An ninh Myanmar buộc dân dỡ chướng ngại vật
Binh sĩ và cảnh sát Myanmar ép dân chúng dỡ chướng ngại vật làm bằng tre, gạch đá và lốp xe trên các tuyến đường ở thành phố Yangon.
Lực lượng an ninh Myanmar ngày 20/3 tới từng ngôi nhà ở thành phố Yangon, yêu cầu dân địa phương tháo dỡ và dọn chướng ngại vật được dựng trên các tuyến phố. Những rào chắn này do người biểu tình dựng lên bằng các vật liệu sẵn có như bao cát, thùng rác, tre, lốp xe và gạch đá.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi tại Myanmar để phản đối quân đội đảo chính và bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, khiến lực lượng chức năng nước này sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để trấn áp.
Tun Hla, người đàn ông 60 tuổi sống tại Yangon, cho biết các nhân viên an ninh đập cửa nhà ông và yêu cầu tham gia phá dỡ một chướng ngại vật trong khu phố. “Tôi từng trải qua tình huống này trước đây và đáng lẽ nó không nên lặp lại”, Tun Hla nói và cho biết ông cùng hàng xóm dọn bao cát và cọc tre trên đường.
Sabel, 20 tuổi, cho biết binh sĩ đã chĩa súng ép cô và mẹ tháo dỡ chướng ngại vật trên con phố gần nhà. “Tay tôi bị trầy xước hết cả, rất đau”, Sabel cho hay, nói thêm rằng cô nhìn thấy lực lượng an ninh ép hai thiếu niên dỡ bao cát và tháo hàng rào tre trên phố.
Video đang HOT
Cảnh sát Myanmar giám sát dân địa phương tháo dỡ chướng ngại vật ở thành phố Yangon, ngày 19/3. Ảnh: AFP .
Tại thị trấn Aungban thuộc bang Shan, lực lượng an ninh Myanmar tới dỡ chướng ngại vật trên phố song bị dân địa phương ngăn lại. Các nhân viên an ninh ban đầu sử dụng hơi cay để đẩy lùi đám đông, song đụng độ bùng phát và họ nổ súng. Ít nhất 8 người thiệt mạng.
Các cuộc biểu tình tại Yangon, trung tâm thương mại của Myanmar, khiến chính quyền nước này ban lệnh thiết quân luật tại 6 quận với gần hai triệu dân. Nhiều người rời khỏi Yangon sau khi giới chức Myanmar ban hành lệnh phong tỏa tại thành phố này.
Tối 19/3, binh sĩ tiếp tục nổ súng tại thị trấn Mogok, khiến hai người thiệt mạng. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết tổng cộng 237 người đã bị bắn chết trong các cuộc biểu tình chống đảo chính cho tới nay.
Đến sáng nay, một số cuộc biểu tình nhỏ vẫn diễn ra ở vài địa phương. Tại Mandalay, một chiếc xe bất ngờ lao vào đám đông biểu tình, khiến vài người bị thương. Hiện chưa rõ động cơ của tài xế chiếc xe này. Tại thị trấn Monywa, hàng trăm người tiếp tục tuần hành phản đối chính quyền quân sự.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quân đội Myanmar tiếp tục hành động bạo lực với người biểu tình, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có “phản ứng thống nhất, vững chắc” với cuộc khủng hoảng ở nước này.
Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, yêu cầu chấm dứt bạo lực và trả tự do cho bà Suu Kyi. Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt với một số tướng quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính.
Cảnh sát Myanmar phá khóa nhà dân tìm người biểu tình
Người dân ở Yangon nói cảnh sát xông vào từng nhà để truy tìm người biểu tình, đặc biệt các nhà treo cờ đảng của bà Suu Kyi.
Người biểu tình Myanmar hôm 8/3 tập trung ở quận San Chaung, trung tâm thành phố Yangon, để kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Theo văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, khi đêm xuống, lực lượng an ninh bao vây một dãy phố với khoảng 200 người biểu tình bị mắc kẹt bên trong.
Những tiếng nổ lớn vang lên từ khu vực này, nhưng không rõ liệu đó có phải âm thanh do súng bắn hay lựu đạn choáng.
Người dân trong khu phố cho biết lực lượng an ninh bắt đầu lục soát từng căn hộ từ 1h sáng 9/3, thời điểm mạng Internet bị cắt hàng đêm trên khắp đất nước. Họ tập trung khám xét những căn hộ treo cờ đỏ và vàng của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ngoài ban công.
Người biểu tình phản ứng khi bị cảnh sát xịt hơi cay ở thành phố Yangon, Myanmar hôm 8/3. Ảnh: AFP .
Một người dân cho biết nhà cô, nơi không có người biểu tình nào ẩn náu, cũng bị khám xét. "Họ lục soát mọi tòa nhà trên đường Kyun Taw. Họ phá khóa các tòa chung cư nếu bị chặn ở tầng dưới", người dân này cho biết, thêm rằng cô nghe nói hàng chục người đã bị bắt.
Đại sứ quán một số nước ở Yangon, gồm Mỹ và Anh, đã kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar thả người biểu tình bị kẹt ở San Chaung. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi "kiềm chế tối đa", "thả tất cả người biểu tình một cách an toàn, không có bạo lực hoặc bắt giam".
Đến rạng sáng, lực lượng an ninh rút đi nên một số người biểu tình được rời khỏi khu vực này.
San Chaung, một quận hào nhoáng, nổi tiếng với các quán cà phê, quán bar và nhà hàng, đã biến đổi từ khi phong trào biểu tình bắt đầu. Những rào chắn bằng tre, bao cát, bàn và dây thép gai được người biểu tình dựng lên khắp nơi để ngăn cản lực lượng an ninh.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng thực phẩm ở San Chaung tăng nhanh chóng trong sáng nay. "Chúng tôi cần phải bán hàng xong trước 9h, sẽ có bố ráp trở lại trên đường phố", một người nói.
Cuộc bố ráp ở San Chaung diễn ra sau khi ba người biểu tình bị bắn chết hôm 7/3. Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ sau đảo chính. Quân đội phủ nhận trách nhiệm trong các vụ người biểu tình bị bắn chết, đồng thời khẳng định họ nắm quyền vì đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử mà NLD giành chiến thắng.
Quan chức đảng của bà Suu Kyi và cháu trai bị đâm chết Gia đình quan chức đảng NLD của Aung San Suu Kyi bị nhóm ủng hộ đảng do quân đội Myanmar hậu thuẫn tấn công, khiến ông và cháu trai 17 tuổi thiệt mạng. Htway Naing, 53 tuổi, chủ tịch đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) tại làng Kyaung Gone Gyi hôm 5/3 cùng 6 thành viên gia đình đang trên...