Angelina Jolie mộc mạc, giản dị tham gia hoạt động nhân đạo
Angelina Jolie đã xuất hiện tại Iraq để tham gia hoạt động nhân đạo và có bài diễn thuyết ở đây.
Ngày 25/1, Angelina Jolie đã xuất hiện tại một trại tị nạn ở Khanke, Iraq với vẻ ngoài mộc mạc, giản dị. Nữ diễn viên đã thăm hỏi các gia đình ở đây và đi xem chung quanh khu vực. Sau đó, ngôi sao 39 tuổi còn có bài diễn thuyết gây được nhiều sự chú ý.
Angelina Jolie bất ngờ đến thăm trại tị nạn
“Kể từ lần cuối tôi đến Iraq, lại có thêm 2 triệu người bị buộc phải rời khỏi nhà họ. Phần lớn là trong 6 tháng vừa qua – lần này là những công dân người Iraq”, Angelina phát biểu. “Quá nhiều người vô tội phải trả giá vì xung đột ở Syria. Cộng đồng quốc tế phải tiến lên và có nhiều hành động hơn nữa”.
Nữ diễn viên gặp gỡ những người Iraq ở đây
Cô chia sẻ thêm: “Bảo vệ tài sản của chúng ta ở nhà là không đủ. Chúng ta phải bảo vệ cho họ ở đây, trong những trại tị nạn, tại những nơi trú thân không chính thức khắp Trung Đông, và cả những thành phố bị hủy hoại tại Iraq và Syria. Chúng ta đang được thử thách, với tư cách là một cộng đồng quốc tế, đến nay dù đã có những nỗ lực to lớn và ý định tốt, chúng ta đang thất bại”.
Angelina Jolie phát biểu trước các chính khách
Nữ diễn viên đã thăm Trung Đông nhiều lần với tư cách Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Cô đã đến vùng Kurdistan của Iraq vào năm 2012, khi thăm một trại tị nạn khác ở Erbil. Cô cũng thường xuyên đến châu Phi với nỗ lực chấm dứt nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh.
Trong chuyến đi mới nhất đến Iraq, nữ diễn viên muốn mọi người lắng nghe để giúp đỡ những người tị nạn lấy lại nhà của mình ở Iraq và Syria.
Angelina nói: “Sự lan tràn trong cuộc xung đột ở Syria đã gây ra nhiều sự tàn phá… Sự giúp đỡ đã đến, nhưng thậm chí chưa đạt mức gọi là gần đủ”.
Video đang HOT
Angelina Jolie mộc mạc, giản dị trong chuyến đi
Ngôi sao Hollywood tích cực trong các hoạt động xã hội
Đây không phải lần đầu Angelina đến trại tị nạn ở Iraq
Nữ diễn viên kêu gọi giúp đỡ những người tị nạn
TheoTee / Trí Thức Trẻ
Cuộc chạy trốn trong đêm của những gia đình ở Kobani
Tiếng nổ xé toang màn đêm, đánh thức ngôi làng "đang ngủ" lúc 3h sáng. Ngay lập tức, Zozan Ahmet Veli nhận ra nỗi khiếp sợ tồi tệ nhất, phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS đã đến.
Bỏ lại chồng, Zozan Ahmet Veli (áo chấm bi) cùng ba con và mẹ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và tị nạn trong một khu trại ở thị trấn Suruc. Ảnh: News.
Zozan nhảy khỏi giường ngủ, lay chồng dậy nhưng anh ta vẫn không tỉnh. Cô chạy đến bên các con và mẹ mình, tất cả đang rất lo sợ và bị thức giấc bởi tiếng bom bùm bùm. Mọi nỗ lực đánh thức chồng của Zozan đều vô ích. Anh ta ngủ say như chết.
Những người khác trong ngôi làng có 50 hộ của Zozan đều đã bắt đầu bỏ chạy sang ngôi làng kế bên, cách đó 2 km. Trong giây phút ấy, khi nỗi sợ hãi trong Zozan khiến cô chẳng còn suy nghĩ được gì, người phụ nữ này đã có một quyết định "quá đáng" là bỏ chạy cùng các con và mẹ, bỏ mặc chồng đang ngủ trên giường.
"Chúng tôi không thể đánh thức được anh ấy", Zozan nói. Khuôn mặt trẻ trung của Zozan nhăn nhó với nỗi đau khổ vì buộc phải lựa chọn.
Cách đây hai tháng, nhiều tin đồn dấy lên rằng IS đang hướng về quê hương của Zozan, thị trấn Kobani ở phía tây bắc Syria với khoảng 400.000 người, có đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giống như các gia đình khác, Zozan và chồng vẫn nán lại khi những tin đồn trên trở thành sự thật. Và sự thật đó biến thành nỗi khiếp sợ. Một ngôi làng gần đấy đã cố gắng chống lại sự chiếm giữ của IS trong vòng ba ngày. Cuối cùng, sau tiếng nổ lúc 3h sáng, Zozan biết đã đến lượt làng mình.
Khói đen bốc lên sau một trận không kích ở thị trấn Kobani, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.
