Anh: Nhiều trường nghề thâm hụt ngân sách, hoạt động kém hiệu quả
Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) Vương quốc Anh vừa công bố một báo cáo trong đó nhấn mạnh, ngân sách của hệ thống các trường nghề tại Anh (UTC) đã thâm hụt hơn 2 lần trong 4 năm vừa qua.
NAO công bố một báo cáo cho biết ngân sách của hệ thống các trường nghề tại Anh (UTC) đã thâm hụt.
Khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nhiều trường có nguy cơ đóng cửa
UTC tại Anh là các trường trung cấp, trực thuộc các trường đại học và có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục miễn phí cho học sinh. Hệ thống trường nghề này có mối quan hệ hợp tác với các DN, nhà tuyển dụng, trường đại học tại địa phương trong các hoạt động đào tạo, thực hành và giới thiệu việc làm.
Năm 2010-2011, nhằm thực hiện cam kết nâng cao và cải cách chất lượng dạy nghề cho đối tượng học sinh, sinh viên trong độ tuổi 14 – 19 trên toàn quốc, Chính phủ đã thành lập UTC đầu tiên mang tên Trường nghề JCB ở quận Staffordshire, đồng thời có chủ trương, chính sách ưu tiên để phát triển các trường nghề.
Mặc dù được hỗ trợ những khoản tiền khổng lồ để duy trì hoạt động, chương trình vẫn để xảy ra một loạt các vấn đề sai phạm, bất cập.
Sau khi tiến hành cuộc kiểm toán trong 4 tháng (từ tháng 6 – 9/2019), NAO đã chỉ ra một số vấn đề điển hình tại UTC. Đó là tình trạng số lượng sinh viên của các trường nghề ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đề ra; chất lượng đào tạo và công tác quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng phổ biến…
Hầu hết các UTC được thành lập từ năm 2013-2014 đến 2016-2017 tại khắp các địa phương của Anh. Cho đến nay, 58 UTC đã được thành lập nhưng 10 UTC buộc phải đóng cửa do liên tục rơi vào các cuộc khủng hoảng tài chính trong nhiều năm liền khiến các trường nghề này không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Video đang HOT
NAO cũng cảnh báo rằng, mức thâm hụt ngân sách của các trường nghề đã tăng ở mức đáng báo động, từ 3,5 triệu Bảng trong năm tài chính 2014-2015 lên 7,7 triệu Bảng trong năm 2017-2018.
Từ năm tài chính 2010-2011 đến năm 2018-2019, Bộ Giáo dục đã chi 792 triệu Bảng tài trợ cho việc thành lập và phát triển hệ thống các UTC tại Anh. Hầu hết 792 triệu Bảng được dùng để tài trợ vốn cho các UTC, trong số đó, 28 triệu Bảng được chi để cải thiện tình hình tài chính của UTC và 8,8 triệu Bảng được dùng để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách của các trường.
Nhiều UTC đã phải đối mặt với những thách thức lớn, thậm chí đe dọa sự tồn tại của các trường. Tháng 12/2016, NAO đã từng báo cáo rằng, 22/47 UTC đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nhiều trường trong số đó có nguy cơ bị đóng cửa.
Tính đến tháng 01/2019, 48 UTC hiện đang hoạt động trên khắp nước Anh chỉ đạt 45% các kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Số tiền tài trợ các UTC nhận được sẽ tỷ lệ thuận với số học sinh của trường. Tuy nhiên, 48 UTC chỉ thu hút được 13.572 học sinh, trong khi các trường đặt ra chỉ tiêu đạt 29.934 học sinh.
UTC cần nỗ lực cải thiện hoạt động
Tháng 7/2019, Cơ quan Tài trợ giáo dục Anh (ESFA) cũng công bố một báo cáo nêu bật những vấn đề tài chính tại 13 UTC, đồng thời, đưa ra những khuyến nghị giúp các UTC sớm cải thiện tình hình thực tế nếu không muốn bị đóng cửa.
Chủ tịch Ủy ban Tài khoản công Vương quốc Anh Meg Hillier cho rằng, Báo cáo kiểm toán của NAO một lần nữa cung cấp thêm bằng chứng thuyết phục về việc Chính phủ cần đánh giá lại hoạt động của Bộ Giáo dục, xem xét những khoản tài trợ khổng lồ cho giáo dục là những mối quan tâm hàng đầu.
Tổng Thư ký Liên minh Đại học và Cao đẳng Vương quốc Anh Jo Grady cho biết, từ khi được thành lập tới nay, các UTC đã cho thấy sự yếu kém trong hoạt động của mình; các trường này đã thất bại trong việc sử dụng hiệu quả ngân sách từ ngành giáo dục dù đã được hỗ trợ rất tích cực.
Các UTC cho biết, nhiều trường đã cố gắng cải thiện tình hình tuyển dụng và tài chính với một số biện pháp được áp dụng như: đăng ký nhận học sinh từ rất sớm, mở rộng điều kiện nhận học sinh, tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao.
Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết, Bộ cam kết sẽ hành động để đảm bảo rằng mọi học sinh đều được tiếp cận nền giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao trên cả nước. Các UTC đang góp phần thực hiện kế hoạch này. Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh chia sẻ: “Sau khi nhận được Báo cáo kiểm toán của NAO, chúng tôi đã có những kế hoạch hành động cụ thể để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các UTC, giúp củng cố vai trò của các trường nghề trong hệ thống giáo dục đa dạng của Anh quốc”.
