Anh hùng Nikolai Kuznetsov – Tình báo viên táo bạo nhất Liên Xô
Trừ khử được 11 nhân vật cộm cán của Đức Quốc xã, Kuznetsov trở thành chiến sỹ tình báo đối ngoại đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Mùa đông năm 1942, trung úy Paul Siebert được đưa về trại tù binh Đức ở Krasnogorsk gần Matxcơva. Chỉ sau một vài tuần, chàng trai khoảng 20 tuổi đã hòa nhập với các tù binh khác và thậm chí trở thành người chiến thắng trong cuộc thi ngâm thơ Đức. Siebert nhận ra các tù binh Đức đã không mảy may biết người vẫn đọc thơ Goethe và Schiller cho họ nghe không ai khác là Nikolai Kuznetsov – chiến sĩ tình báo Liên Xô.
Nikolai Kuznetsov trước khi được tung vào hậu phương địch. (Ảnh: viktorshestakov.livejournal.com)
Tài năng ngôn ngữ của Kuznetsov được phát hiện khá sớm nhờ cô giáo đầu tiên là bà Nina Avtokratova. Anh nói rất nhiều bằng tiếng Đức với một dược sĩ địa phương gốc Áo và một nhân viên lâm nghiệp – cựu tù nhân của quân đội Đức. Về sau, gia đình chuyển đến Sverdlovsk và Nikolai Kuznetsov có việc làm tại một phòng thiết kế của nhà máy Uralmash – nơi có các chuyên gia từ các vùng khác nhau của Đức làm việc. Với những người mới quen, anh tiếp tục trau dồi tiếng Đức. Đến cuối thập niên 1930, Kuznetsov nói thành thạo tiếng Esperanto, Komi-Permyak, Ukraine và Ba Lan.
Có lúc, đam mê ngoại ngữ đã biến anh thành nạn nhân một trò đùa ác ý. Các lá đơn tố giác Kuznetsov gửi đến cơ quan an ninh ngày một nhiều. Anh bị nghi ngờ và thậm chí một vài tuần bị tạm giữ trong nhà tù Sverdlovsk của Bộ Nội vụ. Dù vậy, người ta đã lưu ý đến năng khiếu của anh và đề nghị hợp tác. Từ thời điểm đó, Kuznetsov đã hoạt động dưới mật danh Colonist và chỉ đạo việc phát triển mạng lưới điệp viên người nước ngoài. Lý lịch cá nhân của Nikolai Kuznetsov không cho phép anh được làm việc tại văn phòng Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, năng khiếu ngôn ngữ của anh rất có giá, Kuznetsov được đối xử như một đặc vụ cao cấp.
Anh được cấp hộ chiếu mang tên Rudolf Wilhelmovich Schmidt. Bản thân Nicholai đã nghĩ cho mình một lý lịch chuẩn – làm công việc của một kỹ sư thử nghiệm tại nhà máy sản xuất máy bay. Theo sáng kiến của mình, Kuznetsov đã có được đồng phục của một thượng úy Không quân Hồng quân. Các gián điệp Đức tỏ ra rất quan tâm chiêu mộ Kuznetsov, nhưng sau đó, chính họ đã trở thành đối tượng bị anh tuyển dụng, và trở về Berlin với tư cách là đặc vụ của Bộ Nội vụ, chuyển thông tin có giá trị cho Matxcơva.
Ở Matxcơva, Kuznetsov trở nên đáng tin cậy với tùy viên hải quân Đức – Norbert Wilhelm von Baumbach – người rất tích cực trong các hoạt động tình báo. Thông qua hỗ trợ của Kuznetsov, các nhân viên phản gián đã lọt vào căn hộ người Đức, mở két và lấy các tài liệu ở đó. Toàn bộ mạng lưới điệp báo, điệp viên Đức đã bị lộ. Kuznetsov cũng được tùy viên quân sự Đức ở Matxcơva Ernst Kestring săn đón nhờ đó, giúp các lực lượng an ninh nghe trộm căn hộ của nhà ngoại giao. Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra, Kuznetsov đã xung phong ra mặt trận, nhưng cấp trên có kế hoạch khác cho đặc vụ này.
