Ẩn số Tướng Esmail Qaani
Tướng Esmail Qaani, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran đã xuất hiện trong một sự kiện ở Iraq sau 2 tuần được cho mất tích sau vụ tập kích của Israel nhằm vào Beirut.
Trong hình ảnh phát trên Truyền hình Quốc gia Iran ngày 14/10, ông Qaani mặc áo màu đen và ngồi giữa các quan chức tại tang lễ tướng Abbas Nilforoushan, người thiệt mạng ở Lebanon cuối tháng 9.
Đám tang được tổ chức tại thành phố Karbala ở Iraq, nơi được coi là thánh địa với người Hồi giáo Shiite. Sự xuất hiện của ông không những không vén màn lớp sương mù bí ẩn và đồn đoán khi ông đột ngột “mất tích”, mà thậm chí còn tiếp tục khiến người ta đặt thêm nhiều câu hỏi.
Nhân vật bí ẩn
Những ngày đầu tháng 10/2024, điều dư luận quan tâm là tướng Esmail Qaani, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, ở đâu? Ông còn sống hay đã chết? Hàng loạt luồng thông tin trái ngược về tình trạng của vị tướng này thời điểm đó được cho là không đơn thuần liên quan đến những vấn đề cá nhân, mà còn là tín hiệu của những biến động lớn trong cán cân quyền lực cấp cao Iran và khu vực. Bản thân Esmail Qaani là một người kín đáo và lặng lẽ, do đó những câu chuyện xung quanh càng khiến người ta thêm tò mò.
Thông tin nổi bật liên quan đến việc ông Qaani dường như đột ngột biến mất bắt nguồn từ những đồn đoán rằng đơn vị đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) dưới sự lãnh đạo của ông bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động tình báo cho Israel và có liên quan đến các vụ không kích tại Lebanon hồi tháng 9, chuỗi sự kiện kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng cho “trục kháng chiến” của Iran tại Trung Đông.
Các nguồn tin đăng tải thời điểm ông Qaani biến mất trước công luận đều kèm bình luận là chưa thể khẳng định và chưa thể kiểm chứng rõ ràng. Một loạt tờ báo như Al Alaabiya, Middle East Eye, Times of Israel, Economic Times và nhiều trang điện tử loan tin tướng Esmail Qaani vắng mặt kể từ sau các cuộc không kích hồi cuối tháng 9 của Israel vào thủ đô Beirut của Lebanon giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và Phó Chỉ huy IRGC Abbas Nilforoushan. Ông Qaani đã đến Lebanon sau cái chết của lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah trong một cuộc không kích của Israel trước đó, và kể từ đó không ai nghe tin tức gì về ông.
Ông Esmail Qaani (giữa) và Tư lệnh IRGC Hossein Salami (bên phải) tham dự lễ tưởng niệm tướng Qasem Soleimani, ngày 9/1/2020
Một số nguồn tin nhận định ông có thể đã thiệt mạng trong cuộc không kích, trong khi những nguồn khác lại ám chỉ ông đang bị giam giữ tại nhà và bị chính quyền Iran thẩm vấn. Truyền thông Arab và khu vực đặt nghi vấn tướng Iran Qaani còn sống, nhưng đang bị IRGC điều tra. Đài Al-Arabiya thông tin ông Qaani hiện đang bị giám sát và cô lập. Các nguồn tin từ Lebanon và Iraq thậm chí ám chỉ ông bị quản thúc tại gia và thẩm vấn dưới sự giám sát của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Ngày 7/10, ông Iraj Masjedi, phó chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds, tuyên bố tướng Qaani vẫn đang mạnh khỏe.
Ngày 10/10, Sky News Arab đưa tin ông Qaani đã lên cơn đau tim trong quá trình thẩm vấn và được đưa đến bệnh viện. Chánh văn phòng của ông Qaani là Ehsan Shafiqi cũng bị giám sát chặt chẽ.
Một Qaani “lặng lẽ”
Esmail Qaani là Chỉ huy Lực lượng Quds, một nhánh tinh nhuệ của IRGC. Ông tiếp quản vị trí này sau cái chết của người tiền nhiệm Qassem Soleimani vào tháng 1/2020. Lực lượng Quds đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Iran tại Trung Đông. chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Iran ở nước ngoài và hỗ trợ các nhóm vũ trang đồng minh trên khắp khu vực, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và phiến quân Houthi ở Yemen. Vị trí của Qaani, do đó, không chỉ quan trọng trong nội bộ Iran mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến cả khu vực Trung Đông.
