Anh chuẩn bị trục xuất nhóm người nhập cư bất hợp pháp đầu tiên sang châu Phi
Anh sẽ chuyển một số người nhập cư bất hợp pháp tới Rwanda theo thỏa thuận trị giá 120 triệu bảng Anh với quốc gia châu Phi.
Lực lượng cứu hộ Anh giải cứu người di cư vượt biển từ Pháp qua Eo biển Manche. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, các thẩm phán tòa phúc thẩm đã cho phép chuyến bay đầu tiên đưa người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda thực hiện vào ngày 14/6.
Hiện Tòa án Tối cao và Tòa phúc thẩm ở London đang giải quyết những thách thức pháp lý cuối cùng đối với chính sách mới của chính phủ nước này. Theo quy định của chính sách mới, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị trục xuất sang Rwanda trong lúc đơn xin tị nạn của họ được xử lý.
Mặc dù chính phủ Anh không công bố thông tin chi tiết về 30 người nhập cư bất hợp pháp đầu tiên bị trục xuất song một số tổ chức từ thiện tiết lộ trong số đó có người quốc tịch Syria và Afghanistan.
Giữa tháng 4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một thỏa thuận, theo đó Rwanda sẽ tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp ở Anh để đổi lấy khoản thanh toán 120 triệu bảng.
“Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Phát triển Kinh tế và Di cư mới giữa hai nước mang ý nghĩa, bất kỳ ai nhập cảnh vào Vương quốc Anh bất hợp pháp – cũng như những người đến Anh bất hợp pháp kể từ ngày 1/1 có thể bị chuyển sang Rwanda”, Thủ tướng Anh tuyên bố.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo lập luận chính sách này sẽ giáng một đòn mạnh vào những kẻ buôn lậu, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các dịch vụ xã hội của Anh.
Mặc dù Thủ tướng Johnson nhấn mạnh Rwanda là “một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới”, song giới phê bình vẫn cho rằng chính sách này là “tàn nhẫn và tồi tệ.”. Theo tờ Times của Vương quốc Anh, không chỉ có các nhóm đối lập và nhân quyền, đến ngay cả Thái tử Charles cũng lên tiếng chỉ trích kế hoạch này. Cuối tuần qua, Hoàng gia Anh đã dùng từ “kinh khủng” để miêu tả chính sách này.
Không có 'miền đất hứa' cho người nhập cư bất hợp pháp
Thảm kịch 27 người, gồm cả phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng ngày 24/11 khi đang cố gắng vượt qua eo biển Manche lạnh giá trên một thuyền nhỏ để từ Pháp vào Anh đã gây rúng động cả thế giới bởi đây được xem là thiệt hại lớn nhất về người trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Người di cư được lực lượng cứu hộ giải cứu và đưa về bờ biển phía Đông Nam nước Anh, sau khi băng qua eo biển Manche ngày 24/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì còn nhiều người di cư khác có thể đã thiệt mạng trên eo biển này mà không bao giờ được biết đến do các dòng hải lưu đã cuốn thi thể họ ra ngoài khơi chứ không đưa vào bờ.
Đến nay, không có một con số chính thức nào cho biết chính xác bao nhiêu người di cư đã cố gắng vượt qua eo biển Manche để vào Vương quốc Anh. Theo hãng thông tấn Press Association của Anh, trong năm nay, đã có khoảng 25.700 người cố gắng đến Anh bằng đường biển, gấp hơn 3 lần con số của năm trước.
Theo số liệu của Thượng viện Pháp, trong vòng một năm (tính đến tháng 8/2021), Pháp đã chi 217 triệu euro (khoảng 245 triệu USD) và đã thực hiện trên 10.000 vụ bắt giữ để ngăn chặn người di cư vượt biển trái phép từ Pháp sang Anh. Trong dòng người di cư này, nhiều người cố gắng rời khỏi các quốc gia bị chiến tranh tàn phá hoặc vẫn chìm trong xung đột bạo lực như Afghanistan. Syria, Iraq... Một số người rời bỏ quê hương bản quán mong tìm được "miền đất hứa" với hy vọng về một cuộc sống sung túc hơn.