Tháng 8/1941, theo lệnh của Hitler, cơ chế Reich Commissariat (Reichskommissar – đại diện toàn quyền của chính quyền Trung ương Đức – ND) được thiết lập tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine. Để giám sát việc xuất khẩu thực phẩm và các vật có giá trị, cũng như tàn sát dân chúng, Hitler đã đích thân bổ nhiệm Eric Koch – một người bạn của Fhrer vào vị trí đó. Các cơ quan chính của các lực lượng chiếm đóng của Ukraine được đặt tại thành phố Rivne.
Vào thời điểm đó, Liên Xô bị tổn thất nặng nề. Chỉ riêng theo lệnh của Koch, hơn bốn triệu công dân Liên Xô đã bị sát hại. Cần một hành động mạnh mẽ để trả thù. Việc bắt đại diện ác ôn của Hitler phải đền tội có thể tạo ra sự phấn chấn cần thiết trong dân chúng Xô viết. Để tiến hành các hoạt động tình báo tại vùng Rivne, một nhóm đặc nhiệm của Bộ Nội vụ do Tướng Sudoplatov chỉ huy đã được thành lập. Nikolai Kuznetsov – người không có trình độ học vấn cao hay cấp bậc quân sự, đã được chọn vào nhóm. Anh được chuẩn bị cho một mục đích đặc biệt – khử Koch.
Trước khi chiến tranh bắt đầu, tình báo viên Kuznetsov có đủ kỹ năng để vào vai một người Đức, nhưng không phải là sĩ quan Đức – đó là một đẳng cấp đặc biệt với các cử chỉ, hành động và cách hành xử riêng. Tất cả mọi thứ từ ngoại hình đến dáng đi có thể ngay lập tức tiết lộ chân tướng. Chính vì để vào vai một sĩ quan Đức Quốc xã, mùa đông 1942, Kuznetsov đã được gửi đến một trại tù binh chiến tranh gần Krasnogorsk – nơi anh tích cực “hấp thụ” tâm lý và cử chỉ của một chiến binh Đức thực thụ.
Trong bối cảnh mới, Kuznetsov vào vai một sĩ quan Đức – Trung úy Paul Wilhelm Siebert – người mà anh có ngoại hình tương đồng. Siebert thật chết gần Matxcơva, nhưng cái chết của viên sĩ quan đó không được người Đức ghi lại một cách cẩn thận. Dưới vỏ bọc là một nhân viên bán gỗ, Kuznetsov được gửi đến Rivne để giải quyết các vấn đề công việc. Anh ta có thể giao tiếp chuyên nghiệp về chủ đề lâm nghiệp, vì đó là chuyên môn dân sự của Kuznetsov.
Ở Matxcơva, một bộ quân phục quân đội Đức đã được may cho anh, và vào mùa hè năm 1942, Kuznetsov tới Rivne, trong khu vực của lực lượng du kích đặc nhiệm dưới sự chỉ huy của đại tá Dmitry Medvedev. Kuznetsov-Siebert chiếm được sự tin cậy trong giới chức cao nhất ở Rivne nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên. Anh đã nói chuyện với các sĩ quan Đức Quốc xã, các quan chức của chính quyền chiếm đóng, có được thông tin quý, chuyển chúng cho du kích.
