Ăn Tết xong là… nhập viện
Nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện sau kỳ nghỉ Tết kéo dài do ăn uống quá độ. Đáng nói là đã có bệnh nhân tử vong sau khi ăn tiết canh “giải đen”.
Sáng mùng 1 Tết, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, một bệnh nhân nam (48 tuổi, ngụ Thái Bình) đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn. Trong dịp Tết này, BV đã tiếp nhận gần chục ca nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn, tất cả đều có tiền sử ăn tiết canh.
“Sát thủ” là món khoái khẩu
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh nhân nam kể trên chuyển đến BV trong tình trạng tụt huyết áp, sốc; bác sĩ đã dùng thuốc vận mạch nhưng huyết áp không hồi phục nên bệnh nhân đã tử vong ngay trong chiều cùng ngày.
Theo gia đình bệnh nhân, vào ngày 28 Tết, bệnh nhân ăn món tiết canh tất niên với gia đình. Bình thường, gia đình rất hiếm khi ăn tiết canh nhưng ngày Tết nên có mổ heo “sạch” nhà tự nuôi để làm món tiết canh. Có 5 người cùng ăn nhưng chỉ bệnh nhân này bị nhiễm liên cầu lợn. Một ngày sau ăn tiết canh, bệnh nhân sốt cao, người lạnh run, rối loạn tiêu hóa nhưng không đến BV. Sau một ngày sốt, chiều 30 Tết, thấy bệnh nhân mệt lả, tụt huyết áp nên người nhà đã đưa đến trạm xá khám, sau đó chuyển lên BV tỉnh rồi đến BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Theo bác sĩ Cấp, ca bệnh này diễn tiến rất nhanh và được chẩn đoán ở thể tối cấp. Chỉ sau 1 ngày sốt, bệnh nhân đã tụt huyết áp, sốc dù chưa có những dấu hiệu điển hình của liên cầu lợn. Ngoài bệnh nhân này, còn 6-7 trường hợp khác cũng nhập viện sau khi thưởng thức món khoái khẩu là tiết canh. Hiện vẫn còn một số bệnh nhân đang phải “ăn Tết” ở BV để chữa trị do nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn. “Dù hình ảnh bệnh nhân với những ban hoại tử vùng da chân, tay rất khủng khiếp nhưng nhiều người vẫn không thể kìm lòng trước món tiết canh. Thậm chí, có người bình thường không ăn nhưng vì muốn lấy may, lấy “đỏ” nên vẫn thử tiết canh vào dịp Tết. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, số bệnh nhân mắc liên cầu lợn lại tăng lên” – bác sĩ Cấp nói.
Do ăn uống thiếu kiểm soát nên nhiều người đã phải nhập viện ngay trong những ngày đầu năm mới. Trong ảnh: Một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương
Bệnh nhân xơ gan tăng cao
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết trong những ngày Tết vừa qua, số bệnh nhân nhập viện vì xơ gan tăng cao bất thường, trong đó có ít nhất 6 trường hợp tử vong. Đây đều là những bệnh nhân bị xơ gan mãn tính, được xuất viện về ăn Tết. Tuy nhiên, họ đã không tiết chế việc ăn uống, nhất là rượu, điều trị không đến nơi đến chốn hoặc bỏ điều trị.
Video đang HOT
Đáng nói là rất nhiều bệnh nhân khi xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, đã chủ quan không nhập viện, trong khi với bệnh nhân xơ gan, khả năng chuyển hóa các độc chất kém hơn so với người bình thường. Vì vậy, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê nên đã không thể qua khỏi.
Bị gout vì ăn nhậu “thả phanh”
Theo bác sĩ Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, số bệnh nhân khám do các bệnh lý huyết áp, tim mạch, gout tăng đột biến. Chỉ riêng buổi sáng 6-2 (mùng 7 Tết), phòng khám chuyên khoa tim mạch – huyết áp đã tiếp nhận 106 bệnh nhân, hầu hết bị huyết áp tăng khó kiểm soát và bệnh mạch vành. Ngoài ra, một số trường hợp có nguy cơ tai biến với các biểu hiện yếu nửa người, khó phát âm. Đáng lưu ý là phần lớn bệnh nhân huyết áp, tim mạch này bị tác động mạnh bởi yếu tố cảm xúc. Điển hình, một bệnh nhân nam (81 tuổi, ở Hải Phòng) đến khám trong tình trạng huyết áp cao, đau ngực. Người này cho biết trong ngày Tết, gia đình có chuyện buồn nên ông luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, lo âu.
Theo một số bác sĩ tim mạch, xương khớp, sau Tết, các bệnh chuyển hóa liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt tăng khá cao so với thời điểm trước Tết. Trong đó, tăng đường huyết, gout là những bệnh đồng hành với nhóm bệnh huyết áp, tim mạch, rối loạn mỡ máu. Đặc biệt, số bệnh nhân tới khám do bị gout chủ yếu rơi nhiều vào nhóm thanh niên từ 25-30 tuổi. Đây là hệ quả sau những ngày Tết ăn nhậu “thả phanh”. Các bệnh nhân gout đến khám trong tình trạng axít uric tăng cao, sưng, nóng, đỏ các khớp; một số trường hợp đau cứng các khớp gây cản trở cho sinh hoạt hằng ngày. Khi mức axít uric trong máu quá cao, nó có thể kết tủa thành các tinh thể tích tụ trong bao hoạt dịch, ổ khớp gây đau đớn dữ dội.
