“Anh-Mỹ là liên minh mạnh nhất thế giới từng biết đến”
Đó là lời khẳng định mà Tổng thống Mỹ đưa ra trong bài phát biểu “đầy ý nghĩa” trước các nhà lập pháp Anh ngày hôm qua, chặng dừng chân tiếp theo trong tuần công du châu Âu bắt đầu từ hôm 23/6 của ông.
Bài phát biểu ở điện Westminter được coi là cao điểm của chuyến thăm Anh của ông chủ Nhà Trắng
Ghé thăm Anh trong khuôn khổ vòng công du châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được London tiếp đón rất trọng thể. Sau buổi đại tiệc tối 24/5 tại điện Buckingham, hôm qua Tổng thống Mỹ phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Anh.
“Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ và Anh vẫn còn quan trọng… Chúng ta phải hành động, phải dẫn dắt, với sự tin tưởng vào lý tưởng của chúng ta..”, Tổng thống Mỹ khẳng định trước các nhà lập pháp Anh.
Ông Obama cũng nhấn mạnh Mỹ và châu Âu “phải cùng nhau nắm giữ một vai trò lãnh đạo trong nỗ lực bảo vệ an ninh toàn cầu”.
Video đang HOT
Bài phát biểu ở điện Westminter được coi là cao điểm của chuyến thăm Anh của ông chủ Nhà Trắng. Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên được vinh dự này. Vinh dự này trước đó mới chỉ dành cho vài người hiếm hoi như cố tổng thống Pháp Charles de Gaulle, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và Đức giáo Hoàng Benedicto 16.
Sự kiện này vừa mang tính hình thức, vừa là biểu tượng của chuyến công du, với một thông điệp chính trị cụ thể: Sau một thập niên khó khăn, sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ và công cuộc truy lùng Bin Laden, một bình minh mới bắt đầu đối với phương Tây, tức là Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Theo giới quan sát, nếu ông Obama đã tỏ ra lạnh nhạt với Anh vào thời Thủ tướng Gordon Brown, thì bây giờ ông lại muốn nêu bật mối quan hệ “đặc biệt” giữa hai nước.
Trước khi phát biểu tại Quốc hội Anh, ông Obama có buổi gặp gỡ với thủ tướng Anh David Cameron ở phủ thủ tướng. Chủ đề thảo luận là các hồ sơ Afghanistan, Libya, chiến dịch chống khủng bố, với thông báo việc thành lập một Hội Đồng An ninh Quốc gia Anh – Mỹ, để cùng nhau làm việc trên các vấn đề thông tin tình báo.
Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh nói rằng chiến dịch quân sự tại Libya sẽ tiếp tục cho tới khi nhà lãnh đạo Gadhafi “ngừng tấn công thường dân và từ bỏ quyền hành”.
Bên cạnh đó, hai bên cũng xem xét hồ sơ quan hệ với Pakistan sau chiến dịch truy kích Bin Laden.
Theo Dân Trí
Gia cố mối quan hệ
Tới châu Âu để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Pháp nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn nhân dịp này gia cố mối quan hệ đồng minh với cựu lục địa vốn đang có những trục trặc.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama lại khởi đầu chuyến công du châu Âu từ ngày 23-5 bằng chặng dừng chân tại ngôi làng nhỏ Moneygall của Ireland. Đây là nơi mà ông nội ba đời của mẹ đẻ ra ông Obama, bà Stanley Ann Dunham, sinh ra và lớn lên trước khi sang Mỹ lập nghiệp năm 1850 lúc mới 19 tuổi.
Về thăm quê hương bên ngoại lần đầu tiên kể từ ngày nhậm chức, Tổng thống Obama muốn truyền đi thông điệp rằng trong ông luôn có nửa dòng máu cựu lục địa. Hay nói rộng ra là châu Âu luôn là một đồng minh, một đối tác quan trọng bậc nhất của Mỹ trong bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào.
Tổng thống Obama và phu nhân Michelle đến Ireland bắt đầu chuyến công du châu Âu 6 ngày
Sở dĩ Tổng thống Obama phải tìm cách để khẳng định mối quan hệ đồng minh bền chặt với châu Âu trong chuyến công du lần này là vì hai bên đang có những cách biệt đáng kể, từ các cuộc chiến Libya hay Afghanistan cho tới cách thức khắc phục khủng hoảng kinh tế thế giới. Châu Âu rõ ràng chẳng có lý do gì để hài lòng về mối quan hệ đồng minh với Mỹ khi mà Washington đang tìm cách dồn thêm gánh nặng chiến tranh cũng như kinh tế cho họ.
Không ít thành viên NATO ở châu Âu đã phải thất vọng với Mỹ trong cuộc chiến Libya. Washington thoạt đầu hăng hái đứng ra gánh vác phần lớn trách nhiệm (tất nhiên đi kèm với đó là chiến phí) trong cuộc chiến này nhưng nửa đường lại ngãng ra, dồn gánh nặng cho châu Âu.
Trong khi chưa biết khi nào mới giải quyết được cuộc chiến tại Libya thì Mỹ lại đang chuẩn bị rút dần khỏi cuộc chiến tranh Afghanistan với lời kêu gọi đồng minh châu Âu tăng cường can dự. Viễn cảnh phải gánh thêm trách nhiệm trong các cuộc chiến tranh Libya và Afghanistan khiến châu Âu không khỏi lo ngại.
Mối lo lắng đó càng thêm sâu sắc khi mà cả cựu lục địa đang phải gồng mình chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công nặng nề. Châu Âu, từ nước nghèo tới nước giàu, đều phải thực thi chính sách tài chính "thắt lưng buộc bụng".
Ngân sách trang trải cho chính người dân của mình còn cắt giảm tới mức tối đa thì lấy đâu ra tiền để mà đổ vào các cuộc chiến Libya hay Afghanistan. Bị Mỹ ép buộc như vậy mà châu Âu không bất đồng hay phàn nàn về ông bạn đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương mới là điều khiến người ta phải ngạc nhiên.
Tuy nhiên, nhìn trở lại cũng thấy chính quyền Tổng thống Obama đang phải vật lộn với vấn đề cắt giảm ngân sách bởi số nợ chính phủ đã tới giới hạn. Những cuộc thảo luận gay go về cắt giảm ngân sách với đảng Cộng hoà đang là một trong những vấn đề đối nội đau đầu nhất đối với ông Obama.
Giới quan sát cho rằng, vì lợi ích của mình, Mỹ và châu Âu đang tìm mọi cách để đùn đẩy gánh nặng sang cho nhau. Trong bối cảnh khác biệt lợi ích như thế thì thật khó để cho ông Obama có thể củng cố quan hệ với châu Âu.
Theo ANTD