“Ăn theo” sóng thủy sản, cổ phiếu ACL có tăng quá đà?
Nằm trong sóng tăng của nhóm ngành thủy sản, cổ phiếu ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang gây sự chú ý với mức tăng giá hơn 77% trong 3 tháng qua, dù trước đó giao dịch tương đương mệnh giá. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có vững, khi thanh khoản của ACL đang có dấu hiệu yếu dần?
Ảnh Internet
Cổ phiếu leo dốc
Được hưởng lợi từ nhiều yếu tố hỗ trợ cho triển vọng ngành trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh và thu về kết quả tích cực.
Theo đó, nửa đầu năm nay, doanh thu của ACL tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 51 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với nửa đầu năm 2017.
Chưa kể, hoạt động kinh doanh của Công ty được dự báo sẽ khởi sắc hơn nữa khi 2 quý còn lại của năm mới là thời điểm mùa vụ “thu hoạch”.
Với diễn biến này, cổ phiếu ACL đã tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. Cụ thể, tại mức giá kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10 là 18.400 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ACL đã tăng giá mạnh gần 80% trong 3 tháng trở lại đây sau khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng, từ mức giá tương đương mệnh giá.
Tuy nhiên, đi cùng với đà tăng này, thanh khoản có dấu hiệu đuối dần. Khối lượng giao dịch trung bình 1 tháng trở lại đây chưa đạt đến 10.000 đơn vị/phiên.
Hiện nay, trong cơ cấu sở hữu ACL, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là bà Trần Thị Vân Loan đang nắm giữ hơn 50,24% vốn điều lệ Công ty. 4 cổ đông cá nhân khác đang sở hữu từ 3,81% – 4,71% vốn ACL đều là thành viên HĐQT. Tổng cộng các cổ đông này nắm giữ hơn 68% vốn ACL.
Rủi ro tiềm ẩn
ACL được biết đến là một trong 10 nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Trước đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Công ty, nhưng việc quốc gia này đánh thuế chống bán phá giá cá tra ở mức cao nhất (3,87 USD/kg) trong nửa đầu năm 2018 đã khiến sản phẩm của ACL gần như bị đánh bật khỏi thị trường này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng mạnh, ACL đã chuyển hướng sang Đại lục và ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Dù vậy, theo các chuyên gia, đây không phải giải pháp dài hạn đối với đầu ra sản phẩm của ACL. Ban lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận, Trung Quốc dù có thể thay thế một phần sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng thực tế giá bán tại thị trường này thấp hơn nhiều, cùng một số yếu tố khiến hoạt động xuất khẩu sang Đại lục đối mặt những rủi ro nhất định.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là ACL chủ yếu thu mua nguyên liệu từ bên ngoài. Trong khi đó, do tình trạng khan hiếm nguồn cung, giá cá tra giống trên thị trường dự báo tiếp tục tăng, dù đang ở mức rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là yếu tố bất lợi đối với ACL, nhất là khi Công ty cho biết, việc quản lý rủi ro nguyên vật liệu chủ yếu nằm ở công tác dự báo, chuẩn bị nguồn nguyên liệu để hạn chế một phần tác động từ thị trường.
Hoạt động kinh doanh khởi sắc và kỳ vọng tiếp tục cải thiện, nhưng cơ cấu tài chính của ACL đang bộc lộ một số vấn đề có khả năng gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính bán niên của ACL, phần lớn nguồn vốn cho hoạt động của Công ty đang được tài trợ từ vốn vay. Điều này khiến áp lực lãi vay đối với ACL không hề nhỏ, nhất là trong trường hợp hoạt động kinh doanh không mang về dòng tiền đều đặn.
6 tháng đầu năm 2018, ACL có tổng nợ phải trả là 740 tỷ đồng, trong đó 98% là nợ ngắn hạn, tương đương 730 tỷ đồng. Con số nợ đang vượt 71% so với vốn chủ sở hữu 425 tỷ đồng của ACL.
Theo thuyết minh từ Công ty, hầu hết các khoản vay này đều dưới 1 năm, trong đó đa phần chịu lãi suất thả nổi. Đây là yếu tố rủi ro không nhỏ đối với ACL, bởi nếu lãi suất vay VND tăng/giảm 2% thì tương đương lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm/tăng hơn 12,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ cấu nợ cao khiến chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay tuy giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, còn khoảng 21 tỷ đồng nhưng con số này đã tương đương hơn 36% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh mà Công ty đạt được trong kỳ.
Chưa kể, rủi ro từ các khoản nợ xấu từ khách hàng cũng là vấn đề lớn. Theo thuyết minh từ ACL, Công ty hiện có khoản nợ xấu với giá trị gốc 12 tỷ đồng, nhưng khả năng thu hồi khoảng 9 tỷ đồng. Trước đó, ACL đã phải xóa sổ hơn 12 tỷ đồng nợ khó đòi từ các khách hàng do không thu hồi được.
Hiện tại, so với kế hoạch kinh doanh năm 2018, ACL đã đạt 55,4% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận vượt 62%. Với lợi nhuận trên mỗi cổ phần 6 tháng đạt 2.240 đồng, cổ phiếu ACL đang được giao dịch ở mức P/E hơn 8,2 lần.
Nếu so với bình quân ngành, dư địa tăng trưởng của cổ phiếu vẫn còn, nhưng với quy mô ở mức trung bình, mức định giá kỳ vọng đối với ACL cần có sự cân nhắc.
