“An toàn thông tin mạng là trụ cột thứ 5 bảo vệ cho nền kinh tế số”
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, trong thế giới phẳng như hiện nay, bên cạnh 4 trụ cột: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp và ứng dụng thì an toàn thông tin mạng đang trở thành trụ cột thứ năm để bảo vệ nền kinh tế số phát triển lành mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, đảm bảo an toàn thông tin mạng đang là vấn đề sống còn của mọi quốc gia trên thế giới.
Trong phát biểu tại lễ công bố chính thức triển khai DNSSEC (tiêu chuẩn an toàn mở rộng cho hệ thống DNS – PV) trên hệ thống máy chủ tên miền (DNS) quốc gia .VN diễn ra ngày 6/1/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, cùng với việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội thì nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng là vấn đề ngày càng cấp thiết, cần phải có những hành động sớm và đồng bộ trong toàn thể cộng đồng Internet Việt Nam.
“Đảm bảo an toàn thông tin mạng đang là vấn đề sống còn của mọi quốc gia trên thế giới. Trong một thế giới phẳng, kết nối “nhằng nhịt” như hiện nay, bên cạnh 4 trụ cột gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp và ứng dụng thì an toàn thông tin mạng đang trở thành trụ cột thứ năm để bảo vệ cho nền kinh tế số phát triển lành mạnh trong thời gian tới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng như các nước trên thế giới, tại Việt Nam, hệ thống máy chủ tên miền quốc gia là một trong những hạ tầng thông tin trọng yếu, được coi như là “trái tim” của mạng Internet. Trong suốt thời gian qua, dưới sự quản lý, điều hành của Trung tâm VNNIC, hệ thống DNS quốc gia đã được vận hành tốt, đảm bảo cho sự phát triển an toàn, ổn định chung của Internet Việt Nam. Chất lượng dịch vụ và mức độ tin cậy của tên miền quốc gia .VN luôn được duy trì ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để tiếp tục có thể duy trì và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh an ninh mạng đang trở thành một thách thức toàn cầu, cũng để tạo thuận lợi trong phát triển thương mại điện tử và chính phủ điện tử, điều kiện tiên quyết là phải duy trì cho được sự an toàn, tin cậy của mạng Internet Việt Nam trước nhiều thách thức đã và đang phát sinh trong thời gian qua.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết: “Tiêu chuẩn An toàn mở rộng cho hệ thống DNS – DNSSEC giải quyết được nhiều điểm yếu và có khả năng bảo vệ tốt hơn hệ thống máy chủ tên miền quốc gia trước các mối đe dọa trên không gian mạng, làm tăng tính an toàn tổng thể của Internet. Do vậy, triển khai DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền .VN tại Việt Nam là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế chung trên thế giới”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm (thứ 6 từ phải sang) cùng đại diện lãnh đạo VNNIC, các ISP và nhà đăng ký tên miền thực hiện nghi thức bấm nút khai trương DNSSEC trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia .VN.
Thông tin từ VNNIC cho hay, hệ thống máy chủ tên miền DNS đóng vai trò dẫn đường trên Internet, được coi là một hạ tầng lõi trọng yếu của hệ thống Internet toàn cầu. Giao thức DNS bắt đầu được sử dụng từ những năm 1980, còn tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nên ngày càng có nhiều cuộc tấn công nhằm đánh cắp thông tin, thay đổi dữ liệu và làm tê liệt hệ thống.
Các dạng tấn công DNS phổ biến có thể kể đến như: tấn công làm tê liệt dịch vụ DNS; tấn công thay đổi, giả mạo dữ liệu trên máy chủ Authoritative DNS chính (Master), máy chủ Authoritative DNS phụ; tấn công can thiệp sửa dữ liệu trên đường truyền; hay tấn công nhiễm độc bộ nhớ đệm của máy chủ Caching DNS.
Video đang HOT
Ngay từ những năm 1990, vấn đề bảo mật cho giao thức DNS đã được quan tâm và nghiên cứu trên thế giới. Đến năm 2001, DNSSEC được IETF xây dựng thành các tiêu chuẩn RFC và chính thức được ban hành năm 2005. Là tiêu chuẩn an toàn mở rộng cho hệ thống DNS, DNSSEC cung cấp cơ chế xác thực, toàn vẹn và có thêm chữ ký số trong các hoạt động truy vấn tên miền.