Bác sĩ Thành lưu ý đây là những bệnh lý của “tháng ăn chơi” nên mọi người cần có ý thức kiểm soát để tránh những tai biến nguy hiểm như đột quỵ, tăng huyết áp, tăng hoặc giảm đường huyết ngoài mức kiểm soát.
Theo VNE
Người mẹ khốn khổ 10 năm chờ con về ăn Tết trong vô vọng
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày người con trai duy nhất của bà Nguyễn Thị Dưỡng mất tích, năm nào bà cũng gói bánh chưng, chuẩn bị Tết rồi thất thần nhìn ra đường chờ đợi.
Người mẹ già hằng ngày vẫn ngồi ở bến sông chờ đợi đứa con yêu thương (ảnh minh họa)
Năm qua năm, đến nay, bà vẫn lủi thủi một mình trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng và chưa khi nào bà thôi nguôi hy vọng đứa con trai sẽ trở về.
Người phụ nữ bất hạnh
Khi những người hàng xóm đang tất bật chuẩn bị Tết thì người mẹ già khốn khổ vẫn tựa cửa nhìn ra phía đường cái ngóng tin con về. Chốc chốc, khi chiếc xe khách dừng lại trả khách, mắt bà lại ánh lên niềm hy vọng, nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu khi bà biết những người vừa xuống xe ấy không phải là con mình.
Cảnh tượng ấy đã lặp đi, lặp lại 10 năm nay, nhưng người mẹ già nua, gầy yếu ngồi đứng trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, xập xệ ấy chưa khi nào nguôi hy vọng rằng đứa con của mình sẽ về nhà ăn Tết trên một chuyến xe nào đó.
Qua tìm hiểu, được biết bà Dưỡng (62 tuổi, trú tại xóm 4, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) sống một mình trong ngôi nhà vắng lạnh cho dù bà là người gốc ở đây. Chỉ nhìn vào gia cảnh của bà cũng đủ biết được chủ nhân của ngôi nhà đó là như thế nào. Gọi là nhà cho oai chứ thực chất đó là là túp lều nhỏ trên mảnh đất bốn bề là ao phủ. Nghe bà kể về cuộc đời mình mới thấu hiểu được những bất hạnh mà người mẹ này đã phải hứng chịu bao năm qua.
Lúc còn là thanh niên, cô thôn nữ Nguyễn Thị Dưỡng đi thoát ly, xin làm công nhân thuộc Công ty đường sắt số 6 tuyến đường Hà Nội - Yên Bái, với dáng người nhỏ nhắn, xinh tươi lại chịu thương, chịu khó cùng với cái nết hay lam, hay làm của con nhà nông, nên không ít thanh niên cùng trang lứa ở công ty thầm yêu trộm nhớ.
Cuối cùng cô chọn một người làm cùng đội, nhà gần công ty thuộc xã Phùng Thái, huyện Cẩm Khê (Vĩnh Phúc) làm bạn đời. Cuộc sống hạnh phúc gia đình sớm đơm hoa kết trái, khi cô lần lượt sinh được cậu con trai và cô con gái kháu khỉnh. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong công ty cũng phải ghen tỵ với hạnh phúc của đôi vợ chồng.
Trong thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, công việc của công ty ngày càng ít đi, nhiều người phải xin về mất sức sớm để chuyển sang làm công việc khác. Cuộc sống gia đình cô Dưỡng cũng rơi vào cảnh túng thiếu..., thay vì tìm việc làm thêm, phụ giúp gia đình, người chồng lại lao vào chơi bời, trai gái.
Sau bao lần khuyên nhủ, người chồng không những thay tâm chuyển tính mà còn dẫn cả người tình về ở tại nhà, đánh đập vợ con và ép vợ ký vào đơn ly dị. Cuộc sống gia đình càng thêm căng thẳng, ngột ngạt. Suy đi tính lại, thấy không thể sống cảnh như vậy mãi được, cô đành chấp thuận ly hôn và đưa các con về quê ngoại ở Nam Định sinh sống.
Trở về quê, với số tiền trợ cấp ít ỏi của chế độ về mất sức, ba mẹ con phải ở hết nhà người quen này đến nhà người quen khác. Cuối cùng các cấp chính quyền địa phương thương tình cấp cho mấy chục mét vuông đất ở khu ruộng mạ cho 3 mẹ con làm nhà, sinh sống và 3 sào ruộng khoán làm kế sinh nhai. Dù khó khăn, nhưng 3 mẹ con vẫn chăm chỉ làm lụng, mò cua bắt ốc bươn trải với cuộc sống.
