An tâm khi đến bệnh viện
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bệnh viện tại TPHCM cho biết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện (BV) khám chữa bệnh sụt giảm hơn so với trước.
Nguyên nhân được cho là do tâm lý e ngại đến nơi đông người của người dân. Tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo, một số người bệnh có nguy cơ bệnh trở nặng hơn nếu không được khám, điều trị kịp thời.
Người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM đều được đo thân nhiệt ngay từ cổng bệnh viện
Lượt khám chữa bệnh giảm mạnh
BV Chợ Rẫy TPHCM, nơi trước đây mỗi ngày có 5.500 – 6.000 người bệnh đến khám ngoại trú thì nay con số này chỉ còn khoảng 4.000 lượt khám. Không còn cảnh đông đúc, chen chúc đến ngột ngạt thường thấy, những ngày gần đây người bệnh đã cảm thấy “dễ thở” hơn khi đi khám bệnh. Bệnh nhân Võ Thị Mến (61 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Các khâu chờ đến lượt khám, đóng tiền, chờ chụp phim, trả kết quả… cũng nhanh hơn bình thường”.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp BV Chợ Rẫy, trong bối cảnh dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam, việc người dân có tâm lý e ngại đến nơi đông người là điều dễ hiểu. Vì thế, nhiều người đã “hoãn”, không đi khám bệnh trong dịp này.
Tương tự, tại BV Da liễu TPHCM, nếu trước đây mỗi ngày có hơn 2.200 lượt khám bệnh thì nay con số này chỉ còn khoảng 1.800 ca, giảm 20% – 25% so với trước. TS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu, cho biết: “Đương nhiên giảm bệnh nhân thì nguồn thu chắc chắn giảm, nhưng so với những đồng nghiệp phải trực tiếp chống dịch thì khó khăn của chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ”. Có mức giảm mạnh hơn là Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, những ngày gần đây, số lượt khám chữa bệnh đã giảm đến 50%.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách phòng khám, cho biết do dịch Covid-19, đa số người dân lo sợ phải đến các cơ sở y tế vì những nơi này thường đông người. Nhiều người có tâm lý chỉ khi cần cấp cứu hoặc bệnh nặng mới phải đến BV. Cảnh tượng “vắng” bệnh nhân cũng diễn ra tại các BV nhi trên địa bàn thành phố. Tại BV Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.000 – 3.000 ca khám ngoại trú, trong khi trước kia lên đến 5.000 – 6.000 bệnh nhi/ngày. Còn BV Nhi đồng 2 thì mỗi ngày hiện chỉ có khoảng 2.000 – 2.500 bệnh nhi đến khám, có ngày giảm xuống dưới 2.000 lượt.
Nguy hiểm khi không thăm, khám kịp thời
Mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ 3 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần, bà Lê Thu Nga (65 tuổi, ngụ quận 2) đến BV Quận 2 tái khám, kiểm tra đường huyết và được bác sĩ kê đơn thuốc. Thế nhưng hơn một tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, bà không đi tái khám.
“Tôi nghe báo đài nói hạn chế đi ra đường, hạn chế đến nơi đông người nên tôi không dám đi tái khám, mà tự ở nhà theo dõi đường huyết, lấy toa thuốc cũ mà bác sĩ kê cho hồi đầu tháng 2 để mua thuốc uống”, bà Nga cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, bà Nga không phải là trường hợp ngoại lệ, tình trạng người dân tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ mà không tái khám theo lịch do e ngại dịch bệnh đã trở nên phổ biến. “Việc sử dụng lại đơn thuốc là vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với những người bệnh mãn tính. Không phải tự dưng mà các bác sĩ chỉ định lịch tái khám cho người bệnh. Đã hẹn lịch tái khám có nghĩa là người bệnh cần thiết phải quay lại để được kiểm tra sau khoảng thời gian đó, nếu không quay lại thì có nguy cơ bệnh trở nặng, thậm chí có thể tử vong. Có khi không chết vì dịch Covid-19 mà chết vì các bệnh đang mắc phải”, bác sĩ Hiệp lưu ý.