Theo Thanh Xuyên/baokiemtoannhanuoc.vn
Dễ đậu ĐH vẫn mạnh dạn chọn trường nghề
Dù đến thời điểm này, các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tuyển nhưng vẫn có một lượng học sinh kiên định chọn học nghề
Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2019, Báo Người Lao Động vừa tổ chức bàn tròn với chủ đề "Cơ hội lập nghiệp từ trường nghề". Tham gia trao đổi có ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM; bà Hồng Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP HCM; ThS Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường Trung cấp Việt Giao.
Khi cổng trường ĐH rộng mở
Tổng kết công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và nhiệm vụ, phương hướng năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết năm 2018, giáo dục nghề nghiệp của TP tuyển sinh được 482.699 người (tăng 4,28% so với năm 2017). Công tác tuyển sinh năm 2018 vượt chỉ tiêu đề ra nhưng ở trình độ trung cấp mới đạt 80,81% chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, đây là kết quả bước đầu của việc định hướng nghề nghiệp, thể hiện khái niệm vào trường nghề không còn nặng nề, định kiến như các năm trước.
Tuy nhiên, năm 2019 lại được đánh giá là năm khó khăn hơn đối với giáo dục nghề nghiệp khi phần lớn trường CĐ, trung cấp vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Ngay như Trường CĐ Nghề TP HCM, cùng thời điểm này năm ngoái trường đã tuyển đủ nhưng năm nay vẫn tiếp tục tuyển.
Những khó khăn trong tuyển sinh của trường nghề có nhiều nguyên do. ThS Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết trước đây, khi cô đi thi ĐH được mẹ dặn "cổng trường ĐH không còn cao vời vợi/ đồng ruộng mênh mông đón con về" nhưng nay thì vào ĐH hết sức dễ dàng, thí sinh không trúng tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì còn nhiều phương thức khác, trong đó có xét tuyển bằng kết quả học bạ, kiểu gì cũng vào được ĐH.
Nhiều cơ hội lập nghiệp
Mặc dù vậy, tuyển sinh vào trường nghề vẫn có những tín hiệu tốt khi nhiều thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao, học sinh tốt nghiệp THCS loại giỏi vẫn chọn học nghề dù gặp không ít lời phản đối từ người thân.
Cô Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết mới đây, trường tiếp nhận một số học sinh đang học lớp 11 ở các trường THPT có uy tín sang đăng ký học nghề. Kết quả học ở lớp 10 của các em rất tốt nên nhiều phụ huynh ngỡ ngàng. Những trường hợp như thế năm nào cũng có và đó là quyết định của các em. Còn ở Trường CĐ Nghề TP HCM, nhiều sinh viên học CĐ đã có bằng ĐH.
Các khách mời cho rằng học nghề hiện nay dễ tìm việc làm hơn là ĐH vì nhiều cơ sở đào tạo gắn chặt với doanh nghiệp trong thiết kế chương trình đào tạo và cọ xát thực tế ngay khi còn là sinh viên. Theo cô Hồng Thị Thanh Thủy, trường có 14 ngành đào tạo nhưng tập trung vào khối ngành kỹ thuật. Trường luôn chủ trương gắn việc đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhiều ngành có một số thời lượng học tại doanh nghiệp và sau khi học xong sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc luôn. Trường đang được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao. Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% sinh viên có việc làm ổn định sau 1 năm tốt nghiệp, riêng các khối ngành điện công nghiệp, cơ khí cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, có việc làm sau khi tốt nghiệp trên 90%, đây là nhu cầu thực của các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM.
Tại Trường Trung cấp Việt Giao, theo quy trình rõ ràng là đầu năm sẽ làm việc với doanh nghiệp xem cần gì ở sinh viên, cam kết nhận bao nhiêu sinh viên, đặt hàng bao nhiêu sinh viên vào làm, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, trường mới đề ra chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Nhờ vậy, các ngành nghề của trường đều bảo đảm việc làm. Gần 20 năm nay, trường chỉ đào tạo các khối ngành chính là quản trị khách sạn, quản trị bếp ẩm thực, hướng dẫn du lịch nên trong suy nghĩ của nhà tuyển dụng đã đặt trọn niềm tin vào trường về việc đào tạo những ngành nghề này. Hiện trường có thêm ngành mới là quản trị dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện.
Sẽ rất khó để khẳng định học ĐH sẽ thành công hơn học nghề hoặc ngược lại nhưng các khách mời khuyên khi chọn, các em nên dựa vào 3 yếu tố: năng lực, kinh tế gia đình, sự phù hợp và nhu cầu của ngành nghề.
Khó đạt mục tiêu
Với đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS, xét tuyển vào bậc trung cấp cũng nhiều khó khăn. Mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS đến năm 2020 là phải có 30% học sinh vào hệ thống các trường nghề nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Cường, mục tiêu này khó thực hiện. Ngay như TP HCM, địa phương có hơn 100 trường THPT công lập, hơn 200 trường THPT ngoài công lập trong khi nhiều phụ huynh chưa mạnh dạn cho con rẽ hướng đi học nghề.
Theo nguoilaodong
Người thầy 14 năm đến lớp trên xe ba bánh Người thầy đặc biệt này là thầy Trần Công Đông (35 tuổi, ngụ tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Suốt 14 năm qua ngày nào người dân thôn Hiền Sĩ cũng thấy hình ảnh người đàn ông đi chiếc xe 3 bánh miệt mài vượt 20km để đến với lớp dạy nghề điêu khắc...