Ăn tiệc ở Australia và chuyện mang theo đĩa
Khi được người Australia mời đến dự tiệc và nhắc “nhớ mang theo đĩa”, bạn hãy mang một món ăn gì đó đến góp vui cùng họ.
Khi đi dự tiệc ở Australia, hãy nhớ mang một món gì đó đến chia sẻ với mọi người. Ảnh minh họa: Wikipedia
“Mang theo đĩa”
Liz, cô giáo tiếng Anh người Anh của tôi đến Australia đã hơn 20 năm. Thời gian đầu, cô được mời đi ăn tiệc và dặn “ bring your plate” (Nhớ mang theo đĩa của bạn), thế là cô mang theo một cái đĩa để ăn. Liz cứ băn khoăn không hiểu chủ nhà thiếu đĩa hay sao mà bảo mình mang đĩa đến. Hóa ra “mang theo đĩa” là mang một món gì đó đến để chia sẻ với chủ nhà hoặc chủ bữa tiệc và mọi người, chứ không phải là một cái đĩa không. Người Australia không nói thẳng là “nhớ mang theo thức ăn” bởi đó là phép lịch sự.
Trong những bữa tiệc cuối năm do trường tổ chức, mỗi sinh viên quốc tế thường góp một món. Ai có gì mang nấy. Họ rất chịu khó nấu nướng và mang đến các món ăn mang hương vị của quốc gia mình, trong khi trường sẽ lo khoản đồ uống như bia, nước ngọt.
Những bữa tiệc trông thật thích mắt. Có món nọ món kia, món mặn, món chay, món ngọt, món nhạt. Người dự tiệc cũng thật thích mắt, với các màu da khác nhau, trang phục khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Tất cả cùng nói tiếng Anh và cùng để mắt canh chừng mấy con chim trắng mỏ dài lảng vảng đi lại và cướp thức ăn trên đĩa. Những con chim này đi tiệc chả bao giờ “mang theo đĩa” của mình cả.
Thỉnh thoảng, các sinh viên hứng chí đứng ra chủ trì tiệc và mời mọi người đến nhà tham dự. Mọi người xúm lại nấu nướng. Thế là có món lạp Thái, món bánh mỳ Venezuela, có món gà hầm kiểu Singapore, món dê cà ri kiểu Ấn…
Nếu bạn muốn góp món ăn Việt Nam thì đừng quên món nem quốc hồn, quốc túy. Nem rán hay nem cuốn tươi đều được bạn bè nước ngoài ưa chuộng. Đặc biệt, nem cuốn tươi có nhiều rau là món mà người Australia rất thích. Thức ăn Việt Nam được người Australia đánh giá là bổ dưỡng.
Tuy nhiên, một số người Australia không biết ăn nước mắm. Bạn có thể chế biến tương đậu đen của Trung Quốc, nấu lên sền sệt với nước cốt dừa, để thay thế. Món này dễ ăn, lại không dây mùi mắm ra tay mọi người.
Có một lưu ý nhỏ là các thực khách ở Australia rất đa dạng, khác nhau về tôn giáo và quốc gia. Tôi thường làm các món ăn từ gà và hải sản mà không làm thịt lợn, vì có một số người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn. Một số người bị dị ứng các loại đậu, trứng hoặc lạc, hay có rất nhiều người ăn chay, vì thế nhìn chung khi nấu ăn, bạn nhớ thông báo rõ thành phần trong món ăn để tránh sự phiền phức cho các thực khách.
Nếu trước khi đi dự tiệc, bạn được dặn “Bring Your Own” (BYO, tự mang theo đồ) thì sao? Thật ra “bring your own” là bring your own drink, tức là mang đồ uống của riêng bạn. Bạn có thể mang rượu hay nước ngọt, nước hoa quả hay nước lọc đều được.
Một số tiệm ăn ở Australia cũng đề chữ BYO. Với các quán này, bạn có thể tự mang đồ uống, kể cả rượu vang, nhưng bạn phải trả tiền phục vụ gọi là “corkage”. “Corkage” là phí được tính thêm vào do nhà hàng phải cung cấp cốc sạch cho bạn hoặc phục vụ rót rượu cho bạn.
