Anh – mỏ bất động sản bí mật trong Hồ sơ Pandora
Hồ sơ Pandora tiết lộ danh tính những chủ sở hữu bí mật của hơn 1.500 bất động sản tại Anh được mua thông qua các công ty offshore.
Tổng giá trị ước tính của số bất động sản này lên tới hơn 4 tỷ bảng Anh (hơn 5,4 tỷ USD), theo các tài liệu trong Hồ sơ Pandora. Cuộc điều tra do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) dẫn dắt này đã thu thập được gần 12 triệu tài liệu, tiết lộ những giao dịch tài chính ở nước ngoài của hàng trăm người thuộc giới tinh hoa toàn cầu, bao gồm hơn 330 chính trị gia từ gần 100 nước.
Họ được cho là sử dụng các công ty offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) hoặc những phương thức “lách luật” khác để che giấu của cải và các khoản đầu tư vào bất động sản, mà gần như không bị đánh thuế theo quy định ở nước sở tại. Dữ liệu cho thấy Anh dường như là lựa chọn lý tưởng để giới siêu giàu mua bất động sản.
Chủ sở hữu những bất động sản tại Anh được mua thông qua các công ty offshore bao gồm nhiều chính trị gia cấp cao trên thế giới, như Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Gia đình ông được cho là bí mật sở hữu các công ty offshore suốt nhiều thập kỷ và một trong các công ty này đã mua một căn hộ ở trung tâm London.
Một con phố thuộc quận Mayfair ở thủ đô London của Anh hôm 4/10. Ảnh: AP ,
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham gia mạng lưới công ty offshore, đồng sở hữu chúng cùng những người bạn lâu năm và đối tác kinh doanh. Trong số tài sản mà các công ty này nắm giữ bao gồm những căn hộ gần công viên Regent ở London.
Hồ sơ Pandora cũng liệt kê những bất động sản tại Anh được cho là của gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Vua Jordan Abdullah II bin Al-Hussein và Hoàng gia Qatar Al-Thani. Bên cạnh một số lãnh đạo thế giới, các nhà tài trợ chính trị nổi bật tại Anh, cùng vợ chồng ông trùm bán lẻ Philip Green, cũng đầu tư vào những bất động sản đắt đỏ ở nước này thông qua hệ thống offshore.
Tỷ phú Ukraine Gennadiy Bogolyubov, nghi phạm rửa tiền của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và bị đóng băng hàng trăm triệu USD tài sản, được cho là chủ sở hữu hàng loạt bất động sản tại Anh, bao gồm một tòa nhà trên Quảng trường Trafalgar, với tổng trị giá ước tính hơn 400 triệu bảng (gần 545 triệu USD).
Một số lãnh đạo thế giới đã lên tiếng phủ nhận mọi hành vi sai trái sau khi Hồ sơ Pandora được công bố. Trên thực tế, luật pháp Anh cho phép mua bất động sản thông qua công ty offshore. Tuy nhiên, các tài liệu làm nổi bật mức độ phức tạp của những hoạt động tài chính, thường được tiến hành ẩn danh, mà giới siêu giàu được cho là sử dụng để trốn thuế.
Chính phủ Anh gần đây cũng nâng cảnh báo nguy cơ rửa tiền trên thị trường bất động sản từ mức “trung bình” lên “cao”. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh hồi tháng 12/2020, mức độ rủi ro lớn nhất nằm ở “những khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng” của các bất động sản.
Theo giới chuyên gia, Anh được chọn làm địa điểm mua bất động sản lý tưởng nhờ sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp phức tạp, bao gồm các công ty quản lý tài sản sáng tạo, luật sư cao cấp và những hãng kế toán lâu đời, có thể giúp quá trình mua bán diễn ra trót lọt.
Theo phân tích năm 2019 của tổ chức phi chính phủ về minh bạch Global Witness, khoảng 87.000 bất động sản ở Anh và Xứ Wales thuộc sở hữu của những công ty ẩn danh được đăng ký tại các thiên đường thuế, tức là đánh thuế thấp hoặc miễn thuế. Trong đó, 40% được xác định là ở thủ đô London.
