Anh – EU: Bên nào sẽ phải xuống thang?
Một thỏa thuận giữa Anh và EU về việc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi EU rồi cũng sẽ được đưa ra, chỉ có điều, các bên sẽ chấp nhận nhượng bộ đến đâu.
Sau chiến thắng ngoạn mục của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Hạ viện hồi đầu tháng này, nhiệm kỳ tiếp theo của Thủ tướng David Cameron đã chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn cam go mới, nhằm xác định tương lai của nước Anh.
Thủ tướng Anh Cameron đang có nhiều ưu thế để thương lượng với EU. (Ảnh: AFP)
Theo đó, một chiến dịch ngoại giao chưa từng có của Anh đang được ông Cameron xúc tiến, nhằm gia tăng vị thế của Anh cũng như đạt được những mục tiêu cải cách EU.
Một kịch bản xấu nhất cũng đã được đưa ra là: Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu nếu các cuộc đàm phán không thể đi đến thống nhất. Thế nhưng theo giới quan sát, một thỏa thuận rồi cũng sẽ được đưa ra, chỉ có điều, các bên sẽ nhượng bộ đến đâu.
Quyền chủ động nằm trong tay ông Cameron
Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu chiến dịch ngoại giao nhằm xác định tương lai của nước Anh trong Liên minh châu Âu bằng cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Sau đó sẽ tiếp tục là một loạt cuộc gặp với lãnh đạo các nước như Đan Mạch, Hà Lan đặc biệt là Đức, Pháp.
Trước hết, đây là thời điểm mà ông David Cameron đang mạnh hơn bao giờ hết. Đảng Bảo thủ của ông vừa chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ở Anh quốc và ông Cameron đang điều hành một nội các với 100% là các thành viên trong đảng.
Lá phiếu của các cử tri Anh vừa mang lại một sự tự tin to lớn, vừa mang lại một sức nặng chính trị cho các quyết sách của ông Cameron. Ông Cameron giờ đây có thể công du châu Âu với hành trang là sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Anh. Vì thế, có thể nói đây là thời điểm mà ông Cameron đang có vị thế cao nhất để đối thoại với các thành viên khác của EU.
Nguyên do thứ hai, cũng xuất phát từ chính chiến dịch tranh cử của ông Cameron, đó là ông cần chứng tỏ cho các cử tri Anh quốc thấy rằng ông không quên lời hứa của mình là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh quốc sẽ ở lại hay rút khỏi EU. Đây là một trong những chủ đề then chốt trong cuộc bầu cử và ông Cameron có nghĩa vụ phải tiến hành một khi đã thắng cử.
Video đang HOT
Cái khó của Thủ tướng Anh lúc này là làm sao có thể đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người dân muốn rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng không thể để mắc sai lầm nghiêm trọng nào trong các cuộc đàm phán với EU.
Đây chính là lí do dẫn đến chuyến ngoại giao marathon lần này của ông Cameron. Ngày 25/6 tới, 28 nước thành viên EU sẽ họp Hội đồng châu Âu và ông Cameron đang muốn thăm dò thái độ của các thành viên EU trước khi đưa ra một yêu sách cụ thể của Anh quốc.
Về cơ bản, như nhiều nhà phân tích chính trị đã chỉ ra, ông Cameron không ủng hộ cũng không phản đối việc Anh quốc rời khỏi EU. Thủ tướng Anh là người theo chủ nghĩa thực dụng. Nếu như ông cảm thấy Anh quốc được EU đáp ứng phần lớn các đòi hỏi thì ông sẽ vận động cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu cho sự ở lại của nước Anh trong EU, ngược lại thì sẽ không loại trừ khả năng “Brexit”, tức là Anh sẽ ra khỏi EU.
Để đo lường được chính xác phản ứng của các nước châu Âu và tránh mắc các sai lầm nghiêm trọng, ông Cameron mới thực hiện chuyến đi ngoại giao marathon này.
Các chuyến đi này có hai mục đích quan trọng nhất: thuyết phục các nước EU về lí lẽ mà Anh quốc phải tiến hành trưng cầu dân ý và quan trọng nhất, là thử phản ứng của châu Âu để đưa ra các yêu sách phù hợp.
