, sân và cả nền nhà đích thân tớ phải nhờ lãnh đạo UBND xã huy động 30 dân quân đến hỗ trợ san mặt bằng".
Trong ngôi nhà mới thơm nồng mùi vôi ve, chị Nính xúc động kể cho chúng tôi nghe về niềm hạnh phúc khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà này. Gia đình chị Nính là người dân tộc Dao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng chị mất sớm, bản thân chị ốm đau, bệnh tật thường xuyên, lại phải nuôi con nhỏ.
Căn nhà cũ mà 4 mẹ con chị nương thân đã ọp ẹp từ lâu, mái xiêu, vách nát nhưng không có tiền sửa sang. Hưởng ứng phong trào "Mái ấm tình thương", Hội Phụ nữ xã tiến hành khảo sát và quyết định xây cho chị ngôi nhà mới. Nhìn ngôi nhà nhỏ ấm cúng 2 gian vừa mới xây xong, bà con thôn bản ai cũng vui mừng cho mẹ con chị. Chị Nính xúc động chia sẻ: "Cảm ơn chị Toan lắm, chị Toan còn lo cho tôi như gia đình. Giờ trời mưa mấy mẹ con yên tâm, không phải chạy sang nhà cháu trú nhờ nữa!". Những lời nói mộc mạc nhưng thật ấm lòng.
Để xây được căn nhà rộng 30 m2 cho mẹ con chị Nính an cư, chị Toan phải túc trực sát sao ròng rã 3 tháng, nào lo thợ, lo thiếu vật liệu, lo mưa... vất vả nhưng chị luôn thấy vui vì đã làm được một việc ý nghĩa. Chị Toan nói rằng, với chị, làm được việc giúp cho hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn như chị Nính thì chị sẽ làm hết sức chứ không nề hà. Ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận chia sẻ, chị là người rất năng động trong thực hiện nhiệm vụ, tâm huyết với công tác Hội. 3 năm qua, Hội Phụ nữ xã đã phát triển mạnh về mọi mặt và thật sự trở thành điểm tựa của hội viên, là cộng sự đắc lực của UBND xã trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo Trang Tâm (Báo Tuyên Quang)
Trung ương "nợ" Long An 49 tỷ đồng tiền thưởng Với thành tích xây dựng nông thôn mới nằm trong tốp đầu cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ, Long An được tặng Huân chương Lao động hạng nhất cùng số tiền thưởng 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, Huân chương đã nhận từ 2015 nhưng tiền thì chưa có... Ngày 28.9, ông Lê Minh Đức - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long...