Ngày 15/7/2010, Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế – ICANN đã chính thức triển khai tiêu chuẩn DNSSEC trên hệ thống máy chủ tên miền gốc (DNS ROOT), đánh dấu trang mới trong triển khai DNSSEC trên toàn thế giới. Chuỗi tin cậy được thực hiện từng bước, bắt đầu từ hệ thống DNS ROOT đến các máy chủ TLD cho tới các hệ thống DNS cấp dưới. Hàng loạt các tên miền cấp cao dùng chung như .COM, .NET, .EDU và các tên miền cấp cao mã quốc gia .US (Mỹ), .UK (Anh), .MY (Malaysia) cũng đã tiến hành triển khai DNSSEC trên hệ thống của mình.
Tại Việt Nam, hệ thống máy chủ tên miền quốc gia .VN do VNNIC quản lý. Để đảm bảo chính xác, tin cậy cho việc sử dụng, truy vấn tên miền .VN, VNNIC đã nghiên cứu dự án và chính thức được Bộ trưởng Bộ TT&TT phê duyệt Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền quốc gia .VN vào ngày 23/10/2014.
Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng hạ tầng Internet sẵn sàng cho việc đẩy mạnh các dịch vụ thương mại điện tử, chính phủ điện tử tại Việt Nam một cách an toàn trên cơ sở các yếu tố như: đảm bảo sự chính xác, tin cậy của việc sử dụng, truy vấn tên miền quốc gia .VN trên Internet thông qua việc áp dụng thống nhất trên toàn quốc tiêu chuẩn DNSSEC đối với các hệ thống DNS quốc gia .VN tại Việt Nam; đồng thời kết nối liên thông theo tiêu chuẩn DNSSEC giữa hệ thống DNS quốc gia .VN với hệ thống máy chủ tên miền gốc (DNS ROOT) và các hệ thống DNS quốc tế khác.
Theo Đề án, việc triển khai tiêu chuẩn DNSSEC bắt đầu từ triển khai trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia .VN, trên cơ sở đó sẽ triển khai DNSSEC trên các máy chủ tên miền cấp dưới, với lộ trình triển khai gồm 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị – năm 2015; giai đoạn khởi động – năm 2016 và giai đoạn triển khai năm 2017.
Sau thời gian chuẩn bị, đến nay VNNIC đã hoàn thành chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về kế hoạch, nhân sự, quy trình, tài liệu, hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng để triển khai DNSSEC trên hệ thống DNS quốc gia .VN. Để sẵn sàng cho giai đoạn triển khai đồng bộ trong năm 2017, ngày 20/12/2016 vừa qua, VNNIC đã tổ chức thành công lễ tạo khóa và ký DNSSEC cho zone tên miền .VN trên hệ thống DNS quốc gia theo quy chuẩn quốc tế.
Việc VNNIC công bố chính thức triển khai tiêu chuẩn DNSSEC trên hệ thống DNS quốc gia .VN, qua đó chính thức kết nối liên thông theo tiêu chuẩn DNSSEC giữa hệ thống DNS quốc gia .VN với hệ thống DNS Root và các hệ thống DNS quốc tế khác được đánh giá là nền tảng quan trọng để các ISP, các Nhà đăng ký tên miền và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ DNS hosting… triển khai tiếp tiêu chuẩn này cho các hệ thống DNS cấp dưới tại Việt Nam.
Cũng tại lễ công bố chính thức triển khai DNSSEC trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia .VN, đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp, nhà đăng ký tên miền .VN như: FPT Telecom, iNet, Nhân Hòa… đều cho biết đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết cũng như cam kết sẽ thực hiện triển khai áp dụng tiêu chuẩn an toàn mở rộng DNSSEC cho hệ thống của mình, kết nối với hệ thống DNS quốc gia .VN theo tiêu chuẩn DNSSEC trong năm 2017, góp phần nâng cao tính bảo mật, đảm bảo cung cấp cho khách hàng môi trường sử dụng dịch vụ Internet an toàn.
(Theo ICT News)
Ứng phó với nguy cơ tấn công mạng: Phòng hơn chữa
Trước bối cảnh các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng nguy hiểm, tinh vi và thường xuyên hơn, không chỉ gây hại đến sự phát triển và ổn định xã hội, mà còn ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể, để giảm thiểu các nguy cơ và thiệt hại, nhằm phát hiện sớm, và phản ứng nhanh, cần xây dựng các quy trình an toàn an ninh thông tin một cách đúng đắn và khoa học.
Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh - trong buổi Diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin Thành phố Hồ Chí Minh 2016. (Nguồn: Vietnam )
Biến hóa
Tại cuộc diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin Thành phố Hồ Chí Minh 2016, các chuyên gia và kỹ sư công nghệ thông tin đã thực việc "hack" chiếc điện thoại di động thông minh bằng một phương pháp đơn giản.
Mượn trò chơi Pokemon Go đang thịnh hành, tạo ra một ứng dụng trò chơi Pokemon Go giả, trong đó có cài mã độc và chiêu dụ người sử dụng tải về máy. Một khi người dùng cài đặt ứng dụng giả mạo thì chiếc điện thoại thông minh sẽ hoạt động theo sự điều khiển của hacker.
Ví dụ, chiếc điện thoại sẽ tự mở ứng dụng camera để quay lại hiện trường, hay bật máy thu âm ghi lại tất cả các cuộc gọi, buổi họp mà chủ nhân tham dự, và sau đó tự động gởi tất cả thông tin có được cho hacker sử dụng theo mục đích của mình.
Việc dễ dàng chiếm quyền điều khiển chiếc điện thoại di động thông minh cho thấy không ai an toàn trước nguy cơ tấn công mạng. Trong thời đại bùng nổ thiết bị số như hiện nay, việc sở hữu một thiết bị số di động trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên việc người dùng không hiểu rõ khái niệm về tiêu chuẩn bảo mật, cũng như những công cụ bảo mật thông tin cá nhân là cơ hội cho các hacker có trình độ và có tổ chức dễ dàng xâm nhập và chiếm quyền điều khiển hơn bao giờ hết.
Nhận thức rõ tính phổ biến của trường hợp tấn công thông qua thiết bị số di động, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa tình huống tấn công hệ thống thông qua lây nhiễm mã độc ứng dụng di động vào trong buổi diễn tập trực tiếp diễn ra vào ngày 7/10 vừa qua. Ngoài ra, các kỹ sư, chuyên gia cũng thực hiện tình huống tấn công chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin thông qua việc khai thác lỗ hổng website, bên cạnh việc khai thác, đánh cắp thông tin cá nhân và điều khiển máy nạn nhân, mã hóa dữ liệu.
Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động diễn tập là nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật của đội ngũ giám sát và xử lý an toàn thông tin, tiếp cận cách tổ chức, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý và phục hồi theo quy trình chuẩn về bảo đảm an toàn thông tin của quốc tế. Các quy trình được rà soát bằng các phản ứng trước sự cố tấn công trong quá trình diễn tập, qua đó đánh giá tính hiệu quả của quy trình cũng như tính sẵn sàng của đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin tại thành phố và các đơn vị hợp tác.
Buổi diễn tập này diễn ra trong bối cảnh an toàn thông tin đang diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), ngay trong sáu tháng đầu năm 2016, VNCERT đã ghi nhận 8.758 vụ phishing, 77.160 vụ deface và 41.712 vụ tấn công mã độc, tăng gần 2,5 lần so với tổng số sự cố malware được ghi nhận trong cả năm 2015 và gấp 5 lần so với số sự cố malware của cả năm 2014.
Một điều đáng quan ngại khác là các kiểu tấn công phổ biến được phát hiện điển hình là tấn công lừa đảo thông qua SMS (SMiSing), kỹ thuật lừa đảo người dùng di động truy cập vào đường dẫn kết nối bên trong tin nhắn SMS, sau đó sẽ mở tới trang web để đánh cắp thông tin cá nhân.
Cũng theo nguồn thôn tin trên cho biết, chỉ trong trong chín tháng đầu năm 2016 đã có hơn 13,2 triệu lượt tấn công vào website hệ thống của Thành phố Hồ Chí Minh ở mức độ nguy hiểm cao bằng nhiều hình thức. Theo đó, các hình thức tấn công nguy hiểm này bao gồm tấn công nhằm vào các lỗ hổng bảo mật có thể khai thác; tấn công tràn bộ đệm, chèn mã độc từ xa, dò quét mật khẩu trên trang web; tấn công chống DoS, hạn chế truy cập, block IP,...
