An toàn điện hạt nhân – Bài cuối: Hiện thực hóa nền kinh tế carbon thấp
Năng lực thấp của Nhật Bản trong việc tự cung cấp năng lượng phần lớn là do nguồn tài nguyên năng lượng khan hiếm của đất nước.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa thuộc công ty điện lực TEPCO tại tỉnh Niigata, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 2019, nhiên liệu hóa thạch chiếm 84,8% nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm 12,3%. Tuy nhiên, tình hình bất ổn toàn cầu đã liên tục ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng của Nhật Bản, vì vậy chính phủ thường kêu gọi người dân giảm mức tiêu thụ trong thời kỳ nguồn cung không ổn định.
Trước đây, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản thường giảm bớt tình trạng thiếu hụt bằng các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng và các chiến dịch rộng rãi khuyến khích giảm tiêu thụ năng lượng. Thế nhưng, khi các doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện hiệu quả năng lượng trong những thập kỷ gần đây, các chính sách nhằm giảm nhu cầu năng lượng hơn nữa đang phải đối mặt với lợi nhuận giảm dần.
Sự biến động hiện tại của thị trường năng lượng đang làm tăng thêm thách thức tài chính đối với các hộ gia đình Nhật Bản theo những cách có thể tạo ra tác động tới toàn nền kinh tế. Việc tăng chi phí nhiên liệu và điện đối với người dân có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, từ rủi ro sức khỏe cộng đồng trong thời tiết cực đoan đến việc cắt giảm chi tiêu của hộ gia đình. Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng cũng có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống điện, với những tác động lớn đến phúc lợi công cộng, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Tình hình năng lượng của Nhật Bản khó có thể cải thiện trong thời gian tới. Sản lượng dầu khí sẽ vẫn ở mức thấp so với nhu cầu toàn cầu trong tương lai gần, với tình trạng thiếu hụt nguồn cung thường xuyên và giá cả tăng đột biến vào mùa Đông, khi các quốc gia cạnh tranh để lấp đầy dự trữ năng lượng.
Cùng với đó, do bản chất không ổn định của các nguồn năng lượng Mặt Trời và gió, việc triển khai ngày càng nhiều năng lượng tái tạo ở Nhật Bản sẽ tạo ra sự biến động lớn hơn theo ngày và theo mùa trong sản xuất điện. Đặc biệt là khi kết hợp với sự khó đoán định của thị trường năng lượng hóa thạch, hỗn hợp điện bao gồm năng lượng tái tạo, than và khí đốt có thể gặp phải tình trạng thiếu hụt sản lượng điện hoặc biến động giá do thay đổi địa chính trị. Sản xuất điện sạch như điện hạt nhân, thủy điện hoặc địa nhiệt sẽ giảm thiểu những rủi ro này, đảm bảo nguồn cung và giá ổn định hơn.
Bên cạnh sản lượng điện biến đổi, cơ sở hạ tầng truyền tải của Nhật Bản đặt ra thêm một thách thức. Lưới điện của nước này hiện được cấu hình xung quanh một mô hình truyền thống với các nguồn điện lớn và trung tâm. Khi chuyển đổi sang mô hình mới, cơ sở hạ tầng điện sẽ cần phát triển để hỗ trợ sản lượng điện phân bổ theo địa lý nhiều hơn. Bài toán là Nhật Bản cần nâng cấp lưới điện quốc gia đi kèm việc kết nối các trang trại điện Mặt Trời và điện gió ở các vùng nông thôn hoặc ngoài khơi với các trung tâm nhu cầu đô thị.
