Anh hùng tuổi 20 trở về đời thường là lương y chữa bỏng
Bây giờ dù đã nghỉ hưu, nhưng nhìn ông vẫn phong độ. Ít ai biết rằng, năm 1978, chàng thanh niên dân tộc Nùng, Triệu Văn Điện, “thấp bé, nhẹ cân” đã gan dạ, xung phong vào quân ngũ, tham gia chiến đấu cùng đồng đội chống quân xâm lược phương Bắc và năm 21 tuổi, ông đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.
Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Triệu Văn Điện giới thiệu về bài thuốc chữa bỏng.
Đã hơn 40 năm kể từ ngày diễn ra trận đánh lịch sử năm 1979 bảo vệ thị trấn Đồng Đăng ( Lạng Sơn), Đại tá Triệu Văn Điện, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn nhớ như in từng chi tiết. Sinh ra và lớn lên tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, Lạng Sơn, dù chưa học hết cấp 3, nhưng theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ, chàng tân binh Triệu Văn Điện ngày ấy đã được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đầu tiên của Công an tỉnh Cao Lạng, đóng quân tại Cao Bằng.
Ngày 17/1/1979, Tiểu đoàn này bắt đầu hành quân về Lạng Sơn, đến thị trấn Đồng Đăng làm nhiệm vụ bảo vệ trị an, trấn áp tội phạm cũng như sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh. Một ngày đầu tháng 4/2022, chúng tôi về Lạng Sơn, được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội thật ngoan cường.
Ông Triệu Văn Điện nhớ lại: Sáng sớm 17/2/1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới nước ta, trong đó thị trấn Đồng Đăng là mũi đầu tiên. 7 giờ thì pháo bắn rợp đường. Ông cùng đồng đội vừa tuần tra về đến đơn vị thì được lệnh triển khai theo phương án tác chiến. Trầm tư trong giây phút ông Điện kể tiếp, lúc ấy Trung Quốc đưa 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh ồ ạt tràn vào cửa ngõ Đồng Đăng.
“Tôi và đồng đội được điều động đến khu vực Đền Mẫu (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn) để hướng dẫn người dân vào hang trú ẩn, tránh pháo. Cả tiểu đoàn đã ngoan cường chiến đấu, bảo vệ cho khoảng 500 người dân, nhiều đồng đội đã hy sinh”, ông Điện chậm rãi kể.
Video đang HOT
Sau đó, liên tục trong các ngày 17, 18/2, đơn vị của ông phối hợp bộ đội bắn tỉa từ trong hang để cầm cự. Tranh thủ lúc ngưng bắn thì xuống thị trấn lấy lương khô về tiếp tế cho dân. 22 giờ ngày 18/2, Tiểu đoàn của ông được lệnh rút quân do pháo đánh liên tục, bị bao vây và hết đạn dược. Binh nhì Triệu Văn Điện lúc này đã gồng mình cùng đồng đội mở đường đưa người dân Đồng Đăng thoát khỏi vòng vây ra tuyến sau.
Theo ông Điện, sau khi chiếm được thị trấn Đồng Đăng, buổi tối phía Trung Quốc co cụm lại. Ông đã nhờ người dân bản địa thông thạo địa hình dẫn đường đưa mọi người cắt thị trấn đi dọc theo bờ suối. Ra đến ngã tư Hồng Phong bị phục kích, ông tiếp tục hướng dẫn người dân tụt xuống đường bờ ruộng ra hang đá. Ngày 21/2 thì ra đến tuyến sau. Nhớ lại giây phút sinh tử nơi hang Đền Mẫu, ông Điện cho biết: Khoảng 8 giờ ngày 17/2 pháo cao xạ bắn rầm trời Lạng Sơn. Đồng đội của ông trong Tiểu đoàn như Vi Văn Cao, Trần Thái… đã hy sinh.
