Anh chấp thuận thương vụ UBS mua lại Credit Suisse
Theo các nguồn thạo tin, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã chấp thuận thương vụ UBS Group AG mua lại Credit Suisse Group AG tại Vương quốc Anh, vốn là một thị trường chủ chốt đối với các ngân hàng Thụy Sỹ này.
Biểu tượng ngân hàng UBS tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Anh, để các cơ quan quản lý chấp thuận cho những thay đổi trong quyền kiểm soát công ty có thể mất đến 60 ngày làm việc. Nhưng động thái nói trên của BoE lại diễn ra chỉ chưa đến ba tuần kể từ khi thương vụ thâu tóm này được thông báo, cho thấy sự cấp thiết của thương vụ này.
Trước đó, vào ngày 19/3, ngay sau khi thương vụ nói trên được công bố, BoE cho biết cơ quan này hoan nghênh “nhưng hành động toàn diện của giới chức Thụy Sỹ để hỗ trợ cho sự ổn định tài chính”. Vương quốc Anh là một trong những thị trường lớn nhất của Credit Suisse bên ngoài Thụy Sỹ.
UBS cần 58 quốc gia phê duyệt thương vụ trên. Sự kết hợp này sẽ đưa ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ này trở thành “gã khổng lồ” trong ngành quản lý tài sản với khối tài sản hơn 3.000 tỷ USD. Thương vụ này càng kéo dài, Credit Suisse càng khó duy trì hoạt động kinh doanh.
UBS ngày 4/4 cũng được các cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) “bật đèn xanh” tạm thời để hoàn tất việc thâu tóm Credit Suisse. Nhưng Ủy ban châu Âu cho biết ngân hàng này vẫn cần phải xin phê duyệt chính thức theo các quy định về sáp nhập của EU.
Ngày 29/3, Giám đốc điều hành của UBS Ralph Hamers, người sẽ từ chức vào ngày 5/4 sau cuộc họp cổ đông thường niên, cho biết các kế hoạch thâu tóm chỉ có thể được triển khai một phần vì Credit Suisse vẫn là một đông ty tách biệt. Ông cho biết đó là lý do vì sao UBS cần các cơ quan quản lý trên toàn cầu phê duyệt thương vụ này nhanh nhất có thể.
IMF cảnh báo các rủi ro liên quan ổn định tài chính
Ngày 26/3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo về tình trạng gia tăng những yếu tố rủi ro liên quan ổn định tài chính và nhấn mạnh cần nâng cao cảnh giác sau những bất ổn xảy ra gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh, Tổng Giám đốc IMF dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức, tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 3% do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các chính sách thắt chặt tiền tệ và những hậu quả của đại dịch COVID-19. Bà đánh giá bất ổn vẫn đang ở mức đặc biệt cao, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức yếu trong trung hạn.
Theo bà Georgieva, rõ ràng là các rủi ro liên quan ổn định tài chính đã tăng trong thời gian gần đây. Trong thời điểm nợ công cao hơn, sự chuyển đổi nhanh chóng từ một giai đoạn lãi suất thấp kéo dài sang giai đoạn lãi suất cao hơn nhiều (vốn cần thiết để giảm lạm phát) không thể tránh khỏi dẫn đến những áp lực và bất ổn. Những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế phát triển là minh chứng cho điều này.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực tài chính chao đảo vì vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ và vụ Ngân hàng UBS, lớn nhất tại Thụy Sĩ, thâu tóm đối thủ Credit Suisse dưới sự trung gian của chính phủ nước này. Cả hai vụ việc xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn khiến ngày càng nhiều người lo ngại nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống ngân hàng. Trong ngày 24/3, giá các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm mạnh sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz buộc phải đưa ra những đảm bảo về ngân hàng trung ương Deutsche Bank, vốn đã gặp vấn đề trong thời gian dài, khi các nhà đầu tư tỏ ra đặc biệt lo ngại về ngân hàng này.
Bà Georgieva đánh giá các nhà hoạch định chính sách hành động rất quyết đoán khi ứng phó với những rủi ro liên quan ổn định tài chính. Theo bà, những hành động này đã phần nào xoa dịu thị trường nhưng bất ổn vẫn ở mức cao và cần duy trì cảnh giác.
Trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc IMF cũng đề cập tới sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc như một điểm sáng của kinh tế thế giới. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay, chủ yếu nhờ phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân khi quốc gia này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Theo bà Georgieva, sự phục hồi mạnh mẽ giúp Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, mang lại động lực cần thiết để nâng đỡ kinh tế thế giới. Theo người đứng đầu IMF, tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm sẽ kéo theo tăng trưởng ở các nền kinh tế khác tại châu Á tăng thêm trung bình 0,3 điểm phần trăm, một động lực rất đáng hoan nghênh.
Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 23/3, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nâng mức lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,25% bất chấp những biến động trong hoạt động ngân hàng trong những tuần gần đây. Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tại London. Ảnh: AFP/TTXVN Quyết định tăng lãi suất của BoE, vốn đã...