An ninh thắt chặt tại phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2
Sáng 19/9, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm.
An ninh khu vực tòa án được thắt chặt.
Khoảng 5h30 sáng 19/9, lực lượng công an đã có mặt tại TAND TPHCM để chuẩn bị an ninh cho phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
5h45, đoàn xe khoảng 15 chiếc áp giải bà Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo tới TAND TPHCM.
Các xe chở bị cáo di chuyển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Nhiều lực lượng tham gia bảo đảm an ninh có mặt trước cổng tòa án.
Các xe chở bị cáo được 3 mô tô của cảnh sát giao thông dẫn đường tiến vào sân tòa.
Video đang HOT
Bên trong sân tòa, khoảng 1.000 ghế ngồi, nhiều màn hình LED được chuẩn bị để cho các bị hại, người liên quan tới tham dự phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Xung quanh các tuyến đường khu vực tòa án như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Trực… , lực lượng chức năng túc trực để bảo đảm trật tự.
Tháng 4 vừa qua, bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị TAND TPHCM tuyên án tử hình về các tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ. Bà kháng cáo bản án và sẽ được xem xét vào tháng 10 sắp tới.
Trước cổng tòa được dựng 2 tấm bảng với nội dung “cấm quay phim chụp ảnh” và “cấm tập trung đông người”.
An ninh thắt chặt xung quanh TAND TPHCM.
Một số người dân chuẩn bị thức ăn trước khi phiên xét xử bắt đầu. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 19/10.
Xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng từ trái phiếu
Từ hôm nay 19.9 đến ngày 19.10, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị cáo ở giai đoạn 2 về các tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Hà (Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM).
Đối với hành vi phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện đã mất khả năng thanh toán. Tổng giá trị các gói trái phiếu là hơn 30.869 tỉ đồng, đến nay, còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỉ đồng. ẢNH: TTBC
Trước khi mở phiên tòa, TAND TP.HCM cũng có thông báo đối với 35.824 người bị hại, là các nhà đầu tư mua trái phiếu của mã QT.2018.12.01, ADC 2018.09, ADC 2018.09.01, ADC 2019.01, SET.H2025, SNW-2018.10, do Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP đầu tư Sunny Word, Công ty CP đầu tư Quang Thuận, theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên trang thông tin điện tử của TAND TP.HCM: https://hochiminhcity.toaan.gov.vn.
Đồng thời, tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại điều 62, điều 65 và điều 292 bộ luật Tố tụng hình sự và đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự, không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.
Cũng theo thông báo, đối với các cá nhân sở hữu trái phiếu nhưng không thuộc 6 mã trái phiếu trên phát hành sẽ không nằm trong phạm vi xét xử đối với vụ án này.
Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của các bị hại, đương sự, TAND TP.HCM đề nghị các bị hại (danh sách bị hại tại phụ lục 1A, phụ lục 1B, phụ lục 1C, phụ lục 1D, phụ lục lE, phụ lục 1F kèm theo quyết định đưa vụ án ra xét xử); người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (danh sách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại phụ lục 2 kèm theo quyết định đưa vụ án ra xét xử) kiểm tra thông tin cá nhân, số lượng trái phiếu nắm giữ. Nếu thông tin cá nhân và số lượng trái phiếu không trùng khớp hoặc có sai sót thì làm đơn yêu cầu điều chỉnh (kèm theo tài liệu chứng minh) gửi đến TAND TP.HCM, theo địa chỉ 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM.
Quyền lợi nhà đầu tư sẽ được đảm bảo như thế nào ?
Theo thạc sĩ Võ Văn Tài (Trưởng khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM), điều 62 bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bị hại có quyền "đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá". Đồng thời, theo điều 292 bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Từ đó, thạc sĩ Võ Văn Tài cho rằng trường hợp tòa xét xử vắng mặt người bị hại, người liên quan, thì họ có theo dõi diễn biến phiên tòa, và sau khi nhận bản án, nếu thấy quyền lợi bị ảnh hưởng tiếp tục kháng cáo nội dung liên quan đến mình trong bản án sơ thẩm lên TAND cấp cao tại TP.HCM để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Ở giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử ở 3 tội danh là lừa đảo nhà đầu tư trái phiếu hơn 30.000 tỉ đồng; rửa tiền với tổng số hơn 445.000 tỉ đồng; vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới tổng số tiền 4,5 tỉ USD (tương đương hơn 106.000 tỉ đồng). Song, một vấn đề trong vụ án là người bị hại sẽ được nhận bồi thường hay không và bị cáo Trương Mỹ Lan có khả năng bồi thường hay không.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, HĐXX sơ thẩm buộc bị cáo Lan bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 673.800 tỉ đồng, là dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17.10.2022. Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX tuyên giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp cho SCB để đảm bảo cho 1.243 khoản vay. Còn đối với các sai phạm khác của bị cáo Trương Mỹ Lan mà phải bồi thường thiệt hại, tòa sơ thẩm trong vụ án giai đoạn 1 nhận định: "Đối với các tài sản, khoản tiền mà HĐXX xác định để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án là bao gồm vụ án này - giai đoạn 1 và các vụ án của các giai đoạn tiếp theo nhưng ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu".
Ngoài ra, ngày 22.5.2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản gửi cơ quan tiến hành tố tụng về việc đề xuất phương án, xử lý khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 4.2024, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1, tuyên bị cáo Lan tử hình vì chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng. Dự kiến, cuối tháng 10.2024, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của Trương Mỹ Lan và một số bị cáo, người liên quan.
11/34 bị cáo từng bị tuyên án trong giai đoạn 1 vụ án Trương Mỹ Lan
Trong 34 bị cáo bị đưa ra xét xử ở giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm có 11 bị cáo đã bị xét xử và tuyên án ở giai đoạn 1. Sau bản án sơ thẩm giai đoạn 1, 11 bị cáo này cùng một số bị cáo khác có kháng cáo và đang chờ xét xử phúc thẩm.
11/34 bị cáo đã bị xét xử và tuyên án ở giai đoạn 1 về hành vi chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 677.000 tỉ đồng, gồm: bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM tuyên tử hình về tội "tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "đưa hối lộ", 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt là tử hình đối với bị cáo Lan. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại 673.800 tỉ đồng/1.243 khoản vay, sau khi trừ một số khoản vay đã được tất toán đến ngày 1.4.2024.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại Việt Nam - Times Square) bị tuyên 9 năm tù về tội "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng"; 2 bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) cùng bị tuyên tù chung thân về các tội "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"; bị cáo Bùi Đức Khoa (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Natural Land) bị tuyên 11 năm tù về tội "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Các bị cáo còn lại bị tuyên án về tội "tham ô tài sản": Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) 17 năm tù; Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 18 năm tù; Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 16 năm tù; Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù; Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor) 17 năm tù; Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Phó văn phòng HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 15 năm tù.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) hầu tòa cùng vợ trong giai đoạn 2 của vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. ẢNH: T.N
Công ty mua bán điện thuộc EVN sai phạm gì trong vụ án cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng? Quá trình điều tra vụ án liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện một số cá nhân thuộc Công ty Mua bán điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hành vi phạm tội liên quan đến Dự án điện Lộc Ninh 3, tỉnh...