Ăn thịt dê có bổ dương?
Đa số đàn ông Việt Nam, khi nhắc đến món thịt dê là nghĩ ngay đến “chuyện ấy”. Đặc biệt khi nghe nói “cái ấy” của dê có tác dụng “bổ dương tráng khí”, rất có lợi cho chuyện chăn gối của nam giới. Tuy nhiên, điều đó đúng hay không còn cần phải tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn.
Trào lưu “ăn gì bổ nấy”
Nghe mấy tay nhậu kháo nhau về những món ăn từ dê, chỉ cần ăn thử một lần là trong người sẽ nóng lên rạo rực bừng bừng… Ai mà chẳng khoái. Nhất là quý ông lại thường rất quan tâm đến việc chọn thực phẩm có “dính dáng” đến “chuyện ấy”. Để đáp ứng nhu cầu cho quý ông, các quán chuyên thịt dê ở nước ta mọc lên ngày càng nhiều có dấu hiệu ngày càng đắt hàng hơn Họ chế biến thịt dê thành những món rất đặc biệt: lẩu dê, dê nướng ngũ vị hương, dê xào lăn, dê xào sa tế, nầm dê nướng, dê hấp cách thủy, gan dê hầm, tiết canh dê, dê con quay, rượu tiết dê, dê nấu rựa mận, xáo măng, sườn dê nướng, ngọc dương hầm thuốc Bắc; chân móng dê hầm thuốc; tái dê, dê tiềm thuốc Bắc…Nhà hàng nào cũng quảng cáo về công dụng của thịt dê, coi đó như là cứu tinh của đàn ông.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quốc Toán (Bộ môn Y học Cổ truyền, ĐH Y Hà Nội) thì thịt dê có vị ngọt, tính nóng. Trong 100g thịt dê có 17.5% protit, 40% là lipit. Thịt dê không độc, có tác dụng trợ dương, bổ huyết, chữa lao phổi, người gầy yếu. Nếu ăn liên tục 30 – 40g/ngày các món ăn chế biến từ thịt dê, có thể khỏi gầy yếu, đau lưng, dương sự kém, khí huyết hư tổn, ra nhiều mồ hôi. Đặc biệt, rất tốt cho phụ nữ gầy yếu, ít sữa sau khi sinh nở. Hầu như tất cả bộ phận của dê đều có thể sử dụng để làm thuốc. Tinh hoàn dê có tác dụng trị thận suy, liệt dương, hoạt tinh. Người ta thường dùng ngọc dương hấp rượu, ngâm rượu thuốc… Dạ dày dê chữa gầy yếu, tiêu hoá kém, buồn nôn sau bữa ăn Gan dê (dương can) có thể điều trị những trường hợp mờ mắt sau cơn bệnh (nấu chín nhừ, ăn 30-60g/ngày). Tiết dê pha với rượu trắng 40 độ chữa bổ huyết, đau đầu, chóng mặt, đau lưng. Cật dê (thận dê) có thể ăn và chế biến thành các món như cật heo. Tuy nhiên, cật dê thường được nướng hoặc hấp với hành tây (trưng cách thuỷ). Các món ăn chế biến từ cật dê có tác dụng trị suy nhược, lãng tai, đổ mồ hôi. Cao dê toàn tính làm thuốc bổ.
Đó chỉ là tư duy dân gian
Mặc dù thịt dê có tác dụng bổ dưỡng, và rất tốt cho sức khoẻ, nhưng do hàm lượng đạm, mỡ cao nên không phải ai cũng có thể ăn. Bs Toán khuyên một số người bị rối loạn chuyển hoá lipit khi ăn phải cẩn thận. Không nên ăn nhiều trong một bữa và nhiều bữa trong một tháng. Người có bệnh cao huyết áp cũng không nên ăn nhiều.
Tuy vậy, Bs Toán cho rằng, trợ dương trong Đông Y nên được hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn (thịt dê nhiều chất dinh dưỡng như Protein, nhiều bần tố, chất khoáng, nhiều vitamin, nhiều chất sắt thì đương nhiên là bổ cho cơ thể rồi. Và việc bổ chung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những “chuyện khác”.
Video đang HOT
Qua ý kiến của chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Phó giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển con người Nhật Minh) bạn đọc sẽ tự tìm ra câu trả lời cho chính mình rằng “ăn thịt dê có bổ dương?”. Các loại thịt như thịt chó, thịt dê là những thức ăn giàu chất đạm, nên chắc chắn là bổ dưỡng (trừ đối với người bị bệnh GÚT). Mà đã ăn chất bổ thì “chẳng bổ nọ cũng bổ kia”. Đó là tư duy dân gian.