Cùng ý kiến phản đối người bệnh tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ, bác sĩ Phạm Thanh Việt cho rằng, với những người bệnh có nguy cơ cao thì việc sử dụng toa thuốc cũ tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Ví dụ, những người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nếu sử dụng lại toa thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết, huyết áp sẽ giảm nhưng người bệnh vẫn không hay biết, từ đó có sự chủ quan. Đến một thời điểm nào đó, bệnh sẽ bắt đầu có biến chứng như gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
“Bình thường việc giảm lượng bệnh nhân đến BV là tín hiệu vui, vì sức khỏe của người dân ổn định. Tuy nhiên, nếu như vì lo ngại dịch bệnh mà không đến BV để khám bệnh kịp thời thì lại vô cùng nguy hiểm, bởi vô tình đã bỏ qua giai đoạn vàng, phát hiện sớm bệnh, đến khi bệnh nặng quá mới đi khám thì mọi việc đã không thể cứu vãn”, bác sĩ Nguyễn Thanh Việt khuyến cáo.
Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Đơn cử như các BV Đại học Y Dược TPHCM, Da liễu, Thống Nhất… đều tăng cường công tác sàng lọc tất cả đối tượng vào khuôn viên BV (người bệnh, người nhà người bệnh, người nuôi bệnh, người thăm bệnh, đối tác đến làm việc, học viên…), trước khi vào cổng đều được nhân viên y tế của BV đo thân nhiệt, sát khuẩn tay.
Do đó, người dân nên yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp phòng dịch của BV. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có bệnh người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, đồng thời quay lại tái khám đúng hẹn tránh tình trạng để bệnh quá nặng, sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến BV hoặc những nơi đông người, người dân cần trang bị khẩu trang, hạn chế nói chuyện, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn… để phòng dịch.
7 cách phòng ngừa Covid-19 cho bệnh nhân ung thư
Người bệnh ung thư đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm Covid-19 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị ICU - Hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn so với người không mắc ung thư.
Bệnh viện K tăng cường tần suất vệ sinh khử khuẩn các khu vực công cộng
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K dẫn thông tin từ một nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn so với người không ung thư.
Người bệnh ung thư đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm Covid-19 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị ICU - Hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn so với người không ung thư.
GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là các thuốc sử dụng trong hóa trị có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch. Vì thế, nếu người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 thì không có gì phải lo lắng. Nếu biểu hiện bất thường, người bệnh hãy liên lạc với bác sĩ điều trị và tuân thủ các hướng dẫn.
Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo người bệnh cần: Tránh tiếp xúc với nguồn lây, tránh đến nơi đông người; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước (trong 20 giây) hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có ít nhất 60% cồn; Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng; Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy đi. Hoặc ho, hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay của mình; Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào như: tay nắm cửa, quầy hàng, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại... Nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người như bệnh viện, siêu thị...
Ngoài ra bệnh nhân ung thư cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch chống lại bệnh ung thư cũng như các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Tăng cường các biện pháp bảo hộ cho người bệnh ung thư và sau điều trị ung thư; tích cực sàng lọc, theo dõi sát người bệnh ung thư lớn tuổi hoặc có bệnh lý kèm theo.
THÁI HÀ (Tiền phong)
Mẹ đảm Vũng Tàu giải đáp 1001 câu hỏi liên quan đến nuôi con theo Easy giữa mùa dịch Covid-19 Những câu hỏi và lời giải đáp của chị Châu Tây (sống tại Vũng Tàu) cũng chính là những mối lo lắng mà hầu hết, các bà mẹ nuôi con đang băn khoăn, tìm hiểu. Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, trong đó một trong những đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất chính là trẻ em. Bởi các bé...