Video đang HOT
Các món ăn Việt Nam rất được bạn bè quốc tế yêu thích, đặc biệt là món nem. Ảnh: BTT
Tiệc nướng BBQ
Món barbecue cũng rất nổi tiếng ở Australia. Barbecue có nghĩa gốc là thịt nướng, nhưng hiện giờ được dùng như một buổi tiệc gồm các món nướng, không chỉ là thịt.
Người Australia rất thích các hoạt động ngoài trời. Khu dân cư, khu vui chơi nào cũng có công viên. Công viên ở đây không những rộng mà nhiều nơi lại có cả bếp nướng. Ngày trước, mọi người thường nướng bằng củi và có người cung cấp củi cho các bếp nướng. Ngân sách thành phố chi trả hết cho các khoản này. Hiện giờ họ chuyển sang bếp nướng bằng điện. Một số công viên có bếp nướng BBQ và cả wifi miễn phí.
Dù barbecue là thịt nướng, trong một tiệc BBQ, bạn nướng gì cũng được, thịt gà, thịt bò, thịt cừu, thịt kangaroo, các loại xúc xích, tôm, cá, bí đỏ, nấm, khoai tây, hành tây và nếu bạn thích thì có thể dùng cả thịt băm bún chả.
Khi được mời dự tiệc BBQ, bạn cũng nên hỏi xem có cần mang gì đến góp không. Ở một số tiệc BBQ do sinh viên tổ chức, thường mỗi người được phân công mang một vài thứ. Người được phân công giữ bếp nướng là quan trọng nhất. Dù nhiều bếp nướng nhưng những ngày đông đúc, mọi người cũng phải xếp hàng mới có bếp nướng để dùng.
Khi tổ chức tiệc nướng ở chỗ công cộng, người chủ trì khéo léo cũng có thể làm chín sơ qua một số đồ để đem đến nướng lại trên bếp, giảm thời gian nướng và tăng thời gian chơi.
Người Australia rất thích tổ chức tiệc nướng ngoài trời. Ảnh minh họa: classybro.com
“Kitchen Cabinet”
Annabel, người phụ nữ là tác giả đồng thời là người dẫn “Kitchen Cabinet” đã viết ra một chương trình truyền hình rất hay. Bà đến nhà các chính trị gia để được họ nấu một món ăn. Trong khi nấu ăn và thưởng thức món ăn, họ trò chuyện với nhau về những điều liên quan đến cuộc sống, quan điểm, công việc của các chính khách, người nổi tiếng này.
Nhân dịp bầu cử ở Australia, tôi xem cả hai chương trình bà đến thăm hai nhân vật đang tranh cử vị trí thủ tướng Australia lúc đó là Kevin Rudd và Tony Abbott. Hai chương trình này đều rất ấn tượng.
Kevin thì nướng một món bánh với công thức của mẹ ông ấy. Công thức viết tay trên giấy, được lưu giữ như kỷ vật của gia đình. Tony (sau này thành thủ tướng) thì đãi món BBQ thịt và cá nướng. Cả hai ông đều tự nấu và có sự trợ giúp một chút của các cô con gái. Bản thân Annabel cũng “mang theo đĩa” của bà. Bà vẫn thường mang một món bà tự làm đến nhà các vị khách.
Khi Tony Abbott nấu ăn cho Annabel xong, ông còn cảm ơn bà đã đến thăm và nhận việc dọn dẹp cũng như rửa bát.
Theo VNE
Đi xe đạp ở Australia
Một buổi chiều mùa đông ở Australia, tôi nhận được một bưu phẩm đựng trong thùng giấy rất lớn. Mở ra, tôi thấy một chiếc xe đạp màu trắng láng coóng. Chiếc xe rất đẹp và có 6 cỡ điều chỉnh xích để đi ở mọi địa hình.
Đạp xe là một trong những môn thể thao ngoài trời được người Brisbane yêu thích nhất. Ảnh: vdbike
Hồi chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Australia, tôi đã hỏi kinh nghiệm nhiều người để chuẩn bị cho thời gian 4, 5 năm sống ở một đất nước khác.