Trong nhiều thập kỷ qua, giới chức Anh thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng nới lỏng quy định, nhằm thu hút vốn nước ngoài. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng điều này khiến Anh trở thành điểm đến yêu thích của những người muốn trốn thuế và tội phạm rửa tiền.
Duncan Hames, giám đốc chính sách của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Anh, đánh giá Hồ sơ Pandora nên đóng vai trò “hồi chuông cảnh tỉnh” chính phủ nước này, thúc đẩy giới chức đưa ra những biện pháp vốn bị trì hoãn từ lâu nhằm tăng cường khả năng chống lại “dòng tiền bẩn” của Anh.
Những gì chúng ta thấy từ lượng thông tin khổng lồ này
Giải thích về Hồ sơ Pandora. Video: Guardian .
“Những tài liệu bị rò rỉ chứng minh có một hệ thống dành cho giới thượng lưu tham nhũng, nơi họ có thể tiếp cận bất động sản cao cấp và tận hưởng lối sống xa hoa, song song với hệ thống dành cho những người làm việc chăm chỉ, trung thực. Một lần nữa, vai trò của Anh trong việc tiếp tay cho hành vi tham nhũng và rửa tiền toàn cầu bị phơi bày”, Hames nêu ý kiến.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Anh đang kêu gọi chính phủ xử lý lỗ hổng cho phép các công ty ở những trung tâm tài chính offshore thuộc Anh, như Quần đảo Virgin và Quần đảo Cayman, nắm giữ bất động sản mà không cần tiết lộ danh tính chủ sở hữu thực sự.
Tổ chức này cũng muốn chính phủ truy quét những chuyên gia hỗ trợ các cá nhân sở hữu của cải bất hợp pháp di chuyển và che giấu dòng tiền tại Anh, đồng thời cung cấp nguồn lực thích đáng cho Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh để truy lùng những nghi phạm kiếm tiền bất hợp pháp.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết các cơ quan thuế nước này sẽ xem xét Hồ sơ Pandora. Tuy nhiên, ông cho rằng Anh đã giải quyết tốt vấn đề trốn thuế, chỉ ra những biện pháp chính quyền Bảo thủ thực hiện để cải thiện tính minh bạch trong thập kỷ qua.
“Như mọi người thấy từ các tài liệu, đây là vấn đề toàn cầu. Chúng tôi cần những nước khác hợp tác để giải quyết và sẵn sàng hành động”, Sunak cho hay.
Trong khi đó, phe đối lập cho rằng chính phủ cần hành động khẩn trương để giải quyết những vấn đề được đặt ra từ Hồ sơ Pandora, bao gồm mối nghi ngờ liên quan đến các nhà tài trợ của đảng Bảo thủ cầm quyền.
“Những cánh tay của thế giới tài chính ngầm trong Hồ sơ Pandora đã chạm đến trọng tâm của nền dân chủ Anh”, Lisa Nandy, phát ngôn viên các vấn đề đối ngoại của Công đảng, viết trên Twitter.
Tên lãnh đạo thế giới nào xuất hiện trong hồ sơ 'bom tấn' Pandora
Gần 12 triệu tài liệu trong "Hồ sơ Pandora" vừa được tiết lộ đã cho thấy một số người giàu có và lãnh đạo thế giới đã giấu tài sản của mình như thế nào.
Quy mô hồ sơ Pandora
Theo tờ The Guardian, so với hồ sơ Panama và Paradise trước đây, hồ sơ Pandora có quy mô lớn nhất với 2,94 terabyte dữ liệu được tiết lộ. Nguồn dữ liệu và khu vực địa lý cũng lớn hơn hai vụ rò rỉ dữ liệu trước đó.
Hồ sơ gồm 12 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính ở các nơi như quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, CH Síp, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Singapore và Thụy Sĩ. Số tài liệu này được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu thập và chia sẻ với trên 650 phóng viên từ trên 100 tờ báo.
Hồ sơ Pandora cho thấy có nhiều lãnh đạo thế giới, chính trị gia và tỷ phú đã sử dụng các tài khoản ở các thiên đường thuế nhằm tích lũy tài sản và thực hiện các giao dịch. Hồ sơ cũng vạch trần tình hình tài chính bí mật của trên 300 quan chức công như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở trên 90 quốc gia. Ngoài các quan chức, trên 100 tỷ phú đã được nhắc tên trong số tài liệu bị rò rỉ. Nhiều người nổi tiếng, ngôi sao nhạc rock, lãnh đạo doanh nghiệp cũng xuất hiện trong hồ sơ Pandora.