Các chuyên gia nhận định, cổ phiếu ACL đang tăng trong nghi ngờ, cho đến khi kết quả kinh doanh quý III được công bố. Tuy nhiên, nếu tình hình tài chính tiếp tục phụ thuộc vào vốn vay lớn như hiện nay thì rủi ro với cổ phiếu ACL sẽ lớn dần. Do đó, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo quý tới đây sẽ cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực hơn về cơ cấu nợ, bên cạnh tăng trưởng hoạt động kinh doanh.
Ngọc Phạm
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Doanh nghiệp thủy sản tự tin cán đích
Ít có năm nào, ngành thủy sản Việt Nam tất bật như năm nay, khi hoạt động kinh doanh gặp nhiều yếu tố thuận lợi. Dự báo, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều sẽ đạt được mức lợi nhuận khả quan năm 2018 và diễn biến giá cổ phiếu bắt đầu phản ánh kỳ vọng này.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong năm 2018 được hỗ trợ nhờ bối cảnh xuất khẩu thuận lợi, cùng các thông tin tích cực cho triển vọng ngành trong ngắn và trung hạn.
Số liệu công bố mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản chiếm hơn 21%, ước đạt 6,395 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Hai mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm các loại chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản.
Vừa qua, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Điều này được đánh giá sẽ tạo ra cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó có tôm và cá tra.
Đại diện Công ty cổ phần (CTCP) Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết, hiện chưa thể tiết lộ kết quả kinh doanh 9 tháng, nhưng trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 620 tỷ đồng của VHC trong năm nay là rất cao, thậm chí có thể đạt 1.034 tỷ đồng.
Riêng 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 5.973 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 426 tỷ đồng, lần lượt đạt 42,5% và 68,7% kế hoạch năm.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC, trong thời gian qua, Công ty đã có sự điều chỉnh tăng giá bán hàng tại hầu hết các thị trường xuất khẩu. Điều này giúp biên lợi nhuận trong quý III/2018 được cải thiện.
Bên cạnh lợi thế không phải chịu thuế chống bán phá giá, diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND cũng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực sang Mỹ như VHC có thể hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, qua đó gia tăng lợi nhuận.
Với hơn 45% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc, CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) dự báo sẽ có kết quả kinh doanh khả quan năm nay. Đáng chú ý, biên lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc của Công ty dự kiến sẽ cải thiện khi chính phủ nước này giảm thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào tháng 7/2018.
Không chỉ doanh nghiệp lớn trong ngành dự báo có kết quả sáng, ngay cả cổ phiếu của những doanh nghiệp cá tra quy mô nhỏ hơn cũng "dậy sóng" sau thời gian dài dường như "ngủ im".
Mới đây, CTCP Thủy sản Mekong (AAM) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với sản lượng đạt 2.527 tấn, doanh thu ước đạt 169 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 2,89 tỷ đồng. Với kết quả trên, AAM đã hoàn thành 76,8% kế hoạch năm và vượt gấp đôi kế hoạch lợi nhuận 5 tỷ đồng đề ra năm nay.
Mặc dù cổ phiếu AAM bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo do vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng, nhưng với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu AAM vẫn tăng bất chấp rủi ro về nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10, cổ phiếu AAM leo dốc với phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, đạt 14.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 30% trong chưa đầy 1 tuần.
Một số ý kiến cho rằng, AAM vẫn còn khoảng thời gian từ nay đến hết quý II/2019 để khắc phục vấn đề giảm vốn điều lệ. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp sẽ thực hiện tăng vốn sau khi hoàn tất mua cổ phiếu quỹ trong thời gian từ ngày 20/10 - 19/11/2018. Ngay trong trường hợp xấu nhất, cổ phiếu AAM vẫn được giao dịch trên sàn UPCoM.
Cũng có diễn biến tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua là cổ phiếu ACL của CTCP Thủy sản Cửu Long An Giang với mức tăng hơn 88% trong vòng 3 tháng, hiện dừng ở 18.800 đồng/cổ phiếu. ACL đang đứng thứ 8 về thị phần xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2018, nhưng nửa đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 721 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận sau thuế 53,7 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch năm, ACL đã hoàn thành 55% chỉ tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận đã vượt 63%. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục trong hơn 11 năm niêm yết của ACL.
Cùng với cá tra, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng được kỳ vọng có một năm tích cực. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho hay, 2018 là năm ghi nhận kết quả khả quan nhất đối với FMC trong hơn 22 năm trên thương trường.
Theo đó, với tình hình đơn hàng và giá tiêu thụ (thường chốt theo hợp đồng), FMC tự tin có khả năng vượt mức kế hoạch lợi nhuận 140 tỷ đồng trước thuế mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
"Dự kiến, Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm trong quý III này và có thể vượt trên 20% chỉ tiêu đề ra về lợi nhuận", ông Lực cho hay.
Ngọc Nhi
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Thủy sản Minh Phú dự kiến phát hành riêng lẻ gần 76 triệu cổ phiếu Nếu được thông qua, vốn điều lệ của Thủy sản Minh Phú sẽ tăng lên mức 2.157 tỷ đồng... Ngày 28/9, thị giá MPC ở mức 49.500 đồng/cổ phiếu. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) vừa có thông báo về việc triệu tập Đại hội cổ đông bất thường năm 2018. Theo đó, mục đích...