Ăn nhiều đường mau già
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, ăn ngọt nhiều có thể khiến bạn trông già hơn tuổi.
Ảnh minh họa
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Age Journal (Mỹ) cho thấy, mức đường huyết có liên quan đến hình thức bên ngoài của một người. Cụ thể, cứ tăng 1 millimole đường trong mỗi một lít máu, có thể khiến khuôn mặt của một người trông già hơn năm tháng tuổi.
Một cuộc nghiên cứu khác trên Tạp chí British Journal of Dermatology (Anh) vào năm 2007 cũng chứng minh điều tương tự. Theo đó, chất collagen và protein có tác dụng giúp duy trì độ ẩm và tính co giãn của làn da dường như có thể bị tổn hại do quá trình glycation gây ra.
Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, glycation là một tiến trình khi mức đường huyết cao kết hợp với các protein, tạo thành các protein không mong muốn, gây nên những tổn hại cho làn da.
Video đang HOT
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, nếu muốn duy trì sự trẻ trung, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại đường. Tuy nhiên, bạn không cần phải kiêng cữ hoàn toàn mà chỉ nên tiêu thụ đường ở mức độ vừa phải.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, việc hạn chế tiêu thụ đường và các loại thực phẩm ngọt khác không chỉ giúp kiểm soát mức đường huyết nhằm ngừa bệnh tiểu đường, mà còn tạo cho nét mặt của bạn luôn tươi trẻ. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do khác tạo động lực cho bạn tránh tiêu thụ quá nhiều đường. Ví dụ, một nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, việc tiêu thụ nhiều đường còn có thể gây hại cho não của bạn.
Theo PNO
Cổ họng không vô cớ viêm!
Không ai vui gì khi chỉ nuốt nước bọt cũng đau, khi vài ngày lại khan tiếng. Viêm họng mãn là nỗi khổ của nhiều người, đặc biệt ở giới phải làm việc trong văn phòng đóng kín cửa lại thêm máy lạnh chạy hết ga.
Bệnh rõ ràng dễ phát tán nếu vùng yết hầu, lòng bàn chân, dọc cột xương sống không được giữ ấm nhưng cũng còn thêm một số yếu tố khác là do chính chúng ta tự rước họa vào thân. Đó là:
- Ăn ngọt quá thường xuyên mà không ngờ chất ngọt vướng lại ở kẽ răng, khi lên men là món béo bở của tập thể vi khuẩn sống chực chờ trong vòm miệng.
- Sợ hôi miệng nên ngậm kẹo thuốc quá thường xuyên khiến khô niêm mạc miệng do tác hại của chất đường trong các loại thuốc ngậm. Niêm mạc vùng hầu họng vì quá khô nên dễ bị kích ứng khi gặp nóng lạnh thất thường vì bụi trong máy lạnh, máy in, do hóa chất trong nước lau nhà, lau kính.
- Thanh trùng vùng hầu họng nhiều lần trong ngày bằng nước súc miệng khiến nấm mốc núp kín trên góc lưỡi. Thành phần này vốn giữ vai trò tương tranh với vi khuẩn trong vòm miệng nên dễ phát tán nếu vi khuẩn bị diệt. Thay vì chọn nước súc miệng bằng hóa chất để theo kiểu giết gà bằng dao mổ trâu thì nên cạo lưỡi mỗi ngày. Súc miệng bằng nước trà pha muối để bảo vệ niêm mạc răng nướu, nhờ muối cộng với nước bọt thành dung dịch thanh khuẩn theo kiểu cây nhà lá vườn.
- Cũng dễ viêm họng là thói quen đánh răng ngay sau khi ăn chua. Vệ sinh răng miệng là đúng nhưng đừng vội vã sau khi ăn trái cây, sau khi dùng sữa chua vì men răng dễ bị bào mòn nên răng thành nơi thuận tiện để vi khuẩn tác quái. Viêm nha chu bao giờ cũng rủ rê viêm mũi, viêm tai và nhất là viêm họng.
- Uống nước ngọt có gaz nhiều lần trong ngày khiến vùng hầu họng vừa nhạy cảm với kích ứng ngoại lai vừa xói mòn sức đề kháng do tác động của chất phụ gia trong nước giải khát công nghệ.
- Có bệnh bội nhiễm trong loa tai, trong xoang mũi không được điều trị đến nơi đến chốn nên vi khuẩn sinh bệnh len lén xâm lấn vùng cổ họng.
- Chất chua trong dạ dày lội ngược đường thực quản và đánh lén vùng cổ họng, như trong
trường hợp bệnh lý mang tên hội chứng trào ngược ở người bị viêm loét vùng thượng vị. Tình trạng này càng rõ nét nữa ở đối tượng thường gối đầu quá thấp khi ngủ.
- Hậu quả của tình trạng dị ứng với thực phẩm nào đó nhưng không dưới dạng mẩn ngứa nên ngay cả nạn nhân cũng không ngờ.
- Uống nước không đủ hay uống đủ nhưng quá nhanh khiến niêm mạc toàn vòm miệng chẳng khác nào cây kiểng không được tưới nước lại thêm gặp hạn nắng nóng kéo dài.
Đừng tưởng viêm họng chỉ là chuyện nhỏ. Mỗi lần cổ họng viêm tấy, mỗi lần vùng yết hầu bị bội nhiễm là thêm một lần sức đề kháng bị suy giảm. Mỏng dần thì có lúc phải thủng. Nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác chỉ chờ có bấy nhiêu để thừa "nước đục thả câu".
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Người lao động