Nam Anh, một người bạn cũ thời đại học, đã có kinh nghiệm học Master ở Australia hai năm, khuyên tôi nên mua ngay xe đạp, vì đi xe ở Brisbane rất thích. Dù địa hình ở đây hơi đồi núi một chút nhưng rất xứng đáng để chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển. Nam Anh chỉ mới đi xe đạp vào kỳ cuối cùng cậu học ở đây và cảm thấy thật tiếc nuối vì đã không có xe đạp ngay từ kỳ học đầu tiên. Vì thế, mua xe đạp là một trong các việc mà tôi lên kế hoạch sẽ làm sớm khi sang Australia.
Một buổi chiều mùa đông, trong tuần đầu tiên ở Australia, tôi đang nấu nướng trong căn hộ mình ở trọ thì có người đến giao một món hàng trong cái thùng giấy cực kỳ to, chiều dài chừng 1,5 m, rộng chừng 1 m. Tôi ngạc nhiên không biết ai gửi đồ gì cho mình. Mở ra, tôi thấy một chiếc xe đạp màu trắng láng coóng. Hóa ra chồng tôi ở Việt Nam đã mày mò đặt trên Internet mua cho tôi một chiếc xe với giá 125 USD, giao tận nhà. Chiếc xe rất đẹp và có 6 cỡ điều chỉnh xích để đi ở mọi địa hình.
Khi chồng tôi sang đây, chúng tôi lại ra trung tâm thành phố mua thêm một chiếc xe nữa với giá 90 USD. Ở cửa hàng có rất nhiều dòng xe khác nhau, rẻ như xe chúng tôi chọn cũng có, những xe đạp địa hình loại tốt tới cả nghìn đô cũng có.
Sau này khi thông thạo địa hình và cũng quen với cách bán mua ở Australia, tôi còn thấy các bạn sinh viên rao bán xe cũ (thường 50-60USD). Đi trong trường thỉnh thoảng tôi lại thấy một cái xe được khóa cẩn thận, có dán một miếng giấy ghi điện thoại người bán để liên lạc. Các xe cũ này cũng khá tốt.
Đi xe ở Australia rất thuận tiện. Có những con đường dành riêng cho người đi xe đạp, có chỉ dẫn đàng hoàng, nhưng nhiều khi cũng chung đường với người đi bộ hay đi ô tô.
Anh bạn Việt kiều của tôi thấy tôi đi xe đạp thì bảo: "Chị đi xe vậy không sợ nguy hiểm à. Em ra đường cứ thấy mấy bác xe đạp chờn vờn trước mặt là sợ lắm. Chỉ sợ đâm vào các bác ấy".
Tôi thì tự tin lắm với tài lái xe gắn máy hai bánh của mình ở Việt Nam, giờ qua đây đâu ngại gì lái xe đạp. Tất nhiên, tỷ lệ người đi xe đạp để đến cơ quan hay đi học không nhiều, do Australia rất rộng lớn, phương tiện công cộng lại sẵn, chỗ đỗ xe riêng ở các trường đại học cũng nhiều nên số lượng người đi xe đạp khá ít. Tuy nhiên, số người chọn đạp xe như môn thể thao để rèn luyện sức khỏe thì rất đông.
Có lần vào buổi trưa, tôi đã đếm thử trong bãi xe cạnh tòa nhà văn phòng trong trường, có 32 cái xe máy và 7 cái xe đạp. Một chỗ dành riêng cho xe đạp cũng có đến hơn chục chiếc nữa. Còn các bãi đỗ xe ô tô thì kín không còn một chỗ trống.
Điểm thuê xe đạp kèm mũ bảo hiểm ở Brisbane. Ảnh: Thu Thủy
Người Australia thích các hoạt động thể thao ngoài trời. Lướt sóng rất phổ biến ở các vùng biển. Còn ở Brisbane, tôi nhìn thấy ba hoạt động thể thao nổi trội ngoài trời là chơi thuyền, đi xe đạp và chạy hoặc đi bộ. Dòng sông Brisbane chiều nào cũng tấp nập thuyền nhỏ thuyền to. Những hôm sóng to, thuyền có khi lật nhào nhưng không cản nổi tình yêu của những người thích môn thể thao dưới nước. Người đi bộ và chạy bộ thì bất kể giờ nào cũng có, sáng trưa chiều tối. Chắc chỉ đêm mới không có người chạy bộ.