Video đang HOT
Việc không khởi động lại phần lớn các lò phản ứng hạt nhân hiện có của Nhật Bản sẽ làm tăng quy mô của vấn đề cơ sở hạ tầng này. Nếu gánh nặng của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch còn lại đè nặng lên năng lượng tái tạo, thì việc triển khai năng lượng tái tạo, đường dây truyền tải và khả năng lưu trữ năng lượng sẽ phải tăng tốc đáng kể. Để duy trì nguồn cung cấp điện ổn định mà không có cơ sở sản xuất điện sạch chắc chắn, Nhật Bản sẽ cần phải xây dựng năng lực lưu trữ lớn năng lượng mặt trời, gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời dư thừa. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Với thực tế lưới điện hiện tại của Nhật Bản thiếu sự kết nối, chênh lệch tần số, không phù hợp để sản xuất điện phân tán và phối hợp kém giữa các khu vực, chi phí nâng cấp hệ thống truyền tải có thể tăng đáng kể.
Đặc biệt khi kết hợp với thị trường năng lượng khó lường ngày nay, những chi phí như vậy có thể gây áp lực tài chính nghiêm trọng cho các công ty điện và làm tăng giá thành điện đến người tiêu dùng thương mại và dân dụng. Một hệ thống lưới điện phân tán hơn cũng có thể dễ bị tổn thương hơn trước các gián đoạn do thiên tai và thời tiết khắc nghiệt.
Những vấn đề như vậy có thể được giảm thiểu bằng cách khởi động lại nhiều nhất có thể các nhà máy điện hạt nhân đang ngừng hoạt động trên toàn quốc. Các cơ sở này đã được tích hợp vào mạng lưới điện hiện có của Nhật Bản, được thiết kế xung quanh các nhà máy điện trung tâm. Với xu hướng toàn cầu đang diễn ra mà trong đó những nhà khai thác hạt nhân khác trên thế giới đang thực hiện các bước để kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân thêm 20 đến 40 năm, các nhà hoạch định của Nhật Bản có thể tận dụng công suất hạt nhân hiện có trong nhiều thập niên tới, tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho quá trình chuyển đổi sang điện sạch.
Việc tái kích hoạt công suất hạt nhân nhàn rỗi có thể giúp quản lý những rủi ro kinh tế và xã hội nói trên. Khi khởi động lại các lò phản ứng và triển khai thế hệ năng lượng sạch mới, Nhật Bản có thể dần dần giảm thiểu các lỗ hổng liên quan đến năng lượng.
Cuối cùng, theo quan điểm chính sách khí hậu quốc gia, việc sử dụng tối đa điện sạch từ hạt nhân cũng sẽ tối ưu hóa tốc độ mà Nhật Bản có thể tăng tỷ lệ điện sạch tổng thể bằng cách lắp đặt năng lượng tái tạo. Trong tương lai gần, điều này sẽ cải thiện khả năng đáp ứng các mục tiêu khí hậu đã tuyên bố của Nhật Bản, củng cố vị thế của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu, đồng thời tối đa hóa lợi ích kinh tế trong nước gián tiếp từ việc giảm ô nhiễm không khí.
Việc huy động toàn bộ các nguồn năng lượng sạch như vậy ở Nhật Bản sẽ làm giảm cường độ carbon tổng thể của nền kinh tế, giảm một số rủi ro mà hàng xuất khẩu sản xuất nội địa có thể phải đối mặt trong những năm tới do thuế carbon quốc tế.
Trong thời đại nền kinh tế toàn cầu đang phát triển và ngày càng trở nên đa cực, với sự cạnh tranh mới và mạnh mẽ hơn từ nước ngoài, các ngành công nghiệp Nhật Bản phải thực hiện các biện pháp có thể để duy trì vị thế thị trường của mình. Trong bối cảnh này, việc tái khởi động sản xuất điện hạt nhân nhàn rỗi có thể giúp đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định hơn và có giá cả nhất quán, do đó cải thiện khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất.
Với những thách thức đáng kể của tình hình năng lượng Nhật Bản hiện nay và mục tiêu xây dựng nền kinh tế carbon thấp, năng lượng hạt nhân sạch có tiềm năng giảm thiểu rủi ro kinh tế và hướng đất nước đến một tương lai thịnh vượng, thân thiện hơn với khí hậu. Khi thị trường năng lượng thay đổi, khí hậu ấm lên và những chuyển động địa chính trị tiếp tục làm thay đổi thế giới, hành động quyết đoán để thúc đẩy việc sử dụng đầy đủ năng lượng hạt nhân sạch có thể giúp Nhật Bản đi theo một lộ trình thuận lợi hơn trong nhiều năm tới.
