Anh hùng Hoàng Đăng Vinh – người bắt sống tướng De Castries qua đời
Đại tá Hoàng Đăng Vinh – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong năm chiến sĩ đầu tiên tiến vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vừa qua đời sau một cơn đột quỵ.
Đai tá Hoàng Đăng Vinh – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 24/10, chính quyền, nhân dân phường Vũ Ninh (TP Bắc Ninh) và người thân trong gia đình đã tổ chức tang lễ Đại tá Hoàng Đăng Vinh – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong năm chiến sĩ đầu tiên tiến vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước đó, tối ngày 21/10, Đại tá Hoàng Đăng Vinh bị đột quỵ tại nhà riêng. Sau một ngày điều trị tại bệnh viện, ông qua đời vào hồi 7h30 sáng 22/10.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh (sinh năm 1935), quê gốc ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Ông nhập ngũ năm 17 tuổi, là tân binh Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Cuối năm 1953, ông cùng đơn vị hành quân, tiến về Điện Biên Phủ.
Giai đoạn diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh là tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đây là đơn vị lập công đầu tiên trong trận Him Lam, bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu địch.
Ông Vinh là một trong những người tham gia bắt sống Thiếu tướng De Castrires – chỉ huy các lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ.
Sau này, ông Vinh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Video đang HOT
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Đăng Vinh tiếp tục cùng đồng đội tham gia kháng chiến chống Mỹ và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Bình, Vĩnh Linh và nước bạn Lào. Ông được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Năm 1990, ông Vinh về sinh sống tại Bắc Ninh và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP Bắc Ninh…
Trong cuốn “Điện Biên Phủ – 170 ngày đêm bị vây hãm”, tác giả Erwan Bergot (một trung úy tham chiến tại Điện Biên Phủ) đã mô tả những thời khắc trước khi đầu hàng của tướng De Castries: “Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy đều cảm thấy cay đắng vì thua trận. Tướng De Castrires che đậy nỗi bối rối bằng cách chỉnh đốn trang phục, thắt lại chiếc khăn quàng nổi tiếng của kỵ binh… Lúc này, bộ đội Việt Minh đang xông xáo khắp nơi, ống quần sắn cao đến gối, nhiều người đi chân đất, vui mừng hớn hở, tiểu liên báng cong đặt ngang sườn và gọi to đám lính bị bại trận bị bắt làm tù binh”.
XUÂN ÂN
Theo tienphong
Ký ức của cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Quá bất ngờ, tôi được gặp lại ông Trương Xuân Bái (90 tuổi, trú tại xã Thạch Môn, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) - cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 ngay trên đỉnh đồi A1.
Dù bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Bái vẫn minh mẫn kể lại từng câu chuyện mà đơn vị ông đã chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Mở đầu câu chuyện, ông Bái nhắc ngay đến anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn như một người anh: "Tôi và anh Bế Văn Đàn cùng một tiểu đội, anh Đàn là tiểu đội trưởng, tôi là tiểu đội phó, nhưng tình thân như anh em ruột. Ngày anh Đàn hy sinh, tôi là người đã bế anh Đàn đi chôn cất, năm 1958 cũng chính tôi là người đưa anh Đàn về an nghỉ tại nghĩa trang A1".
Ông Trương Xuân Bái kể lại cho con cháu về Trung đoàn 741 anh dũng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh đồi A1.
Lục lại trí nhớ, người cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa đã kể cho chúng tôi nghe những trận đánh ác liệt của đại đội ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh Mường Pồn, trận đánh đồi A1.
"Tôi và anh Bế Văn Đàn thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Năm 1953, đơn vị chúng tôi giải phóng Lai Châu xong, quân Pháp còn khoảng 300 tên đã chạy về hướng Điện Biên, đến xã Mường Pồn thì chúng dừng chân, thành lập những ổ đề kháng. Lúc này địch chiếm những điểm cao, khống chế toàn bộ cánh đồng Mường Pồ. Đơn vị tôi được lệnh phải tiêu diệt toàn bộ số quân địch tại đây. 16h ngày 12.12.1953, chúng tôi bắt đầu tấn công, bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó, khi thấy lực lượng Việt Minh ít, Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị đại đội tôi đánh bật. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Quân Pháp liều chết xông lên, quân ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ".
