An toàn tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Ngoài việc khoanh vùng, truy vết, thực hiện “5K” thì vắc xin chính là giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử, vẫn có những băn khoăn nhất định.
Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia xung quanh vấn đề này.
- Thưa bà, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, không chỉ tiến hành tiêm vắc xin tại các bệnh viện mà còn triển khai tiêm tại các trạm y tế, cơ sở lưu động. Vậy làm sao để bảo đảm mục tiêu an toàn, thưa bà?
- Đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của con người. Để công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, ngành Y tế đang nỗ lực giám sát ở từng khâu, từ tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng đúng đối tượng, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Tham gia cùng hệ thống tiêm chủng còn có hệ thống khám chữa bệnh với 1.400 bệnh viện công, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tế. Các hệ thống y tế ngành, y tế công an, y tế quân đội cũng đang tham gia vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất với đội ngũ nhân lực được tập huấn đầy đủ, kỹ càng.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc “4 tại chỗ”; thành lập Ban an toàn tiêm chủng cấp tỉnh với 7 nhiệm vụ và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng.
Với các điểm tiêm chủng lưu động, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có những hướng dẫn cụ thể về việc lập kế hoạch tổ chức triển khai, hình thức triển khai tiêm chủng tới các địa phương để đảm bảo sử dụng vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả nhất.
- Các nhân viên y tế phải lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn tiêm chủng, nhất là khi đã từng xảy ra một số trường hợp phản ứng bất hợp sau tiêm?
- Vắc xin phòng Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sản sinh miễn dịch phòng bệnh, và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa tới sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.
Cho đến nay, với hơn 7 triệu liều vắc xin đã được tiêm, Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14 – 20% tùy theo từng địa phương. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, tuy nhiên, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xử trí kịp thời.
So với thế giới, tỷ lệ tai biến tiêm chủng của Việt Nam ở mức thấp, nhưng không có nghĩa chúng ta được phép chủ quan. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, chúng tôi nghiêm túc đề nghị các cán bộ y tế trước khi tiêm phải khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe đối với người được tiêm, để mỗi mũi tiêm thực hiện đều đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro.
- Với tiến độ tiêm vắc xin như hiện nay, khi nào chúng ta đạt được mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng để có miễn dịch cộng đồng?
Video đang HOT
- Để đạt được miễn dịch cộng đồng, chúng ta phải tiêm cho trên 70% dân số, tương đương với khoảng 150 triệu mũi tiêm an toàn. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành nhiều đợt tiêm chủng và sử dụng an toàn, hiệu quả, kịp thời số vắc xin đã được cung ứng. Độ bao phủ về tiêm chủng phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vắc xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng.
Trong trường hợp nguồn cung vắc xin dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam, Bộ Y tế đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế, bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Như vậy thì thời gian đạt được mục tiêu sẽ rút ngắn so với khi chỉ triển khai trong hệ thống tiêm chủng mở rộng.
- Liệu có nên tính tới phương án tiêm vắc xin dịch vụ để đẩy nhanh tiến độ không thưa bà?
- Bên cạnh nguồn vắc xin được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nguồn vắc xin mua từ ngân sách nhà nước thì trong Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ đã nêu rõ ý khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiêm chủng tự nguyện và tự chi trả.
- Thưa bà, hiện nay, nguồn cung vắc xin cụ thể ra sao? Quan điểm của bà về việc tiêm phối trộn vắc xin, liệu việc này có mang lại hiệu lực bảo vệ cao so với tiêm cùng một loại?
- Thực hiện chiến lược tiêm chủng của Chính phủ, từ tháng 3-2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau (vắc xin AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V…), hy vọng là từ nay đến cuối năm 2021 có đủ 150 triệu liều vắc xin. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất vắc xin trong nước, trong đó có vắc xin NanoCovax và Covivax đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, sẽ sớm đưa vào sử dụng nếu được Bộ Y tế cho phép.
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vắc xin AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin Pfizer cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt, tuy nhiên có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin từ các nguồn khác nhau, Bộ Y tế hướng dẫn “những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó”. Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 – 12 tuần.
Bộ Y tế yêu cầu không sử dụng vắc xin Moderna hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca. Ngoài ra, những người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng dịch chủ động, hiệu quả . Ảnh: Quang Thái
- Nhiều người dân cho rằng tiêm vắc xin đủ 2 mũi là không lo mắc Covid-19, bà nhận định thế nào về tâm lý này?
- Phải nói rằng vắc xin là vũ khí hiệu quả để phòng, chống bệnh truyền nhiễm một cách bền vững nhất. Trong bối cảnh bình thường, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin mất khoảng 4 – 5 năm, thậm chí 10 năm. Riêng vắc xin ngừa Covid-19 thì chỉ chưa đầy một năm và được cấp phép sử dụng theo điều kiện khẩn cấp nên hiệu quả phòng bệnh cũng có những chênh lệch nhất định giữa các loại vắc xin.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có nghiên cứu về việc tiêm xong bao lâu thì có hiệu quả phòng bệnh, cũng chưa rõ hiệu quả ngăn cản quá trình lây lan dịch bệnh. Chỉ có một điều chắc chắn đã được chứng minh là vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm tỷ lệ tử vong sau khi mắc Covid-19. Do đó, kể cả sau khi tiêm đủ vắc xin thì chúng ta vẫn không được chủ quan, vẫn phải bảo đảm “5K”.