Esmail Qaani, sinh năm 1957 tại Mashhad (Iran) và bắt đầu sự nghiệp trong thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980. Đây là giai đoạn quan trọng hình thành nên tư tưởng và kinh nghiệm chiến đấu của nhân vật này. Sau chiến tranh, ông Qaani tiếp tục phục vụ trong IRGC và dần leo lên các vị trí cấp cao.
Video đang HOT
Năm 1997, Qaani được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy Lực lượng Quds dưới quyền của Qassem Soleimani. Trong vai trò này, ông chịu trách nhiệm chính về các hoạt động ở phía Đông Iran, đặc biệt là ở Afghanistan và Pakistan. Sau cái chết của Qassem Soleimani trong một cuộc không kích của Mỹ vào tháng 1/2020, ông Qaani được lãnh đạo tối cao Ali Khamenei bổ nhiệm đảm nhận vị trí Chỉ huy Lực lượng Quds. Khi tiếp quản vị trí Chỉ huy Quds, ông Qaani cam kết tiếp tục sứ mệnh của người tiền nhiệm Soleimani trong việc đánh bật các lực lượng Mỹ khỏi Tây Á.
Không giống tướng Soleimani, người thường chụp ảnh và xuất hiện trên chiến trường trong các trận đánh tại Syria và Iraq cùng các chiến binh được Tehran hậu thuẫn, ông Qaani tỏ ra kín tiếng và lặng lẽ hơn, thường tiến hành các cuộc gặp riêng và tránh khỏi công luận. Giai đoạn ông nắm quyền trùng với các chiến dịch quân sự Israel nhắm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hezbollah và các nhóm bán quân sự khác.
Ông Qaani cũng giữ mối giao thiệp hạn hẹp hơn với các đồng minh Arab của Iran, một phần vì hạn chế ngôn ngữ. Thực tế, giới phân tích chỉ ra rằng, với rào cản ngôn ngữ cùng phong cách có phần “lặng lẽ”, ông Qaani gặp khá nhiều thách thức trong việc xây dựng mối quan hệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng tại Iraq, Lebanon và Syria như dưới thời Soleimani. Ông tiếp quản quyền chỉ huy Quds với nhiều khó khăn, không chỉ do cái bóng của Soleimani mà còn vì căng thẳng nội bộ trong IRGC và sự cạnh tranh từ các phe phái khác. Đặc biệt, sự ủng hộ công khai của Ayatollah Khamenei vào tháng 12/2023 cho thấy có thể có sự chia rẽ sâu sắc trong IRGC và sự cần thiết phải củng cố vị trí của tướng Qaani.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp và vai trò nổi bật của vị tướng này. Với tư cách là Chỉ huy Lực lượng Quds, ông Qaani đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự và tình báo của Iran ở nước ngoài. Lực lượng này được coi là “cánh tay nối dài” của Iran tại khu vực Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới. Ông cũng chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn trong khu vực như Hezbollah, theo đó cung cấp nguồn tài chính, huấn luyện và trang thiết bị quân sự cho nhóm này, giúp Hezbollah gia tăng khả năng chiến đấu, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại Israel.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, ông Qaani đã tham gia củng cố lực lượng dân quân Shiite, đóng vai trò trong việc chỉ đạo hình thành các liên minh giữa các nhóm này, như Mặt trận Huy động quần chúng (PMF), để chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tại Syria, ông Qaani đã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai lực lượng Quds đến Syria để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến, cung cấp chiến lược quân sự và nguồn lực cho các nhóm vũ trang thân Iran, nhằm bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Dưới sự lãnh đạo của tướng Qaani, Iran đã tăng cường hỗ trợ cho phong trào Houthi ở Yemen, cung cấp vũ khí và huấn luyện để giúp nhóm này trong cuộc chiến chống lại liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Điều này giúp Iran gia tăng ảnh hưởng tại khu vực bán đảo Arab. Không nói quá khi cho rằng Qaani đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định và thực thi chiến lược quân sự của Iran tại khu vực, bao gồm cả việc mở rộng ảnh hưởng của Iran tại Syria và Iraq.
Dưới thời ông Qaani, Quds và IRGC đã nâng cao năng lực không đối xứng với chương trình tên lửa đạn đạo và tăng cường hoạt động tình báo mạng, thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng đối thủ. Thay vì sử dụng quân đội chính quy, Iran áp dụng chiến lược an ninh mạng và triển khai nhóm vũ trang ủy nhiệm, giúp giảm thiểu nguy cơ bị trả đũa và làm khó cho đối thủ trong việc xác định nguồn gốc các cuộc tấn công. Dù ít xuất hiện công khai hơn người tiền nhiệm, Qaani vẫn có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán bí mật với các nhóm và quốc gia trong khu vực.
