An ninh hàng không Mỹ khiếm khuyết sau vụ 11/9
Hơn 1 thập kỷ sau khi những tên không tặc cướp máy bay Mỹ và dùng chúng như vũ khí chết người trong vụ tấn công khủng bố 11/9, một báo cáo công bố mới đây cho thấy các biện pháp an ninh của các trường đào tạo phi công Mỹ vẫn còn nhiều khiếm khuyết .
Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 tại Khu vực số 0 ở New York. Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo nghị sĩ Mike Rogers, lãnh đạo tiểu ban của Hạ viện Mỹ về an ninh giao thông, những điểm yếu này là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và đặc biệt đáng quan ngại.
Sau các vụ khủng bố 11/9, vốn làm 3.000 người thiệt mạng, Cơ quan an ninh giao thông vận tải Mỹ (TSA) đã được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động đánh giá rủi ro với các học viên nước ngoài muốn trở thành phi công.
Nhưng báo cáo từ tiểu ban của Roger cho thấy bất chấp hoạt động an ninh được tăng cường, một số phi công vẫn được huấn luyện dù chưa được kiểm tra lý lịch, hoặc trước khi việc kiểm tra hoàn tất. “Vì thế, những người nước ngoài muốn được huấn luyện bay với ý đồ xấu, giống như ba phi công và các đầu sỏ của vụ khủng bố 11/9, vẫn có thể đã được đào tạo đủ để điều hành một chiếc máy bay, trước khi chúng bị ngăn chặn” – báo cáo nói.
Ngoài ra, TSA cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong quá trình thu thập thông tin lịch sử phạm tội của ai đó. Dù TSA đang nỗ lực thiết lập các tiến trình giúp nhận diện những người nước ngoài vi phạm quy định nhập cư, hệ thống này vẫn còn khiếm khuyết.
Roger nói rằng Bộ An ninh Nội địa (DHS) cần khôn ngoan hơn trên vấn đề an ninh. Ông cho rằng cơ quan này đã dành quá nhiều nỗ lực để kiểm tra những người chứa rủi ro thấp như “bệnh nhân ung thư, cựu chiến binh Iraq và cả những người từng đoạt giải Nobel”. Trong khi đó họ lại để lộ nhiều khoảng trống trong việc soi xét những người nước ngoài tới Mỹ học bay.
Kerwin Wilson, Tổng giám đốc hàng không của TSA và DHS, cho biết TSA hiện vẫn đang nỗ lực hoàn thiện các quy trình an ninh và sẽ xử lý các vấn đề mà báo cáo nêu ra./.
Theo TTXVN
Video đang HOT
Nhiệm vụ lịch sử của phi công Mỹ ngày 11/9
Gần 10 năm trước, vào ngày 11/9/2001, thiếu tá không quân Dan Caine phải đứng trước một nhiệm vụ mà anh chưa bao giờ hình dung ra: bắn hạ những chiếc máy bay bất tuân mệnh lệnh tránh xa khỏi thủ đô Washington.
Với các phi công tại căn cứ không quân Andews thuộc bang Maryland, đó là một buổi sáng được bắt đầu bình thường như bao ngày huấn luyện khác, Caine nhớ lại. Bỗng nhiên, một binh nhì trẻ tuổi chạy tới và thông báo ngắn gọn: "Một chiếc máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới."
Đây có lẽ là hình ảnh mà Caine nhìn thấy trên TV khi đó: một chiếc máy bay thứ hai đang lao về phía tòa tháp thứ hai của WTC, trong khi tòa tháp đầu tiên vừa bị tấn công. Ảnh chụp màn hình: CNBC
Caine, khi đó 33 tuổi, chạy tới bên chiếc TV đặt trong phòng nghỉ của các phi công và theo dõi các bản tin từ New York. Vết thủng lớn tại tòa nhà biểu tượng của nền kinh tế Mỹ cho thấy nó không thể bị đâm bởi một chiếc phi cơ nhỏ. Caine nhanh chóng có câu trả lời chính xác cho boăn khoăn của mình, khi một chiếc máy bay chở khách khác xuất hiện từ phía bên phải của màn hình, rồi lao thẳng vào tòa tháp thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Trong quãng thời gian hỗn loạn ngay sau đó, Nhà Trắng, chứ không phải là các tướng lĩnh quân đội, đã gọi trực tiếp cho phi đội của Caine, và yêu cầu họ "làm tất cả những gì có thể ở trên không ngay lập tức".
Trong một tóm tắt ngắn gọn tình hình trước khi Caine và các đồng đội xuất kích, chỉ huy đơn vị, lữ đoàn trưởng David Wherley, đã truyền mệnh lệnh của Nhà Trắng có nội dung cần phải bảo vệ "quyền chỉ huy quốc gia" tại thủ đô Washington khỏi bất kỳ một cuộc tấn công nào khác.
Phạm vi của nhiệm vụ rất rộng, và chẳng có nghi ngờ gì với việc các phi công sẽ phải bắn hạ bất cứ chiếc máy bay nào từ chối tuân theo các cảnh báo. Đó là một viễn cảnh không vui vẻ gì.