Châu Âu có chịu nhún mình?
Về phía EU, liệu các nhà lãnh đạo khối này có đưa ra một nhượng bộ nào không, trong bối cảnh Anh vẫn là nền kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu trong Liên minh châu Âu và việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu là một kịch bản rất tồi tệ.
Đây là một câu hỏi khó trả lời bởi cho đến thời điểm này, điều khiến các nước thành viên EU khó chịu nhất chính là việc họ vẫn chưa biết Anh quốc đưa ra các yêu sách cụ thể ra sao.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ đưa ra các yêu sách liên quan đến 3 vấn đề lớn, đó là: trả lại quyền lực nhiều hơn cho London, nâng cao vai trò của Quốc hội các nước thành viên và hạn chế việc các công dân châu Âu được hưởng những ưu đãi an sinh xã hội khi làm việc tại Anh quốc. Đây đều là các chủ đề rất lớn và rất nhạy cảm.
Trong lịch sử từ trước đến nay, Anh quốc luôn muốn EU phải dành những quy chế ngoại lệ cho riêng mình, từ việc bảo hộ nông nghiệp, không tham gia quy chế Schengen cho đến việc có ưu đãi riêng về thị trường tài chính… Vương quốc Anh đặc biệt không muốn các quy định mới của EU về Liên minh ngân hàng, về đánh thuế giao dịch tài chính…ảnh hưởng đến vị thế của London, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, ông David Cameron cũng muốn xem xét lại Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển bởi cho rằng có quá nhiều lao động châu Âu, đặc biệt từ Đông Âu tìm cách đến Anh chỉ để hưởng an sinh xã hội.
Những chủ đề và yêu sách này chắc chắn sẽ tạo ra những tranh cãi rất lớn giữa Anh với các thành viên còn lại của EU bởi các nước lớn như Đức hay Pháp đều tuyên bố rằng, sẽ không có chuyện châu Âu nhượng bộ khi nước Anh đòi đàm phán lại các Hiệp ước nền tảng của Liên minh châu Âu.
Chưa thể đoán trước điều gì
Vì thế, về tổng thể, rất khó có thể phán đoán châu Âu sẽ nhượng bộ những gì nhưng tương quan hiện nay cho thấy, khả năng châu Âu nhượng bộ Anh quốc sẽ nhiều hơn bởi EU không muốn mất đi một thành viên hùng mạnh như Anh quốc.
Cách đây vài tuần, tức là trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Anh, một cuộc thăm dò dư luận trên tờ Guardian của Anh cho thấy nếu đặt ra câu hỏi về Brexit ngay bây giờ thì có 52% cử tri Anh quốc sẽ bỏ phiếu cho việc Anh quốc rời khỏi EU.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, chủ đề này luôn gây chia rẽ nước Anh và luôn ở mức cân bằng, tức số người ủng hộ hay phản đối việc nước Anh rời EU là ngang bằng nhau, thậm chí số ủng hộ Anh ở lại EU nhỉnh hơn một chút.
Nhưng, ý kiến của dư luận luôn thay đổi nhanh khi tình hình kinh tế biến động. Hiện tại kinh tế Anh đang phát triển tốt hơn so với đa số các nước châu Âu nên dư luận Anh có xu hướng thích tách khỏi châu Âu, nhưng khi kinh tế ảm đạm, chắc chắn số muốn gắn bó với châu Âu sẽ lại tăng lên.
Nên lưu ý rằng 45% xuất khẩu của Anh quốc là sang thị trường châu Âu và nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng nếu rời EU thì kinh tế Anh quốc sẽ thiệt hại rất nhiều.
Về mặt chính trị, việc rời EU cũng sẽ tạo rủi ro rất lớn cho Vương quốc Anh trong nội bộ bởi lẽ khác với nước Anh có xu hướng ly khai châu Âu, Scotland lại ủng hộ châu Âu rất mạnh mẽ.
Đảng Dân tộc Scotland vừa đại thắng trong cuộc bầu cử tại Vương quốc Anh vừa qua và kiểm soát gần đến 99% Scotland. Đảng này tuyên bố nếu London ra khỏi EU thì Scotland sẽ lại tổ chức trưng cầu dân ý để tách khỏi Vương quốc Anh.