An toàn điện hạt nhân - Bài 2: Ưu tiên số một
Việc mở rộng sử dụng điện hạt nhân thường vấp phải những câu hỏi về mức độ đảm bảo an toàn.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính vì vậy, đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản trong chủ trương sử dụng điện hạt nhân, đặc biệt sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.
Về bộ máy, tháng 8/2012, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua quyết định thành lập cơ quan an toàn hạt nhân mới trực thuộc Bộ Môi trường, theo đó hợp nhất Cơ quan An toàn hạt nhân thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), Ủy ban An toàn hạt nhân của Văn phòng Chính phủ và Bộ phận Giám sát phóng xạ của Bộ Văn hóa - Khoa học thành Cục An toàn hạt nhân trực thuộc Bộ Môi trường.
Cục An toàn hạt nhân mới có trách nhiệm quản lý và tiến hành kiểm tra định kỳ toàn bộ các nhà máy hạt nhân đang hoạt động, chịu trách nhiệm đối phó với các sự cố hạt nhân khi xảy ra. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) là một cơ quan độc lập quản lý năng lượng hạt nhân, an ninh và giám sát bức xạ. Việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân bao gồm thông qua thử nghiệm và giám sát thường xuyên các hệ thống dự phòng và hạn chế tác động của thiệt hại nghiêm trọng đối với nhà máy.
Nhật Bản đã vận hành hơn 50 lò phản ứng hạt nhân trước khi xảy ra sự cố tại nhà máy Fukushima số 1. Tính đến tháng 5 vừa qua, có 33 lò phản ứng được xếp vào loại có thể hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 12 lò phản ứng trong số 27 lò phản ứng đã nộp đơn đáp ứng các quy định mới và được NRA chấp thuận khởi động lại. Có 10 lò phản ứng vẫn đang được cơ quan này xem xét và phải có được sự đồng ý của chính quyền địa phương trước khi khởi động lại. Đáng chú ý, Tổ máy số 2 của lò phản ứng Tsuruga có thể là tổ máy đầu tiên bị từ chối phê duyệt khởi động lại theo các quy định do nằm gần các đường đứt gãy và không đáp ứng được các yêu cầu mới về địa chấn.
Về mặt kỹ thuật, các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản có nhiều biện pháp an toàn, được thiết kế dựa trên giả định rằng các nhà máy phải đảm bảo an toàn cho các cộng đồng lân cận để không gây tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Các biện pháp được thực hiện để đảm bảo an toàn trong các sự cố bất thường có thể được tóm tắt trong 3 điểm sau: đóng các lò phản ứng đang hoạt động, làm mát các lò phản ứng để loại bỏ nhiệt khỏi nhiên liệu hạt nhân và cất giữ các vật liệu phóng xạ.
Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế để ngăn ngừa các sự cố bất thường xảy ra. Không chỉ như vậy, các nhà máy điện hạt nhân còn được thiết kế để ngăn ngừa nguy cơ các sự cố bất thường lan rộng và rò rỉ vật liệu phóng xạ xung quanh các nhà máy, có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Những cải tiến về an toàn rút ra sau sự cố ở Fukushima, chẳng hạn như tường chắn sóng thần và gia cố phòng ngừa động đất, đã được triển khai cho các lò phản ứng hiện tại.
Quá trình khởi động lại đã diễn ra trong hơn một thập kỷ, với các đợt đánh giá và cập nhật liên tục theo yêu cầu của NRA. Nhật Bản rút ra bài học từ quá khứ để tinh chỉnh hiệu quả về mặt kỹ thuật, vận hành và quản lý cho các lần khởi động lại các lò phản ứng đang chờ xử lý khác.
