Ăn rồi mới biết…cá ngừ đại dương
Vùng Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) không chỉ nổi tiếng với rừng dừa bạt ngàn cây trái mà hiện nay còn “vang danh” với nghề câu cá ngừ đại dương (một số nơi gọi là cá bò gù).
Vùng Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) không chỉ nổi tiếng với rừng dừa bạt ngàn cây trái mà hiện nay còn “vang danh” với nghề câu cá ngừ đại dương (một số nơi gọi là cá bò gù).
Xuân này, nhiều ngư dân xứ dừa “bỏ tết” theo… cá. “Mà phải là cá ngừ đại dương. Cá thường không đáng phải bỏ tết” – anh bạn ngư dân nói vậy. Và cũng chính anh cùng vợ bày tiệc cá ngừ đại dương khi chúng tôi đến thăm nhà dịp đầu năm.
Có lẽ cá ngừ đại dương là loại cá “hầm hố” nhất trong dòng họ cá ngừ bởi cái dáng mập, to, khỏe, căng và múp. Trung bình mỗi con nặng cỡ 40 – 50 kg. Giá dao động trên dưới 200.000/kg thịt phi lê. Con lớn nhất có thế lên tới cả tạ.
Video đang HOT
Chỉ cặp mắt cá thôi, chưng với gừng cũng được một tô khá nặng tay, ăn mát tới… ngút ngát mùa thu. Ngư dân còn kháo với nhau rằng cá ngừ có cặp mắt rất khỏe, có thể phát hiện con mồi từ xa khoảng vài trăm mét. Vì thế, mắt cá rất bổ ích cho người yếu thị lực.
Còn ức cá (phần trước bụng cá), ướp gia vị và nướng vài miếng thôi, bảo đảm cả nhà bốn, năm người có thể ăn trừ bữa. Riêng bộ lòng cá, xát muối sống, rửa sạch, luộc chín, xắt nhỏ rồi trộn với rau thơm, một ít lá húng, hành, ngò, đậu phộng, rưới nước mắm chua ngọt, ăn với bánh tráng giòn thì khỏi nói, chén mê tơi đến… quên lời vợ dặn “để bụng còn đi ăn giỗ!”.
Nhưng độc đáo nhất, để lại nhiều dư vị nhất vẫn là món thịt cá ngừ đại dương ăn sống với mù tạc. Thịt cá hầu như toàn nạc, không béo, giàu đạm và muối khoáng, rất tốt cho sức khỏe.
Trong lúc chị vợ bày món, anh chồng khui chai vang đỏ, cười tủm tỉm nói với khách: “Tui cảnh báo mấy ông Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) rằng ăn món này chỉ một lần, mấy ông sẽ cuồng cá ngừ – mù tạc cho mà coi. Khi đó đừng có mò vô Tam Quan tuần mấy bận là chết tui. Để tui còn đi theo tiếng gọi “thiêng liêng” của cá ngừ đại dương đặng nuôi vợ nuôi con nữa chớ”.
Cá ngừ đại dương phi lê có màu hồng tươi rất đẹp. Xắt cá thành từng miếng sắc cạnh, dài cỡ ngón tay. Gắp một miếng, đặt trên vài lá cải cay rồi quấn lại, chấm với xì dầu đã đánh mù tạc thì… biết nói gì đây? Hương vị của nó đưa ta lên đỉnh nồng nàn. Lá cải cay nhẹ tương tác với mù tạc cay nồng xộc thẳng vào mũi rồi nhanh chóng lan tỏa đến từng ngóc ngách của khứu giác và vị giác.
Anh nào bị cảm, đang khụt khịt, chỉ cần ăn miếng đầu tiên lập tức mũi được khai thông tức thì. Thông đến mức nước mắt “tuôn rơi” vì tuyến lệ bị kích thích bởi món ăn mời gọi. Nhưng rồi cảm giác cay nồng từ từ dịu lại khi ta nhai chầm chậm, lắng nghe vị ngòn ngọt, thanh thanh, không một chút tanh của thịt cá ngừ đại dương. Thỉnh thoảng ta có một thoáng lặng người khi bắt gặp hạt đậu phộng rang giòn giòn, thơm thơm tỏa lan trên đầu lưỡi.
Lúc ấy thì cái anh “vang” vốn đã đậm đà ý vị dường như tăng thêm chút vị chan chát, đủ để man mác, lâng lâng. Chợt thấy lời “cảnh báo” của anh bạn thật có lý: Ăn xong sẽ cuồng món cá ngừ đại dương – mù tạc.
Theo Thanhnien
Thơm giòn bún cá, bánh đa cá Hà Nội
Chua ngọt, mặn ngọt, nước dùng bún cá, bánh đa cá ở Hà Nội khá đa dạng. Tuy nhiên, vị giòn của cá chiên hầu như không thay đổi.
Bánh đa cá với bánh đa đỏ đậm và cá giòn
Hàng bún cá 30 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội) rất dễ nhận ra từ xa vào giờ cao điểm lúc 11 giờ 30. Đơn giản vì lúc nào cũng có người xếp hàng chờ.