Theo News, họ cũng tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, chờ đợi để được đi qua và hy vọng IS sẽ dừng lại để họ có thể về nhà. Những hàng dài ôtô, xe tải, máy nông nghiệp dồn ứ ở cửa biên giới gần Kobani. Chúng bị chủ nhân, mong được qua biên giới với ít nhất một chút hàng hóa, đành phải bỏ lại tất cả do yêu cầu của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Giờ đã an toàn ở thị trấn Suruc phía nam nước Thổ, Zozan khóc vì chồng. Cô đã chẳng nói lời nào với chồng kể từ tối qua khi chạy trốn IS cùng các con. Ba đứa con của Zozan, hai trai, đứa 10 tuổi, đứa 5 tuổi, và một gái, 12 tuổi, ngồi sát vào mẹ. Mẹ con cô cùng nhiều gia đình khác chen chúc nhau trong căn phòng, chẳng có đồ đạc gì mang theo, ngoại trừ bộ quần áo họ mặc trên người.
Những câu chuyện như vậy đầy rẫy trong căn phòng này, và mỗi chuyện lại có nỗi thống khổ riêng. Tình cảnh của họ chỉ là một phần trong số khoảng 200.000 người được cho là đã qua biên giới trong ba tuần qua.
Mehmet Resul, tình nguyện viên của đội sơ cứu tại biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết nỗi khổ sở về mặt thể chất là mối lo lắng hiển nhiên khi một ai đó qua biên giới như một người tị nạn, nhưng vấn đề sâu sắc hơn là chấn thương để lại sau những gì họ trải qua.
Mehmet miêu tả quá trình những đứa trẻ được đánh giá. Giai đoạn đầu của việc đánh giá này là yêu cầu trẻ lựa chọn màu chúng muốn.
"Phần lớn đều chọn màu đen. Đây là điều bất thường ở một đứa trẻ. Trẻ em không thể tự bày tỏ bằng lời tốt như người lớn, nhưng chúng cũng không thể nói dối về những trải nghiệm của mình", News dẫn lời Mehmet nói.
Abdullah Koceroglu, một tình nguyện khác ở trại tị nạn tại Suruc, cho biết bọn trẻ anh gặp khi tới trại tị nạn thường tìm một góc nhỏ để ngủ khi đêm xuống. Ban ngày, Abdullah "thết đãi" chúng bằng những câu chuyện và bài hát vui.
"Cách tốt nhất để chúng vượt qua chấn thương tâm lý là chơi, hát và cười thật nhiều", Abdullah giải thích.
Abdullah Koceroglu đang kể chuyện cho những đứa trẻ ở trại tị nạn nghe. Ảnh:News.
Ở cùng khu trại với tình nguyện viên trên, Aysa Mehmet, 17 tuổi, sống trong căn lều màu xám cùng bố mẹ, ba chị gái và hai anh trai. Căn lều nóng bức, ngột ngạt khiến họ khó thở. Aysa hầu như không nói câu gì trong ba ngày sau khi gia đình cô sang đất Thổ Nhĩ Kỳ từ tuần trước.
Từ duy nhất bây giờ cô ấy nói khi đáp lại ai đó là "inshallah", nghĩa là "tôi hy vọng thế" hoặc "Chúa phù hộ", theo nghĩa đen.
Gia đình Aysa rất hoang mang về những gì xảy ra với con gái mình. Tất nhiên, họ biết rõ nguyên nhân của việc này. Bố và chị gái của Aysa kể lại câu chuyện với những chi tiết tương tự những gì Zozan tả. Tin đồn về việc IS đến xuất hiện suốt nhiều tháng, sau đó, "đột nhiên" một ngày nọ chúng có mặt tại ngôi làng Tahleq có 100 hộ.
"Tôi trông thấy một tên lính IS cách nhà mình 100 m", ông Mehmet Mustafa, bố Aysa, nhớ lại. "Có tiếng bom nổ, tôi giục cả nhà chạy đi, còn tôi theo sau".
Gia đình ông Mehmet bỏ chạy và chỉ vội vơ theo bất cứ thứ gì có thể. Họ tới biên giới và cắm trại ở đó 10 ngày trước khi được sang nước láng giềng. Tại biên giới này, chấn thương của Aysu bắt đầu bộc lộ.
"Một ngày nọ khi chúng tôi đang băng qua biên giới thì gặp cơn bão có sấm sét. Aysu bảo 'đó cũng là tiếng bom đấy' rồi cười. Từ sau đó, em ấy trở nên tệ hơn", Ceylan, chị gái Aysu, kể. "Thỉnh thoảng Aysu bị ảo giác và trông thấy những thứ không có ở đây, ví dụ một con rắn hay con chuột".
Một bác sĩ tình nguyện ở trại tị nạn đã gửi Aysa tới bệnh viện để điều trị. Aysa bị giữ lại đây qua đêm để theo dõi. Khi trở về trại, tất cả những gì Aysu được đưa cho là những viên thuốc chống trầm cảm và chống rối loạn thần kinh.
Trở lại căn lều ngột ngạt, Aysu trông tỉnh táo nhưng không chuyện trò với ai quanh mình. Cô nhìn cuốn kinh Koran trên gối trước mặt rồi vồ lấy, áp vào ngực, hôn nó và nhanh chóng vứt lại chỗ cũ.
Một bác sĩ nhắc cô rằng họ đang cầu nguyện cho cô khỏe lên.
"Inshallah", Aysu đáp.
Bình Minh (Theo News)
Theo VNE
Nga thành lập thêm 60 trung tâm cứu trợ cho người tị nạn Ukraine Gần 60 trung tâm tạm trú (TACS) đã được thành lập vào cuối tuần qua tại khu vực biên giới của miền trung và phía nam Liên bang Nga, đưa tổng số lên khoảng 200 trung tâm tạm trú dành cho hàng nghìn người tị nạn Ukraine. Theo nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật Nga vào thứ hai (23/6) cho...