Kuznetsov và Medvedev đã vạch ra một kế hoạch chi tiết cho chiến dịch trừ khử Koch. Siebert thông báo với chính quyền Đức về ý định kết hôn. Người được anh chọn là Valentina Dovger, đã được làm các giấy tờ giả xác nhận là người Đức – là con gái của một trong những du kích quân đã hy sinh của Medvedev. Với tình huống, Valentina đã được thông báo sẽ sang Đức để làm việc, và chỉ có đích danh Koch mới có thể cho phép cô ở lại, Kuznetsov đã yêu cầu một người thân cận với Koch để có được cuộc gặp này. Theo kế hoạch, Valentina và Nikolai sẽ cùng vào văn phòng của Koch. Nhiệm vụ của Dovger là đánh lạc hướng sự chú ý của lực lượng bảo vệ, và Kuznetsov có nhiệm vụ bắn chết Koch.
Nikolai Kuznetsov trong bộ quân phục sĩ quan Đức Quốc xã. (Ảnh: tvzvezda.ru)
Nhưng mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch, Kuznetsov và Dovger được gọi vào riêng rẽ. Xuất hiện đối diện với Koch, Kuznetsov đánh giá tình hình và nhận thấy không có đủ thời gian để bắn. Vì sự thất bại của vụ thanh trừng Koch, Kuznetsov ngay lập tức bị đình chỉ hoạt động và Medvedev buộc tội anh là hèn nhát. Do không hoàn thành nhiệm vụ, anh có nguy cơ phải ra tòa và bị xử bắn.
Video đang HOT
Nhưng tại Matxcơva, tướng Sudoplatov – người đứng đầu Cục 4 Bộ Nội vụ quyết định không bỏ tình báo viên có giá trị như vậy. Kuznetsov được tha bổng và được lệnh tiếp tục công việc. Tuy nhiên, Koch, như linh cảm thấy đang bị săn lùng, đột ngột hủy bỏ chuyến thăm thành phố. Kuznetsov được giao nhiệm vụ loại bỏ các tướng lĩnh khét tiếng khác của Đức. Anh đã ám sát người đứng đầu bộ phận tài chính của Reich Commissariat, cố vấn bộ trưởng Hans Gel – người được Berlin phái đến thay thế Paul Dargel – cấp phó của Koch. Đây là một vụ nguy hiểm, bản thân viên tình báo đã bị thương bởi một mảnh đạn và xuýt nữa thì bị quân Đức bắt sống.
Người Đức không có thể nhắm mắt làm ngơ trước những gì đang xảy ra ở Rivne. Đích thân kẻ đứng đầu Gestapo – Heinrich Muller – gửi một điện mật tới Ukraine, ra lệnh bắt sống và đưa tội phạm về Berlin. Abwehr – cơ quan tình báo quân đội Đức cũng vào cuộc điều tra. Thiếu tá Gettel của Abwehr nhận được khuyến cáo về Siebert. Y gọi anh đến nói chuyện. Nhưng sau cuộc gặp đó, Gettel biến mất một cách bí ẩn, thi thể y không bao giờ được tìm thấy.
Mục tiêu tiếp theo của Nikolai Kuznetsov là bắt sống Max Ilgen – viên chỉ huy “các tiểu đoàn phía đông” có nhiệm vụ bảo vệ các khu hậu cần và ngăn chặn phong trào du kích. Ngôi biệt thự mà Ilgen trú ngụ ở Rivne được bao quanh bởi một hàng rào, dây thép gai và được bảo vệ bởi ba lính Đức – không thể tiếp cận. Nhưng trong biệt thự đó có Lydia Lisovskaya – một cựu diễn viên ba lê người Ba Lan cộng tác với tình báo Liên Xô, đang làm quản gia.
Kuznetsova được người “vợ” theo nhiệm vụ của mình Vera Dogver đưa đến Lisovskaya. Nữ diễn viên ba lê bí mật cho Siebert vào nhà. Viên tướng Đức trở về nhà vào buổi tối, Kuznetsov và Lisovskaya ngay lập tức bắt giữ và bí mật đưa y đến một biệt đội du kích. Tuy nhiên, họ không thể đưa hắn về đến đích, vì đường dài và nguy hiểm. Trên đường đi, Ilgen bị thẩm vấn và thủ tiêu.
