An ninh mạng: Mỹ vẫn chưa tin tưởng Nga?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã thảo luận về an ninh mạng tại TP Hamburg – Đức nhưng không có nghĩa là “hai nước sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này vào ngày mai”, theo một quan chức Moscow.
Quan chức Nga góp mặt trong phái đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 7 và 8-7, bà Svetlana Lukash, cho rằng có lẽ Tổng thống Donald Trump chưa sẵn sàng để thành lập một đơn vị an ninh mạng với Nga vào thời điểm này.
Bà Lukash xác nhận Tổng thống Nga đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ về an ninh mạng trong 40 phút ở TP Hamburg – Đức, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, cần thời gian để cho ra đời một ủy ban an ninh mạng chung do Nga – Mỹ thiết lập hoặc được Liên Hiệp Quốc ủng hộ.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump ngày 9-7 tuyên bố ngừng kế hoạch thành lập một đơn vị an ninh mạng với Nga, vài giờ sau khi đề xuất của ông bị các thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích gay gắt vì “không thể tin tưởng Moscow”.
“Thực tế là Tổng thống Putin và tôi đã thảo luận về việc thành lập một đơn vị an ninh mạng nhưng không có nghĩa là điều đó sẽ xảy ra. Nó không thể” – ông Donald Trump viết trên Twitter.
Video đang HOT
Tổng thống Putin (trái) đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về an ninh mạng tại Đức. Ảnh: REUTERS
Nghị sĩ Dân chủ Don Beyer (bang Virginia) cũng vừa đề xuất một dự luật quốc phòng, nội dung ngăn chặn Lầu Năm Góc sử dụng quỹ để “chia sẻ thông tin tình báo, thiết bị, nhân viên hoặc cơ sở hạ tầng mạng” của Mỹ cho Nga.
Đề xuất này có thể sẽ không được Hạ viện xem xét. Các đảng viên Dân chủ muốn sử dụng dự luật này nhằm tác động Tổng thống Donald Trump về Nga và một số vấn đề khác.
Thêm một dự luật do nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego (bang Arizona) trình lên quốc hội, yêu cầu thông qua kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ hồi tháng 1, trong đó khẳng định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ tháng 11-2016.
Hôm 10-7, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Huckabee Sanders, tiết lộ trong cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama áp đặt sau cáo buộc nước này can thiệp bầu cử Mỹ.
Sau khi hỏi Nga có dính líu tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 hay không và ông Putin phủ nhận, Tổng thống Donald Trump đã chuyển sang một số chủ đề quan trọng khác bao gồm khủng hoảng Ukraine, chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên và nội chiến Syria, bà Sanders cho biết thêm.
Phạm Nghĩa (Theo Reuters, CNN)
Ông Abe giục ông Tập cắt nguồn dầu sang Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Bản hối thúc Chủ tịch Trung Quốc thể hiện vai trò trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trái, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đức. Ảnh: Kyodo.
Ông Shinzo Abe đã thúc giục ông Tập Cận Bình ngừng xuất khẩu dầu sang Triều Tiên, khi hai lãnh đạo gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần qua tại Đức, Nikkei ngày 11/7 dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ cho hay.
"Việc tăng áp lực lên Triều Tiên đang là vấn đề cốt yếu, và tôi muốn ông đóng vai trò mang tính xây dựng hơn", ông Abe nói với ông Tập.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đang thực hiện trách nhiệm của mình để thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng, nhắc đến việc đã ngưng nhập khẩu than đá của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Tập cho hay Trung Quốc tập trung vào đối thoại song song với lệnh trừng phạt, phản đối "các lệnh trừng phạt đơn phương".
Nikkei dẫn số liệu chính thức cho thấy đến năm 2013, Trung Quốc xuất khoảng 500.000 tấn dầu cho Triều Tiên mỗi năm. Từ năm 2014 trở đi, xuất khẩu dầu mỏ của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm dần và ngưng hẳn. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn bị cho là bí mật cấp dầu thô cho Bình Nhưỡng.
Trung Quốc được cho là chưa quyết tâm ngưng xuất dầu sang Triều Tiên do lo ngại động thái có thể khiến người tị nạn tràn qua biên giới sang Bắc Kinh.
Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết giá dầu mỏ đang có mức giá cao ở Triều Tiên. Chưa rõ nguyên nhân là do Bắc Kinh giảm xuất dầu sang hay do Bình Nhưỡng hạn chế đưa ra thị trường.
Triều Tiên nhập dầu chủ yếu từ Trung Quốc, nên Bắc Kinh đang được coi là có vai trò đòn bẩy quan trọng trong việc trừng phạt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng
Nhật Bản đang nỗ lực hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc nhằm tăng cường áp lực lên Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga ủng hộ đối thoại để tìm ra giải pháp cho bất đồng ở khu vực này.
Khánh Lynh
Theo VNE
Mỹ xin lỗi vì viết nhầm Trung Quốc thành Đài Loan Mỹ được cho là đã xin lỗi Trung Quốc sau khi Nhà Trắng gọi nhầm ông Tập Cận Bình là lãnh đạo "Trung Hoa Dân Quốc". Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trong cuộc gặp tại Đức. Ảnh: Reuters. "Phía Mỹ đã xin lỗi và nói đây là lỗi kỹ thuật và nó đã được chỉnh sửa", CGTN, kênh tiếng Anh...