Anh khoe vũ khí laser chống tên lửa chính xác 100%
Trang Business Insider hôm 21.10 dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Anh thông báo đã thử nghiệm hệ thống phòng không mới với năng lực dò tìm tên lửa đang bay và xử lý mục tiêu bằng laser độ chính xác 100%.
Vũ khí laser mới được thiết kế cho các dòng máy bay như Airbus A400M Atlas của Không quân Hoàng gia Anh. ẢNH: AFP
Giới chức Bộ Quốc phòng Anh cho hay vũ khí laser bắn hạ 100% các loại mục tiêu khác nhau tại bãi thử Vidsel ở Thụy Điển. Trong vụ thử, hệ thống phòng không mới phải đối mặt một loạt tên lửa hồng ngoại tầm nhiệt được khai hỏa cùng lúc.
“100% các mối đe dọa nhanh chóng bị đánh bại nhờ vào chùm laser có độ chính xác cao”, theo thông báo.
Là sản phẩm hợp tác giữa các công ty hàng không vũ trụ Leonardo và Thales, vũ khí laser được thiết kế cho các dòng máy bay của Không quân Hoàng gia Anh như máy bay trinh sát Shadow R2 và máy bay vận tải A400M Atlas.
Thông báo từ Bộ Quốc phòng Anh không nói rõ hệ thống phòng không này có khai hỏa trong lúc gắn trên một phi cơ đang bay hay không.
Một người phát ngôn của bộ cũng từ chối bình luận về tầm bắn của hệ thống và số tên lửa được sử dụng trong vụ thử ở Thụy Điển vì lý do quan ngại an ninh.
Chiến hạm Mỹ thử vũ khí laser trên Thái Bình Dương
Giới hữu trách cho biết hệ thống bao gồm phần mềm cảnh báo đe dọa do Thales phát triển tên Elix-IR, loại sử dụng các thuật toán để phát hiện tên lửa trên không, và một laser hồng ngoại tên Mysis đến từ hãng Leonardo.
“Các mối đe dọa bị đánh chặn nhanh hơn thời gian đọc xong câu này”, theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey.
Bộ Quốc phòng bổ sung các quan chức cấp cao thuộc một vài quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có mặt tại buổi thử nghiệm, nhưng không đề cập là các nước nào.
Bùng nổ vũ khí laser khắc chế UAV
Song hành sự nổi lên của máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường, vũ khí laser đang nổi lên như một sự khắc chế UAV một cách hiệu quả và tiết kiệm.
Tập đoàn Boeing vừa công bố thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser công suất 5 kw có thể bắn hạ UAV có trọng lượng lên đến 600 kg và bay ở tốc độ tối đa 460 km/giờ. Hệ thống này đã được quân đội Mỹ thử nghiệm ở Trung Đông, cho phép bắn hạ các UAV ở khoảng cách từ 200 m đến 2,5 km.
Xe chiến đấu Stryker được trang bị hệ thống vũ khí laser. ẢNH: LEONARDO DRS
Xu thế mới
Những năm gần đây, UAV trở thành vũ khí chủ lực trong nhiều cuộc xung đột như Ukraine và các cuộc xung đột giữa Israel với các lực lượng Hezbollah (Li Băng), Hamas (Palestine)... Lực lượng Houthi ở Yemen, hay chính quân đội Iran cũng sử dụng UAV tấn công các mục tiêu gần đây. Ưu thế của UAV là chi phí thấp, độ linh hoạt cao và tính chính xác cũng được đánh giá rất tốt. Trong khi đó, để đánh chặn UAV thì nhiều nước, điển hình Israel, đang phải sử dụng các loại tên lửa đánh chặn với chi phí rất cao, giá của mỗi tên lửa đánh chặn có thể lên đến hàng trăm ngàn USD.
