Anh em sinh đôi và kẻ lưỡng tính
Anh em sinh đôi có tên là tham nhũng và lãng phí. Tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực. Lãng phí là quốc nạn, phá đất nước này nhiều lần hơn người anh em của nó.
Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội sáng 30.10.
Từng lời của vị đại biểu này làm buốt lòng người. Ông Tiến đã đưa Vinashin làm ví dụ để cho mọi người thêm một lần nữa thấm thía cái xấu, cái ác của tham nhũng. Hậu quả của nó gần như ngày càng nặng nề hơn, lộ rõ mặt hơn. Hãy nhìn hàng chục con tàu có giá trị rất lớn của Vinashin neo đậu khắp nơi và mục nát từng ngày, đang trở thành kho phế liệu nổi trên biển, sẽ thấy xót xa cho đất nước đang còn nghèo này.
Trên những con tàu đó, có biết bao thuyền viên đang cơ cực, đói rách. Bởi vậy, dù đau một lần, cũng nên cắt ngay khối u Vinashin bằng cách thanh lý theo kiểu sắt vụn những con tàu mục nát đó để khỏi phải phá thêm của đất nước, khỏi chướng mắt nhân dân. Còn nữa, phá cả chục nghìn tỉ đồng được thì cũng xin bỏ ra chút tiền mọn trả lương cho những thuyền viên đang đói khổ trên đống tro tàn mang tên Vinashin.
Nhưng dù sao, tham nhũng còn đo lường được để hy vọng có ngày tính sổ với nó. Còn lãng phí thì không. Mặc dù sinh đôi, giống nhau, nhưng lãng phí quá quắt hơn, sức phá hoại của nó khủng khiếp hơn. Xin hãy nghe đại biểu Lê Như Tiến điểm mặt sơ sơ: “Rồi lãng phí trong quy hoạch do thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Bao nhiêu ximăng, sắt thép đang nằm ế ẩm dãi dầu trong các kho bãi chờ lưu thông. Rồi đất sản xuất bị hoang hóa nhiều năm nay. Hàng trăm ngàn tỉ đồng lẽ ra được sinh sôi từ đất thì lại lãng phí chôn vùi ở trong đất”.
Nếu đi một vòng khắp đất nước, đếm hết các dự án đầu tư BĐS đang dang dở, biệt thự, cao ốc, khu chung cư nằm phơi giữa gió sương, sẽ tính ra được hàng chục tỉ đôla đang hoang phí, đang mục nát hằng ngày chẳng khác gì những con tàu Vinashin trên biển. Sự lãng phí này giết chết các doanh nghiệp và đẩy lùi nền kinh tế của đất nước.
Hai anh em sinh đôi tham nhũng và lãng phí thì rõ rồi, nhưng có một loại lưỡng tính- vừa tham nhũng, vừa lãng phí- nên rất khó xác định giới tính. Nó tồn tại, sinh sôi nảy nở rất nhiều và nguy hiểm vô cùng. Nhìn vào nó, thấy nó là tham nhũng, nhưng khi tóm nó thì nó lại là lãng phí, không biết đâu mà lường. Có khi biết chắc nó là tham nhũng, nhưng điều tra “xác định giới tính” thì nó lại là lãng phí. Tham nhũng bắt tội được, nhưng lãng phí chỉ là khuyết điểm. Thưa đại biểu Lê Như Tiến, kẻ lưỡng tính này mới đáng sợ
Theo Dantri
Video đang HOT
Đại biểu Quốc hội "chỉ mặt" đồng phạm của tham nhũng
Đại biểu Lê Như Tiến "vạch mặt" những biểu hiện lãng phí. Đại biểu Hà Minh Huệ tấn công biểu hiện lợi ích nhóm. Đại biểu khác kết tội công tác quản lý... Quốc hội hôm nay "nóng" thêm vì những vấn đề xã hội, tham nhũng.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) khái quát, quốc nạn tham nhũng, lãng phí là lực cản ngăn lối chắn đường cất cánh của đất nước. Quốc nạn tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia, khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người làm giảm sút lòng tin và suy kiệt nhựa sống xã hội.
"Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, là hai kẻ đồng hành, đồng lõa, đồng phạm cùng hội, cùng thuyền gây nên những thất thoát lớn nguồn lực mà mỗi người dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt, một nắng hai sương chắt chiu dành dụm từng ngày. Tham nhũng luôn dùng ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, nhà công vụ thành nhà tư" - ông Tiến "quy tội".
Phân tích vào dẫn chứng cụ thể, đại biểu cho rằng, hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng, lãng phí thất thoát, năng lực quản trị doanh nghiệp kém đã dẫn đến hậu quả hoặc đột quỵ, hoặc chết lâm sàng, mất khả năng đề kháng trước những cơn bão khủng hoảng, kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao khốn khó.
Chỉ riêng Vinashin, ông Tiến ước tính, làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, trên 40.000 tỷ nợ nước ngoài và hơn 60.000 tỷ nợ trong nước. Khoản tiền đó, nếu không thất thoát, cả nước đã có thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã, cũng không phải băn khoăn, trăn trở buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn.
Đại biểu Lê Như Tiến nhiều lần gây ấn tượng về những phần phát biểu chỉ mặt tham nhũng (ảnh: Việt Hưng).
"Kẻ đồng lõa" thứ 2 là lãng phí cũng được đại biểu liệt vào danh sách quốc nạn mà nguy hiểm ở chỗ tham nhũng bị lên án gay gắt mạnh mẽ nhưng thất thoát do lãng phí (đôi khi lớn hơn nhiều) lại bị nương tay, xem nhẹ.
Ông Tiến bức xúc phân tích, một chủ trương đầu tư sai chôn vùi cả trăm triệu đôla, cả ngàn tỷ đồng vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng, không hiệu quả thì chỉ nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm.