Mục tiêu tiếp theo của Kuznetsov là Alfred Funk – chủ tịch Tòa án tối cao Ukraine bị chiếm đóng. Giữa ban ngày, Siebert đột nhập văn phòng của Funk, và trước mặt thư ký của hắn, anh bắn vào gã người Đức, thu gom tất cả tài liệu trên bàn và biến mất. Sau vụ ám sát táo bạo Funk, tình hình ở Rivne được trực tiếp Heinrich Himmler kiểm soát. Một tuần sau, đội biệt kích của lực lượng đặc biệt Gestapo đến thành phố, với nhiệm vụ được giao là “làm cỏ” tình báo Liên Xô. 80 đặc vụ đã được giao theo dõi một số mục tiêu bị nghi ngờ, trong đó có Paul Siebert.
Đài tưởng niệm Nikolai Kuznetsov ở Tyumen. (Ảnh: wikipedia.org)
Tháng 1/1944, quân đội Liên Xô phát động chiến dịch giải phóng Rivne-Lutsk. Đức vội vàng chuyển các trụ sở và Reich Commissariat đến Lviv – nơi Kuznetsov được phái đến. Tên họ Siebert ngày càng xuất hiện nhiều trong các báo cáo về công việc của các lực lượng đặc biệt Đức Quốc xã, và Siebert sớm trở thành nghi phạm chính. Dường như trong tình huống như vậy, quyết định đúng đắn duy nhất là nằm im chờ thời, và Kuznetsov đã rất cố gắng.
Nhưng sẽ không là Kuznetsov nếu anh chưa quyết định một cuộc tấn công tự sát khác. Ở Lviv, Kuznetsov xuất hiện tại sở chỉ huy của đơn vị không quân, nơi anh tự mình để lính Đức bắt và dẫn về văn phòng của trung tá không quân Hans Peters. Ở đó, Siebert cướp một khẩu súng lục, bắn hạ lính bảo vệ và cả Peters, sau đó, thoát qua cửa sổ, biến mất.
Khi Hồng quân tiến gần đến Rivne, Đức Quốc xã bắt đầu vội vã rời khỏi các phòng ban của Reich Commissariat. Ngày 2/2/1944, Rivne được các đơn vị của quân đội Liên Xô thuộc cánh quân Mặt trận Ukraine 1 giải phóng. Hơn 16 tháng hoạt động trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, Nikolai Kuznetsov một mình trừ khử 11 tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Đức Quốc xã. Đầu tháng 2/1944, một mệnh lệnh đến từ Trung tâm yêu cầu anh trở về qua chiến tuyến.
Trong nhiều tháng, Kuznetsov đã đánh lừa thành công mạng lưới tình báo mạnh nhất châu Âu, nhưng đã không thể vượt qua số phận của mình. Vào ngày 9/3/1944, ở tuổi 32, chỉ cách chiến tuyến vài km, người chiến sỹ tình báo đã anh dũng ngã xuống trong một trận chạm trán với một toán biệt kích của Quân đội nổi dậy Ukraine.
Mục tiêu chính của Kuznetsov – Koch – sau một loạt các cuộc tấn công nhằm trừ khử, vẫn sống sót. Năm 1944-1945, y ở Đông Phổ, sau đó trốn sang Copenhagen (Đan Mạch). Sau thất bại của Đức Quốc xã, y sống dưới cái tên Rolf Berger gần Hamburg. Tại một trong những cuộc tụ họp, những nạn nhân của Koch nhận ra y và bắt giải đến cảnh sát. Sau đó, gã đồ tể bị xét xử tại một tòa án và lĩnh án tử hình, nhưng bản án không được thi hành. Năm 1986, ở tuổi 90, y chết trong tù vì tuổi tác.
Theo sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao ngày 5/11/1944, vì lòng dũng đảm và sự can đảm đặc biệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ của bộ chỉ huy, Nikolai Kuznetsov được truy tặng danh hiệu cao quý – Anh hùng Liên Xô.