Vùng nước sâu khó lường
Sự “mất tích” rồi đột ngột “tái xuất” của tướng Esmail Qaani là một sự kiện đầy bí ẩn và cho thấy sức ảnh hưởng lớn tới cục diện khu vực.
Khi ông Qaani vắng mặt, những lo ngại nhanh chóng nảy sinh bởi việc mất đi người đứng đầu Lực lượng Quds có thể làm suy yếu khả năng của Iran trong việc điều phối các lực lượng ủy nhiệm vào thời điểm được cho là nhạy cảm trước những chiến lược quyết đoán của phía Israel. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu ông Qaani được xác nhận đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel, kịch bản sẽ rất khó tránh là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia, vốn đã đang ở thế sẵn sàng cho một cuộc đụng độ mà người ta cảnh báo là có thể khiến chảo lửa Trung Đông bùng cháy dữ dội.
Khoảng trống mà ông Qaani để lại “đột ngột” cũng có thể sẽ buộc Iran phải đối mặt với thách thức tìm kiếm người kế nhiệm phù hợp. Và bây giờ, khi ông đã trở lại, một vấn đề khác lại được nhắc đến: một cuộc cải tổ lớn trong Lực lượng Quds, đưa lực lượng này ra khỏi thời đại của Soleimani và vào một vai trò khác trong khu vực để phù hợp với phong cách lãnh đạo và những hạn chế riêng của ông.
Dù thực tế câu chuyện đằng sau như thế nào, những ồn ào và đồn đoán suốt vài tuần qua quanh tướng Qaani đã chỉ ra những thách thức mà Iran đang phải đối mặt trong việc duy trì ảnh hưởng tại khu vực, những căng thẳng nội bộ trong hệ thống quyền lực và hơn hết là tương lai của “trục kháng chiến” tại Trung Đông.
Các nhóm vũ trang Iraq tạm dừng tấn công lính Mỹ theo đề nghị của tướng Iran
Nhiều nguồn tin Iran và Iraq cho biết sau chuyến thăm Baghdad của chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, các nhóm vũ trang thân Iran ở Iraq đã tạm dừng tấn công binh sĩ Mỹ.
Đây là dấu hiệu cho thấy Iran muốn ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn.
Ảnh hưởng của Iran
Theo hãng tin Reuters ngày 18/2, ông Esmail Qaani đã có cuộc gặp nhanh với đại diện của một số nhóm vũ trang tại sân bay Baghdad vào ngày 29/1, chưa đầy 48 giờ sau khi Mỹ cáo buộc các nhóm này sát hại 3 binh sĩ Mỹ tại Tháp 22 ở Jordan.
Ông Qaani đã nói với các nhóm vũ trang rằng việc làm cho người Mỹ đổ máu có thể gây nguy cơ Mỹ đáp trả nặng nề. Ông nói rằng các nhóm nên giảm hoạt động để tránh các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các chỉ huy cấp cao, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc thậm chí là trả đũa trực tiếp Iran.
Mặc dù ban đầu có một nhóm không đồng ý với yêu cầu của Tướng Qaani, nhưng hầu hết những nhóm khác đều đồng ý. Ngày hôm sau, nhóm Kataib Hezbollah tuyên bố họ sẽ tạm dừng các cuộc tấn công.
Từ ngày 4/2, không có cuộc tấn công nào vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria. Trong khi trong hai tuần trước chuyến thăm của ông Qaani, đã có hơn 20 vụ. Đây là một làn sóng bạo lực gia tăng của các nhóm nhằm phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Chỉ huy cấp cao của một trong những nhóm vũ trang Iraq thân Iran cho biết: "Nếu không có sự can thiệp trực tiếp của Tướng Qaani, sẽ không thể thuyết phục Kataib Hezbollah dừng các hoạt động quân sự để giảm bớt căng thẳng".
Các bên liên quan chưa phản hồi về thông tin trên của Reuters.
Chuyến thăm của ông Qaani đã được truyền thông Iraq nhắc đến nhưng chi tiết về thông điệp cũng như tác động vẫn chưa được đưa tin trước đây.
Thành công rõ ràng của chuyến thăm Iraq nói trên nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Iran đối với các nhóm vũ trang Iraq. Đây là những nhóm có chung mục tiêu đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq.
Chính phủ Iraq đang cố gắng ngăn đất nước này một lần nữa trở thành chiến trường của các thế lực nước ngoài và đã yêu cầu Iran giúp kiềm chế các nhóm sau vụ tấn công ở Jordan.
Theo cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani, ông Farhad Alaadin, Thủ tướng al-Sudani đã làm việc với tất cả các bên liên quan cả trong và ngoài Iraq, cảnh báo họ rằng leo thang bạo lực sẽ gây bất ổn cho Iraq cũng như khu vực.