Riêng đi xe đạp thì buổi sáng sớm trước 8h và buổi chiều từ 17-20h, có rất nhiều người đạp xe. Từ 5h sáng, Brisbane đã nhộn nhịp với các cua-rơ trong bộ đồ thể thao gọn gàng đổ dốc ầm ầm hay đạp xe cật lực lên dốc. Họ hay đi thành nhóm, ít thì hai ba người, nhiều thì hai chục người. Trông các anh chị này ai cũng gọn gàng và khỏe mạnh, làn da rám nắng. Quần áo thể thao cũng đẹp nên trông rất thích mắt. Họ thường đạp xe vài chục cây và nhiều điểm đạp xe dọc theo bờ sông Brisbane.
Do Brisbane khá là dốc nên đạp xe ở Brisbane khá mệt (một nhóm người Việt qua đây học ngắn hạn cứ bảo Brisbane như là Đà Lạt vậy, có hoa phượng tím và đường dốc lên xuống). Có những đoạn dài khoảng 300-400 m, dốc 10-12 độ. Khi thả dốc, bạn phải cực kỳ dũng cảm và xe của bạn phải có phanh rất tốt. Những lúc đổ dốc tôi nghĩ mình chắc đang lao xuống với tốc độ đến 30 km/h. Sợ đến thót tim. Thật may đường phố ở đây có những đoạn rất vắng nên tôi cũng đỡ ngại. Khi đông xe cộ, tôi thà dắt xe xuống dốc còn hơn.
Xuống dốc thích vì được đi nhanh, nhưng tất nhiên sau đó lại phải lên dốc, toát hết mồ hôi hột. Cỡ xích chỉnh về số một mà vẫn thấy chân mỏi nhừ. Lúc này xe sẽ bò lên dốc chậm chạp hơn cả đi bộ.
Dọc bờ sông Brisbane, thành phố mới sửa sang và làm con đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp ngay cạnh bờ sông. Nước vỗ ì oạp ngay cạnh chỗ bạn đạp xe. Du thuyền, nhà cửa, cây cối, các công viên xanh tươi làm con đường đạp xe như ngắn lại. Đường đạp xe cạnh sông thì không dốc nên đạp xe ở đây rất thảnh thơi.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ nhường đường cho những tay đua dày dạn kinh nghiệm chinh chiến, vì họ thường đạp rất nhanh. Nếu bạn cứ lởn vởn trước mũi xe của họ sẽ người phát cáu. Một lần, chính mắt tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên đang đạp xe rất nhanh, trước mắt là một cậu sinh viên đang lững thững vừa đạp xe vừa ngắm cảnh. Ông ấy cáu quá hét to lên: "Get off my road, Idiot!" (Biến khỏi đường của tao, đồ ngu!).
Tôi choáng váng, hai ba cô gái đang chạy bộ cũng sững lại và lắc đầu khó chịu. Nhưng đó chỉ là một người cực kỳ thô lỗ hiếm hoi mà tôi thấy, còn lại mọi người ở đây phần lớn đều dễ chịu. Khi bạn đang đi bộ, thấy có người đạp xe qua, bạn lùi vào trong để họ vượt qua, họ luôn nói cám ơn bạn. Khi bạn đạp xe, bạn nhường đường cũng vậy. Người Australia được giáo dục cư xử rất văn minh.
Ở Australia, cảnh sát cũng dùng xe đạp để đi tuần tra. Một anh bạn người Australia gốc Scotland nói rằng anh ấy rất ấn tượng với việc cảnh sát tại Queensland đi tuần bằng xe đạp. Nếu ghé trang policebike.com.au bạn cũng sẽ đọc thấy những thông tin về việc chiếc xe của cảnh sát đã được nghiên cứu, cải tiến để phù hợp với việc sử dụng hàng ngày của họ. Đó cũng là một trong các lý do để cảnh sát Australia đi đầu trong việc sử dụng xe đạp khi làm việc. Tất nhiên ngoài xe đạp, cảnh sát Australia còn có xe gắn máy rất oai hùng và xe ô tô nữa.