Nhiều người đã sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn danh, các công ty vỏ bọc để nắm giữ các tài sản đắt tiền như bất động sản, thuyền buồm. Các tài sản bị che giấu còn có các tác phẩm nghệ thuật như tranh của Picasso, bích họa của Banksy hay đồ cổ được đánh cắp từ Campuchia.
Hồ sơ Pandora đã mở ra một cách cửa hiếm hoi, giúp dư luận nhìn vào thế giới tài chính ngầm, các hoạt động ngầm của nền kinh tế tại các quốc gia có mức thuế thấp. Ở đó, một số người thuộc hàng giàu nhất thế giới che giấu tài sản và trong một số trường hợp, họ đóng rất ít thuế hoặc không đóng thuế.
Hồ sơ Pandora gồm một loạt thư điện tử, biên bản ghi nhớ, hồ sơ sáp nhập, chứng chỉ cổ phiếu, hồ sơ tuân thủ nguyên tắc và các biểu đồ phức tạp cho thấy cơ cấu mê cung của các doanh nghiệp vỏ bọc. Lần đầu tiên, người ta có thể chỉ đích danh chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp vỏ bọc.
Thành lập hoặc hưởng lợi từ các thực thể ở những nơi thuế thấp không phải là việc bất hợp pháp và trong một số trường hợp, người ta có lý do hợp pháp để làm điều đó, ví dụ như vì an ninh. Tuy nhiên, nhờ tính bí mật mà các thiên đường thuế lại rất hấp dẫn những người có mục đích trốn thuế, gian lận thuế, rửa riền. Một số vụ việc đã bị phanh phui trong Hồ sơ Pandora.
Một số công ty và cá nhân giàu có đã cất tài sản ở các thiên đường thuế nhằm tránh phải đóng thuế. Đây là một hoạt động hợp pháp nhưng khiến các chính phủ thất thu hàng tỷ đô la Mỹ doanh thu thuế.
Sau 18 tháng phân tích dữ liệu, các tờ báo sẽ đăng dần kết quả nghiên cứu trong những ngày tới, bắt đầu bằng việc tiết lộ những phi vụ tài chính ở thiên đường thuế của một số lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
Tên ai xuất hiện trong Hồ sơ Pandora?
Trong số những cái tên có trong Hồ sơ Pandora, nổi bật là Vua Abdullah II của Jordan. Theo hồ sơ Pandora, ông tích lũy bất động sản bí mật trị giá 100 triệu USD trải dài từ Malibu, Washington tới London. Tổng cộng ông đã mua 15 ngôi nhà từ khi cầm quyền năm 1999 thông qua các công ty ở thiên đường thuế. Vua Jordan từ chối trả lời một số câu hỏi cụ thể nhưng cho biết việc ông sở hữu bất động sản thông qua các công ty ở thiên đường thuế là không có gì sai trái. Jordan dường như đã chặn trang web của ICIJ ngày 3/10, vài tiếng trước thời điểm công bố hồ sơ Pandora.
Hoàng gia Jordan cho biết, việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này. Trong vụ rò rỉ tài liệu tài chính quy mô lớn được công bố hôm 3/10, Quốc vương Abdullah, một đồng minh thân cận của Mỹ, bị cáo buộc đã sử dụng các tài khoản nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD cho những ngôi nhà sang trọng ở Anh và Mỹ.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và vợ. Ảnh: Anadolu Agency
Hồ sơ Pandora tiết lộ gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã giao dịch trên 540 triệu USD bất động sản ở Anh trong những năm gần đây. Một trong số những bất động sản của họ đã được bán cho tổ chức quản lý bất động sản Crown Estate của Nữ hoàng Anh.
Tại CH Séc, Thủ tướng Andrej Babis, người tranh cử trong cuộc bầu cử tuần này, đang đối mặt với những câu hỏi như tại sao ông lại dùng công ty đầu tư ở thiên đường thuế để mua một lâu đài 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp.