Con trai bỗng nhiên mất tích
Bà Dưỡng vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh, đó là vào dịp cuối năm 2003, người con trai lớn tên là Bùi Văn Thu (SN 1976) lúc đó 27 tuổi. Bà nhận được điện của người em chồng trên Vĩnh Phúc báo tin con gái cưới, mời mẹ con bà lên quê ăn cưới. Nhà đang bận đồng áng, nên chỉ có người con trai lớn đi lên quê. Trước khi đi, anh con trai còn nói với bà: "Mẹ ơi con đi 2 hôm, rồi con về để còn tát nước cấy thửa ruộng không hết nước mẹ ạ".
Tuy nhiên, đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy con. Sau 3 ngày vẫn chưa thấy con về, bà sốt ruột đánh điện lên trên quê chồng hỏi thì nói con về từ ngày hôm trước rồi. Chờ thêm hai ngày nữa vẫn chẳng thấy con về, lòng bà như lửa đốt. Bà mượn tiền cùng người nhà lên quê chồng hỏi rõ tin tức về con, nhưng mọi người cũng thuật lại chi tiết việc Thu đã lên rồi về như thế nào.
Nhà nghèo, chẳng có tiền tổ chức đi tìm kiếm hoặc nhờ đài báo nhắn tin, nên bà chỉ biết trở về chờ đợi con đến phát bệnh. Biết chuyện mọi người đến chia sẻ với bà, nhưng bà cứ quả quyết: "Cháu nó cũng đã 26-27 tuổi rồi chắc không sao, nó sẽ về với tôi bởi cũng năm hết Tết đến rồi".
Thế nhưng, Tết năm đó người con trai của bà không trở về và những năm sau cũng thế. Từ đó trở đi, vì thương nhớ con nên tính bà trở nên lẩn thẩn, thường ngồi nói chuyện một mình như đang nói chuyện với con trai mình. Đêm nào bà cũng nằm mơ thấy con về, lúc thì người bê bết bùn đất, đói rách, hỏi thì con bảo, bị bọn đào vàng bắt cóc đi từ lúc ở bến tàu, đưa vào một khu rừng sâu, có 6 trạm gác mà chẳng biết thuộc khu vực nào.
Có lúc bà lại mơ thấy con bị kẻ gian lừa bán ra nước ngoài, cũng có lúc bà lại mơ thấy con đi làm công nhân ở một tỉnh ở tận trong miền Nam, lấy vợ và sinh cho bà những đứa cháu kháu khỉnh, nhưng vì chưa có điều kiện nên không thể về thăm bà được.
Vẫn không nguôi hy vọng
Ngôi nhà bà Dưỡng ở có diện tích chỉ khoảng 10 mét vuông lẫn với mùi ẩm mốc cùng chuột bọ rúc rích. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài chiếc nồi cơm điện và cái giường nằm. Gian bếp bên cạnh bị cháy nham nhở đã nhiều năm nay nhưng bà cũng chẳng buồn nhờ người làm lại, vì theo bà "có làm lại cũng chẳng có người để dùng đến nó".
Bà cầm tấm ảnh con phía đầu giường đưa cho tôi rồi nghẹn ngào nói: "Thằng Thu nó ngoan lắm, sống chẳng mất lòng ai bao giờ, lúc đấy nó bảo qua năm con sẽ cưới vợ về để phụng dưỡng mẹ và sinh cháu cho mẹ bế bồng". Trước khi ra về, bà khẳng định: "Ai hỏi tôi cũng bảo cháu nó đi làm ăn xa chưa có điều kiện về thăm mẹ. Năm nay, tôi vẫn gói bánh chưng chờ nó về để ăn Tết, chú ạ".
Còn về cô con gái, số phận cũng hẩm hiu chẳng khác người mẹ của mình. Lấy chồng ở làng bên, nhưng anh chồng tối ngày rượu chè, đánh đập vợ con nên cuộc sống cũng trong cảnh nghèo khó. Không chịu đựng được nên con gái bà đã xin đi làm giúp việc ở Đài Loan kiếm tiền gửi về nuôi các con. Người con rể sau thời gian nát rượu, mắc bệnh rồi mất, thành thử giờ bà cứ như con thoi lúc ở nhà ngóng tin con trai, khi thì chạy sang nhà con gái chăm 2 đứa cháu ngoại.
Ông Bùi Văn Tư - Trưởng xóm 4 cho biết: "Bà Nguyễn Thị Dưỡng là một người phụ nữ có hoàn cảnh, cậu con trai đã mất tích 10 năm nay không có tin tức gì. Mong ai biết được tin tức gì thì xin báo cho mẹ cháu và địa phương biết. Đối với địa phương, chúng tôi cũng chỉ có thể động viên, giúp đỡ bằng cách đưa bà vào diện đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc".
Theo Hà Nam
Lao động
[Chế biến] - Gà quay vị trà Tết thì nhà nào cũng có gà rồi, nhưng gà luộc, gà ram ăn mãi cũng chán. Bạn hãy thử đổi vị cho gia đình bằng món gà quay vị trà chống ngán này nhé. - 300g đùi gà - 30ml nước cốt chanh vàng - 10g trà khô - 15ml rượu trắng - 5g muối - 5g đường - 15ml xì dầu...