Hình ảnh Thủ tướng Australia Tony Abott khỏe khoắn như một tay đua xe đạp trong ngày đầu nhậm chức. Ảnh: SMH
Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin giữ sức khỏe bằng tập võ và bơi lội thì Tony Abbott, Thủ tướng mới đắc cử của Australia, lại luyện tập và xuất hiện trên báo chí dưới hình ảnh một cua-rơ khỏe mạnh. Ông còn tham gia một chiến dịch quyên góp bằng việc đi xe đạp.
Hình ảnh đầu tiên của Tony Abbott, trong ngày đầu trên cương vị thủ tướng, xuất hiện trên báo ra hôm đó là một người đàn ông trung niên khỏe mạnh, mặc bộ đồ thể thao đạp xe, quần bó ngang gối, đội mũ bảo hiểm và... đi chân đất. Tất nhiên khi đạp xe thì ông sẽ đi giày, nhưng hình ảnh đó thật ấn tượng đối với tôi. Sau này, khi xem bản tin thấy Tony Abbott đi công cán nước ngoài với chiếc cà vạt màu xanh dương, tôi vẫn nhớ lại hình ảnh đã thấy ông ngày đầu nhậm chức trên các báo in.
Đi xe đạp ở Brisbane, bạn dễ dàng có chỗ để xe mà không phải khó nhọc tìm bãi đỗ như xe ô tô, nhất là ở những trường đại học trong trung tâm. Đỗ xe ô tô ở đây thường rất đắt (rẻ nhất cũng phải 1,5 USD một tiếng, thông thường chừng 4 USD một tiếng, có chỗ thậm chí 6 USD một tiếng hay 45 USD cho 4 tiếng). Đi xe đạp cũng là một cách giúp bảo vệ môi trường, do xe "chạy" bằng cơm và bánh mỳ chứ không chạy bằng xăng.
Đi xe đạp ở Brisbane còn thuận tiện ở chỗ bạn có thể mang xe đạp lên phà (City Cat). Phà nào cũng có chỗ để xe đạp gọn gàng, không phải giữ khư khư trong tay. Mang xe lên phà, khách cũng không phải trả thêm tiền, vì thế bạn không lo phải đạp xe đến kiệt sức. Các chuyến phà mỗi 15 hay 30 phút đều có thể là người ứng cứu khi bạn chán những vòng xoay.
Nếu bạn không có xe đạp cũng không sao. Ở Brisbane có rất nhiều điểm để thuê và trả xe đạp. Chỉ cần bỏ ra 2 USD một ngày, bạn đã có thể thuê một chiếc xe chạy lòng vòng rồi. Thuê theo tháng và cả năm thì giá còn rẻ hơn nhiều. Thêm vào đó, các bạn sinh viên còn được giảm giá.
Tuy nhiên, đi xe đạp ở Brisbane cũng có cái bất tiện hơn so với ở Việt Nam là phải biết tự xoay sở khi xe xẹp lốp hay hư hỏng. Ở đây chẳng có các bác bơm xe hiền từ với cái bơm cũ kỹ ở đầu đường như ở Việt Nam. Và cũng không sẵn các tiệm sửa xe máy để có thể ghé vào bơm xe đạp. Tại các tiệm bán xăng, các bác tài có thể dùng bơm miễn phí nhưng chiếc xe đạp mong manh không dùng được cái bơm xe đó.
Dù có vài bất tiện nhỏ, đạp xe ở Australia vẫn rất thú vị. Và vào bất kỳ giờ nào, kể cả 12h trưa, bạn có thể xe đạp lang thang xuống phố và khám phá thành phố của bạn dưới một góc nhìn khác, nhanh hơn khi bạn đi bộ, không cách ngăn như khi bạn đi tàu hay ô tô, chỉ cần nhớ đội mũ bảo hiểm và bôi kem chống nắng.
Theo VNE
Thủ tướng Úc: Trung Quốc làm ăn với Úc vì chính lợi ích của Trung Quốc Thủ tướng Úc Tony Abbott đã tỏ ra không nhượng bộ trong căng thẳng ngoại giao mới đây với Trung Quốc khi tuyên bố "Trung Quốc làm ăn với chúng ta bởi vì Trung Quốc thấy có lợi khi làm ăn với chúng ta", tờThe Sydney Morning Herald cho biết hôm 29.11. Thủ tướng Úc Tony Abbott - Ảnh: Reuters Quan hệ giữa...