Đến 9 giờ cùng ngày, đồng chí Hà Sỹ Điềm, Tiểu đội trưởng bị thương xuyên qua vai, lúc ấy ông Điện đã cởi chiếc áo mặc trên người ra băng bó vết thương cho đồng đội, dù tiết trời mùa đông lạnh buốt. “Khi đưa anh Điềm xuống một đoạn lại gặp anh Phùng Văn Hiền (sau này là cán bộ Công an huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị thương. Tiến hành băng bó cho anh Hiền xong, một mình tôi cõng các thương binh thoát ra khỏi hang”, ông Triệu Văn Điện kể.
“Nghĩ lại lúc đó mình cao mét 7 nhưng chỉ nặng hơn 50kg thôi, mấy ngày đói khát không ăn uống gì nhưng vẫn cố sức để dìu được anh em về phía sau”, ông Điện chia sẻ.
Có lẽ, sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ quê hương và sẵn sàng lăn xả vì đồng đội nên sức mạnh trong con người chàng thanh niên Triệu Văn Điện lúc ấy được nhân lên gấp bội, vượt vòng vây, cõng một đồng đội là thương binh nặng, dìu một đồng đội khác trong 4 ngày đêm liên tục vượt hơn chục cây số đường rừng về tuyến sau an toàn.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Điện tâm sự: “Lúc đó có sức trẻ, lại được nhập ngũ vào công an theo đúng nguyện vọng nên tinh thần tôi rất vui, không cảm thấy mệt mỏi”. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, chàng trai người Nùng được đề nghị thăng quân hàm vượt cấp từ Binh nhì lên Trung sỹ, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Đến năm 1980, Trung sỹ Triệu Văn Điện được tôn vinh và viết báo cáo điển hình tiên tiến và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 21 tuổi.
Di tích Pháo đài Đồng Đăng ngày nay.
Trở về sau cuộc chiến, ông Điện đi học, cuối năm 1988 thì về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là thời điểm mà tất cả hàng hoá tập trung về tuyến biên giới, nạn cướp bóc hoành hành nên Triệu Văn Điện bước vào cuộc chiến nóng bỏng với tội phạm hình sự. Suốt từ năm 1988 đến năm 1995, khi làm Đội trưởng Đội Trọng án rồi Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự thì tên tuổi của ông Điện đã khiến nhiều đối tượng hình sự khét tiếng phải dè chừng. Tập thể Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn giai đoạn này 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng ông Điện được trao tặng 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đến 2002 ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lạng Sơn, năm 2010 là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Ở cương vị công tác nào ông Điện cũng để lại dấu ấn nghề nghiệp và sự nỗ lực phi thường của mình. Năm 2017 khi chỉ còn 15 ngày nữa là đến thời điểm trả lại chìa khoá, rời nhiệm sở nghỉ chờ hưu ông Điện còn nhận được Bằng khen và thưởng “nóng” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì có thành tích bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Long “ma” (đối tượng xả súng AK bắn chết người ở Cầu Giấy rồi bỏ trốn sang Trung Quốc)…
Bây giờ khi đã được nghỉ hưu nhưng chất “lính” trong con người Đại tá Triệu Văn Điện vẫn còn nguyên vẹn. Với bản chất cần cù, ham học hỏi cộng với “vốn liếng ít ỏi” về bài thuốc gia truyền chữa bỏng của đồng bào dân tộc Nùng, ông Điện đã phát huy nhiều bài thuốc quí cứu người. Từ năm 2019 đến nay, nhiều ca bị bỏng nặng nhờ có bài thuốc quí chữa bỏng của ông Điện mà nhiều người đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn, là một sĩ quan công an đã nghỉ hưu, Đại tá Triệu Văn Điện đã kế thừa, bảo tồn, phát huy, phát triển các bài thuốc quí và phương pháp chữa bỏng rất hữu hiệu. Kể từ năm 2019 đến nay, Đại tá, lương y Triệu Văn Điện đã chữa khỏi cho hàng chục bệnh nhân bị bỏng nặng, trong đó có các cháu nhỏ, để lại niềm cảm phục trong lòng nhân dân địa phương.