VOV/TVZVEZDA.RU
Theo vtc.vn
Các phiên bản xe tải 'ZIL ba cầu' huyền thoại của Liên Xô
Dòng xe tải đa năng nổi tiếng nhất của Nga-Xô là ZIL "ba cầu", được phát triển nhiều phiên bản khác nhau tại Nhà máy chế tạo ô tô mang tên Ivan Likhachev.
ZIL là tên viết tắt của "Nhà máy mang tên Likhachev", xí nghiệp chuyên chế tạo xe cơ giới lâu đời của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Nhà máy nổi tiếng này được đặt theo tên họ của nhà thiết kế hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô Liên Xô Ivan Alekseevich Likhachev (1896-1956).
Ivan Likhachev là kiến trúc sư trưởng của dòng xe tải ZIL ba cầu huyền thoại.
Năm 1926, Ivan Likhachev được bổ nhiệm làm giám đốc Nhà máy Ô tô Matxcova (tiền thân của ZIL sau này). Sau thời gian ngắn làm việc, Ivan Likhachev biến ZIL trở thành một "gã khổng lồ" trong ngành chế tạo ô tô ở Liên Xô lúc bấy giờ.
Từ đầu 1940 đến những năm 1950, Ivan Likhachev đứng đầu nhà máy chế tạo ô tô ZIL. Nhà máy trở thành doanh nghiệp hàng đầu, có thiết bị công nghệ mới nhất Xô Viết. Công suất chế tạo hàng năm đạt mức 150 nghìn xe tải.
ZIL-150 là nguyên thể đầu tiên của các dòng xe tải "Ngựa thồ" huyền thoại của Liên Xô.
ZIL-150 được xem là phiên bản sơ khai của dòng xe vận tải nổi tiếng của quân đội Liên Xô. Năm 1944, nguyên mẫu chiếc ZIL-150 (lúc đó gọi là ZIS-150) đầu tiên được chế tạo ra, có kiểu dáng giống với dòng Harvester K-7 của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, những hạn chế của động cơ và tính năng sử dụng, khiến cho ZIL-150 không được sản xuất hàng loạt. ZIL-150 sau đó được phát triển theo nhiều biến thể mới như ZIS-5, KAZ-150, ZIS-155.
Năm 1957, biến thể hoàn thiện nhất của dòng xe tải trên là ZIL-164 được hoàn thành. Bằng việc nâng cấp các bộ phận và cụm hệ thống đơn lẻ của ZIL-150, các xe ZIL-164 đã được sản xuất nhiều từ tháng 10/1957 đến tháng 12/1964.
Xe tải ZIL-164 và biến thể ZIL-164A phục vụ nhiều năm trong lực lượng quân sự Liên Xô. Trên cơ sở thiết kế chung của dòng xe này, nhà máy ZIL đã chế tạo các xe tải lớn, xe cứu thương, cần cẩu, tàu chở dầu và nhiều phương tiện đặc biệt khác.
Xe tải ZIL-164 và biến thể ZIL-164A phục vụ nhiều năm trong lực lượng quân sự Liên Xô.
Một trong những dòng xe tải sử dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp ô tô Liên Xô là ZIL-130. Ước tính 3,4 triệu chiếc được sản xuất, sử dụng rộng rãi trong quân đội và dân sự và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
ZIL-130 được trang bị động cơ xăng V8, với hộp số 5 cấp. Xe đạt tốc độ tối đa từ 80-100km/h và có khả năng di chuyển trong khoảng cách xa.
ZIL-130 huyền thoại được sử dụng nhiều ở Liên Xô và ở cả Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong các dòng xe tải ZIL huyền thoại sau này, xe ZIL-131 cũng là mẫu ô tô tải được sử dụng rất nhiều tại Liên Xô trong nhiều thập kỷ, với khoảng 1 triệu chiếc được chế tạo. Thiết kế của "Ngựa thồ" huyền thoại này được phát triển dựa trên đặc tính của xe tải REO M34 thuộc biên chế quân đội Mỹ giữa thế kỷ XX.
