An toàn thực phẩm Tết: Tăng kiểm tra đột xuất, xử phạt nặng vi phạm
Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2017, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) có nhiều cách làm mới, chuyển từ hình thức thanh tra định kỳ theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất giúp phát hiện nhiều sai phạm hơn, chặn đứng tiêu cực mới phát sinh.
Triệt tận gốc chất cấm Salbutamol
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả do được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng từ thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh… Qua đó đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ…
Thanh tra Bộ NNPTNT đã không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Ảnh: IT
Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16%.
Đặc biệt không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ còn 0,63% (năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm còn 0,89% (năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV giảm xuống 0,6% (năm 2016 là 2,05%).
Về ATTP, theo Bộ NNPTNT, thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 17.269 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 24,8 tỷ đồng. Đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP.Hồ Chí Minh, xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con lợn.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ NNPTNT đã đẩy mạnh triển khai đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Các địa phương đã tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn. Đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỷ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đặc biệt đã có trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm tạp chất trên địa bàn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu).
Theo ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT, công tác kiểm tra, xác minh đã cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các sự cố ATTP. Các sai phạm đã được xác minh, xử lý và hoạt động giám sát, kiểm tra sau đó của các địa phương đã được tăng cường nhằm ngăn chặn tái phạm.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong năm 2017 đã kiểm tra 73.707 lô rau củ quả nhập khẩu với hơn 100 loại mặt hàng nhập khẩu trên 70 quốc gia, lấy 1.032 mẫu (rau, củ, quả, hạt) để phân tích dư lượng thuốc BVTV và độc tố nấm, kim loại nặng; kết quả không có mẫu vượt mức quy định chỉ tiêu kim loại nặng và độc tố Aflatoxin.
Video đang HOT
“Khai tử” hơn 7.000 sản phẩm thuốc BVTV
Trong quá trình thanh tra kiểm tra, Thanh tra Bộ NNPTNT đã phát hiện ra một số chất mới chất công nghiệp trộn vào thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện 3 chất mới là hoá chất công nghiệp sử dụng trong chăn nuôi, là gốc của melamin tăng độ đạm. Nếu thấy đủ căn cứ cơ sở khoa học và thực hiện sẽ đề nghị Bộ trưởng đưa vào danh mục chất cấm. Nếu chúng ta có đủ mức răn đe thì sẽ thay đổi được nhận thức và hành vi của doanh nghiệp. Về thuốc BVTV, các doanh nghiệp vẫn sử dụng một số hóa chất ngoài danh mục, một số hoạt chất cấm để đưa vào thuốc BVTV nhằm tăng hiệu lực của thuốc, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Việc chuyển từ hình thức thanh tra định kỳ theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất giúp giúp phát hiện nhiều sai phạm hơn, chặn đứng tiêu cực mới phát sinh. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng xử phạt mạnh tay, nhiều vụ việc được đề nghị xử lý ở mức “kịch khung” theo quy định của pháp luật, bêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm về lĩnh vực attp lên tới gần 80 tỷ đồng.
Đánh giá cao công tác quản lý ATTP trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Chỉ trong vòng 2 năm (2016 – 2017), đã có hơn 9.000 tấn thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV làm giả, nhái được thu giữ, tiêu huỷ. Với việc loại bỏ 5 hoạt chất BVTV độc hại, gây nguy cơ cao mất ATTP, chúng ta đã “khai tử” hơn 7.000 sản phẩm thuốc BVTV khỏi danh mục được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Những sản phẩm trước đây chưa được quan tâm quản lý chất lượng, nay đã được đầu tư một cách xứng đáng.
“Với việc dồn tổng lực cho hoạt động truyền thông ATTP, nhận thức của người dân đã có những bước chuyển biến quan trọng. Các vụ việc lớn về an toàn thực phẩm không xảy ra, góp phần tăng trưởng cho ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với khoảng 36 tỷ USD, nông sản của Việt Nam có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ” – Bộ trưởng cho biết.
Năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hành động quyết liệt trên lĩnh vực ATTP. Toàn ngành phải vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an và các địa phương để làm tốt công tác bảo đảm ATTP”.Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường
Theo Danviet
An toàn thực phẩm để nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nông nghiệp muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung giải quyết an toàn thực phẩm (ATTP), phát triển thị trường.
Ngày 11.12, Bộ NNPTNT thông qua Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề "Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: ATTP và liên kết tiêu thụ nông sản".