- Vi rút SARS-CoV-2 liên tục có những biến chủng mới, trong đó có biến chủng Delta đang gây lây lan dịch rất nhanh tại Việt Nam. Liệu vắc xin phòng Covid-19 đang lưu hành có tác dụng với biến chủng mới, thưa bà?
- Vắc xin phòng Covid-19 hiện đều là vắc xin mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin phòng Covid-19 được nêu theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi biến chủng mới và hiệu quả của vắc xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy vắc xin phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh với một số biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.
Thực tế cho thấy các biến chủng của vi rút không thể ngay lập tức làm vô hiệu hóa hiệu quả của vắc xin. Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo rằng, tiêm vắc xin là biện pháp phòng Covid-19 chủ động và hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Người Hà Nội phấn khởi đi tiêm vắc xin khi Covid-19 diễn biến phức tạp
Hà Nội đang tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng cho người dân. Tại các điểm tiêm chủng, nhiều người có tâm trạng phấn khởi, yên tâm khi được tiêm mũi vắc xin lúc dịch Covid-19 căng thẳng.
Sáng 28/7, hàng trăm người có mặt tại điểm tiêm vắc xin Covid-19, Trường THCS Trưng Vương (26 Hàng Bài, phường Hàng Bài) để được tiêm phòng vắc xin.
Sáng 28/7, tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng trăm người có mặt từ rất sớm, xếp hàng đảm bảo giãn cách, khai báo thông tin trước khi tiêm vắc xin.
Ngồi tại khu vực khai báo y tế, chị Nguyễn Thanh Vân (37 tuổi, ở phường Hàng Bài) - cho biết, bản thân khá hồi hộp và lo lắng khi chuẩn bị được tiêm vắc xin.
"Tôi đi tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 lần một nên khá lo lắng. Không biết sau khi tiêm, mình có bị sốt hay đau nhức cơ như mọi người nói hay không. Tôi cũng rất hồi hộp vì trong đợt dịch phức tạp như này, bản thân khá may mắn khi được tiêm chủng vắc xin", chị Vân bày tỏ.
Có mặt tại điểm tiêm Trường THCS Trưng Vương, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, chính quyền sử dụng khuôn viên các trường học có diện tích rộng làm điểm tiêm chủng lưu động.
Điểm tiêm lớn nhất của quận Hoàn Kiếm đặt tại trường THCS Trưng Vương với công suất đạt tới 1.000 mũi/ngày. Các điểm tiêm lẻ khác có thể tiêm khoảng 600 mũi/ngày. Với các điểm tiêm như vậy, quận Hoàn Kiếm thể đạt 4.000 mũi/ngày.
Cầm trên tay tờ giấy khai báo thông tin cá nhân để đợi tiêm vắc xin, anh Bùi Tuấn Sơn (30 tuổi, phường Hàng Bài) chia sẻ, bản thân rất mừng khi biết mình sắp được tiêm vắc xin.
Anh Sơn cũng chia sẻ, sáng nay tại địa điểm tiêm phòng vắc xin, mọi người đứng đúng giãn cách, không diễn ra tình trạng chen lấn. Do vậy, mọi người đều an yên tâm khi đi tiêm vắc xin.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào sáng 28/7, tại điểm tiêm tại Trường mầm non 20/10 (40 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), lực lượng chức năng triển khai 4 dây tiêm.
Từ 8h sáng, hàng trăm người xếp thành 2 hàng đảm bảo giãn cách tại lối vào khu vực khai báo y tế và đo thân nhiệt để đợi tiêm. Bên ngoài, lực lượng chức năng gồm công an phường, dân quân và lực lượng y tế làm công tác đảm bảo an ninh, hướng dẫn người dân đứng giãn cách, và tiến hành các thủ tục trước khi tiêm vắc xin.
Người dân làm các thủ tục trước khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Ngồi tại hàng chờ trong dãy tiêm thuộc phường Hàng Trống, chị Nguyễn Thị Đặng Tú (45 tuổi, Hàng Trống, Hoàn Kiếm) không giấu nổi vẻ hồi hộp khi sắp được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Chị Tú cho biết, đợt tiêm này chị được cơ quan đăng ký tiêm, chị cảm thấy may mắn vì chị được nằm trong danh sách tiêm chủng đợt mở rộng của quận. Trước khi đi tiêm chị cũng đã chuẩn bị thuốc hạ sốt, để phòng trường hợp bị sốt và đau nhức cơ...
Một cô gái trẻ tên Huyền (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) chờ tiêm tại điểm tiêm Hàng Cót chia sẻ: "Tôi đã đăng ký từ nhiều tháng trước, tôi cảm thấy vô cùng hào hứng khi nhận được giấy mời đi tiêm".
Phấn khởi, yên tâm là tâm trạng chung của nhiều người dân thủ đô trong chiến dịch tiêm chủng lớn lần này, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đang có nhiều diễn biến khó lường.
Người dân tiêm phòng vắc xin tại điểm tiêm 40 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bộ trưởng Y tế báo cáo lý do cung ứng vắc xin chậm Tính đến 23/7, hơn 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã về Việt Nam qua 15 đợt tiếp nhận. Bộ Y tế đã phân bổ 6,2 triệu liều, qua đó 4,07 triệu người được một liều, 335.000 người tiêm đủ 2 liều. Báo cáo mới nhất của Chính phủ do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày hôm...