Tuy nhiên, giải pháp khắc chế UAV đang dần thay đổi. Trang The Defend Post ngày 14.9 đưa tin Mỹ đang lắp đặt vũ khí laser công suất 26 kw cho dòng xe chiến đấu bộ binh Stryker để sớm triển khai trên chiến trường. Thực tế, từ năm 2022, Mỹ cũng đã triển khai xe chiến đấu được trang bị bệ phóng laser dạng P-HEL có công suất 20 kw. Thời gian qua, loại vũ khí này đã tham gia bắn hạ thành công nhiều UAV ở khu vực Trung Đông. Đặc biệt, phí tổn của loại vũ khí này rất thấp, chỉ khoảng 10 USD (khoảng 260.000 đồng) cho mỗi lần bắn. Dự kiến, một số loại vũ khí laser sắp tới của Mỹ có chi phí bắn được giảm chỉ còn khoảng 3 USD/lần (chưa đến 80.000 đồng).
Chiến hạm Mỹ thử vũ khí laser trên Thái Bình Dương
Hiện nay, Mỹ đã phát triển nhiều chủng loại vũ khí laser khác nhau. Không chỉ có chi phí hoạt động thấp, các hệ thống này còn dễ dàng tích hợp trên các xe chiến đấu, thậm chí cả các xe bộ binh cỡ nhỏ, nên có tính linh hoạt rất cao và dễ dàng triển khai nhiều nơi. Vũ khí laser có khả năng tự động cao, dễ dàng điều khiển tác chiến, thậm chí có loại chỉ cần điều khiển bằng tay chơi game Xbox. Nhờ đó, việc đưa vào thực chiến khá nhanh chóng mà không mất quá nhiều thời gian huấn luyện như nhiều loại vũ khí khác.
Bên cạnh Mỹ, Anh cũng đã triển khai hệ thống vũ khí laser mang tên DragonFire có chi phí mỗi lần bắn khoảng 13 USD (khoảng 335.000 đồng). Đặc biệt, DragonFire được cho là đủ sức bắn vật thể có kích thước chỉ bằng đồng xu ở khoảng cách 1 km.
Mô tả hoạt động của vũ khí laser. ĐỒ HỌA: PHÁT TIẾN
Sức nóng Đông Á
Mới đây, Mỹ đã điều động vũ khí laser đến khu vực Đông Á giữa mối lo UAV ngày càng tăng.
Gần đây, bên cạnh chiến đấu cơ và tàu chiến, UAV của Trung Quốc cũng thường xuyên hiện diện ở khu vực, bao gồm cả các vùng biển như Biển Đông, eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông. Trong bối cảnh đó, Lầu Năm Góc vừa điều động tàu khu trục USS Preble (DDG-88) gia nhập Hạm đội 7 và đồn trú tại Nhật Bản. Thuộc lớp Arleigh Burke khá quen thuộc, nhưng USS Preble nổi bật khi tích hợp hệ thống vũ khí laser có năng lực phòng không cao, đặc biệt là đánh chặn UAV.
Nhận xét về động thái của Mỹ khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Công nghệ mới đang tạo ra các chiến thuật mới. Cùng với tên lửa, UAV có thể xem là một loại "tên lửa" mới. Trong cuộc xung đột Ukraine, UAV đóng vai trò hỏa lực quan trọng. Ukraine đã sử dụng nhiều UAV để tấn công cả trên đất liền và trên biển. Vì thế, Mỹ triển khai tàu chiến tích hợp vũ khí laser đến Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực phòng chống UAV khi loại vũ khí này trở thành xu thế mới trong chiến tranh".
Cường quốc và vũ khí laser Quân đội Mỹ cho biết kế hoạch chế tạo vũ khí điều khiển bằng laser trên không đầu tiên được thực hiện trong nhiều năm. Năm 2019, Lockheed Martin đã giành được hợp đồng AHEL 5 năm của Lầu Năm Góc. Giả định trước việc cung cấp nguồn laser cho hệ thống, sau đó hỗ trợ việc tích hợp nó vào pháo hạm...