Trước ngôi mộ của Tiểu đội trưởng Bế Văn Đàn, ông Bái bùi ngùi: "Anh ơi em đưa các con cháu đến thắp hương cho anh đây. Anh ơi không biết khi nào em mới trở lại thăm anh".
Theo lời kể của ông Bái, lúc đó, cấp trên có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, để các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù liệt sĩ Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, ông đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Bế Văn Đàn vượt qua lưới đạn dày đặc của quân Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trong khi đó, trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn.
Ông Trương Xuân Bái cùng các con cháu trên đồi A1 lịch sử.
"Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội của tôi bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân anh Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh Đàn vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của anh Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại cầm 2 chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: "Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!". Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình.
Anh Đàn đã anh dũng hy sinh, vậy là lời hứa giữa tôi và anh ấy sau khi giải phóng 2 anh em sẽ về thăm quê của nhau không bao giờ trở thành hiện thực. Ngày ấy mỗi đêm anh Đàn thường kể cho tôi nghe về quê hương Cao Bằng của anh, rừng núi trùng điệp nhưng con người thì sống chan hòa, dù còn khó khăn nhưng vẫn một lòng theo Đảng. Anh Đàn ước mơ một lần về thăm quê tôi, thăm mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng gió, và được một lần về Nam Đàn thăm quê Bác", ông Bái bùi ngùi chia sẻ.
Lần nào trở lại Điện Biên, ông Bái cũng đến thắp hương cho người tiểu đội trưởng của mình.
Sau khi chôn cất người tiểu đội trưởng, ông Bái cùng đơn vị tiếp tục tiến quân về chiến trường Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông Bái được cấp trên giao trọng trách đánh đồi A1. Đây là "cối xay thịt" trong chiến dịch Điện Biên Phủ, còn đối với ông Bái, đồi A1 là nơi tưởng niệm những đồng đội của ông mãi mãi ra đi, bởi mỗi ngày ở đó có hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh dưới pháo đạn, bom mìn của quân thù. Trong tâm trí của ông, không bao giờ quên cảnh tượng vác bộc phá đi dọc chiến hào và vấp phải những mảnh xác người vẫn còn vương vãi vì bom, mìn, trong đó có cả đồng đội của mình.
Đứng trên đỉnh đồi A1 lịch sử, ông Bái hoài niệm lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt cách đây tròn 65 năm. Với ông từng mét đất đều thấm đẫm máu của các đồng đội.
"Tôi không thể tưởng tượng được đồi A1 ngày hôm nay khác xa với đồi A1 65 năm trước. Đồi A1 65 năm trước toàn là đất đỏ cày xới lên và bộ đội ta đi dọc chiến hào lên. Cứ 10 người hy sinh thì 10 người khác lên thay. Tiểu đội tôi lên 11 người thì chết 9, có đêm xung phong chiến đấu, cả tiểu đội hy sinh hết, nhìn đồng đội ngã xuống dưới chiến hào lại càng thôi thúc chúng tôi quyết trả thù", ông Bái chia sẻ.
Ông Bái cùng con cháu thắp hương, tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.
Thắp nén hương thành kính trước mộ người tiểu đội trưởng năm xưa, ông Bái rưng rưng nước mắt: "Anh Đàn ơi, em đến thăm anh đây, không biết bao giờ em mới trở lại thắp hương cho anh được". Ông Bái cho biết, vào những dịp kỷ niệm 60 năm, 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ông đều được Tỉnh ủy Hà Tĩnh mời đi thăm quan chiến trường xưa, nhưng ông từ chối.
"Tôi muốn đưa con cháu đi thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ để con cháu hiểu được sự anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà trận chiến Điện Biên Phủ đã vang khắp năm châu", ông Bái tâm sự
Trước sự đổi thay trên chiến trường xưa, ông Bái bùi ngùi xúc động: "Tôi không nghĩ Điện Biên hôm nay phát triển nhanh như vậy, nhà phố đông đúc, đường sá sạch đẹp. Tôi mong rằng đồng bào các dân tộc Điện Biên cùng chung tay xây dựng một Điện Biên giàu đẹp, đây cũng là sự tri ân đối với linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc".
Theo Danviet
Ảnh : Bảo vật quốc gia góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ Khẩu pháo cao xạ 37 mm do Liên Xô sản xuất năm 1939 là một trong những hiện vật quý giá liên quan đến chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, năm 2012 hiện vật này được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Pháo cao xạ 37 mm là một loại pháo phòng không có cỡ nòng...