Vì thế, tuy đang có xu hướng tách khỏi châu Âu nhưng đây là việc vô cùng phức tạp và rủi ro với Vương quốc Anh.
Về phía châu Âu thì ngược lại, sự ác cảm với nước Anh đang tăng lên do những yêu sách từ London nên đa số dư luận ở nhiều nước châu Âu không muốn Anh ở lại EU. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu thì hiểu rằng EU sẽ không thể hùng mạnh nếu thiếu Vương quốc Anh./.
Theo Thùy Vân/VOV- Paris
OPEC sẽ nhượng bộ trong cuộc chiến giá dầu ?
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ phải cắt giảm sản lượng trong năm 2015, tuy nhiên điều này dường như sẽ chỉ diễn ra vào 6 tháng cuối năm, theo khảo sát của Bloomberg.
Liệu OPEC có nhượng bộ trong cuộc chiến giá dầu ? - Ảnh: Reuters
49% trong tổng số 418 các nhà phân tích, nhà buôn và nhà đầu tư được thăm dò ý kiến cho rằng khối OPEC sẽ giảm lượng sản lượng dầu mỏ trong năm 2015. Trong khi đó, 34% nghĩ rằng các nhà khai thác dầu đá phiến sét ở Mỹ sẽ giảm sản lượng. 17% còn lại không chắc chắn về các dự đoán.
Trong số những người khảo sát cho rằng khối OPEC sẽ giảm khai thác dầu, có 58% dự đoán điều này sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2015, 31% cho là trong 6 tháng đầu năm và 3% nghĩ rằng OPEC sẽ hạ sản lượng trong quý 1 của năm 2015.
Cuộc chiến giá dầu giữa các nhà khai thác dầu đá phiến sét ở Mỹ và OPEC vẫn đang thực sự căng thẳng khi cả hai phía đều không nhượng bộ. OPEC vẫn tiếp tục giữ lượng sản xuất dầu ở mức cao nhằm không để mất thị phần vào tay các nước khác. Tháng 11 năm ngoái, OPEC đã quyết định không cắt giảm sản lượng của mình mặc cho giá dầu xuống dốc, theo Reuters.
Giá dầu thô thế giới mặc dù đã tăng khoảng 2% sau khi thông tin Quốc vương của Ả Rập Xê Út (nước được coi là nhà sản xuất dầu lớn nhất khối OPEC) Abdullah bin Abdulaziz al Saud qua đời được công bố, tuy nhiên vẫn chỉ giữ ở mức 46-47 USD/thùng, theo CNN ngày 23.1.
Sự tụt dốc của giá dầu sẽ khiến cho các bên bị thiệt hại. Tuần trước, Thái tử Ả Rập Xê Út Alwaleed đánh giá rằng việc giá dầu giảm sẽ khiến cho các công ty sản xuất dầu đá phiến sét phá sản. Bên cạnh đó, việc ngân sách chính phủ phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ cũng sẽ khiến cho Ả Rập Xê Út phải hứng chịu thiệt hại. "Không nghi ngờ gì về việc một số nước sẽ phải nhượng bộ và giảm bớt sản xuất", CNN dẫn lời ông Alwaleed.
Cuộc thăm dò ý kiến về việc sản xuất dầu mỏ của OPEC và Mỹ được hãng Selzer & Co có trụ sở tại Des Moines, bang Iowa (Mỹ) tiến hành theo yêu cầu của Bloomberg. Bloomberg cho biết sai số thăm dò có thể vào khoảng 4,5 điểm phần trăm.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Nước Anh sốc vì cảnh báo nạn đói Báo cáo ngày 8/12 đã gây sốc khi cảnh báo về sự gia tăng mạnh số người dân Anh phải sống nhờ vào các ngân hàng thực phẩm. Theo số liệu của Quỹ Trussell Trust, một trong những tổ chức từ thiện chính điều hành 420 trong số hơn 800 ngân hàng thực phẩm ở Anh, số người tìm đến các trung tâm...