Liên Xô sau đó phát triển nguyên mẫu đầu tiên của ZIL-131, có động cơ 6 xi-lanh hình chữ V, với 135 mã lực. Chiếc xe được làm bằng thép nguyên bản, có khung thấp và vành đĩa hình nón.
ZIL-131 có 2 biến thể dùng kéo pháo và dùng để vận chuyển hàng hóa, binh lính.
Mô hình của chiếc xe ZIL-131 lần đầu xuất hiện vào cuối năm 1956, trang bị động cơ 6 thì. Có hai phiên bản chính của dòng xe này là ZIL-131 dùng cho pháo binh và ZIL-131 dùng cho vận chuyển hàng hóa, binh lính.
Ban đầu ZIL-131 không nằm trong kế hoạch sử dụng vận chuyển mặt đất, xe tải này được dùng chủ yếu cho nhiệm vụ kéo pháo. Tuy nhiên, những hạn chế của dòng ZIL-157, buộc Bộ Quốc phòng Liên Xô thay đổi, biến ZIL-131 trở thành xe tải đa năng.
Năm 1960, trong các mẫu xe cơ giới ba cầu của Liên Xô, ZIL-131 được đánh giá có ưu thế vượt trội nhất. Dòng xe này có tải trọng lớn, tiết kiệm nhiên liệu, động cơ mạnh mẽ. Những hạn chế về khả năng cơ động đường dài của ZIL-131 đã được khắc phục sau đó.
Sau khi khắc phục những điểm yếu và hiện đại hóa hệ thống điện, ZIL-131 là sự lựa chọn hàng đầu và dài hạn cho lực lượng quân sự Liên Xô trong nhiều thập kỷ sau đó. ZIL-131 không còn là một xe tải chuyên dùng để kéo pháo, mà là một chiếc xe đa năng.
Phiên bản xe tải ZIL-131A của quân đội Liên Xô.
Trước khi ZIL-131 ra đời, các dòng xe như ZIL-151 và ZIL-157 được chế tạo và sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, hai xe cơ giới quân sự này có động cơ khá yếu và tải trọng thấp. Đặc biệt là khả năng bám đường rất kém, không phù hợp với vai trò xe kéo pháo chiến trường.
Sau đó, vào những năm 50 của thế kỷ XX, các đơn vị pháo binh Xô Viết bắt đầu phát triển ZIL-128. Dòng xe tải này không phải là phiên bản nối tiếp của ZIL-151, mang những đặc điểm tương đồng của M34 của quân đội Mỹ.
Phiên bản xe tải hạng nặng ZIL-128.
ZIL-128 có động cơ chuyển động, hộp số mới, đồng thời hệ thống lốp và nhiều chi tiết hoàn toàn khác biệt so với các dòng xe tải trước đây. Khung xe được hạ xuống để giạm trọng tâm và dễ dàng bốc dỡ hàng hóa, đạn dược.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Liên Xô lúc này còn phát triển một dòng xe cơ giới khác là ZIL-165, nguyên bản đầu tiên của ZIL-131. Nhược điểm chính của ZIL-165 có buồng lái nhỏ và động cơ 6 xi-lanh khá yếu. Do đó, thiết kế này bị loại bỏ vào năm 1957.
PHONG VŨ
Theo vtc.vn
'Gia đình S': Kế hoạch bắn hạ F-35, F-22 Mỹ của Nga Hệ thống phòng không "gia đình S" của Nga gồm các thành viên: S-25, S-75, S-200, S-300, S-400, S-500 và S-600. Nga đã thừa hưởng một lượng lớn tên lửa đất đối không từ Liên Xô và đã cải thiện đáng kể các thiết kế từ thời Liên Xô. Đây là danh sách những thành viên đáng chú ý nhất trong "gia đình...