Ông Trịnh Ngọc Minh - Phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin (VNISA) phía Nam - phát biểu trong buổi Diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin Thành phố Hồ Chí Minh 2016. (Nguồn: Vietnam )
Giải pháp
Theo ông Trịnh Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, có rất nhiều hình thức tấn công đến từ hacker đã được dày công nghiên cứu, lập trình để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, đặc biệt là các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nên các hàng rào phòng thủ rất dễ bị mất kiểm soát.
Thực tế, việc phòng thủ trước các cuộc tấn công có chủ đích (APT) là cuộc đấu trí căng thẳng giữa các bên. Mặc dù công nghệ thông tin phát triển, nhiều công cụ hỗ trợ nhưng độ chính xác của các công cụ còn hạn chế, chưa cập nhật kịp thời sự thay đổi công nghệ và tinh vi của các hacker, do đó việc cảnh báo chưa hiệu quả. Do đó, nếu nhận biết được đối tượng tấn công theo con đường nào thì sẽ có hướng giải quyết và quy trình xử lý tốt và hiệu quả hơn.
"Tôi chưa có đủ số liệu để đánh giá việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin của các doanh nghiệp, nhưng với những doanh nghiệp mà có điều kiện tiếp cận thì thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp thường sử dụng hệ thống an ninh thông tin giống nhau, gần như bắt chước của nhau, chứ chưa xác định được đâu là nội dung cần chú trọng cho doanh nghiệp của mình. Thứ 2 là các doanh nghiệp còn quá nghiêng về công nghệ, trong khi chưa đầu tư về mặt nhân sự. Công nghệ có hiện đại nhưng nhân sự còn kém thì không thể vận hành hiệu quả được. Cho nên đầu tư cho giải pháp an toàn an ninh thông tin phải đồng bộ," ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, việc bảo vệ hệ thống thông tin khá tốn kém và liên quan đến nhiều khía cạnh như nguồn vốn, thời gian, con người. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần xác định, khoanh vùng rõ việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin nào là phù hợp, chứ đừng bắt chước theo các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp cần chiến lược định vị rõ ràng và hướng tiếp cận rủi ro một cách bài bản và có quy trình. Đặc biệt nhất là cần có một quy trình hoàn thiện để đối mặt với tất cả các tình huống khẩn cấp. Các doanh nghiệp cần đầu tư có chiều sâu hơn, đúng vào các nhu cầu, không đầu tư bắt chước doanh nghiệp khác, hoặc theo phong trào.
Theo các chuyên gia, để tránh bị tấn công và đảm bảo an toàn an ninh thông tin thì doanh nghiệp cần xây dựng nhiều lớp bảo mật cho hệ thống và thường xuyên mở rộng, nâng cấp các lớp bảo mật này. Thực hiện vá các lỗi của hệ thống công nghệ thông tin đã được phát hiện, cập nhật các bản vá lỗi mới cho hệ thống. Sử dụng các giải pháp mã hóa, bảo vệ cho các dữ liệu quan trọng. Xây dựng hệ thống bảo vệ mạnh cho website, server, hệ thống email... và cần thường xuyên tập huấn về bảo mật cho nhân viên của mình để cập nhật kiến thức về an toàn thông tin.
Đối với cá nhân, tạo ra mật khẩu mạnh, gỡ bỏ các chương trình không cần thiết, kích hoạt chức năng tường lửa bảo vệ cá nhân trên máy tính, nâng cấp phần mềm để nhận diện các mối nguy hiểm mới, là những khuyến cáo được đưa ra để phòng chống tấn công. Bên cạnh đó, nên cân nhắc kỹ việc sử dụng wifi công cộng để thực hiện các giao dịch trực tuyến nhằm tránh tình huống bị đánh cắp thông tin cá nhân. Đặc biệt, khi sử dụng thư điện tử cần cẩn trọng, không truy cập vào những đường dẫn lạ, mở các tập tin đính kèm thư điện tử nhận được từ người lạ.
Ngoài ra, người dùng cần cẩn thận khi truy cập các website trên mạng Internet, bằng việc kiểm tra kỹ đường dẫn của các website khi truy cập trên mạng internet để tránh bị các website giả mạo tấn công, chiếm đoạt thông tin cá nhân, và cũng lưu ý rằng không nên sử dụng phần mềm bẻ khóa, không bản quyền.
(Theo Vietnam )
Mất an toàn thông tin ở mức báo động Theo số liệu thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy, tổng số sự cố an ninh mạng được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2016 gấp hơn 4 lần so tổng sự cố an ninh mạng của cả năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố của cả năm 2014. Đến lúc...