Tuy nhiên, các món ăn từ dê, đặc biệt tinh hoàn dê hay ngẩu pín dê có bổ cho “chuyện ấy” hay không, chưa ai chứng minh trên cơ sở khoa học. Cho rằng “ăn gì bổ ấy” cũng chỉ là sự suy luận thô thiển. Cứ cho là trong tinh hoàn dê, ngẩu pín dê có nhiều hooc môn sinh dục, nhưng của động vật khác, của con người khác. Việc cơ thể có hấp thụ hay chuyển hoá các hooc môn đó hay không, cũng chưa có công trình nghiên cứu. Ai dám nói người thiếu máu thì ăn tiết canh sẽ … bổ máu?
Nhưng dù sao chăng nữa yếu tố tinh thần, sức mạnh của niềm tin cũng giúp người ta “hăng hái” hơn tí chút, đặc biệt, khi ăn thịt dê, ngẩu pín dê, các đấng mày râu thường “làm vài chén”, khiến cho cơ thể có hưng phấn. Đã có trường hợp người đàn ông yếu sinh lý, được cho uống một viên vitamin B1, nhưng lại được bảo đó là viên “kích thích”, vậy mà cũng có hiệu quả rõ rệt. Đó là hiệu ứng tâm lý, sức mạnh của niềm tin!
Xin nói thêm, rất nhiều tài liệu khi viết về các món ăn bổ dưỡng, thường viết rằng các món ăn này “được cho là” bổ dương, tráng khí, chứ “không dám” khẳng định chắc “như đinh đóng cột”.
Theo VNE
Dưỡng sinh đúng cách để khỏe trong mùa lạnh
Để đem lại lợi ích cho sức khỏe vào những ngày lạnh, nên ưu tiên dùng các món chế biến từ thịt dê, cừu, bò, chó... Thể dục buổi sớm cần chờ lúc có mặt trời, nên tránh luyện tập lúc trời còn mờ.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM chia sẻ về cách dưỡng sinh, những thực phẩm có lợi cho sức khỏe trong tiết trời lạnh.
Trong sách Hoàng Đế Nội Kinh (Tố Vấn), thiên Tứ Khí Điều Thần Luận, có viết về cách dưỡng sinh trong mùa đông như sau: "Ba tháng mùa đông là thời kỳ vạn vật bế tàng, nước đóng băng, đất nứt nẻ. Con người không nên làm nhiễu loạn dương khí, mà nên ngủ sớm, dậy muộn, phải đợi có mặt trời rồi mới dậy. Tất cả đều làm cho chí của mình như núp như trốn, như có ý riêng tư, như đã có được một cái gì".
Những ngày lạnh nên ngủ sớm dậy muộn, tránh luyện tập vào lúc trời còn mờ sáng. Ảnh: css-south
Sách cũng viết: "Chúng ta phải tránh lạnh tìm ấm, đừng để cho dương khí thoát ra ngoài bì phu, khiến cho chân khí bị hao tổn một cách nhanh chóng. Đó là chúng ta thích ứng được với khí lạnh của mùa đông, cũng là cách nuôi dưỡng tạng phủ. Nếu nghịch lại, sẽ làm tổn thương đến tạng thận, đến mùa xuân sẽ bị bệnh nuy quyết (gân cốt mềm nhũn, không có lực, do nhiễm khí lạnh). Đó là vì đông khí không đủ để cung cấp, để giúp cho xuân khí sinh ra khi mùa xuân đến".
Mùa đông gồm 6 tiết khí: Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn, tức thuộc các tháng 10, 11, 12 âm lịch. Đặc điểm khí hậu chủ yếu của mùa đông là hàn (lạnh). Vào tháng Chạp, có 2 tiết khí là Tiểu hàn và Đại hàn, khí lạnh rất nhiều và lan tràn khắp nơi. Lúc này thiên hàn địa đông, cây cỏ tiêu điều, cảnh vật tiêu sơ, nhật đoản dạ trường (ngày ngắn đêm dài). ở miền Bắc có nơi còn có tuyết phủ vùng cao.
