Ảnh, clip: Ngư dân Thanh Hóa kéo thuyền bè lên phố tránh bão số 3
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lệnh cấm biển. Đến sáng 18.7, tại Sầm Sơn nhiều thuyền bè được đưa lên các con đường nhựa, cạnh các khách sạn để tránh bão.
Clip: Khu ven biển Thanh Hóa đối phó với bão số 3.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đến đầu giờ chiều 18.7, thời tiết Thanh Hóa mây mù xám xịt, mưa lác đác vài nơi.
Sáng nay, ngư dân tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã dùng sức người và máy kéo hàng trăm bè, mảng (ghe thuyền đánh bắt gần bờ) lên khu vực đường Hồ Xuân Hương, tuyến đường huyết mạch chạy qua khu du lịch biển Sầm Sơn.
Bộ đội biên phòng tại xã Hải Tiến (huyện Tĩnh Gia) cùng ngư dân khẩn trương chằng buộc tàu thuyền sát lại với nhau để tránh gây hư hỏng.
“Chúng tôi di chuyển bè mảng lên đây để tránh sóng dữ đánh vỡ, hư hại”, một ngư dân tại xã Hải Tiến cho hay.
Chia sẻ với PV, Trung tá Nguyễn Ngọc Đức – Đồn trưởng đồn biên phòng Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) cho biết: “Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là xã Hoằng Trường nhằm mục đích kêu gọi tàu thuyền trên biển trở về nơi neo đậu an toàn và chằng buộc các phương tiện để đối phó với cơn bão số 3″.
Nhiều thuyền bè tại khu du lịch biển Sầm Sơn được đưa lên bờ, đoạn gần các khách sạn tại khu vực đền Độc Cước.
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện 100% phương tiện tàu thuyền của tỉnh (7.410 phương tiện với 27.589 lao động) đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.
Ngư dân tránh bão tại các cảng, vịnh… và bãi an toàn thuộc khu du lịch biển Sầm Sơn.
Tại bãi biển Sầm Sơn, sóng biển chưa lớn nhưng nước đục. Nhà chức trách địa phương đã khuyến cáo du khách không xuống tắm biển.
Khoảng chiều tối nay, 18.7 vùng tâm bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 9 (75 – 90 km/h), giật cấp 11. Thanh Hóa được dự báo là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất do bão số 3 gây ra.
Từ chiều 18.7, khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây, rồi chuyển hướng tây hơi chếch bắc và giảm tốc còn 20 km/h. Khi đi qua khu vực Thượng Lào, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp.
Theo Danviet
Bão số 3 cận kề, sạt lở chia cắt nhiều huyện miền núi Nghệ An
Lũ cuốn trôi nhiều đoạn đường, cầu, cống chia cắt giao thông ở nhiều xã miền núi tỉnh Nghệ An khi bão số 3 cận kề.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể là các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như Con Cuông, Quỳ Châu... chia cắt nhiều tuyến đường dân sinh vì sạt lở nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lang Xuân Chính - Chủ tịch UBND xã Châu Bính cho biết: "Tối 17.7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to, lũ từ rừng tràn về đã làm trôi cống, cắt ngang đoạn đường giao thông bị ách tắc.
Mưa lớn, lũ về gây sạt lở nhiều nơi ở huyện Châu Bình.
Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ và nhân dân làm cầu tạm để người và xe máy qua lại, đảm bảo lưu thông cho 5.000 người dân của 2 xã".
Trước đó, chiều 17.7, một số đập tràn ở hai xã Môn Sơn và Lục Dạ đã có nước tràn qua. Đặc biệt, tại cầu tràn Khe Mọi thuộc địa phận bản Hồng Sơn, xã Lục Dạ (cầu nằm trên con đường liên xã đi từ thị trấn vào Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn) mực nước dâng cao, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Nhiều hecta lúa hè thu ở huyện Hương Nguyên bị nhấn chìm trong biển nước.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Lục Dạ đã huy động lực lượng công an, quân sự dựng rào chắn ngăn người dân không lưu thông khi nước lớn, đồng thời phân công người trực 24/24 cấm không cho người và phương tiện qua lại.
Tại xã Cam Lâm, mưa lớn kèm theo nước chảy xiết đã làm cầu tạm qua bản Bạch Sơn bị hỏng, 80 hộ dân bị cô lập. Ngoài ra, điểm cầu tạm tại bản Thái Sơn đi Nam Sơn xã Môn Sơn bị cuốn trôi hoàn toàn.
Cầu tạm ở Nghĩa Thịnh huyện Nghĩa Đàn bị cuốn trôi.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện Con Cuông đang tiếp tục có mưa to. Huyện đã chỉ đạo các xã có các điểm ngầm, tràn cắm biển báo, tạo rào chắn và tổ chức lực lượng chốt trực khi nước lũ đổ về, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân".
Tính đến thời điểm sáng nay (18.7) có khoảng 3.910/96.000 ha lúa hè thu bị ngập sâu, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên (2.000ha), Quỳnh Lưu (825ha), Nghi Lộc (500ha), Diễn Châu (470ha) và huyện Đô Lương (120ha).
Hiện, UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo vận hành 2 trạm bơm tiêu và các cống tiêu.
Theo Danviet
Tàu thuyền ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã về nơi tránh trú an toàn Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão số 3 (tên gọi quốc tế Sơn Tinh) sẽ đổ bộ vào đất liền lúc 19h hôm nay, ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, trong đó, rốn bão là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tình đến thời điểm trưa...