Cũng theo ông Trần Văn Tuyến, Hội Đông y Lạng Sơn mong muốn Đại tá Triệu Văn Điện tiếp tục quan tâm phát triển các bài thuốc đông y thành các dạng dễ sử dụng và có hiệu năng cao hơn như phá chế dạng dung dịch đóng chai, hướng dẫn người dân tự chữa trị khi bị bỏng dù ở thể nhẹ đến nặng. Biến tiềm năng, khai thác lợi thế về bài thuốc dân gian gia truyền của đồng bào dân tộc Nùng với hy vọng trong tương lai lương y, Đại tá Triệu Văn Điện sẽ bảo tồn nhiều bài thuốc quí, ứng dụng rộng rãi trong thực tế góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
TP Hồ Chí Minh: Hơn 871 tỷ đồng chăm lo Tết cho người dân
Ngày 24/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có tờ trình Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch tổ chức hoạt động và kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần 2022.
Liên đoàn lao động quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh tặng quà cho người lao động đang ở trọ trên địa bàn. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số tiền dự kiến chăm lo Tết năm nay là hơn 871 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó phần lớn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên số hộ nghèo, cận nghèo tăng. Dự kiến, công tác chúc Tết Nhâm Dần 2022 sẽ hoàn thành trước ngày 24/1/2022 (tức 23 tháng Chạp, năm Tân Sửu).
Theo đề xuất, thành phố sẽ thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng, bệnh binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên. Cùng với đó là thăm, tặng quà nguyên cán bộ cấp cao và thành phố, các lão thành cách mạng đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh...
Toàn thành phố có 45.000 hộ nghèo, cận nghèo (tăng hơn 26.300 hộ so với Tết năm 2021) và 155.000 người diện bảo trợ xã hội, khuyết tật, người già trên 80 tuổi trở lên (tăng hơn 4.200 người) được đề xuất tặng quà, tiền mặt trị giá từ 1,15-1,25 triệu đồng/suất. Ngoài ra, thành phố tổ chức đoàn thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà hộ dân tộc thiểu số, người cao tuổi và trẻ em mồ côi do COVID-19.
Trước đó, Liên đoàn Lao động thành phố vận động trao tặng 35.000 vé tàu, xe, máy bay trong chương trình "Tấm vé nghĩa tình". Trong đó, hỗ trợ 100% vé tàu cho gia đình đoàn viên tiêu biểu (gồm vợ, chồng và 2 con dưới 16 tuổi) về quê đón Tết trong chương trình "Chuyến tàu mùa Xuân"; tặng vé máy bay về quê cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn 2 năm không về quê đón Tết nhưng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực, người lao động được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Linh, Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
Liên đoàn Lao động thành phố cùng Công đoàn các cấp tổ chức nhiều chương trình vui Xuân, chăm lo cho lao động ở lại ăn Tết như, họp mặt "Gia đình công nhân lao động tiêu biểu - vui Tết cùng thành phố", "Phúc lợi cho đoàn viên", "Tết Sum vầy"; chương trình văn hóa, văn nghệ. Trong đó, trọng tâm hoạt động chăm lo Tết hướng đến người lao động khó khăn, người lao động bị mất việc, ngưng việc, bị nợ lương, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, người lao động là F0, người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp...
Điểm danh những pháo đài cổ ấn tượng nhất Việt Nam Pháo đài là công trình được xây dựng đặc biệt kiên cố, thường nằm ở nơi hiểm yếu, cao hơn địa hình xung quanh, có đặt súng lớn để phòng thủ. Cùng điểm qua những pháo đài cổ nổi tiếng của Việt Nam. 1. Pháo đài cổ Núi Lớn là một trận địa pháo quy mô lớn được xây dựng ở Đông Dương...