Cách dưỡng sinh tốt nhất vào lúc này là tránh đi ra ngoài trời lạnh giá, ngủ sớm dậy muộn, mặc thêm áo ấm, ngủ đắp thêm chăn để tránh hàn tà xâm nhập. Nên ăn các thức ăn có tính ấm để vừa bảo vệ âm khí vừa giữ gìn dương khí (hộ âm tiềm dương), không nên dùng nhiều các thức ăn táo nhiệt, cay đắng quá, để tránh tình trạng hóa nhiệt thương âm.
Việc luyện tập cũng cần tùy theo từng người, từng hoàn cảnh cụ thể. Luyện tập buổi sớm cần chờ lúc có mặt trời, nên tránh luyện tập lúc trời còn mù mù, không khí còn lạnh, nhiều khí ô nhiễm.
Nhìn chung, mùa đông khí hậu hàn lạnh, vạn vật tiêu sát, địa khí thâu tàng, hàn khí quấy nhiễu. Con người dễ bị các chứng bệnh do phong hàn gây ra, như trúng phong (đột quỵ, tai biến mạch máu não), bệnh tim (tim co thắt, nhồi máu cơ tim), viêm khí quản mãn tính, hen suyễn, một số bệnh của bệnh phổi, viêm loét dạ dày, viêm khớp dạng thấp, đau nhức tay chân thể phong hàn thấp.
Ngoài ra, một số bệnh trẻ nhỏ như kinh phong, co giật, tê bại, thủy đậu, ban sởi, cũng rất dễ phát sinh vào mùa đông. Nếu không kịp thời phòng ngừa thì rất dễ lây nhiễm thành dịch bệnh.
Mùa đông nên chú trọng dưỡng âm, thì có thể đạt được hiệu quả dưỡng sinh tốt đẹp.
Nguyên tắc ẩm thực của mùa đông là thực phẩm phải có hàm lượng dinh dưỡng phong phú, cũng như cung cấp nhiệt lượng đầy đủ.
Thực phẩm cần có tính ôn nhiệt, trợ giúp dương khí của cơ thể. Những thực phẩm có tính ôn nhiệt cần lưu ý sử dụng như: Thịt dê, thịt cừu, thịt chó, thịt bò, thịt gà, thịt rùa, rắn, chim sẻ, bồ câu, hải sâm, cá thu, cá chim, tôm, hạt sen, đậu nành, đậu ván, đậu trắng, đậu phụng, hạt điều, hạnh nhân, cà rốt, củ sả, gừng, riềng, nghệ, hành ta, hành tây, tỏi, hẹ, hồ tiêu, mật ong, sữa bò, sữa dê, gạo nếp, bắp, bột mì, ca cao, hồ đào, long nhãn, hạt dẻ, đại táo, vải, quýt...
Nên ưu tiên dùng các món chế biến từ thịt dê, cừu, thịt bò, thịt chó... vào mùa lạnh tháng Chạp. Ảnh: eva
Những thực phẩm dưỡng âm cũng cần bổ sung để điều hòa như: lê, mía, dừa, cà chua, dưa hấu, giá đậu, rong biển, ngân nhĩ, yến sào, đậu phụ, tiểu mạch, yến mạch, kiều mạch, đậu đen, mè đen, thịt vịt, thịt ngan, ngỗng, thịt thỏ, móng giò heo, trứng gà, cá lóc, cá trê, cá đối...
Đông y cho rằng vào mùa đông nên tàng tinh, dưỡng âm, tiềm dương, cho nên mùa đông là mùa thuận lợi cho việc bồi bổ giúp kiện cường thân thể.
Trong phương pháp ẩm thực đem lại lợi ích cho sức khỏe vào tháng Chạp, có thể ưu tiên dùng các món chế biến từ thịt dê, cừu, thịt bò, thịt chó... Tuy nhiên, trong khi bồi bổ, tốt nhất không nên ăn các thức ăn quá béo, để tránh làm trở ngại công năng tiêu hóa của tỳ vị, ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất bổ.
Lương y Đinh Công Bảy
Theo VNE
Thực phẩm giúp bạn khỏe trong ngày lạnh Trời lạnh khiến cơ thể bị giảm nhiệt mạnh. Nếu ăn thực phẩm phù hợp, cơ thể bạn sẽ khỏe mạnh hơn và chống chọi được giá lạnh, không bị cảm, ho, sổ mũi. Ngoài việc giữ ấm như mặc áo dày, khăn, tất, đeo khẩu trang, đội mũ khi ra đường. Bạn nên tăng cường dùng thực phẩm sau để sức khỏe...