Nỗ lực giải quyết an toàn thực phẩm
Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu từ đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các bộ, ban, ngành trung ương, các Sở NNPTNT cùng các doanh nghiệp hiệp hội và các chuyên gia nông nghiệp... Hội nghị tập trung phân tích những cơ hội, khó khăn cản trở, những điểm nghẽn chính cũng như sự gợi mở, cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện quan trọng để nông nghiệp Việt Nam hội nhập toàn cầu. Ảnh: T.T
Trong 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc trong sản xuất. Về thương mại, nông nghiệp Việt Nam luôn trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 35-36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã được coi là một "cường quốc" về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% lượng nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Một trong những vấn đề nóng trong sản xuất nông sản Việt Nam, theo đại diện Ngân hàng Thế giới, là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm cả sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đây là vấn đề trọng tâm cần được Việt Nam chú trọng giải quyết trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu về quản lý nguy cơ ATTP ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các loại thực phẩm xuất khẩu được kiểm soát tương đối tốt, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém ở thị trường trong nước. Tiêu thụ thực phẩm không an toàn còn là gánh nặng ở Việt Nam, dẫn tới những gánh nặng về bệnh tật.
Đồng tình quan điểm trên, bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết: "ATTP là một chủ đề có tầm quan trọng toàn cầu. Trong những năm gần đây, điều này ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm lớn ở Việt Nam, không chỉ vì các lo ngại về tiêu dùng trong nước mà còn liên quan đến xuất khẩu. Chính phủ Hà Lan, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong việc đánh giá và giải quyết các rủi ro về ATTP. Chính vì vậy, đã có một biên bản ghi nhớ ba bên về an toàn thực phẩm được ký kết". Biên bản ghi nhớ này tập trung vào việc hợp tác để cải tiến hệ thống kiểm tra ATTP ở cấp quốc gia và địa phương, dựa trên kết quả phòng thí nghiệm có chất lượng, đánh giá toàn diện và dựa trên rủi ro.
Cam kết hỗ trợ phát triển bền vững
Để gia tăng giá trị xuất khẩu, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng bên cạnh nỗ lực của Việt Nam cần có sự hỗ trợ tích cực từ các đối tác quốc tế. Cụ thể, về hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ công nghệ về giống, công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, liên kết ngành công - nông nghiệp - dịch vụ; hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng kết nối, hỗ trợ các chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững...
Về thương mại đầu tư, các đối tác quốc tế có thể hỗ trợ kết nối thị trường, thông tin đàm phán, xử lý tranh chấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các tập đoàn quốc tế để thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Về việc hỗ trợ Việt Nam, bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định: "Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật chất lượng cao trong việc phát triển một hệ thống quản lý ATTP tốt hơn, chúng tôi sẽ cung cấp kiến thức và công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực ATTP, sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị và nuôi trồng thủy sản bền vững để hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam".
Còn nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam không nên can thiệp quá nhiều vào điều tiết thị trường, cần thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi sản xuất.
Trong khi đó, ông Jonghabea - Trưởng đại diện Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cam kết: "FAO sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi xuống dưới 23% vào năm 2020. FAO cũng hỗ trợ Chính phủ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về giảm nhẹ biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và các khía cạnh bảo vệ môi trường. Ngoài ra, FAO sẽ giúp Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới với mục tiêu thu nhập nông thôn cao hơn năm 2015 là 1,8 lần".
Tại hội nghị toàn thể ISG 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thứ hai, tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh ATTP, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.
Thứ ba, kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Sự tăng trưởng phi thường mà Việt Nam đã chứng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có được từ việc sử dụng đất thâm canh và các loại phân bón và hóa chất nông nghiệp. Cách làm nông nghiệp này không bền vững và không mang lại các sản phẩm có chất lượng để có thể tạo ra giá trị gia tăng cần thiết".Bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam
Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu có hàm lượng công nghệ thấp, phần chế biến chỉ thêm được 20% giá trị, còn các nước khác như Thái Lan đã thêm được 100%. Để tiếp cận được các thị trường xuất khẩu mới cần đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra sản phẩm phong phú, có chuỗi giá trị đồng bộ khép kín, đảm bảo đúng yêu cầu người tiêu dùng quốc tế".TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
Theo Danviet
4 chìa khoá để VN tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu Ngày 11/12, Bộ NN&PTNT thông qua Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề "Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Troostre và Giám đốc...