Có rất nhiều lý do đẩy người di cư liều mạng vượt qua vùng biển nguy hiểm này để đến Anh, dù chế độ phúc lợi dành cho người tị nạn của Anh không hào phóng như của Pháp. Tại Anh, mỗi người tị nạn chỉ được nhận 39,63 bảng (khoảng 54 USD), trong khi tại Pháp họ được nhận 43,50 bảng (59 USD) một tuần và có thể bắt đầu xin đi làm sau 6 tháng.
Mặc dù không cho người nhập cư bất hợp pháp được phép làm việc và trợ cấp cho họ không cao, nhưng Anh lại không quyết liệt trong việc trục xuất những người mà đơn xin tị nạn của họ không được chấp thuận hay có tiền án, tiền sự. Nhiều người nhập cư đã bỏ trốn khỏi các khu quản lý để có thể làm việc trong nền kinh tế ngầm. Một số khác tiếp tục kháng cáo nhiều lần cho đến khi đơn xin tị nạn được chấp thuận.
Việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp càng trở nên khó khăn hơn sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. EU có quy định yêu cầu những người nhập cư phải trở về quốc gia an toàn đầu tiên trong khối mà họ đặt chân đến để xin tị nạn tại đó. Brexit có nghĩa là Anh không còn nằm trong các quy định đó và khiến cho việc trả người di cư trở về nơi xuất phát khó khăn hơn.
Để có thể trả người di cư về nơi xuất phát, Vương quốc Anh phải đạt được một thỏa thuận mới với EU hoặc thỏa thuận song phương với các nước như Pháp. Mặc dù tại cuộc họp được tổ chức tại Calais ngày 28/11, bộ trưởng các nước EU nhất trí rằng cần có một thỏa thuận mới với Anh để giải quyết tình trạng gia tăng số người di cư vượt biển bằng thuyền nhỏ từ Pháp vào Anh, nhưng những tranh cãi liên quan đến Brexit, nhất là những vướng mắc trong việc thực thi Nghị định thư Bắc Ireland, đã làm suy giảm lòng tin giữa EU và Anh, khiến cho việc đạt được một thỏa thuận trả người di cư về nơi xuất phát là không dễ dàng và nhanh chóng.
Việc đạt một thỏa thuận song phương giữa Anh với Pháp cũng không dễ dàng khi mà mối quan hệ giữa hai nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những tranh chấp về giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit, tranh cãi liên quan đến thỏa thuận liên minh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và đặc biệt là những tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson liên quan đến chính việc giải quyết vấn đề người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp đến Anh. Pháp đã phản ứng lại những tuyên bố của ông Johnson bằng cách hủy lời mời Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel tham dự cuộc họp tại Calais ngày 28/11.
Việc trục xuất những người di cư về quốc gia họ mang quốc tịch thì giống như "nhiệm vụ bất khả thi" đối với Vương quốc Anh. Người nhập cư bất hợp pháp khi vào Anh thường không mang theo bất kỳ một loại giấy tờ gì. Việc điều tra, xác minh nhân thân, quốc tịch của những người này sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và trong một số trường hợp là không thể.
Người di cư được đưa về bãi biển ở Dungeness, phía Đông Nam vùng England, sau khi được giải cứu ở eo biển Channel, ngày 24/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều người nhập cư bất hợp pháp liều mạng đến Anh còn di khả năng tìm kiếm việc làm không chính thức hay việc làm trong nền kinh tế ngầm của nước này dễ dàng hơn so với ở Pháp và các nước EU khác. Dù tỷ trọng của nền kinh tế ngầm tại Anh thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, nhưng theo ước tính của Hiệp hội Kế toán có chứng chỉ ACCA, tỷ trọng này thời gian qua giảm chậm và sẽ vẫn ở mức 10,83% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025. Như vậy, với GDP của Anh năm 2020 là 2.709 tỷ USD, nền kinh tế ngầm của nước này ước tính khoảng 300 tỷ USD. Với nền kinh tế ngầm lớn như thế, người nhập cư bất hợp pháp vào Anh không quá khó để tìm một công việc, như trồng và chăm sóc cây cần sa ở những vùng xa xôi, hẻo lánh của nước Anh...
Phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng EU ngày 28/11 ở Calais, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho rằng động lực chính đối với những người di cư là sự hấp dẫn của cuộc sống ở Anh. Ông cho biết: "Nếu những người di cư đến đây - Calais... và liều mạng vượt qua eo biển Manche, đó là bởi vì họ bị nước Anh thu hút, đặc biệt là thị trường lao động".