Ông Babis đã phản đối các thông tin rò rỉ về tài sản của mình và coi những thông tin này là nỗ lực nhằm làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tháng này. Ông nói trên Twitter: "Tôi chưa từng làm gì phi pháp hay sai trái, nhưng điều đó không ngăn cản họ tìm cách bôi nhọ tôi lần nữa và tác động tới bầu cử quốc hội Séc".
Tại CH Síp, nơi cũng là một thiên đường thuế gây tranh cãi, Tổng thống Nicos Anastasiades có thể sẽ phải giải thích lý do công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản của một tỷ phú Nga. Công ty này bác bỏ có hành vi sai trái, còn Tổng thống Síp cho biết ông đã thôi tham gia vào các vấn đề của công ty luật trên sau khi trở thành lãnh đạo phe đối lập Séc năm 1997.
Không phải tên ai xuất hiện trong hồ sơ Pandora cũng bị cáo buộc có hành vi sai trái. Ví dụ như vợ chồng cựu Thủ tướng Anh Tony và Cherie Blair. Họ đã tiết kiệm 434.000 USD tiền thuế bất động sản khi họ mua một tòa nhà ở London thuộc một phần sở hữu của một bộ trưởng Bahrain. Ông Blair và vợ đã mua tòa nhà văn phòng trị giá 6,5 triệu bảng nói trên ở Marylebone bằng cách mua công ty ở thiên đường thuế là quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI). Mặc dù động thái trên không bất hợp pháp, nhưng thỏa thuận mua bán cho thấy có lỗ hổng giúp chủ sở hữu bất động sản không phải đóng thuế như người Anh bình thường.
Hồ sơ Pandora cho thấy vai trò điều phối trung tâm của London trong thế giới thiên đường thuế bí mật. London là nơi có nhiều công ty quản lý tài sản, công ty luật, nhiều người làm nghề kế toán và thành lập công ty. Tất cả đều tồn tại để phục vụ giới siêu giàu. Nhiều người giàu có sinh ra ở nước ngoài được hưởng quy chế phi cư trú, tức là không phải đóng thuế cho tài sản ở nước ngoài.
Đắc cử năm 2019 với cam kết dọn dẹp nền kinh tế tham nhũng khét tiếng ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng có tên trong hồ sơ Pandora. Theo hồ sơ này, trong chiến dịch tranh cử, ông Zelensky đã chuyển 25% cổ phần một công ty ở thiên đường thuế nước ngoài cho một người bạn thân - người này đang làm cố vấn hàng đầu của ông. Tổng thống Zelensky từ chối bình luận về thông tin ông vẫn là bên hưởng lợi của công ty nói trên.
Tại Pakistan, Bộ trưởng Tài nguyên nước Moonis Elahi đã liên lạc với một công ty tại Singapore về việc đầu tư 33,7 triệu USD.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Ảnh: AFP/Getty Images
Tại Kenya, Tổng thống Uhuru Kenyatta và họ hàng thân thiết đã tích lũy tài sản trị giá hơn 30 triệu USD ở nước ngoài.
Ông Gerard Ryle, Giám đốc ICIJ, cho rằng các chính trị gia có tài sản ở các thiên đường thuế có thể sẽ cản trở cải cách nền kinh tế thiên đường thuế. Do đó, ông hy vọng hồ sơ Pandora sẽ có tác động lớn các hồ sơ tương tự từng bị rò rỉ trước đây vì hồ sơ được tung ra giữa đại dịch COVID-19. Đại dịch đã khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng và buộc các chính phủ phải vay mượn số tiền chưa từng có tiền lệ mà cuối cùng người đóng thuế bình thường phải gánh chịu.
Theo Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế, tài sản trị giá ít nhất 11,3 nghìn tỷ USD đang được cất giấu ở các thiên đường thuế. Ông Ryle cho rằng đây là số tiền mà các kho bạc khắp thế giới thất thu và số tiền đó lẽ ra có thể được sử dụng để phục hồi sau đại dịch.
'Hồ sơ Pandora' tiết lộ 'thiên đường thuế' của nhiều lãnh đạo thế giới Hàng triệu tài liệu bị rò rỉ, được "Hồ sơ Pandora" (Pandora Papers) tập hợp đã tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các "thiên đường thuế". Trong số những cái tên được nêu có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan, Tổng thống Kenya, Tổng...