Do tần suất và cường độ động đất ở Nhật Bản, vấn đề địa chấn được đặc biệt chú ý trong việc xác định vị trí, thiết kế và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản được thiết kế để chống động đất sẽ xây dựng trên nền móng vững chắc được đào sâu xuống lòng đất; lắp đặt máy đo địa chấn để phát hiện gia tốc địa chấn lớn và báo hiệu cho thiết bị điều khiển để đóng lò phản ứng. Thiết kế địa chấn của các nhà máy như vậy dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt hơn nhiều so với các tiêu chí áp dụng cho các cơ sở phi hạt nhân. Các lò phản ứng cũng được xây dựng trên nền đá cứng (không phải trầm tích) để giảm thiểu rung chấn địa chấn.
Các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân giám sát bức xạ môi trường xung quanh cơ sở của họ và phóng xạ trong các mẫu môi trường để xác nhận rằng không có tác động có hại nào đến môi trường xung quanh. Chính quyền địa phương cũng như các công ty độc lập đo mức độ bức xạ trong không khí bằng các hệ thống giám sát bức xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân.
Ngoài ra, họ định kỳ thu thập nước biển, đất và các sản phẩm nông nghiệp cũng như hải sản để đo và phân tích hàm lượng vật liệu phóng xạ và đảm bảo rằng các nhà máy điện không có tác động xấu đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, Đạo luật Quy định về Lò phản ứng đã được sửa đổi vào tháng 6/2012 để đưa an toàn hạt nhân lên hàng đầu và đưa môi trường vào mục tiêu an toàn chính.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khi tất cả các nguồn điện cho các tổ máy 1, 2, 3 và 4 đều bị hư hại do sóng thần, các công ty điện lực tại Nhật Bản đã cam kết tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân của mình. Các công ty điện lực đã triển khai các biện pháp an toàn khẩn cấp bao gồm lắp đặt thêm xe nguồn điện khẩn cấp và xe cứu hỏa, nâng cấp sổ tay hướng dẫn quy trình và tiến hành diễn tập.
Song song với đó là nhiều biện pháp khác nâng cao hiệu quả như gia cố hệ thống liên lạc tại chỗ và chuẩn bị quần áo bảo hộ chống bức xạ mức độ cao để có thể phản ứng khẩn cấp trong tình huống nghiêm trọng. Các biện pháp trung hạn đến dài hạn bao gồm lắp đặt thêm các đơn vị cung cấp điện khẩn cấp cố định trên vùng đất cao, xây dựng đê ven biển, sửa đổi các cơ sở chống thấm nước và máy bơm nước biển tạm thời công suất lớn, trong trường hợp mất điện ở trạm và mất hệ thống làm mát bằng nước biển....được thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ.
Để những nỗ lực này phát huy hiệu quả tối đa, Viện An toàn hạt nhân Nhật Bản (JANSI) đánh giá các hoạt động cải thiện an toàn của các công ty điện lực và đưa ra lời khuyên kỹ thuật cho họ. Trung tâm Nghiên cứu rủi ro hạt nhân (NRRC), sử dụng Đánh giá rủi ro xác suất (PRA) và đề xuất các giải pháp dựa trên nghiên cứu và phát triển, đã được thành lập. Các công ty điện lực cập nhật các đánh giá và khuyến nghị, thực hiện để đạt được mức độ an toàn cao nhất trên thế giới.
Nhu cầu điện năng tại Nhật Bản dự kiến sẽ tăng vọt với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, khi ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu và nhà máy bán dẫn ngốn điện được đưa vào hoạt động. Thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định việc sử dụng năng lượng hạt nhân phải dựa trên sự an toàn, nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này, lưu ý đến sự an toàn, ổn định và giá thành thấp". An toàn chắc chắn luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược điện hạt nhân của Nhật Bản.
An toàn điện hạt nhân - Bài 1: Tái hoạch định bản đồ năng lượng Sau thời gian gián đoạn kể từ năm 2011, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã bắt đầu quay trở lại chủ trương phát triển điện hạt nhân với kỳ vọng nguồn năng lượng hạt nhân sạch có thể tạo điều kiện cho Nhật Bản đạt được mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế và trung hòa carbon. Nhà máy điện hạt...