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa. Sau sự cố 39 người di cư tử vong trong xe tải đông lạnh năm 2019, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra kỹ càng hơn các phương tiện vận tải giữa Anh và châu Âu đại lục. Những yếu tố này đã làm giảm đi sự lựa chọn của những người di cư muốn tìm kiếm các phương tiện vận tải lưu thông qua lại giữa hai bờ eo biển Anh. Trong khi đó, thời tiết mùa Thu và Đông ít bão to và gió hơn, giúp những chuyến vượt biển bằng thuyền nhỏ thuận lợi hơn. Tất cả những yếu tố này đã cùng nhau khiến số người di cư vượt biển bằng thuyền nhỏ vào Anh tăng lên trong thời gian qua.
Tuy nhiên, vụ việc 27 người di cư tử nạn vừa qua một lần nữa cho thấy hành trình nhập cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh là "hành trình sinh tử", nơi tính mạng của những người muốn "đổi đời" luôn bị đe dọa, nguy hiểm rình rập từ mọi phía. Kể cả đặt chân được tới Anh, số phận của những người nhập cư bất hợp pháp cũng hết sức mù mịt, sự nguy hiểm và bất trắc mà họ phải đối mặt vẫn rất cao. Trái với lời đồn thổi rằng có thể làm việc ở Anh ngay cả khi không có giấy tờ, hành động này hoàn toàn bị luật pháp Anh cấm. Những người nhập cư làm việc bất hợp pháp trên lãnh thổ Anh khi bị bắt phải chịu hình phạt lên đến 6 tháng tù giam. Đây bị coi là một tội hình sự, ngoài ngồi tù còn bị phạt tiền và bị tịch thu hết những lợi nhuận thu được từ các hoạt động không được phép thực hiện. Những người nhập cư bất hợp pháp cũng đối mặt với khả năng cao bị các cơ quan chức năng Anh trục xuất. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cũng đã đệ trình một dự luật về nhập cư với những hình phạt nặng hơn, nhắm cả vào người nhập cư bất hợp pháp lẫn những kẻ buôn người.
Ngoài ra, sau khi đã vào Anh, họ phải tìm kiếm công việc để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, trả nợ,... Tuy nhiên, do không có giấy tờ hợp pháp nên họ thường không thể tìm kiếm được các công việc chính thức, được pháp luật bảo vệ và có thu nhập ổn định. Thay vào đó, họ phải làm các công việc nặng nhọc, bất hợp pháp và bị chủ sử dụng lao động bóc lột, trả công một cách rẻ mạt,...Những người nhập cư không giấy tờ phải chấp nhận làm các công việc bất hợp pháp như trồng cần sa. Bị giam lỏng trong các ngôi nhà kín mít, họ phải chịu sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm và bị bóc lột sức lao động không khác gì nô lệ. Theo đánh giá của Cơ quan Chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA), những người được đưa bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%),...
Các tổ chức bảo vệ quyền của người lao động cảnh báo rằng làm việc bất hợp pháp rất nguy hiểm do sống ngoài vòng pháp luật, những người nhập cư trái phép không được bảo vệ, không thể làm việc cho các công ty có uy tín, điều đó có nghĩa họ có xu hướng bị các công ty hoặc chủ doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm pháp luật tuyển dụng. Và những người nhập cư bất hợp pháp rất dễ bị lạm dụng, chẳng hạn như không được thanh toán tiền lương, không được hưởng các điều kiện an toàn lao động hoặc thậm chí bị tịch thu hộ chiếu.
Rõ ràng, không có cuộc sống dễ dàng nơi đất khách quê người và bất cứ ai cũng phải trả giá đắt - thậm chí là bằng chính tính mạng của mình - khi thiếu tỉnh táo tìm kiếm cơ hội đổi đời bằng con đường bất hợp pháp.
Pháp kêu gọi EU và Anh giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp Pháp mong muốn Liên minh châu Âu (EU) và Anh đi đến một hiệp định mới hậu Brexit nhằm giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp, sau thảm kịch ở Eo biển Manche khiến 27 người di cư thiệt mạng. Người di cư được lực lượng cứu hộ giải cứu và đưa về bờ biển phía Đông Nam nước Anh, sau...