Đàm phán chấm dứt hiện diện của Mỹ ở Iraq
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Semalka, biên giới Syria và Iraq ngày 12/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau cuộc tấn công ở Jordan, các cuộc đàm phán với Mỹ đã được nối lại để bàn về việc chấm dứt hiện diện của Mỹ tại Iraq. Cụ thể, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tướng Yehia Rasool, phát ngôn viên quân sự của Thủ tướng al-Sudani, cho biết Ủy ban quân sự tối cao Iraq đã nối lại các cuộc họp vào ngày 11/2 với các lực lượng của liên minh quân sự quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.
Theo ông Rasool, các cuộc thảo luận nhằm đánh giá mối nguy hiểm do IS gây ra cũng như môi trường hoạt động và khả năng của các lực lượng vũ trang Iraq. Trên cơ sở các cuộc họp này, một thời gian biểu sẽ được xây dựng để nghiên cứu và cắt giảm dần dần quân số của các lực lượng thuộc liên minh quốc tế chống IS cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.
Ông Rasool nói thêm nếu không có gì làm gián đoạn các cuộc đàm phán, các cuộc họp sẽ thường xuyên được tổ chức để hoàn tất công việc của Ủy ban quân sự tối cao chung một cách nhanh nhất có thể.
Chính quyền Iraq mong muốn chấm dứt vai trò của liên minh quốc tế chống IS để chuyển sang hợp tác quân sự song phương với từng nước thành viên thuộc liên minh này. Tuy nhiên, liên quân và Mỹ cho rằng quá trình này có thể mất thời gian. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 1, nhưng ngay sau đó xảy ra vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan.
Một số đảng và nhóm vũ trang ở Iraq cũng thích đàm phán hơn là tấn công để chấm dứt hiện diện của binh sĩ Mỹ. Trước đây, Mỹ đã không sẵn lòng đàm phán để thay đổi vì lo ngại điều đó sẽ khuyến khích Iran.
Mỹ hiện có khoảng 2.500 quân ở Iraq và 900 quân ở Syria làm nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ. Đây là một phần của liên minh quốc tế được triển khai vào năm 2014 để chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, chủ yếu ở phía Tây Iraq và phía Đông Syria.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện diện của Mỹ tại Iraq sẽ chuyển sang mối quan hệ an ninh song phương lâu dài.
Mỹ khẳng định rằng Iran có ảnh hưởng lớn tới các nhóm vũ trang trong khu vực. Iran nói họ đã tài trợ, tư vấn và đào tạo các nhóm này nhưng các nhóm tự quyết định hoạt động.
Các nguồn tin đều nhất trí rằng cả Iran và Iraq đều muốn tránh leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, một quan chức an ninh cấp cao của Iran nhận định: "Chuyến thăm của Tư lệnh Qaani đã thành công, mặc dù không hoàn toàn, vì không phải tất cả các nhóm ở Iraq đều đồng ý giảm căng thẳng".
Nhóm Nujaba, dù nhỏ nhưng rất tích cực hoạt động, tuyên bố họ sẽ tiếp tục tấn công, lập luận rằng lực lượng Mỹ sẽ chỉ rời Iraq bằng vũ lực.
Một quan chức Mỹ khác thừa nhận vai trò của Iran trong việc giảm bớt các cuộc tấn công binh sĩ Mỹ nhưng không rõ liệu tình trạng tạm lắng có kéo dài hay không.
Một nhóm bảo trợ đại diện cho các phe phái cứng rắn tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động sau vụ Mỹ giết chết thủ lĩnh cấp cao Kataib Hezbollah là Abu Baqir al-Saadi ở Baghdad vào ngày 7/2.
Từ khi chiến sự bùng phát ở Gaza, hàng chục cuộc tấn công và một số đợt phản ứng trả đũa của Mỹ đã diễn ra.
Các quan chức Iraq hy vọng tình trạng tạm lắng hiện tại sẽ tiếp tục để các cuộc đàm phán, dự kiến sẽ mất vài tháng hoặc lâu hơn, có thể đạt được kết luận.
Mỹ kêu gọi Iran phá bỏ vòng xoáy ăn miếng trả miếng với Israel Mỹ kêu gọi Iran dừng tấn công Israel để phá bỏ vòng xoáy ăn miếng, trả miếng giữa 2 cường quốc quân sự khu vực Trung Đông. Toàn cảnh Tehran, Iran sau khi có những tiếng nổ vang lên từ cuộc tập kích của Israel (Ảnh: Reuters). Mỹ ngày 26/10 kêu gọi Iran không tấn công đáp trả Israel để phá vỡ vòng...