Ẩn số cổ phiếu Bảo Việt
Gần cả chục năm cổ phiếu của tập đoàn Bảo Việt (BVH) luôn giao dịch khá ổn định quanh mức 50.000-60.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2010-2011 thị trường chứng khoán ảm đạm, thị giá BVH có thời điểm vẫn đứng ở mức 80.000 đồng/cổ phiếu.
Là doanh nghiệp dẫn đầu, chiếm thị phần cao nhất trong lĩnh vực bảo hiểm, cả nhân thọ và phi nhân thọ, dĩ nhiên Bảo Việt có ưu thế hơn nhiều so với các đơn vị cùng ngành nghề. Không những thế BVH còn là “con cưng” của Bộ Tài chính vì bộ đang sở hữu 72% cổ phần tập đoàn và có cổ đông chiến lược nước ngoài Sumitomo Life nắm giữ 17,48% vốn.
Với giá trị vốn hóa từ 2,5-3 tỉ đô la Mỹ tùy thời điểm, cổ phiếu Bảo Việt thường xuyên có mặt trong danh mục đầu tư của các quỹ ngoại, nhất là các tổ chức giao dịch bám sát diễn biến của VN-Index.
Theo HOSE, tính đến ngày 6-5-2019, nước ngoài đang sở hữu 24,78% cổ phần của Bảo Việt, tương đương 173,5 triệu đơn vị; Nhà nước nắm giữ 504,63 triệu đơn vị nữa, tỷ lệ cổ phiếu thuộc về cổ đông bên ngoài chỉ có 3,22% hay 22,17 triệu đơn vị.
Trong số này có 20,41 triệu cổ phiếu được phát hành cho cán bộ công nhân viên (ESOP) vào tháng 5-2018 với giá 35.900 đồng/cổ phiếu (60% bị hạn chế chuyển nhượng một năm; 40% còn lại bị hạn chế chuyển nhượng hai năm). Thành thử số cổ phiếu có thể giao dịch hàng ngày rất hạn chế, còn nhỉnh hơn 2 triệu đơn vị.
Chính vì lượng cổ phiếu trôi nổi quá thấp, có thể nói là mức thấp nhất trên sàn so với quy mô của một doanh nghiệp đầu ngành và có ảnh hưởng đến VN-Index, nên thanh khoản giao dịch của BVH thấp một cách thường trực, đồng thời thị giá ổn định ở mức cao. Chỉ số P/E (giá/lợi nhuận cổ phiếu) của BVH liên tục là 35-40 lần, gấp đôi gấp ba mức chung của toàn thị trường.
Tuần trước Bảo Việt công bố quyết định của hội đồng quản trị về việc đưa 60%, tức 12,25 triệu cổ phiếu phát hành cho người lao động vào diện tự do chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn từ ngày 2-5-2019. Lập tức cổ phiếu BVH giảm sàn và dư bán hàng triệu đơn vị.
Chẳng có gì khó hiểu ở đây. Số lượng cổ phiếu mới được giao dịch gấp 6 lần số cổ phiếu đang có thể giao dịch hàng ngày, trong khi người lao động lại được mua với giá ưu đãi, bán ở mức 45.000-50.000 đồng/cổ phiếu đã lời chán. Hà cớ gì mà người lao động không bán?
Video đang HOT
Vì ai cũng tranh bán, mà thanh khoản của BVH có truyền thống thấp, khối lượng giao dịch chỉ vài chục ngàn đơn vị/phiên, hẳn nhiên giá giảm. Quy luật cung cầu của thị trường là chuyện không thể chống lại. Nhìn sâu hơn, thị giá cổ phiếu Bảo Việt được neo cao suốt thời gian dài không phải chỉ vì giá trị thực của doanh nghiệp, mà còn do những yếu tố mang tính kỹ thuật.
Cùng hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (Bảo Việt có Ngân hàng TMCP Bảo Việt), thị giá cổ phiếu của Vietcombank, BIDV, VietinBank, Quân đội, ACB… hấp dẫn hơn rất nhiều xét cả dưới góc độ hiệu quả kinh doanh cũng như mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm. Đấy là chưa kể một số ngân hàng cũng có công ty bảo hiểm (thí dụ BIDV có BIC) hoặc góp vốn vào công ty bảo hiểm khác nhau.
Ngay cả so với một đồng nghiệp là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh, nơi Nhà nước đang sở hữu gần 51% cổ phần, chỉ số P/E của cổ phiếu Bảo Minh cũng chỉ bằng một nửa P/E của cổ phiếu Bảo Việt.
Giá nào là hợp lý cho cổ phiếu BVH? Đây là câu hỏi mà chỉ thị trường mới trả lời chính xác. Khi thị giá cổ phiếu BVH điều chỉnh đến một mức mà thị trường thấy chấp nhận được, thị trường sẽ có phản ứng, nhà đầu tư sẽ mua vào.
Với cổ đông nhà nước và cổ đông chiến lược ngoại, giá cổ phiếu Bảo Việt cao thấp không thành vấn đề vì cả hai đều không giao dịch. Có thể với Sumitomo Life việc thị giá cổ phiếu BVH điều chỉnh buộc họ phải ghi nhận một giá trị thấp hơn cho khoản đầu tư vào bảng cân đối tài chính chung.
Quan trọng lúc này là phản ứng của các quỹ đầu tư ngoại trước diễn biến cổ phiếu BVH. Hiện một số tổ chức nước ngoài như Market Vectors Vietnam ETF, LionGlobal Vietnam Fund, Wasatch Frontier Emerging Small Countries Fund… nắm hàng triệu cổ phiếu Bảo Việt.
Tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài sở hữu BVH đang là 7,3%, khoảng 51 triệu đơn vị (đã trừ ra phần sở hữu của Sumitomo Life).
Nhìn lại sự biến động bất ngờ của cổ phiếu một số doanh nghiệp gần đây do những nguyên nhân khác nhau như Yeah1, dự báo khối ngoại sẽ không “ngồi yên” nhìn giá trị khoản đầu tư thăng trầm. Thông thường họ sẽ hành động khi giá trị khoản đầu tư biến động 20% theo chiều lên hoặc xuống. Âu cũng là diễn biến bình thường của thị trường.
Thị giá một cổ phiếu phụ thuộc không nhỏ vào kỳ vọng của giới đầu tư đối với nó trong tương lai. Nếu một cổ phiếu thực sự có các chỉ tiêu cơ bản tốt, doanh thu lợi nhuận tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số hàng năm, thì nguồn cung bất ngờ sẽ dần dần được hấp thụ hết và thị giá sẽ trở về mức mà nó đáng được kỳ vọng và ngược lại. Còn sự hỗ trợ của các yếu tố kỹ thuật không thể là mãi mãi.
Theo thesaigontimes.vn
Petrolimex báo lãi "khủng" hơn 1.500 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng!
Bất chấp doanh thu thuần quý 1 năm nay của Petrolimex bị sụt giảm 7,6% so với cùng kỳ song tập đoàn này vẫn báo lãi "khủng" tới 1.568,4 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 1 năm ngoái. Lãi sau thuế hợp nhất tăng 29%, trong đó, lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ lên tới 1.201 tỷ đồng, tăng gần 34% so với kết quả cùng kỳ.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 3/5 trên sàn chứng khoán là nhiều mã cổ phiếu giảm bất chấp kết quả kinh doanh quý 1/2019 vẫn tăng trưởng tốt.
Chẳng hạn PLX của Petrolimex hôm qua quay đầu giảm 900 đồng tương ứng 1,44% còn 61.600 đồng dù cùng ngày tập đoàn này đã công bố báo cáo tài chính quý 1 với kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
Petrolimex vẫn tăng lãi rất mạnh trong quý I dù doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ
Mặc dù trong kỳ, doanh thu thuần của Petrolimex bị sụt giảm 7,6% so với cùng kỳ, đạt 41.960,8 tỷ đồng song nhờ giá vốn hàng bán giảm 9,6 % nên lợi nhuận gộp của "ông lớn" ngành xăng dầu vẫn khởi sắc với mức tăng gần 18%, đạt 3.778,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Petrolimex báo lãi trước thuế 1.568,4 tỷ đồng, tăng tới 30% so với cùng kỳ quý I/2018 và lãi sau thuế đạt 1.294,5 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ 1.201 tỷ đồng, tăng gần 34% so với kết quả cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán đã kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5 với trạng thái giảm điểm ở cả hai chỉ số: VN-Index mất 4,36 điểm tương ứng 0,45% còn 974,14 điểm và HNX-Index giảm 0,13 điểm tương ứng 0,12% còn 106,87 điểm.
Trên quy mô thị trường, số mã giảm vẫn đang nổi trội hơn số mã tăng giá. Có 368 mã giảm, 49 mã giảm sàn so với 289 mã tăng và 51 mã tăng trần.
Thanh khoản duy trì thấp, chưa thấy rõ dòng tiền tìm vào thị trường mua cổ phiếu xuống giá. Có tổng cộng 148,56 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương đương 3.309,68 tỷ đồng và hơn 26 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương đương 253,85 tỷ đồng.
Phiên này, cổ phiếu tiếp tục giảm sàn và gây tác động tiêu cực lên chỉ số chính. Mã này đánh mất thêm 5.700 đồng xuống còn 76.700 đồng khi 12,25 triệu cổ phiếu BVH tương đương với 60% lượng cổ phiếu ESOP trong đợt phát hành hồi năm ngoái được chuyển nhượng tự do trên sàn.
Số cổ phiếu "ưu đãi" này được Bảo Việt phát hành cho nhân viên cách đây 1 năm với mức giá chỉ 35.900 đồng so với thị giá thời điểm bấy giờ vào khoảng 90.000 đồng. Chính vì vậy, hoạt động "chốt lời" những cổ phiếu này khi đã được đưa vào lưu thông cũng là điều dễ hiểu.
Việc BVH giảm sàn trong phiên hôm qua đã khiến VN-Index mất 1,21 điểm trong khi bộ đội VIC và VHM giảm giá cũng tác động xấu lên chỉ số chính: VIC khiến chỉ số mất 1,07 điểm còn VHM khiến chỉ số mất 1,02 điểm.
Các mã lớn khác như GAS, PLX, BID, VRE, VCB, CTG cũng có một phiên giao dịch không thuận lợi và đều giảm giá. Ngược lại, VNM, NVL, STB, TCB, MBB tăng nhưng không đủ để bù đắp cho chỉ số.
BVSC nhận định, vào tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giằng co, đi ngang. VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng kẹp được chặn trên bởi vùng quanh 980 điểm và cận dưới nằm tại 965-968 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn vào cuối tuần tới và sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản này để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 986-992 điểm trong ngắn hạn.
Theo dantri.com.vn
Ảnh hưởng của cổ phiếu ESOP, BVH tiếp tục "lau sàn" Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua. Với lượng dư bán sàn lớn và không có lực mua như hiện tại khả năng cao là BVH sẽ duy trì mức giá sàn đến khi kết thúc...