"Tôi sẽ phải bấm nút khai hỏa để bắn hạ bất cứ một chiếc máy bay nào", Caine, viên đại tá có vẻ ngoài trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 43, nói. Dẫu vậy, Caine và các đồng đội vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ để ngăn chặn những cuộc tấn công tiếp theo. "Bất kể thế nào đi nữa, chúng tôi không muốn có thêm những chiếc máy bay lao vào các tòa nhà."
Theo kết quả điều tra của ủy ban 11/9, ngoài đơn vị của Caine, không có đội máy bay chiến đấu nào của Mỹ nhận được lệnh bắn hạ các máy bay khả nghi, trong bối cảnh hỗn loạn ngự trị khi đó.
Một chiếc F-16 của quân đội Mỹ. Ảnh: Wallpapergate
Caine chạy ra đường băng để tới chiếc máy bay của anh, trèo lên thang để vào buồng lái, và rồi trông thấy một cột khói màu đen bốc lên từ cách đó khoảng gần 6 km. "Đó chính là Lầu Năm Góc đang bốc cháy", viên phi công nói.
Những binh sĩ trẻ măng chịu trách nhiệm về đạn dược đã toát mồ hôi như tắm khi họ lắp các tên lửa vào máy bay. Đó là lần đầu tiên trong đời họ làm một việc như vậy. "Tôi vẫn nhớ những cái nhìn sợ hãi ấy", Caine quả quyết.
Khi Caine khởi động chiếc máy bay, sóng vô tuyến để liên lạc giữa phi công với mặt đất trở nên nhiễu loạn trong một mớ bòng bong. Các kiểm soát viên không lưu quân sự và dân sự cuống cuồng cố gắng tìm cách liên lạc, để biết liệu có còn chiếc máy bay nào đang lao về Nhà Trắng hay tòa nhà Quốc hội Mỹ hay không.
"Tôi cho máy bay cất cánh và liên lạc radar đầu tiên của tôi với một máy bay khác là ở phía bắc của tòa nhà Quốc hội, ở độ cao 90 m và khoảng cách 11 km. Bắn hay không bắn? Tôi cảm thấy tồi tệ, có lẽ tôi sợ", Caine kể lại thời khắc không thể quên ấy.
Cuối cùng thì chiếc máy bay khả nghi hóa ra lại là một trực thăng đang di chuyển cấp cứu, mà không biết rằng vùng thủ đô Washington là vùng cấm bay. Hàng chục chiếc máy bay khác khi đó cũng đang hướng về thủ đô, bao gồm cả các trực thăng của cảnh sát và những chiếc chuyên cơ. Tất cả đều chưa biết tới lệnh cấm bay.
Cùng với 3 chiếc F-16 khác của các đồng đội, chiếc máy bay của Caine có nhiệm vụ đảm bảo rằng những phi cơ đang hướng tới Washington sẽ buộc phải thay đổi hành trình. Trong khi đó, 4 chiếc F-15 từ một đơn vị khác tại Langley, bang Virginia bay ở độ cao lớn hơn trong nỗ lực giải quyết tình trạng hỗn loạn.
Khi một vài chiếc máy bay không trả lời ngay lập tức đối với lệnh buộc phải tránh xa thủ đô Washington, Caine và các đồng đội bay tới ngay phía trước những máy bay này ở một khoảng cách không thể gần hơn. Việc đột nhiên nhìn thấy một chiếc F-16 bay ngay bên cạnh thực sự có tính thuyết phục cao hơn so với những mệnh lệnh bằng sóng vô tuyến.
Sơ đồ đường bay của chiếc máy bay mang số hiệu 93 và nơi nó lao xuống ở bang Pennsylvania. Đồ họa: Wikipedia
Caine khi ấy không biết về chiếc máy bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines đã rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania, cách thủ đô Washinton khoảng 20 phút bay. Kết quả điều tra sau này cho thấy những kẻ khủng bố giành được quyền kiểm soát chiếc máy bay, rồi đổi hành trình quay ngược trở lại hướng thủ đô Washington, với mục tiêu có thể là Nhà Trắng hoặc tòa nhà Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc giằng co giữa các hành khách và những kẻ khủng bố ngay tại buồng lái chiếc máy bay khiến nó lao thẳng xuống mặt đất.
"Tôi không biết liệu khi đó chúng tôi có thể giúp được gì cho những người trên chuyến bay đó hay không", Caine nói.
Sau khi ngăn chặn và ra lệnh đổi hướng bay với hàng loạt phi cơ, công việc của Caine trở nên dễ dàng hơn vì các hãng hàng không dân dụng đồng loạt ngừng tất cả các chuyến bay vào chiều hôm đó. Caine và các đồng đội cũng nhận được tiếp viện khi nhiều máy bay quân sự khác xuất hiện, với hàng chục chiếc phi cơ chiến đấu quần thảo trên bầu trời, trong đó có hai chiếc làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không.
Caine trở về căn cứ chiều hôm đó sau 6 giờ liên tiếp bay trên chiếc F-16. Anh về nhà hai ngày sau đó. Caine sau này tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố mà chính phủ Mỹ phát động, trong vai trò kiểm soát viên không lưu tuyến đầu, với những nhiệm vụ oanh kích mạng lưới Al-Qaeda tại vùng núi Tora Bora ở Afghanistan.
Theo VNExpress