"Thích một cái là cá ăn đến đâu rán đến đó nên rất giòn ngon", chị Nguyễn Thơ - một khách hàng ăn quanh năm tại hàng bún này cho biết. Thông thường chị Thơ gọi một đĩa cá rán giòn, sau đó mới ăn bún cá. Nước bún cá ở đây khá đậm vị xương, lại quyện thêm mùi thơm của rau cải xanh dễ chịu. Giá cả cũng hợp lý. Một bát bún cá 30.000 đồng, đĩa cá rán giá cũng vậy. Với tỷ lệ rau - tinh bột - đạm cân đối, đây là một điểm ăn trưa hợp lý.
Tuy nhiên, "hoa hậu" cá chiên lại thuộc về cá cuốn thịt của hàng bún cá tại số 5 ngõ Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Mọi người vẫn gọi đó là bún cá Sâm cây si. Nhà hàng dùng cá lọc bọc ra ngoài một viên thịt măm với mộc nhĩ, sau đó lăn bột chiên. Thông thường khách gọi mỗi người một viên cá cuốn như vậy ăn với nước chấm chua ngọt, sau đó mới gọi bún cá, bánh đa cá. Tuy cùng một hàng, song gần như có hai kíp phục vụ khách. Một chuyên rán và phục vụ cá cuốn thịt, một chuyên phục vụ bún cá. Cá viên chiên giá 10.000 đồng, bún cá 35.000 đồng. Nếu ai thích ăn bún cá với vị chua ngọt dịu của dứa thì đây là lựa chọn số 1.
Ngoài bún chan, bún trộn và bánh đa trộn cũng có vị chua ngọt khá dễ thương. Bún cá ở đây bán từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều, có chỗ để xe máy. Mặc dù vậy, tầm giờ ăn trưa, nhà hàng thường không đủ chỗ để xe cho khách. Một hàng cà phê cạnh đó đã đảm nhận việc này với giá 10.000 đồng/xe.
Phố Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) lại nổi tiếng với "cụm" bún cá ở 105 Quán Thánh. Có tới 2 hàng bún cá sát nhau tại đây là bún cá Văn và bún cá Huyền. Gọi là bún cá nhưng ở đây còn có cả chả cá, tôm và lòng cá. Những miếng bao tử cá sau khi được trần nóng có độ giòn sần sật khá thú vị. Sự đa dạng của nhân là lợi thế của bún cá Quán Thánh. Khách ăn ở đây có thể chủ động hỏi vị nước dùng khi gọi, vì bún cá Văn có vị chua ngọt, còn bún cá Huyền lại là vị mặn. Giá cả dao động phụ thuộc lượng nhân khi gọi: từ 30.000 - 45.000 đồng, bán từ 6 - 14 giờ.
Có một hàng bún cá ở Hà Nội cũng được yêu thích là bún cá Thái Bình 21D Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Hàng bún này đặc biệt ở chỗ cá được rim nghệ theo đúng kiểu quê hương năm tấn. Nước dùng của bát bún hơi đậm, chỉ chan sâm sấp với rau. Kiểu bún này hơi có nét tương đồng với bún canh ở Hà Nội. Hàng bún cá Thái Bình này có măng ngâm ăn kèm khá lạ và thơm. Mặc dù vậy, việc không có cá giòn là một điểm trừ cho quán nếu khách thích nhâm nhi cá trước khi chính thức ăn bún. Bún bán từ 7 - 14 giờ, giá 30.000 - 40.000 đồng/bát.
Nếu bạn thích bún cá với chả cá mỏng và dẻo dai thì nên đến ăn ở bún cá Hoa Long 30 Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng). Khách thường hay gọi một bát chả cá, giò và cá trần ăn riêng, sau đó mới gọi bát bún hoặc bánh đa cá. Dọc mùng ở đây được trần khéo và ngọt, trên nền nước dùng ninh xương kỹ. Bát bún đầy đặn có giá từ 30.000 - 50.000 đồng, tùy người gọi thích ít hay nhiều cá, bán từ 6 - 14 giờ.
Bún cá và bánh đa cá như một đôi bạn thân. Tiếng là hàng bún cá nhưng hàng nào cũng bán cả bánh đa. Thậm chí, có hàng khách ăn bánh đa còn nhiều hơn ăn bún. Nếu khách thích vị mềm mại có thể chọn bánh đa trắng, ai thích vị đậm nên chọn bánh đa đỏ. Bánh đa đỏ đặc biệt hợp với món trộn này nhờ độ dai.
Theo Thanhnien
Bánh xèo mực - đặc sản ngon mà lạ của thành phố biển Nha Trang Bánh xèo mực là món ăn nổi tiếng ở thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa bởi hương vị độc đáo và khác biệt với những nơi khác. Món bánh này hấp dẫn nhiều du khách thưởng thức khi tới đây tham quan. Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa nổi tiếng với nhiều đặc sản được chế biến từ hải sản, đặc biệt...