Đó là những lãng phí "hữu hình". Ngoài ra, lãng phí xảy ra muôn hình vạn trạng. Khó tính được những lãng phí vô hình như lãng phí chất xám, hàng chục nghìn luận án tiến sĩ, hàng trăm nghìn đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp quốc gia, bộ, ngành, địa hương được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng, hoành tráng, xếp ngăn nắp như những vật trang trí cho các thư viện hoặc ở các viện nghiên cứu, chưa đầy 30% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần vào thực tiễn.
Đại biểu cũng chỉ trích, việc thiếu quy hoạch ngành khiến xi măng, sắt thép đang ế thừa, chôn hàng trăm ngàn tỷ đồng trong bất động sản. Việc đầu tư 250 triệu USD đầu tư làm vệ tinh Vinasat 2 cũng bị cho là lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
"Đúng 60 năm về trước, Hồ Chủ tịch đã có bài phát biểu quan trọng với đội ngũ cán bộ cao cấp về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Người nói tham ô, lãng phí là kẻ thù, vì thế chống tham ô, lãng phí cũng quan trọng cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. 60 năm đã qua, bài học chống tham nhũng, lãng phí của Bác Hồ vẫn còn tươi mới, vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị thực tiễn" - ông Tiến nhấn mạnh.
Hệ quả dễ thấy của tham nhũng, lãng phí thất thoát qua các chi phí phát sinh như chi phí ngoại giao, chi phí bôi trơn, phong bì lót tay, chi phí động thổ, khai trương, khánh thành... là chi phí cho sản xuất, ra sản phẩm cuối cùng cao. Hệ số ICO đầu tư trên tăng trưởng của Việt Nam cao gấp đôi so với các nước trong khu vực, theo ông Tiến, có nghĩa là càng đầu tư, càng thất thoát lãng phí.
Phân tích thêm những biểu hiện của quốc nạn này, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chỉ ra việc tham nhũng trong quản lý kinh tế khiến nhóm lợi ích thao túng trong hoạt động kinh tế, tài chính, ngân hàng với những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng kéo dài như vụ Vinashin, Vinalines.
Ông Huệ dẫn chứng thêm những vụ việc như vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) không được chính quyền, các cơ quan chức năng xử lý kịp thời để dây dưa gây bức xúc dư luận, để lại ấn tượng về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo từ cấp TƯ đến cấp xã, phường.
Đại biểu kêu gọi có gấp những giải pháp để yên dân vì "lòng dân có yên thì nước mới ổn".
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) "công kích" hiện tượng buông lỏng quản lý, kiểm tra, thanh tra hình thức. Địa chỉ đầu tiên đại biểu nhắm đến là Tổng công ty Đầu tư vốn SCIC.
Ông Phong đặt câu hỏi về năng lực quản lý "siêu công ty" này khi thực tế, việc quản trị bị buông lỏng, doanh nghiệp đã thao túng chuyển dần tài sản của công ty cổ phần ra công ty con, sản xuất cầm chừng, hiệu quả thấp và SCIC thoái hết vốn mới hoạt động đúng thực lực, gây thiệt hại cho Nhà nước và triệt tiêu động lực sản xuất của xã hội.
Đại biểu yêu cầu phải nhanh chóng triển khai các biện pháp đồng bộ, chủ động, kiên quyết xử lý vi phạm đến nơi, đến chốn, đúng người, đúng địa chỉ, đúng tội theo quy định của pháp luật trong trường hợp này.
Tổng Thanh tra: "Vinashin lỗ hơn 86.000 tỷ đồng chứ không phải thất thoát".
Cuối giờ làm việc buổi chiều, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bấm nút xin phát biểu giải trình nội dung về số sai phạm tại Vinashin mà các đại biểu đã đề cập.
Ông Tranh cho biết, đơn vị được thanh tra toàn diện trong vòng 4 tháng (từ tháng7 đến tháng 11/ 2010). Hoạt động của tập đoàn trong 4 năm (2006-2009) đã được xem xét ở 3 nhóm vấn đề: thể chế hoạt động tài chính của tập đoàn (huy động vốn, quản lý sử dụng vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ...) quản lý thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản và tàu biển.
Theo đó, TTCP xác định, số nợ tập đoàn phải trả đến 31/12/2009 là 86.745 tỷ. Tổng số lỗ là 4.985 tỷ đồng (lũy kế đến cuối 2009). Ngoài ra, các khoản tiềm ẩn gây lỗ khác là 8512 tỷ. Cộng 2 khoản, số lỗ có thể đến 13.000-14.000 tỷ đồng. Trong khoản lỗ tiềm ẩn, lỗ do chi phí sản xuất dở dang là 2.787 tỷ, các khoản thu nội bộ không xác định được là 4.668 tỷ và 1.035 tỷ là tiền trả lãi đặt cọc cho các chủ tàu, phạt vi phạm hợp đồng.
Cơ quan thanh tra kết luận, đến hết năm 2009, Vinashin không bảo toàn được vốn nhà nước, để thâm hụt 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
"Như vậy, con số chính xác về số nợ của tập đoàn là hơn 86.000 tỷ đồng chứ không phải thất thoát" - ông Tranh nhấn mạnh.
Theo Dantri
Trường trung học phá kỷ lục với 20 cặp sinh đôi Trường De Aston tại Market Rasen, Lincolnshine đã lập kỷ lục của nước Anh với 20 cặp anh em sinh đôi đang theo học. 20 cặp song sinh tại trường Trung học De Aston. Với 20 đôi, trường Trung học De Aston đã nhiều hơn 12 cặp so với trường học đã lập kỷ lục trước đây. Hiện nay, trường đang tham gia...